VRNs (27.08.2011) – Chúa Nhật XXII Thường niên – năm A (Mt 16, 21-27)
Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước về chân tính của Đức Giêsu, bài Tin mừng hôm nay (Mt 16,21-27) bắt đầu với việc Đức Giêsu bày tỏ cho các môn đệ thấy số phận bi đát đang chờ đợi Người, và do đó, cũng là số phận dành cho các môn đệ của Người. Có thể chia bài Tin mừng hôm nay thành ba phần: (1) Đức Giêsu bày tỏ cho các môn đệ biết số phận của Người, (2) phản ứng của ông Phêrô trước lời tiên báo đó, và (3) giáo huấn của Đức Giêsu về con đường đưa đến sự sống viên mãn đích thực.
1. Đức Giêsu báo cuộc Thương Khó (c.21)
“Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c.21).
Ngữ đoạn “Từ lúc đó Đức Giêsu bắt đầu” có giá trị đánh dấu sự khởi đầu của một phân đoạn mới trong Tin mừng Mt. Ngữ đoạn này đã từng được sử dụng ở 4,17, ở đó, chúng ta có sự khởi đầu phần giáo huấn tại Galilê về Nước Thiên Chúa. Bây giờ, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết về cái chết không thể tránh khỏi của Người, như là hậu quả lôgích của những hoạt động và của lập trường đối ngược với lý tưởng quyền lực Do Thái.
Trong Mc 8,31 chúng ta cũng gặp một lời kể tương tự như ở Mt 16,21 này. Tuy nhiên, có ít là hai sự khác biệt rất đáng chú ý: tác giả Mt không dùng lối định danh “Con Người”, và không nói rằng Đức Giêsu bắt đầy dạy cho các môn đệ biết về số phận đang chờ đợi Người. Tránh dùng hạn từ “Con Người” trong lời tiên báo Thương Khó này, có lẽ tác giả Mt muốn cho thấy rằng Đức Giêsu đang nói với các môn đệ về những gì liên quan đến số phận cá nhân của chính bản thân Người, và có lẽ vì thế, thay vì động từ “dạy dỗ”, ông dùng động từ “tỏ cho biết”. Ông muốn nhấn mạnh khung cảnh thời gian, cụ thể, lịch sử của “hành trình lên Giêrusalem”.
Đức Giêsu mô tả khá chi tiết chương trình mà Người đang đi vào: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Các kỳ mục (presbyteroi) là các thành viên của Thượng Hội Đồng, thuộc giới quý tộc dân sự, thường là những con người giàu có, làm nên thành phần chính của nhóm Xađốc. Các thượng tế là những tăng lữ quý tộc cha truyền con nối. Họ cũng thuộc nhóm Xađốc như các kỳ mục. Các kinh sư là nhóm thứ ba trong Thượng Hội Đồng, gồm phần lớn là những người thuộc nhóm Pharisêu. Như vậy, ở đây, ta gặp thấy toàn thể Thượng Hội Đồng, cơ quan quyền lực cao nhất của người Do Thái đương thời, với những con người có thế lực về tiền bạc, tôn giáo và trí thực. Tất cả quyền lực ấy đều hợp lực chống lại Đức Giêsu. Số phận dành cho Người sẽ là cái chết. Án tử hình sẽ là lời tối hậu mà thiết chế quyền lực ấy dành cho Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa sẽ phục sinh Người, và như thế, sẽ chứng tỏ lời nói và hành động của Người là chính đáng theo ý Thiên Chúa, ngược hẳn sự kết án của Thượng Hội Đồng.
Những gì đang chờ đợi Người ở Giêrusalem là thực tại cần thiết phải xảy đến, thuộc về ý muốn và chương trình của Thiên Chúa. Động từ “phải” (dei) cho thấy tính cách cần thiết thần linh này. Đó là thành phần của sự kiện Đức Giêsu cứu dân Người (1,21), cho dù là bằng giá máu của chính Người. Không phải Thiên Chúa muốn hay quyết định cái chết của Đức Giêsu, nhưng số phận bi thương của Đức Giêsu là dữ kiện nhất thiết phải xảy đến, tức là không thể tránh được, vì sự chống đối của cơ cấu quyền lực tôn giáo, tiền bạc và trí thức đối nghịch với chương trình Mêsia của Người.
Kiểu nói “ngày thứ ba” là công thức diễn tả một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng kiểu nói này cũng có thể ám chỉ cuộc thần hiện (x. Xh 19,10-11.15-16) hoặc ám chỉ Hs 6,2 (“Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người”).
