Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Dạy cho trẻ kỹ năng sống trong gia đình

VRNs (20.08.2011) – Sài Gòn – “Em ơi, Quân nó pha nước chanh ngon lắm. Ai đến, hắn cũng làm một ly mời họ. Hắn đâu có biết là hao đường, mà đường đắt hèn gì. Được cái, nhờ vậy mà ai cũng có nước chanh uống giải nhiệt trong mùa nóng nực này”. Đó là nhận xét của bà giáo Hà Thị Mận (63 tuổi, đã về hưu, hiện nhận dạy trẻ lồng ghép tại gia hoặc tại nhà phụ huynh, địa chỉ 143/60 Gò Dầu, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú).

Để có thể pha một ly nước chanh ngon, bé Quân đã giành pha nước chanh cho ba và mẹ uống hơn chục lần. Em khéo léo chọn những quả chanh mộng nước, căng tròn, rửa sạch, cắt lắt. Bàn tay nhỏ nhắn của em khá thành thục: khi thì múc đường, khi thì nếm thử, cho thêm ít nước, thêm ít đá bi và tiếp tục cho đến khi hoàn thành ly nước chanh. Một công việc nhỏ nếu được trui rèn nhiều qua bàn tay bé xíu cũng trở nên một kỹ năng giúp cho đời sống vui vui hơn mà không phải bất kỳ người lớn nào cũng có được.

Khoảng hai mươi năm trước, cụm từ Kỹ năng sống hầu như khá lu mờ trong xã hội, hoặc giả có chăng chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trên báo, đài. Kỹ năng sống là do ông bà, cha mẹ truyền dạy hằng ngày trong cuộc sống, không có tên, không có môn học cụ thể nào, nó trở thành như thói quen, nề nếp của gia đình: Con gái phải biết bếp núc, tề gia, nội trợ. Đó là góc nhìn Kỹ năng sống trong gia đình.

Những năm gần đây, nhiều nơi, nhiều trung tâm bắt đầu rộ lên nhiều chương trình quảng bá các lớp học Kỹ năng sống về gia đình, khéo tay, tâm lý, ngọai ngữ, công sở, sức khỏe,… và thuật ngữ Kỹ năng sống đã trở nên phổ biến. Có hẳn môn học về Kỹ năng sống cho học sinh ngay từ thời tiểu học.



Các cháu học thảo luận nhóm

Cô Đặng Quốc Bảo Hà (giáo viên lớp Hai 3, trường tiểu học Tân Hương, Quận Tân Phú) nhận xét trong ngày tổng kết năm học 2010-2011: Các bé nam khéo léo hơn các bé nữ. Không biết tại sao mà con trai lớp này làm cái gì cũng khéo hơn con gái, nhiệt tình hơn bạn gái. Sĩ số lớp này là 34 bạn nam, 14 bạn nữ nên quản lý lớp trật tự cũng vất vả lắm. Nhờ có môn Kỹ năng sống mà các em đỡ hơn, biết giúp nhau nhiều hơn.

Việc con trẻ có được Kỹ năng sống là nhờ vào sự dạy dỗ, chăm chút của cha mẹ, thầy cô, người lớn trong gia đình. Các việc này không đơn thuần là các em chỉ làm cho biết mà người lớn phải biết cách uốn con trẻ cách tự nhiên theo sự yêu thích của từng bé. Người lớn không thể bắt buộc trẻ con “phải làm” đúng như mình dạy mà chỉ có thể dạy trẻ cách làm, phương pháp làm đúng. Khả năng tiếp thu và trình bày được vốn sống, vốn hiểu biết của từng trẻ là tùy vào sự tiếp nhận và xử lý thông tin, sự khéo léo của từng trẻ.

Nguyễn Minh Quân (8 tuổi, học sinh lớp Ba 3, trường tiểu học Tân Hương, Quận Tân Phú) cho biết: Con học môn Kỹ năng sống ở lớp với cô Đặng Quốc Bảo Hà hồi con còn học lớp Hai 3. Cô Hà dạy tụi con nhiều thứ lắm. Con được học nhóm, đọc truyện, thảo luận nhóm, cách gọi điện thọai, cách pha nước chanh, cách chải răng đúng, dạy rửa tay… Nhưng khi thực hành có cái không giống lúc học với cô. Ví dụ là tụi con học gọi điện thoại thì có ống nghe nhưng nhà con không có điện thoại bàn, mà chỉ có điện thoại di động nên đâu có ống nghe đâu mà nhấc.

Con có thể nói cách pha nước chanh như thế nào không? Chúng tôi hỏi bé Minh Quân.

“Đầu tiên là mình cắt chanh, nặn vào ly, bỏ đường vào, bỏ nước lọc vào, lấy muỗng khuấy đều, nếm thử. Nếu chua thì cho thêm đường, ngọt quá thì thêm chanh. Xong rồi cho nước đá vô rồi uống” – bé Quân nói.



