Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Lòng tin của người phụ nữ Canaan (Mt 15, 21-28)

VRNs (14.08.2011) – Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 15, 21-28) kể lại cho chúng ta một câu chuyện hết sức cảm động về lòng tin của một người phụ nữ không phải là người Do Thái.



“Khi Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời” (cc.21-23a).

Cuộc tranh luận gay gắt của Đức Giêsu với lập trường chính thức của người Do Thái do các kinh sư và người Pharisêu là đại diện mà tác giả Mt kể lại ở đoạn văn đi trước, đã đẩy Đức Giêsu đi ra khỏi xứ sở của người Do Thái. Người lui về miền Tia và Xiđôn. Tất nhiên ghi nhận “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn” hoàn toàn có thể là một ghi nhận về một sự kiện lịch sử. Nhưng đồng thời, đây cũng là một ghi nhận thần học. Tác giả Mt muốn cho thấy Đức Giêsu đang ở trong một sự tiếp xúc với dân ngoại cư ngụ trong vùng đất này. Vì cụm từ “Tia và Xiđôn” thường được dùng để gọi vùng dân không phải người Do Thái, cư ngụ ở vùng bắc tây bắc của xứ Palestina.

Vậy khi Đức Giêsu đang ở miền đất ngoại giáo Tia và Xiđôn, thì có một người phụ nữ Canaan đến xin Người chữa lành con gái của bà, vốn bị quỷ ám khổ sở lắm. Tác giả Mt không mô tả rõ ràng hơn về tình trạng của cô bé (khác hẳn ở 17,15). Chỉ biết rằng có một thứ quyền lực ma quái đang tác họa trên cô bé, và người mẹ bất lực trước quyền lực ấy. Vì thế, bà chạy đến với người mà bà nghe nói là có quyền năng có thể cứu giúp con gái bà.

Cách nói “dân Canaan” là một cách gọi cổ xưa, dùng để gọi dân Phênikia sống trong vùng đất mà sau này người Do Thái chiếm đóng. Khi tác giả dùng cách gọi cổ xưa này để nói về người phụ nữ đến xin Đức Giêsu chữa lành con gái bà, có lẽ ông muốn cho thấy rằng người phụ nữ này, mặc dù là người ngoại, không phải người Do Thái, nhưng sống giữa những người Israel. Cũng chính vì thế mà bà gọi Đức Giêsu là “Con Vua Đavít”. Điều này cho thấy bà có biết truyền thống của người Do Thái (x. 9,27; 12,23). Vì thế, có lẽ bà hiểu được rằng sứ mạng của Đức Giêsu trước hết là dành cho những người Israel. Nhưng bà vẫn đến van xin Người.

Tuy nhiên, bất chấp lời van xin tha thiết của người đàn bà Canaan, Đức Giêsu vẫn làm ngơ. Người không dừng lại để nghe người đàn bà trình bày hoàn cảnh của bà. Người cứ thinh lặng tiếp tục cuộc hành trình của mình và không đáp lại một lời nào, dù chỉ một lời. Xét theo nhiều khía cạnh, thái độ này của Đức Giêsu có phần bất thường, thậm chí là bất nhẫn. Và chính các môn đệ của Đức Giêsu hình như cũng coi cách hành xử của Người là có phần quá đáng.

Vì thế, “các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” (c.23b). “Xin Thầy bảo bà ấy về” (Hy Lạp: apolyson autên) không chỉ có nghĩa là nói với bà ấy, ngỏ lời với bà ấy, mà còn là thỏa mãn lời cầu xin của bà, là ban cho bà ơn huệ như lời bà xin. Câu trả lời của Đức Giêsu cho các môn đệ cũng cho thấy đó chính là ý nghĩa lời xin của các môn đệ.

“Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (c.24). Đức Giêsu dùng hình thức bị động thần học để tránh tên Thiên Chúa, có nghĩa là “Thiên Chúa chỉ sai Thầy đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”.

Cựu Ước nhiều lần nói đến “những con chiên lạc nhà Israel”. “Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,6). “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức YHWH là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về” (Ed 34,15-16). “Vì các mục tử đều ngu xuẩn, chúng chẳng kiếm tìm Đức YHWH, nên chúng chẳng thành công, cả đàn chiên của chúng đều bị phân tán” (Gr 10,21). Ngôn sứ Êdêkiel đã từng tuyên sấm rằng sẽ đến một ngày Đức YHWH tống cổ các mục tử giả hiệu ra khỏi Israel và “cho xuất hiện – lời Đức YHWH- một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đavít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng” (34,23). Đức Giêsu loan báo rằng đã đến ngày thực hiện lời sấm ngôn đó. Và sứ mạng của Người, trong tư cách Mêsia, chính là quy tụ con cái Israel thành một đoàn chiên duy nhất, trung thành phụng sự Đức YHWH.

