Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

“Con ngựa sắt” và cuộc sống mưu sinh

VRNs (06.08.2011) – Sài Gòn – Trưa hôm nay, tôi lân la đến hỏi chuyện mấy chú làm nghề xe ôm trước đền thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (hay thường được gọi là nhà thờ Kỳ Đồng) để lấy tư liệu viết bài phóng sự để nộp bài tập cuối khóa truyền thông Công giáo. Đây thật sự là trải nghiệm thú vị và nhiều điều bất ngờ, cuộc nói chuyện với một chú xe ôm làm cho tôi có nhiều điều phải suy nghĩ, nó nằm ngoài những câu trả lời mà theo lẽ thường tình tôi nghĩ là như vậy.



Trong những nghề phổ thông và phục vụ con người trong việc đi lại thì không có nghề nào đơn giản, tự do và gọn nhẹ như nghề chạy xe ôm. Chỉ cần một “con ngựa sắt” và 2 chiếc nón bảo hiểm là có thể “hành nghề” được và tất nhiên là phải biết rõ mọi đường ngõ trong thành phố này. Một chú xe ôm tuổi trung niên với nước da rám nắng, mặc chiếc áo màu xanh nhạt đang ngồi trên chiếc xe Future neo màu bạc của mình để nghỉ trưa và tránh cái nắng gay gắt. Chẳng câu lệ và rườm rà, tôi và chú xe ôm nói chuyện với nhau rất thoải mái và tự nhiên đến nỗi tôi quên mất là mình cần hỏi gì để lấy tư liệu để viết bài, nói là phỏng vấn thì cũng không phải, nó xa vời quá mà chỉ là cuộc nói chuyện thông thường thôi. Điều tôi bất ngờ đầu tiên là biết chú sinh ra và lớn lên ở đây, mọi ngõ ngách nẻo đường chú nắm vững như trong lòng bàn tay. Tôi bất ngờ vì trong đầu óc non nớt của tôi thường nghĩ những người chạy xe ôm thường là những người dân nhập cư, là người từ những vùng khác, từ các tỉnh khác vào đây sinh sống, còn người thành phố thì thường làm nghề khác. Theo nghề cũng đã được 19 năm, từng ấy năm bánh xe đi mòn trên những đường phố Sài Gòn, và dấu ấn thời gian để lại trẹn làn da sạm đen vá mái tóc đã điểm một vài sợi tóc bạc. Nhấp một ngụm cà phê và châm điếu thuốc, đôi lúc cũng nhìn ra xa xăm. Sài Gòn sau những năm giải phóng cũng thay da đổi thịt nhiều, nhiều tên đường, tòa nhà cũng không còn như xưa, những người Việt Kiều về thăm quê chỉ còn nhớ những tên đường, những địa chỉ cũ nhưng không phải người xe ôm nào cũng biết. Không phải ai cũng biết đường Đồng Khởi ngày xưa có tên là đường Độc Lập, và đường Công Lý ngày nay chúng ta gọi là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Chú nói một câu rất có vần về tên các con đường như : “Bến Tre, Đồng Khởi mất Tự Do, Nam Kỳ Khởi Nghĩa thay Công Lý.”

Là người sinh ra và lớn lên ở đây nên chú nói cho tôi biết những điều rất thú vị về “xóm Kỳ Đồng” xung quanh dòng Chúa Cứu Thế mười mấy năm về trước. Gia đình chú di cư vào đây năm 1954, ở trong hẻm 88 – một nơi cũng nổi tiếng là khu ổ chuột, nhỏ, hẹp và nhiều tệ nạn xã hội. Các xóm xung quanh có cái tên biệt danh nghe có phần hơi khiếm nhã, nào là xóm cầu cá, xóm cầu tiêu, xóm cầu tõm…vì ngày xưa người dân dựng nhà sàn men theo các con kênh, con mương nhỏ… nhưng hiện nay đã bị san lấp hoặc giải tỏa. Cái hẻm 88 đã bị giải tỏa 8 năm về trước, người dân ở “xóm Kỳ Đồng” lưu lạc mỗi người một phương, nhưng cứ đền ngày lễ cầu hồn (ngày 02 tháng 11 hằng năm) mọi người lại tụ họp về đây để đi lễ vì tro cốt của dòng họ, người thân được lưu trữ ở dòng Chúa Cứu Thế.

