Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Lần đầu làm Cha

VRNs (30.08.2011) - Psycentral - Vạn sự khởi đầu nan, việc gì cũng vậy, huống chi lần đầu làm cha. Tiến sĩ Tâm lý học Daniel Tomasulo (Hoa Kỳ - hình dưới) đưa ra các tiêu chí sau đây cho các ông bố trẻ:



1. Thời gian và kiên nhẫn. Quan trọng nhất mà lại khá đơn giản là nên dành thời gian gần gũi con trẻ. Các cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy người cha chưa dành thời gian đủ cho con cái. Nên biết rằng thời gian dành cho con cái rất quan trọng.

Đồng thời người cha cũng phải kiên nhẫn và sáng tạo. Với người cha là lần đầu tiên được lên chức Bố, với con trẻ là lần đầu tiên xuất hiện trên đời, cho nên người cha phải biết ân cần và nhẹ nhàng với con trẻ bé bỏng của mình.

2. Giao tiếp mắt. Trẻ có khuynh hướng giao tiếp qua ánh mắt. Nhưng trẻ chỉ có thể nhìn rõ trong tầm hơn 30 cha mẹ, cho nên người cha nên gần gũi, cười và nhìn sâu vào đôi mắt của trẻ.

3. Cùng phát âm. Những từ trẻ dễ phát âm nhất là những từ như “ba”, má”,… vì đó là những từ có âm bật môi. Các từ như vậy giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh. Hãy cùng con trẻ lặp đi lặp lại, dần dần có thể tạo các âm riêng để cùng phát âm với con trẻ. Điều này còn có lợi là nối kết yêu thương thêm khắng khít trong tình phụ tử.

4. Cùng vui đùa. Trẻ rất thích vui đùa và luôn cần vui đùa. Trẻ thích chí khi được ôm ấp, nhấc bổng lên hoặc lắc lư nhẹ, điều này được chứng tỏ qua cách cười vang của trẻ. Vui đùa giúp trẻ phát triển toàn diện, từ trí tuệ đến mức cân bằng tâm sinh lý. Hãy đem lại cho trẻ có cảm giác an toàn khi được ôm ấp, nhưng đừng ôm trẻ quá chặt hoặc quá lơi lỏng.

5. Thay tã lót. Các khoa học gia phát hiện rằng người chồng biết giúp vợ thay tã lót cho con thì có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững hơn. Hãy cố gắng học cách thay tã lót và tích cực hành động để không chỉ thể hiện tình yêu thương với con mà còn chia sẻ trách nhiệm để được lòng bà xã. Nhất cử lưỡng tiện. Cố gắng làm khéo léo, vì chính việc thay tã lót cho con cũng có thể là nguyên nhân gây xung đột phu thê.

6. Kết hợp hài hòa. Bạn cần nhận thức rõ chính mình là “nhân vật quan trọng” trong gia đình. Cha và mẹ cần chung lưng đấu cật. Đây cũng là một chuỗi các kỹ năng khác nhau nếu bạn phải xoay xở với con trẻ, làm sao khi vắng người mẹ mà người cha có thể giữ cho bé ngoan ngoãn. Đây là thời gian chuyển tiếp, khi nhu cầu của trẻ thay đổi thì sự cân bằng giữa cha mẹ cũng cần thay đổi theo.

7. Giữ lời hứa. Khi trẻ lớn, việc giữ lời hứa với trẻ là điều quan trọng. Chính lời hứa tạo nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ của trẻ sau này. Nếu cha mẹ thất hứa, dù là điều nhỏ, có thể xảy ra những chuyện ngoài ý muốn – thậm chí có thể nghiêm trọng. Hãy chỉ hứa khi bạn có thể thực hiện, đừng hứa cho xong chuyện!

8. Kịp phản hồi. Vì trẻ mới giao tiếp với thế giới, thế nên một ánh mắt, một cái vói tay, mọt cái xoa tay,… cũng quan trọng đối với trẻ. Nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ kịp thời đáp lại nhu cầu của trẻ hoặc khi trẻ khóc thì sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt.

9. Thể hiện yêu thương. Thực tế là người mẹ trao tặng tình yêu thương cho con và chăm sóc con cái nhiều hơn người cha, nhưng người cha vẫn có thể dễ dàng phát triển bản năng làm cha. Các nhà tâm thần học đưa ra một số dữ liệu đáng quan tâm là tác động giữa cha mẹ và con cái làm cho vùng cảm xúc của bộ não cùng điều chỉnh và cộng hưởng lẫn nhau. Nghĩa là sau một thời gian người cha và con trẻ sẽ trở nên hòa hợp trước sự hiện diện của người khác, và điều đó có thể kéo dài suốt đời.

TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ Psycentral.com)