Khi nhấn mạnh sứ mạng của mình là quy tụ chiên lạc nhà Israel như vậy, Đức Giêsu không hề có ý loại trừ những ai không phải là người Israel ra khỏi sứ mạng cứu độ của Người. Đức Giêsu vâng theo chương trình của Thiên Chúa, kiên nhẫn từng bước thực hiện chương trình đó theo từng giai đoạn, như ý Thiên Chúa muốn. Giai đoạn thứ nhất của chương trình ấy cần phải được hoàn tất trước, sau đó sẽ đến ngày muôn dân được quy tụ thành đồ đệ của Người. Và quả thực, sau khi phục sinh, chính Người sẽ truyền lệnh cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (28, 18b-20a). Còn bây giờ, Người phải ưu tiên cho sứ mạng Mêsia quy tụ các con chiên lạc nhà Israel. Vì thế, Người từ chối thực hiện điều các môn đệ xin cho người đàn bà Canaan.

Như thế, sự can thiệp của các môn đệ đã không thành công. Tuy nhiên, hình như chính nhờ có sự can thiệp đó mà người đàn bà lại có cơ hội để sấp mình dưới chân Đức Giêsu. “Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (c.25). Lần này, Đức Giêsu không phớt lờ nữa. Người trả lời cho người đàn bà, dù vẫn chưa phải là câu trả lời chấp thuận lời van xin của bà ta. “Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (c.26).

Đức Giêsu không muốn gây ra một sự hiểu lầm về cách thức sử dụng các ơn huệ của Thiên Chúa. Thực tại dành cho người Israel sẽ không dành cho những ai không phải là người Israel. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là dân ngoại chẳng được hưởng ân huệ gì: những con chó con sẽ có thức ăn dành cho chúng, còn con cái thì sẽ ăn bánh của con cái. Vì thế, sự từ chối của Đức Giêsu ở đây không phải là một sự từ chối dứt khoát, mà chỉ là sự từ chối việc sử dụng không đúng các ơn huệ của Thiên Chúa như cách thức mà Thiên Chúa muốn thôi.

Đứng trước sự từ chối như thế, người đàn bà không cảm thấy bị xúc phạm, cũng chẳng nản chí chút nào. Trái lại, tình yêu đối với đứa con gái bé bỏng đã giúp cho bà trở nên rất khôn ngoan. Trước hết, bà chấp nhận sự phân biệt Israel – không Israel, và bà chấp nhận rằng người Israel có quyền được ưu tiên hơn trong sứ mạng của Đức Giêsu lúc này. Sau đó, bà nương theo chính luận cứ mà Đức Giêsu vừa viện dẫn để đẩy cuộc đối thoại đi xa hơn và khiến Đức Giêsu thực hiện điều bà xin Người thực hiện.

Thông thường, chính Đức Giêsu sử dụng các dụ ngôn và tỷ dụ để trình bày ý tưởng của Người. Có lẽ đây là lần duy nhất xảy ra một trường hợp ngược lại: người đàn bà dùng chính tỷ dụ của Đức Giêsu để trình bày cho Người thấy rằng sứ mạng của Người đối với dân Israel không hề ngăn cản Người cứu giúp một người ngoại giáo. “Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (c.27). Câu trả lời hết sức khôn ngoan.

Đức Giêsu đã từng từ chối không nhận lời cầu xin của người đàn bà, nhưng lần này, Người lắng nghe và ứng đáp với lời khôn ngoan của bà. “Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (c.28). Trước đây, đối diện với lòng tin của một viên đại đội trưởng không phải là người Israel, Đức Giêsu đã từng ngạc nhiên và nói: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (8,10). Lần này, Đức Giêsu cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nói : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật”.

