VRNs (31.08.2011) – Suy Niệm Chúa Nhật thứ 23 Thường niên năm A (04.09.2011)
“Khuyên một lời ư?
Nhưng biết đâu, lời khuyên không chạm đến tim đau!”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 18: 15-20
Khuyên hay không khuyên, đâu là giải pháp của người đời, với vần thơ? Giải hay không giải, vẫn là quyết định của cộng đoàn đấng bậc khôn ngoan đầy kinh nghiệm, trong chung sống. Khuyên và giải, còn là ý tưởng chủ lực của trình thuật, rất hôm nay.
Trình thuật hôm nay, là của thánh Mátthêu được Phụng vụ Hội thánh rút tiả làm nền hầu khuyên giải thành viên nào đang có vấn đề tranh chấp. Trích đoạn, lấy từ chương 18 có những lời giải khuyên hãy nên sống như Đức Chúa, Đấng từng lân la sống với cộng đoàn đồ đệ thân thương, rất quí mến.
Cộng đoàn thánh Mátthêu xưa có các thành viên người gốc Do thái sống ở Antiôkia. Trước đó, cộng đoàn vẫn sống ở vùng phụ cận thành đô Giêrusalem, chốn đào tạo thành viên chuyên nghiệp, rất đạo hạnh. Khi người La Mã tìm đến bách hại, cộng đoàn này đã phải rời thôn làng mình làm dân lưu lạc ngay trong chốn phồn hoa thị thành mang tên Antiôkia, nơi hội ngộ của nền văn hoá giao lưu Âu Á, thời xưa cũ.
Bên trong khu nhà đầy cách biệt, là chốn tách bạch khỏi người Do thái tin vào Đức Giêsu. Vì sự tách bạch này, nên thường xảy đến nhiều cãi tranh, tị nạnh giữa kẻ tin Chúa và người chẳng biết tin vào điều gì. Vào ai. Khiến đôi đàng không thể hoà hợp, chung sống. Từ đó, vì có khó khăn, nên kẻ tin vào Chúa cũng bớt đi sinh hoạt đạo hạnh như trước. Và sự thể ấy dẫn đến tình huống rắc rối với cộng đoàn.
Đó là lý do khiến có nhiều người đến với thánh sử Mátthêu để được tư vấn về các nguyên tắc chủ chốt khả dĩ giúp họ trở thành cộng đoàn lành thánh sống trong môi trường dù đổi mới. Đây, còn là nguồn hứng khởi khiến thánh sử viết lên chương sách mang nhiều ý nghĩa để rồi tóm kết bằng hai nguyên tắc chính cho cộng đoàn lấy đó mà sống. Nguyên tắc, là: trong cộng đồng dân Chúa không thể và không nên có một ai thấy mình bị lạc lõng. Và, nguyên tắc thứ hai, là: trong cộng đoàn tình thương làm con Chúa, không thể và không nên có thành phần nào bị bỏ rơi, quên lãng. Hoặc, hư mất.
Thánh sử còn quả quyết: giả như cộng đoàn quyết tâm tuân thủ hai nguyên tắc làm nền để sống chung, thì mọi sự cũng sẽ đâu vào đó. Bằng không, chẳng có gì chứng tỏ họ là cộng đoàn Kitô-hữu, đúng ý nghĩa cả. Đó là qui định tư riêng. Qui định đòi chúng dân phải sống, không như thể chế nguội lạnh, mà là gia đình ấm cúng, rất anh em. Đó, cũng là đề nghị được thánh Mát-thêu đặt ở Tin Mừng chương 18. Rủi thay, các đấng bậc chủ quản phụ trách chọn bài đọc cho Phụng vụ Chúa nhật, lại không mấy chú tâm đến ý nghĩa trọn vẹn trong chương này từng qui định.
Ở đầu chương này, đã thấy nổi lên một tham luận, có Chúa dự. Tham luận này xoay quanh câu mà các môn đệ cứ là hỏi nhau: “Ai là người lớn nhất ở Nước Trời, đây? “(Mt 18: 1) Nếu tưởng tượng, người đọc sẽ thấy đồ đệ Chúa quây tụ thành vòng tròn ngồi ở sân làng rồi kháo láo với nhau: “Rồi, Thầy sẽ cho ta biết ai là người lớn nhất. Và, đâu là tiêu chuẩn để định ra người lớn nhất Nước Trời? Chúa chẳng nói gì. Ngài chợt thấy một bé em đang nghịch đất, Ngài bảo bé đến ở giữa vòng tròn, rồi bảo:“Nếu anh em không như trẻ bé mọn, sẽ chẳng vào Nước Trời.” (Mt 18: 3). Và, thánh Mátthêu triển khai thêm ý nghĩa “nên như trẻ bé mọn”.