Công việc của chú thường bắt đầu từ 7, 8 giờ sáng và kết thúc vào chiều tối, khi tôi hỏi về một ngày chú chạy được khoảng bao nhiêu “cuốc”, được khoảng bao nhiêu tiền, chú tếu táo nói, ngày nào được nhiều thì ăn ngon một tí, ngày nào làm ít thì ăn ít, ngày nào không kiếm được thì khỏi ăn. Pha thêm một giọng cười vang, rít một hơi thuốc dài chú nói tiếp: “Làm nghề này cũng bấp bênh lắm, cũng không thể nói trước được, có ngày ngồi vêu ra chẳng có ai đi xe, còn có ngày thì mệt làm không hết việc, hết người này gọi đến người khác kêu,nhất là mấy ngày giáng sinh, chủ nhật hay mấy ngày lễ lớn”. Không chỉ chở khách mà chú còn chở hàng cho nhà sách Đức Mẹ thuộc dòng Chúa Cứa Thế, ngày nào cũng có hàng để chở nên cũng kiếm thêm thu nhập và ổn định hơn. Khi chở nhiều hàng thì dùng gác baga bằng gỗ tự đóng đề chở. Khách hàng chủ yếu của chú thường là những các Cha, các Thầy, những người đi lễ, cầu nguyện và tham quan nhà sách Đức Mẹ…Chú kể nhiều về các Thầy, Các Cha ở đây với niềm tự hào và yêu quý, nhiều khi đang tính chở hàng thì nghe Cha giảng Lễ chiều hay quá nên dừng xe nghe xong hết bài giảng thì mới đi đưa hàng. Ở đây không có cảnh các chú xe ôm chèo kéo,giành khách hoặc thanh toán nhau như ở các bến xe lớn, chỉ đơn giản là câu “gọi với” đơn giản:”đi đâu? Đi không?” cùng với cái vẫy tay, còn khách hàng muốn đi thì nói địa chỉ cần đến, thỏa thuận giá còn không thì có thể lắc đầu hoặc nói không đi, cũng có người làm thinh chẳng nói chẳng rằng cứ thế bước đi. Khi tôi hỏi nếu có người mới đến đây cũng làm nghề xe ôm và giành khách với chú thì sao? Chú cười nói: “Trăm người bán vạn người mua, họ cũng phải kiếm sống, cũng phải nuôi vợ con, mình cũng như vậy, họ muốn làm thì kệ họ”.Rồi với giọng trầm ngâm chú nói, sống với nghề này đừng nên hung hăng quá, mình đánh được người rồi thì sao họ có để cho mình yên không ? công an có để cho mình yên không? Chúa cho mỗi người dùng đủ hằng ngày thì việc chi mà phải tranh chấp, chèn ép nhau, những người như vậy dù kiếm được cũng “nướng” vào nhậu nhẹt, đề đóm chứ vợ con cũng không có thêm hơn được bát cơm bát cháo nào đâu, đó là điều chú tâm đắc và nói với tôi. Một chút dí dỏm, hài hước những câu chuyện chú kể tôi không biết rõ đó là chuyện phiếm chỉ kể cho vui thôi hay là sự thật nhưng được kể theo một cách châm biếm khác, nhưng tôi cảm nhận được đó là người từng trải và có nhiều kinh nghiệm sống. Buổi tối rảnh rỗi thì lên mạng xem tin tức còn không có thời gian thì xem ở bảng thông tin của dòng Chúa Cứu Thế, làm con bé như tôi phải á ố, không ngờ chú cũng biết đến Google cũng biết đến Internet.

Nghề chạy xe ôm có sau năm 75 nhưng gần đây mới trở nên phổ biến hơn, vì ngày trước kinh tế còn khó khăn, mua một chiếc xe cũng là một món tiền lớn khoảng mấy chỉ vàng, mấy cây vàng, nhưng từ khi kinh tế khấm khá hơn, nhất là khi xe Dream Trung Quốc tràn về Việt Nam với giá rẻ, chỉ vài triệu đồng là có thể có một chiếc xe thì nghề xe ôm cũng phát triển nhiều hơn. Thêm vào đó là nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân ngày càng cao, nhiều người đổ xô vào các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội để kiếm sống và nghề chạy xe ôm cũng trở nên phổ biến hơn. Ngoài xe ôm còn nhiều phương tiện khác như xích lô, xe buýt, xe taxi để phục vụ nhu cầu đi lại của con người, nhưng chắc chắn xe ôm vẫn trở thành phương tiện phổ biến và không thể thiếu của nhiều người. Xe xích lô đã bị cấm lưu hành ở thành phố HCM, tỉnh thoảng vẫn còn thấy một vài chiếc chở khách du lịch nước ngoài, những người đi chợ…Hằng năm cứ mỗi đợt mùa thi Đại học, Cao đẳng trong cả nước lượng thí sinh về các thành phố thi rất đông thì xe ôm là phương tiện cần thiết và hữu ích cho những sĩ tử đến trường thi an tòan và đảm bảo nếu không có người thân hoặc không biết đường đi trong thành phố. Ở đâu cũng có người xấu và người tốt, không ít người hành nghề xe ôm còn kiêm thêm làm bảo kê, dẫn dắt gái mại dâm, cò nhà trọ, xe dù, quán cóc… một số người còn giả danh làm xe ôm đễ lừa đảo lấy đồ của người khác, mua bán phụ nữ, bắt cóc. Nhưng chú xe ôm hôm nay tôi gặp lại cho tôi những ấn tượng khác, biết thêm những điều mới mẻ, thêm những điều cần suy nghĩ và trải nghiệm thú vị khi làm một bài phóng sự, và rút ra được bài học cho mình; không nên chỉ suy nghĩ theo những lẽ thường tình, đóng khuôn một cách nhìn mà cần làm thực tế, chấp nhận những khác biệt và điều khó là làm sao để kiểm chứng những điều được nghe, được biết.

Maria Nguyễn Thị Thanh Huệ
Khóa Offline IV