Những lời trẻ con, thơ ngây là vậy nhưng cũng có thể chỉ ra chu trình làm một việc cụ thể là việc pha nước chanh. Qua đó, thấy được trẻ con có khả năng học và thủ đắc Kỹ năng sống riêng cho mình. Em cho biết: “Việc học kỹ năng sống giúp mình hiểu biết nhiều hơn, thông minh hơn. Nhưng cũng có một số bạn không làm được vì các bạn nhút nhát, không dám thực hành việc cô dạy”.



Các cháu thực hành kỹ năng kể chuyện

Chị Thảo (kế toán, 40 tuổi, Quận 8, Sài Gòn), mẹ của Bé Minh Quân cho biết: “Tôi dạy bé từ rất sớm về các kỹ năng để bé có thể làm được khi vắng ba mẹ. Vì chúng ta có thể cho bé tiền bạc ăn học, sự chăm sóc, tình cảm yêu thương nhưng chúng ta không thể sống dùm con, làm dùm con suốt cả cuộc đời được. Chúng ta phải dạy cho bé để bé biết làm và ý thức phải biết chia sẻ công việc với ba mẹ, để bé hiểu được những khó nhọc mà ba mẹ phải trải qua để bé có được cuộc sống. Tôi dạy con biết cách rửa chén sạch như thế nào, cách cầm chổi quét nhà, cách cầm phích điện, cách lau nhà, cách châm nước vào tủ lạnh, cách gọt rau củ, cách vo gạo,… kể cả việc vệ sinh thân thể sau khi đi vệ sinh. Tóm lại, tôi dạy bé tất cả các kỹ năng cần thiết cho một con người cần phải có. Nhưng không phải cùng lúc mà trải đều theo tuổi đời mà cần xếp theo thứ tự các kỹ năng. Tuy bé là nam nhưng thời nay nam cũng phải biết chia sẻ công việc nhà với nữ thì cuộc sống gia đình mới vui vẻ, hạnh phúc, bình an được”.

Tuy nhiên, phụ huynh luôn phải để ý, giám sát khi con trẻ thực hành kỹ năng sống vì có những lúc các em muốn làm nhưng kết quả không theo ý muốn. Có những việc trẻ thích làm, thực hành nhiều lần khá thuần thục nhưng vẫn còn vướng mắc ở một điểm nào đấy mà sức khỏe bé nhỏ của trẻ không thể vượt qua được.

Cô Mận vui vẻ kể lại với phụ huynh về bé Quân: “Có lần Quân pha nước chanh nhưng không mở được nắp hủ đường, hắn mở mạnh tay quá, nắp văng lên đầu tủ lạnh, đường vung vãi ra sàn nhà. Quân không lấy giẻ mà lau đi, hắn lại giẫm lên đường rồi đi vào nhà vệ sinh, dấu chân hắn rõ mồm một. Từ đấy, mỗi lần hắn pha nước chanh là tôi phải mở sẵn nắp hủ đường”.

Kỹ năng sống của trẻ phải được luyện tập và được phụ huynh, thầy cô, người thân nhắc nhở hàng ngày để trở thành thói quen tốt. Có những việc tưởng chừng như cỏn con không đáng quan tâm nhưng không rèn luyện thì hậu quả không nhỏ tí nào. Khi trẻ con tụ tập lại cùng mong muốn làm cùng một việc ở tại một nơi nhưng thiếu kỹ năng sống về ý thức trật tự trước sau để xếp hàng sẽ gây hậu quả không tốt, dẫn đến chen lấn, mất trật tự.

Cô Mận chia sẻ: Có những lúc tụi nhỏ muốn đi tiểu, không phải là muốn trốn học. Nó giống như cảm giác di truyền như là cảm giác ngáp vậy. Một bé đi thì các bé khác cũng muốn đi nên cô giáo phải cho đi. Một đứa ngồi trong nhà vệ sinh. Ba bốn đứa khác đứng bên ngoài chờ buồn nên cũng vào trong. Nó chưa có kỹ năng chờ khi đi vệ sinh như người lớn. Con nít mà, vô nhà vệ sinh thì bắt đầu đùa nghịch, nghịch nước, phá giấy. Có một đứa làm cuồn giấy rớt xuống toilet, chẳng biết phải làm gì, chúng cứ xịt nước vào. Kết quả là cầu vệ sinh bị nghẹt, tôi nhờ hai người thợ hai lần tới giúp, tốn 300.000 đồng mới xong. Chỉ một việc cỏn con là kỹ năng xếp hàng chờ đợi mà các bé không có, kể cả người lớn Việt Nam cũng thế, hay chen lấn. Chỉ có tính tiền trong siêu thị thì mới thấy có xếp hàng, đôi khi vẫn có người chen ngang. Cho nên phải tập cho trẻ kỹ năng tự giác chờ đợi, xếp hàng tới lượt mình thì mới tốt.

Kỹ năng sống cứ tưởng là những kỹ năng tâm lý hay chăm sóc sức khoẻ, nhưng kỹ năng sống cũng là kỹ năng sống trong gia đình, và như vậy, trách nhiệm của phụ huynh rất quan trọng trong việc giúp các cháu bé được thực hành thường xuyên.

Nguyễn Quân TT

Nguồn hình ảnh: chụp lại từ video clip của cô Đặng Quốc Bảo Hà