“Trẻ bé mọn” đây, nên hiểu theo nghĩa biểu tượng. Bởi thời xưa, ”trẻ bé mọn” không khi nào mang ý nghĩa của những ngây thơ, trong trắng hoặc nét đẹp không hao mòn như ở Anh thời nữ hoàng Victoria. Với thế giới Híp-ri, thì “trẻ bé mọn” là biểu tượng của những kẻ không có quyền, dù quyền hành hay quyền lợi. “Trẻ bé mọn”, là những người nghèo hèn. Là, kẻ bị quên lãng, bỏ ngoài bên xã hội.
Với cộng đoàn Kitô hữu, những người ăn trên ngồi chốc, các bậc vị vọng, đạo hạnh, quyền thế, giàu có, chẳng bao giờ là “trẻ bé mọn” bị quên lãng, hoặc hư mất hết. Như Chúa nói: “Anh em chớ nên khinh thị một ai trong đám trẻ bé mọn này… Con Người đến để cứu cái gì hư mất.”(Mt 18: 10).
Thế nên, nguyên tắc làm “nền” cho cộng đoàn Nước Trời người tín hữu Đức Kitô, là: đón mừng” “trẻ bé mọn”. Nói vắn gọn, thì như thế cũng đủ. “Mừng đón” là câu nói đầu chỉ một hành xử đúng đắn. “Đón mừng”, phải là hành xử rất ban đầu và trước tiên của cộng đoàn. Chí ít, là cộng đoàn dân con của Chúa. Mừng-đón-trẻ-bé-mọn, không là đón mừng các đấng toàn năng, toàn thiện. Mà là, mừng và đón những kẻ sẽ chẳng-bao-giờ-trở-nên-toàn-thiện, tuyệt vời. Đây, là sinh hoạt vào lúc đầu của cộng đoàn dân con Đức Kitô. Cung cách ta mừng đón “trẻ bé mọn” phải khác cung cách đón mừng, rất chung chung. Tức, ta phải mừng đón những “trẻ bé mọn” không hoàn chỉnh, khi họ lạc lõng, hư mất. Đón và mừng những con người bị đồng hoá với “trẻ bé mọn” như thế, tức là không được phép để người ấy lạc lõng, bị bỏ rơi, hư mất.
Ai trong chúng ta thực sự, và trên thực tế, từng lạc lõng? Nói nôm na, thì thế này: sống trong cõi đời nhiều bon chen/tranh chấp, ta phải định ra chỗ đứng của mình. Phải biết mình đang ở đâu. Làm sao để người khác tìm ra mình hoặc mình tìm ra người khác đang lạc lõng, hư mất? Đó là kinh nghiệm ban đầu. Đó là cung cách sống để ta luôn tìm thấy những “trẻ bé mọn” sống dưới mức hưởng được may mắn với mọi quyền lợi. Thế nên, ta cũng hiểu được tại sao lại gọi những “trẻ bé mọn” ấy là kẻ lạc lõng, hư mất. Trong khi, họ là người lẽ ra không đáng bị ta quên lãng, coi thường. Họ phải được ta mừng đón và kiếm tìm một cách tích cực, để rồi ta đưa họ vào tận trung tâm điểm của cộng đoàn. Nếu không làm thế, thì không thể và không đáng gọi là thành viên cộng đoàn Kitô-hữu, tức cộng đoàn không có ai và không một ai bị lạc lõng, hư mất.
Đối chọi lại hành xử mừng đón trẻ bé mọn, là cản trở trẻ lạc lõng, hư mất. Cản trở, được coi như một hành động bỉ ổi. Rất tai tiếng. Cản trở tức trở thành sỏi cát lọt trong giầy của trẻ bé hèn mọn vậy. Những người là sỏi cát cản trở bước đi của bọn trẻ bé, lại chính là những người mắc lỗi nặng trong chung sống. Sống rất chung, đời cộng đoàn dân con của Chúa. Người cản trở trẻ bé mọn như thế, chỉ đáng cột cổ vào đá, quăng xuống biển, một hình phạt dành cho lỗi phạm, cũng khá nặng.