Như thế, Đức Giêsu đã tỏ cho các môn đệ thấy một số phận bi đát đang chờ đợi Người, khác hẳn lý tưởng Mêsia hào nhoáng và đắc thắng mà các ông đang ôm ấp trong lòng. Các môn đệ không dễ dàng chấp nhận điều đó. Và phản ứng của ông Phêrô là điển hình cho lập trường của trí khôn phàm nhân kháng cự lại sứ điệp cứu độ của mầu nhiệm thập giá đau thương.
2. Ông Phêrô ngăn cản Đức Giêsu (cc.22-23)
Ông Phêrô hoàn toàn không chấp nhận những gì Đức Giêsu vừa tỏ cho các môn đệ biết về số phận của Người. “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (c.22).
Thực ra, ông Phêrô đang cảm thấy có một sự đối nghịch bất khả dung hợp giữa những gì mà ông vừa tuyên xưng và đã được Đức Giêsu long trọng xác nhận (16,13-20) với những gì Đức Giêsu vừa loan báo (16,21). Ông vừa tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Những gì Đức Giêsu đã thực hiện trước đây cho ông biết rằng Người có đủ quyền năng giải quyết mọi nhu cầu của con người. Và bởi vì Người là Con Thiên Chúa hằng sống, nên ông Phêrô trông chờ Người sẽ ban cho các môn đệ của Người sự sống viên mãn và đích thực. Các ông đi theo Người không phải chỉ để tìm kiếm một vài ý tưởng tôn giáo hay để học lấy một vài bài học về cách thức cầu nguyện mới…, mà là để được đón nhận từ nơi Người sự sống viên mãn. Thế mà Người lại nói với họ rằng Người sẽ phải chịu nhiều chống đối, sẽ đau khổ, sẽ bị giết chết. Ông Phêrô không thể chấp nhận điều đó.
Phản ứng của ông là phản ứng của trí khôn nhân loại trước mầu nhiệm thập giá (“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”). Ông đề nghị một giải pháp thích nghi, thỏa hiệp và xuôi theo áp lực của quyền lực và sự ích kỷ. Đối diện với sự chống đối của cơ cấu quyền lực tôn giáo, tiền bạc và trí thức đối nghịch với chương trình Mêsia, ông Phêrô muốn tìm một sự thỏa hiệp. Quả thực, ông Phêrô đã từng tuyên xưng một lòng tin rất đúng đắn, nhưng ông lại không chấp nhận đòi hỏi thực tế xuất phát từ đức tin đó.
Không chỉ không chấp nhận, ông Phêrô còn làm một hành động rất nghiêm trọng. Ông trách Đức Giêsu. Động từ “trách” (êpitimaô) ở đây là một động từ rất mạnh: tác giả Mt đã sử dụng động từ này để nói về việc Đức Giêsu quát mắng tên quỷ trong 17,18 và ngăm đe các yếu tố của quyền lực sự dữ trong 8,26. Đại để, việc sử dụng động từ này cho thấy rằng người bị trách đang bị coi là đối nghịch với chương trình của Thiên Chúa. Như thế, khi trách (êpitimaô) Đức Giêsu, ông Phêrô đang cho rằng chương trình mà Đức Giêsu vừa tỏ cho các ông biết là điều đối nghịch với kế hoạch của Thiên Chúa.
“Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c.23). Câu trả lời cho thấy Đức Giêsu rất phẫn nộ. Người gọi ông là Satan, là tên cám dỗ, mặc dù chỉ vừa mới đây thôi, Người bảo ông là kẻ có phúc (16,17: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc”) và Người sẵn sàng trao chìa khóa Nước Trời cho ông. Người nói với ông rằng: “Anh đang trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp ngã”. Đáng chú ý là ông vừa mới được Đức Giêsu long trọng tuyên bố là tảng đá trên đó Người sẽ xây Hội Thánh của Người!
Đức Giêsu giải thích tại sao ông Phêrô lại thành tảng đá làm vấp ngã: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Thực ra, ông Phêrô có một sự hiểu biết rất tốt về Đức Giêsu như ông đã từng bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin rất tuyệt vời ở 16,16; và chính Đức Giêsu đã long trọng xác nhận lời tuyên xưng đức tin đó. Nhưng ông không chấp nhận những hệ luận của lòng tin đã được tuyên xưng đó. Lòng tin mà ông tuyên xưng vẫn mới chỉ dừng lại ở bình diện của sự hiểu biết, chưa phải là thực tại được thực hành và thể hiện trong thực tế. Ông còn tệ hơn cả những người xây nhà trên cát (7,21: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”; 7,26: “Ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát”).
