VRNs (15.08.2011) - Sài Gòn - Năm đó chúng tôi không còn được tiếp tục học, nên phải chọn nghề đi làm về góp tiền để sống chung với nhau.
Tôi chọn nghề đi làm chìa sửa khoá ở lề đường. Buổi trưa, mấy anh bạn làm nghề đạp xích lô, đẩy xe ba gác và tôi vào sân nhà thờ chính toà Đà nẵng ngồi ăn trưa và nghỉ ngơi mấy phút. Hôm đó có mấy người khác cũng vào sân nhà thờ, và họ tò mò đứng đọc bảng thông báo, giờ lễ ở cửa nhà thờ. Bỗng một ông trung niên, không có đạo, chỉ cho bạn mình lịch Lễ trong tuần: 15 tháng 8 Lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ông nói: linh hồn lên Trời thì hiểu được, sao xác lại có thể lên Trời? Rồi cả hai im lặng ra chiều suy nghĩ. Sau này tôi không gặp lại những người đó bao giờ nữa, nhưng câu hỏi ấy tôi vẫn nhớ, và tôi tin rằng Mẹ sẽ có cách dạy bảo cho những người con thiện chí về những mầu nhiệm thiên linh.
Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đừng nói đến người ngoại giáo, ngay cả anh em Tin Lành cũng không chấp nhận chân lý này được. Thỉnh thoảng tôi đọc các trang web của anh em Tin Lành, thấy họ có vẻ rất bực bội trước những hồng ân Chúa ban cho Mẹ của Người. Vài năm trước, cha Nguyễn Thanh Sơn ở Đà nẵng gọi điện thoại vào nhờ tôi dạy giáo lý cho Oliver Chapman, một giáo viên người Anh đang sinh sống tại Sài gòn. Oliver theo Anh giáo, và lúc đó muốn trở lại Công giáo. Giáo lý Anh giáo và Công giáo không khác nhau nhiều, nên anh chấp nhận mọi vấn đề một cách dễ dàng. Nhưng khi chúng tôi thảo luận về Đức Maria thì anh có vẻ rất thắc mắc. Anh hỏi, như tất cả tín đồ các tôn giáo khác tin Chúa Giêsu: “Sao chúng ta phải tôn kính Bà Mary? Bà chỉ là mẹ sinh ra Chúa Giêsu ở trần gian”. Tôi giải thích cho anh, và đúng lúc đó anh nhận được thư và hình ảnh của mẹ anh từ quê nhà gửi sang. Anh khoe với tôi hình mẹ anh, và anh có vẻ nhớ nhà nhiều lắm. Tôi nói nhỏ: “Oliver này, tôi mến anh, như vậy tôi cũng mến mẹ anh nữa”. Oliver nhìn tôi, gật gù: “Đúng rồi, mình mến ai thì cũng mến người đã sinh ra người ấy”. Tin Mẹ Hồn Xác Lên Trời để yêu mến Đấng Cứu Thế hơn.
Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu của tôi là những buổi tối cùng với mọi người trong xứ đạo họp nhau lần lượt ở từng nhà để đọc kinh kính Mẹ vào tháng Hoa hay tháng Mân côi. Tiếng hát “Mẹ ơi, bao người lạc bước lưu đày…” trong những giờ kinh ấy đến tận bây giờ vẫn còn vang lên dịu dàng trong tâm hồn tôi. Phận người lưu đày còn gì diễm phúc hơn khi biết mình có một người Mẹ vẫn chờ đợi ở quê nhà. Thánh Phaolô nói: “Quê hương chúng ta ở trên Trời” (Phil. 3,20). Quê hương chúng ta có một người Cha nhân hậu vẫn chờ đợi chúng ta từng giây phút, và ngày Ngài đến phán xét, chúng ta sẽ run sợ biết bao trước sự công minh vô cùng của Ngài. Nhưng may mắn, chúng ta còn có một người Mẹ vẫn ở quê nhà chờ đón. Giáo Hội không dạy, nhưng tôi vẫn tin rằng trong ngày phán xét chí thánh ấy, Mẹ hiền của chúng ta sẽ đến ngự bên Con của Mẹ, vị Thẩm Phán rất mực công minh và đầy yêu thương. Tin Mẹ Hồn Xác Lên Trời để vững tâm chờ ngày hồng phúc.
Biến cố 1975 dạy chúng ta nhiều bài học. Những bài học về việc tin tưởng để rồi bị lừa lọc. Những bài học về việc chạy theo một ảo ảnh và thấy mình cũng biến tan. Nhưng một bài học khác, cũng tuyệt vời, ấy là sự đợi chờ một viễn cảnh tuy xa mà rất gần gũi. Những người có thân nhân ở hải ngoại chờ được bảo lãnh. Những người ở phương Bắc có người thân vàoNamlàm ăn, chuẩn bị nhà cửa để đón họ vào. Trong những người bảo lãnh ta ấy, nếu có mẹ ta thì mọi chuyện sẽ vô cùng nhanh chóng, vì mẹ muôn đời là mẹ. Chúa Giêsu về Trời, chắc chắn với uy quyền và lòng hiếu thảo, Người bảo lãnh Mẹ Người nhanh chóng. Và bây giờ đến lượt Mẹ, Mẹ đang bảo lãnh cho đoàn con. Và nếu hiểu một cách đơn sơ như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được mầu nhiệm Mẹ Hồn Xác Lên Trời mà không cần phải tìm bằng chứng sâu xa như các nhà thần học, và cũng không thắc mắc như những người chưa tin vào mầu nhiệm này.