Bởi thế nên, thánh Mát-thêu mới tóm tắt giới lệnh căn bản, trong 10 giới lệnh yêu thương bằng câu: “Không được nên cớ vấp phạm cho người nào trong các “trẻ bé mọn” tin vào Ta” (Mt 18: 6-8). Và cả câu 14: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không hề có ý để ai trong những trẻ bé mọn này hư mất.”
Nguyên tắc thứ hai cho cộng đoàn chung sống cũng gần giống như nguyên tắc đầu. Tức, trong cộng đoàn Kitô-hữu ta chung sống, không ai được phép có hành xử với mọi thành viên khác như người hư mất, khó thứ tha. Một trong cung cách bị coi là lạc lõng, hư mất, tức là không thể tha thứ cho người ấy. Trong cộng đoàn Hội thánh, không thể có động thái giống như thế. Đó là ý tưởng mà thánh Mát-thêu còn viết nhiều ở các chương đoạn kế tiếp.
Tựu trung, ý tưởng mà thánh nhân muốn nhấn mạnh, là: hãy ra đi mà tìm kiếm những “trẻ bé mọn” đem họ về lại với cộng đoàn. Công tác này, không thể là động thái bốc thăm, may rủi, được. Nhưng, phải là mục tiêu hành động. Là, hành xử mang tính cách xuyên suốt, rất văn hoá. Là, mục tiêu phải đạt chứ không là động thái thích thì làm không thích thì thôi. Thời buổi hôm nay, còn rất nhiều “trẻ bé mọn” đang lạc lõng bằng cách này hay cách khác qua cách hành xử của ta và “trẻ bé mọn” dễ bị cuốn hút vào chốn “hư mất”, nếu ta không ngó ngàng gì đến họ. Và, vấn đề là hỏi: ta có bỏ công đi tìm những người như thế, mà đưa về “ràn chiên” Hội thánh không?
Tại thành đô Giêrusalem hôm nay, có khu tưởng niệm “những trẻ bé mọn” bị lạc lõng/hư mất trong lò thiêu sống. Bên trong khu này, là phòng tối có những đốm sao lấp lánh chiếu lên ảnh hình và tên tuổi của từng bé em bị lạc lõng, thân hư nát.Và, có cả tiếng giọng ở hậu trường gọi tên em bằng tiếng Aram tựa hồ tiếng của Cừu mẹ Rachel gọi cừu con đang bị lạc. Chính đó, là ý nghĩa của trích đoạn trình thuật mà thánh sử Mát-thêu, xưa nay muốn diễn tả.
Thánh Hội của ta hôm nay có đang cuồng điên gọi tìm “trẻ bé mọn” đang đi lạc, ở đâu không? Gọi và tìm, như ý tưởng của thánh sử Mát-thêu từng ghi chép? Có hay không, cũng nên tự hỏi: cho đến nay ta đã bao lần ;à hạ sỏi trong giầy của trẻ bé mọn? Ngày hôm nay, ta có cảm nghiệm sống thực hiện nguyên tắc/lý tưởng này trong thể chế có tổ chức thành cộng đoàn không? Nếu chưa, thì ta có ý định bắt đầu ngay chưa?
Là thành viên Hội thánh lớn/nhỏ, câu hỏi ấy đã trở thành vấn nạn gửi đến cho người. Cho mình.
Trong tâm tình tìm câu trả đáp cho thoả đáng, cũng nên tìm nguồn hứng khởi ở câu thơ, rằng:
“Lời khuyên không chạm đến tim đau.
Tim đau sẽ vọt ngàn tia máu.
Đọng lại muôn ngày vết hận sâu…”
(Nguyễn Bính – Cầu Nguyện)
Nhà thơ đời vẫn hỏi, như một lời nguyện cầu. Cầu mọi người. Nguyện ở mọi nơi. Cả những nơi có con tim không “vọt ngàn tia máu” xót thương. Tia máu yêu thương những là tìm đường mà mở rộng vòng tay đó những “trẻ bé rất mọn hèn”, còn lưu lạc ở nhiều nơi.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá luợc dịch.