Một chi tiết đáng chú ý: tác giả Mt đặt song song hai hành động: “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết” (c.21) và “ông Phêrô bắt đầu trách Đức Giêsu” (c.22). Xem ra sự chống đối và kháng cự của Phêrô ở đây không phải là chuyện mau chóng kết thúc, mà sẽ còn tiếp tục. Và có lẽ đỉnh điểm của sự chống đối này sẽ chính là sự kiện ông ba lần chối Thầy trong 26,69-75.
3. Con đường đưa đến sự sống viên mãn (cc.24-27)
Đức Giêsu cho thấy số phận của các môn đệ cũng sẽ giống số phận của chính Đấng Mêsia. Họ phải từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu (c.24). Từ bỏ chính mình tức là từ bỏ mọi tham vọng cá nhân. Đây thực ra là cách diễn tả mới của mối phúc thứ nhất: chọn lấy sự nghèo khó. Vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu tức là chấp nhận chịu cái xã hội phàm trần và những cơ cấu quyền lực của nó bách hại và thậm chí kết án; đó chính là sống triệt để mối phúc cuối cùng: bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vì Tin Mừng. Sống trọn vẹn hai mối phúc đó chính là thực hiện đúng tư cách người môn đệ.
Sau khi đưa ra hai điều kiện dành cho những ai đi theo Người (c.24), Đức Giêsu nêu lên ba luận cứ (đều bắt đầu bằng từ gar: vì) cho thấy mặc dù các điều kiện kia là rất cứng cỏi và khó khăn, nhưng vẫn là những điều hoàn toàn hợp lý (cc.25.26.27):
Luận cứ thứ nhất: “Vì ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c.25). Muốn cứu mạng sống mình ở đây có nghĩa là đi tìm sự bảo đảm cho cuộc sống riêng và thế tạm của mình bằng mọi giá. Kẻ sống như thế sẽ chỉ bận tâm đến lợi ích riêng mình mà thôi. Kẻ ấy sẽ đánh mất chính sự sống mình, tức là sẽ đánh mật sự sống viên mãn đích thật bên kia cái chết. Nhưng ai dám liều mạng sống mình vì Đức Giêsu thì sẽ giữ được sự sống thật của mình. Chỗ khác, Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (10,39). Điều quý giá nhất của con người (là chính sự sống) sẽ chỉ được bảo đảm nếu người ta sẵn sàng đánh mất nó vì Đức Giêsu.
Luận cứ thứ hai: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (c.26). Ngay cả trong trường hợp một người nào đó chiếm được mọi thứ quý giá thế gian (sự giàu có, vinh quang, quyền lực), thì cuộc đời kẻ ấy cũng có lúc chấm dứt và kẻ ấy chắc chắn sẽ không hưởng nhữngthứ ấy mãi được. Điều đó không có nghĩa là người ta phải để cuộc sống mình rơi vào những tình trạng hiểm nguy, mà là phải ưu tiên để cho Đấng Mêsia sắp xếp sự sống mình theo chương trình của Người.
Luận cứ thứ ba: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (c.27). Nói cách khác: sẽ có cuộc phán xét chung thẩm sau tất cả những gì người ta đã làm được hay đạt được trong cuộc đời này.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ thấy một số phận bi đát đang chờ đợi Người, khác hẳn những lý tưởng tôn giáo hào nhoáng và đắc thắng mà có thể chúng ta vẫn đang ôm ấp trong lòng. Người cũng chẳng hề hứa với chúng ta một cuộc sống Đạo dễ dãi, bình an, luôn được thế gian tung hô. Người nói rõ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
2. Phản ứng của ông Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay là phản ứng của trí khôn nhân loại trước mầu nhiệm thập giá. Ông đề nghị một giải pháp thích nghi, thỏa hiệp và xuôi theo áp lực của quyền lực và sự ích kỷ. Đối diện với sự chống đối của cơ cấu quyền lực tôn giáo, tiền bạc và trí thức đối nghịch với chương trình của Thiên Chúa, ông Phêrô muốn tìm một sự thỏa hiệp. Rất nhiều lúc, hình như chúng ta (cá nhân / cộng đồng) vẫn đang đi cũng một con đường đó.
3. Giá trị cao nhất mà mọi thứ khác đều phải tùy thuộc thì không phải là sự sống thế tạm đời này, mà là thuộc về Đức Giêsu trọn vẹn. Chính từ thực tại giá trị nhất đó mà người môn đệ sẽ lượng giá mọi thứ khác ở đời. Thánh Phaolô sẽ nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, vì giá trị tuyệt vời của việc biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 8).
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.