Nhưng Mẹ không ở một nơi trên Trời để chỉ nghe con cái mà thôi. Mẹ hiện diện giữa đoàn con và Mẹ trực tiếp đưa tay nâng đỡ trong mọi tình huống. Giáo Hội dạy chúng ta về lòng sùng kính Mẹ “Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (GH. Số 67). Khi đọc lời răn dạy này, người ta thường né tránh những việc làm mang tính tình cảm, việc cầu nguyện với Mẹ lâu giờ, và nhất là người ta thường né tránh những hiện tượng lạ được một số người cho là Mẹ thực hiện ở trần gian. Nhưng Giáo Hội không cấm chúng ta sống tình cảm với Mẹ, Giáo Hội chỉ nhấn mạnh việc noi gương Mẹ để sống xứng phận làm con Chúa. Nếu tình cảm chúng ta chân thật và dẫn đến việc sống lời Mẹ dạy, thì quả là điều tốt đẹp. Tình cảm mẹ con vẫn là tình cảm thiêng liêng nhất, và người ngoài cuộc không thể hiểu được bí mật giữa mẹ – con. Và nếu Mẹ làm phép lạ giữa đời sống thường nhật của con cái Mẹ, và nhờ những phép lạ này mà con cái Mẹ hoán cải cuộc sống, thì cũng là việc của tình mẹ con.
Khi nghe sự lạ “Đức Mẹ khóc” xảy ra nơi tượng Mẹ Hòa Bình trước nhà thờ Đức Bà Sài-gòn, người ta phản ứng theo những cách thức trái ngược nhau. Nhiều người tin chắc chắn đó là phép lạ, không cần kiểm chứng. Một số người thì bán tin bán nghi, nhưng cũng nhất định chạy đến coi “sự thể ra làm sao”. Nhiều người khác thì không quan tâm chút nào đến những sự kiện lạ thường. Và đặc biệt là có một số người la toáng lên, mỉa mai niềm tin của những người Công giáo mà họ cho là ngây thơ, và lợi dụng dịp này để công kích Giáo Hội, công kích cả đến Giáo Hội bên trời Tây, nơi mà có lẽ người ta chưa kịp nghe về hiện tượng này. Cả người trí thức cũng nhận định hiện tượng này một cách võ đoán. Lạ nữa là có hai ông linh mục leo lên TV tuyên bố y như hai ông là giáo hoàng của Giáo hội Việt nam kiêm luôn chức công an khu vực, kêu thiên hạ đừng tin. Có người trách hai ông linh mục ấy nặng lời, nhưng tôi chẳng trách mất công. Dễ gì được leo lên TV, đúng không nào? Bây giờ may ra người ta chỉ nhớ hai bản mặt già nua được quay cận cảnh, vậy là oai rồi, chứ đố ai nhớ hai ông nói gì. Mà cũng chả chắc hai ông có muốn nhớ không. Sau đó mấy ngày, có một giảng viên đứng tuổi ở Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Sài-gòn nói với các giảng viên khác “làm sao một bức tượng bằng xi-măng có thể chảy nước mắt được?”. Nghe câu đó, tôi chỉ nói “có nhiều cách phê phán một sự kiện, nhưng nếu phê phán thì các thầy nên chọn cách nói sao cho người nghe có cảm tưởng là mình hiểu biết nhiều khía cạnh của vấn đề”.
Người ta cũng nói đến việc Mẹ hiển linh ở Bạch Lâm, người thì tin tuyệt đối, người thì hững hờ hoặc trách móc dư luận. Nhưng tôi thì nghĩ đơn giản: ấy là việc của tình mẹ con. Hình ảnh hay cảnh phim cũng không chứng minh được gì. Có ai dùng hình ảnh chứng minh cho tình Mẹ bao giờ? Kinh Thánh với giá trị tuyệt đối mà vẫn chưa chứng minh được cho toàn thế giới về tình yêu của Đấng Tạo Hoá, huống chi chỉ là những mẩu vật chứng nho nhỏ. Tình yêu không hệ tại ở việc Mẹ hiển linh hay không, cũng chẳng liên quan gì đến phim ảnh.
Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chúng ta nghĩ Mẹ là Nữ Hoàng Thiên Quốc, chúng ta quỳ ở xa xa chiêm ngắm và ca ngợi Mẹ. Tuyệt vời. Chúng ta biết Mẹ là Nữ Vương Hoà bình. Chúng ta đến với Mẹ và cảm được sự bình an. Tuyệt vời. Chúng ta biết Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và Mẹ vẫn đi đi về về giữa Thiên Quốc, trần gian để che chở đoàn con, như Mẹ đã thực hiện qua muôn thế hệ, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Và chúng ta thỏ thẻ với Mẹ mình. Không tuyệt vời sao?
Mẹ ơi, năm tháng qua đi, kế hoạch cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa vẫn chưa hoàn tất ở trần gian nhiều trắc trở này. Nhưng có một điểm trong kế hoạch ấy đã hoàn tất mỹ mãn, ấy là việc Chúa ban cho nhân loại chúng con một người Mẹ. Dưới chân Thập giá, Chúa Giêsu trối Mẹ cho Thánh Gioan, và cũng là trối Mẹ làm Mẹ loài người chúng con. Nhưng chúng con nghĩ thêm một chút. Trong Thánh Ý mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ đã là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại từ muôn đời. Chúa Giêsu không trối lại, mà Người công bố mầu nhiệm ấy. Chúng con hạnh phúc quá, Mẹ ơi. Xin cho chúng con yêu mến Mẹ và nhất là bắt chước nhân đức của Mẹ hoài, để yêu mến Chúa thật sự như Mẹ mong muốn.
GIOAN LÊ QUANG VINH, VRNs