Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Giúp tuổi teen hạnh phúc

VRNs (03.08.2011) – Đồng Nai – Chương trình Thiếu Niên Phát Triển (TNPT) là một sân chơi bổ ích cho các em ở lứa tuổi vị thành niên (VTN), chủ yếu dạy về các kỹ năng sống (KNS) thông qua các trò chơi, phương pháp giáo dục chủ động (PPGDCĐ), làm việc nhóm… nhằm giúp các em có một sân chơi vui tươi, học được nhiều kiến thức, bộc lộ được ý kiến riêng của mình, và quan trọng là trẻ tự thay đổi hành vi, phát triển nhân cách và sống tự lập.

Ngày nay, chương trình học của trẻ nhiều đến nỗi trẻ không còn vui chơi, hồn nhiên. Với sự thờ ơ, vô trách nhiệm, hoặc hiểu biết kém về tâm lý phát triển của trẻ ở các bậc phụ huynh đã tạo nên một áp lực lớn đối với trẻ từ trong gia đình: trẻ không có quyền có ý kiến riêng, không có quyền quyết định chuyện riêng tư. Cha mẹ ngày nay quan niệm rằng cho con đi học thế là đủ nhưng ít quan tâm đến nhu cầu thực sự nơi các em. Ở một số trẻ trong gia đình khó khăn nên đã tự bươm trải sớm để kiếm tiền phụ thêm ba mẹ. Những em này phải tự ứng phó một mình với sự bùng nổ truyến thông đại chúng, internet, game, chat, phim ảnh xấu.

Với nỗi khao khát có một sân chơi lành mạnh ở đó trẻ thấy được niềm vui, có quyền tự do phát biểu ý kiến, trẻ tự nhận thức và thay đổi hành vi. Anh Phạm Anh Tuấn, biệt danh Hoàng Lan Duy Linh, chuyên viên xã hội và tâm lý giáo dục, giáo dân giáo xứ Kẻ Sặt (KS), Biên Hòa – Đồng Nai, đã sáng lập ra chương trình TNPT.

Anh Tuấn chia sẻ: “Anh muốn đem KNS đến cho trẻ em để trẻ em sống tốt hơn khi xã hội có quá nhiều điều xấu”.

Trong khi tuổi teen (tuổi vị thành niên) đang bị hấp dẫn bởi game, internet, chat, thời trang, anh Tuấn lại thu hút các em bằng KNS, anh Tuấn tâm sự: “Có hai yếu tố để thu hút tuổi teen. Thứ nhất là anh dạy khá sinh động. Thứ hai là anh tôn trọng họ và cho họ đúng nhu cầu họ đang cần”.



Các em đang thách thức nhau bằng chính những bài đối do mình tạo ra

Lý do thúc đẩy anh Tuấn lập ra nhóm TNPT để huấn luyện KNS là do anh đi dạy giáo lý cho đội trưởng của giáo xứ KS. Vào ngày 01/06/2006 nhóm gồm 9 người có cả anh Tuấn, sinh hoạt tại vườn me giáo xứ KS. Nhóm sinh hoạt vào các ngày chủ nhật hàng tuần từ 9 giờ đến 11 giờ. Trong vòng hơn 4 tháng số lượng lên đến 80 em. Một em trong nhóm, là sinh viên năm thứ nhất chia sẻ: “Ban đầu em vào là do sự giới thiệu của một người bạn trong chương trình, tham gia vì tò mò, nhưng khi đã tham gia thì thấy yêu mến sân chơi vì em được tự do bộc lộ khả năng của mình, được tôn trọng ý kiến, và phương pháp giáo dục rất khác so với nhà trường”. Vậy mà, khi anh Tuấn muốn đặt tên cho chương trình và muốn hợp thức hóa tổ chức để được hoạt động tự do thì anh gặp khó khăn về phía chính quyền UBND phường Tân Biên.

Để giải quyết khó khăn này anh đã phải giải thích cho nhà chức trách hiểu thế nào là KNS, nó có ích lợi giúp cho tuổi teen thay đổi cuộc đời như thế nào?

Tuổi teen ham thích sân chơi TNPT là vì sân chơi đáp ứng được nhu cầu vui chơi và phát triển nhân cách thông qua các hoạt đông trò chơi, PPGDCĐ. Trong phương pháp này học viên là trung tâm, còn giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Ví dụ như kỹ năng (KN) hình ảnh bản thân, anh Tuấn sử dụng trò chơi tôi là ai, tài xế… hay trong KN giao tiếp có trò chơi liên quan như tam sao thất bản, đoán nghề, viết chữ trên lưng, sắm vai đóng kịch và thảo luận tình huống. Chính các hoạt động này giúp các em được trải nghiệm thực tế cuộc sống, rèn luyện và phát triển các KN.



Kỷ niệm một ngày vui

Một số sinh viên hiểu được mục tiêu giáo dục con người của chương trình, với sự tâm huyết, nhiệt huyết, kiến thức sâu rộng của anh Tuấn nên các anh chị sinh viên đã xin gia nhập chương trình và cộng tác với anh Tuấn.

Một anh trong nhóm chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình khả năng truyền thông của em rất kém, nêu ra vấn đề của mình rất khó khăn và người nghe không hiểu ý của mình. Khi tham gia học được KN hình ảnh bản thân, KN giao tiếp đã giúp em cải thiện việc truyền thông của em rất nhiều và thấy tự tin hơn”.

Khó khăn của chương trình là không có kinh phí hoạt động, các em tham gia đều miễn phí hoàn toàn. Không có một nhà tài trợ bởi vì anh Tuấn muốn chương trình TNPT không dựa vào một nhà tài trợ nào mà phải tự thân vận động. Kinh phí thường do một mình anh bỏ ra từ nguồn tiền công dạy học và bán tranh ảnh.

Anna Nguyễn Thị Huyền Trang
Khóa Offline IV