Thực ra, lòng tin của người đàn bà được diễn tả không phải trong lời nói khôn ngoan, mà là trong toàn bộ thái độ của bà từ đầu câu chuyện. Bà chưa khi nào từ chối xác tín rằng Đức Giêsu có thể giúp bà và rằng Người sẽ ra tay giúp bà. Chính xác tín đó cộng với tình yêu mãnh liệt đối với đứa con gái bé bỏng đã giúp bà có một cách hành xử tuyệt vời. Chính xác tín sâu xa kia cộng với tình yêu mãnh liệt dành cho con gái đã giúp bà vượt qua hàng loạt những chướng ngại vật và vượt qua chính thử thách gay gắt mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho bà. Mặc dù bà nhận thức rõ ràng rằng bà không có quyền xin sự giúp đỡ nhưng bà vẫn hy vọng sẽ được hưởng sự giúp đỡ đó. Và Đức Giêsu đã công nhận lòng tin mạnh mẽ của bà được bộc lộ qua cách hành xử tuyệt vời của bà.

Sự thay đổi trong thái độ bề ngoài của Đức Giêsu có thể khiến cho nhiều người tưởng rằng Người tự mâu thuẫn hay thiếu kiên định trong lập trường. Nhưng thật ra không phải như vậy. Cách cư xử có phần khó hiểu của Đức Giêsu trong câu chuyện là cơ hội để chúng ta hiểu rõ hơn một chân lý rất quan trọng: tư cách là “con cái” tùy thuộc trước hết vào lòng tin của con người ta chứ không phải là vào chuỗi ADN mà người ta mang nơi con người huyết nhục này (x. 9,2: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”). Sự từ chối bề ngoài của Đức Giêsu làm nổi bật lòng tin của người đàn bà ngoại giáo. Chính nhờ tin mà người ta trở thành con cái thực sự của cụ Abraham, trở nên thành phần của Dân Thiên Chúa và đáng hưởng lời hứa dành cho con cái cụ Abraham. Bên cạnh mầu nhiệm của sự ưu tuyển mà Thiên Chúa dành cho Israel còn có mầu nhiệm của sự tự do của Thiên Chúa trong việc thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Thái độ của người đàn bà Canaan có nét tương đồng đặc biệt với thái độ của người đại đội trưởng ngoại giáo đã ngăn cản Đức Giêsu vào nhà ông ở 8,5-13. Cả hai đều thừa nhận sự phân biệt Israel với dân ngoại, cả hai đều tự nhận mình ở bậc dưới so với người Israel, nhưng đồng thời, cả hai đều tin nhận rằng Đức Giêsu có một tấm lòng nhận hậu vượt hẳn những giới hạn của dân Do Thái. Và lòng tin đó đã đưa đến ơn chữa lành.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Chính lòng tin làm cho người ta trở thành “con cái” thay vì là “chó con” và đáng được hưởng tất cả những lời hứa dành cho cụ Abraham và dòng dõi của cụ.

2. Xác tín mạnh mẽ vào quyền năng và vào lòng tốt của Đức Giêsu, cộng thêm tình yêu mãnh liệt đối với đứa con gái khốn khổ, đó chính là hai yếu tố cốt tử làm cho người đàn bà Canaan thành công trong lời cầu nguyện tha thiết của mình.

3. Sự từ chối bên ngoài của Đức Giêsu đối với lời cầu xin của người đàn bà là cơ hội để những chân lý mặc khải của Thiên Chúa tỏa sáng, giúp chúng ta đi xa hơn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sự từ chối bề ngoài đó cũng là dịp để người đàn bà đi từ chỗ chấp nhận chỉ là “chó con” đến chỗ được hưởng ân huệ dành cho con cái nhờ lòng tin. Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều khi Thiên Chúa làm như “phớt lờ” lời cầu cin của chúng ta. Người như thể thinh lặng không quan tâm gì đến lời van xin và tình cảnh bi đát của chúng ta. Nhưng có thể đó là vì Người đang muốn dẫn chúng ta đến một chân trời mới, lớn lao và thực chất có giá trị hơn hẳn những gì ta xin…

4. Đức Giêsu ngạc nhiên trước lòng tin của người đàn bà Canaan, một người phụ nữ dân ngoại. Ngày nay cũng vẫn có nhiều người chưa được rửa tội lại có lòng tin và tình yêu lớn mạnh hơn hẳn lòng tin và tình yêu của các Kitô hữu chúng ta. Tư cách là người đã được rửa tội không cho phép chúng ta kiêu căng và coi thường những người chưa được rửa tội, ngay trong lãnh vực của lòng tin và lòng mến.

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.