VRNs (28.08.2011) – Sài Gòn – Ngay từ thuở thiếu thời, cuộc sống tôi đã không suông sẻ chút nào. Ít nhiều gì cũng khiến tôi “sốc”. Việc học hành đứt đọan, tôi phải cố “bơi” tiếp để vươn lên chứ không đành chấp nhận số phận. Nhiều khi cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng không thể thúc thủ trong bất kỳ nghịch cảnh nào. Có lẽ bao mơ ước không trọn mà tôi trở nên “đa sầu đa cảm”, nhất là những khi ngồi trầm tư một mình…
Nhưng nỗi buồn không chịu buông tha tôi. Mênh mang cõi lòng. Miên man dòng nghĩ. Nhìn lại những chặng đường chông gai, hầu như không thấy gì “thuận buồm, xuôi gió”. Quả là “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, và bao nhiêu gập ghềnh nữa? Phận gái có 12 bến nước, còn đời trai có bao nhiêu bến?
Tôi chợt rùng mình ngao ngán. Một thời xe đạp ngược xuôi khắp thành phố, tôi cứ phải “mặt dày” trong khi mọi người xung quanh ai cũng “tươm tất”. Những ngày đi may công nghiệp cho một cơ sở tư nhân ở Cầu Bông (Bình thạnh), tưởng tạm ổn, nhưng “số con rệp” nên lại… thất nghiệp vì cơ sở giải tán. Rồi những ngày vừa đi bỏ yaourt vừa đi học Anh văn, vào trường mà thấy “ngại” với cái giỏ đệm treo trên tay lái. Nhưng không thể không học. Hình như cuộc đời luôn khe khắt với tôi, vì không có gì bền lâu với tôi. Càng nghĩ càng thấy ngán!
Vì buồn và muốn giết thời giờ, tôi giải sầu bằng cách mày mò đến với báo chí. Không hiểu vì lý do gì đó, một tờ báo tiếng Anh ở TPHCM lúc đó (1992-1994) mời tôi cộng tác bằng cách hàng tuần đến tòa soạn nhận bài về dịch. Nhưng rồi họ không “chơi đẹp”, đăng bài tôi dịch mà lại ký tên người khác. Và điều tất nhiên xảy ra là tôi phản ứng, thế là tôi lại thất nghiệp. Đời tôi quá vô duyên!
Sau đó, tôi nhờ người quen giới thiệu, tôi trở thành gia sư Anh ngữ và Organ. Công việc gia sư cũng nhiêu khê và chông chênh chẳng khác đi trên cầu khỉ chút nào. Thầy chỉ như người làm bài tập cho học sinh. Họ cứ tưởng trả lương sòng phẳng cho thầy hàng tháng là xong, thầy không được ý kiến gì khác. Cho chúng cả bầy thiên nga (điểm 2) hoặc cả rổ trứng (điểm 0) cũng vô hiệu, không hề có chút “ép-phê”. Chúng thích thì học, không thích thì nghỉ. Đó là chưa nói đến chuyện “ma chê, cưới trách”. Gia sư lúc nào cũng ngay ngáy lo “mất dạy” nên đôi khi hóa thụ động và “nhu nhược” trong việc giáo dục. Luôn phải “chiều chuộng” học trò.
Con nhà giàu mới đủ khả năng “rước” thầy về nhà dạy kèm, mà người giàu thì vốn dĩ chi li, tính kỹ. Bản chất trực tính, không kham nổi kiểu đài các của người khác, bao lần tôi đã từ giã “sàn gạch bông” nhà học, giã từ “lầu cao” và các “cậu ấm” hay “cô chiêu” như vậy. Thậm chí có khi còn phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi các “cô”, các “cậu” nói với thầy không khác gì mệnh lệnh.
Vô tình tôi đến với nhạc và thơ văn. Công việc này chỉ là “mua vui” cho khuây khỏa và là ngu lạc trường (đam mê riêng) mà thôi. Nào mấy ai đã sống sót với “nghề” viết lách, chẳng qua là nghiệp dĩ! Cuộc sống tự lập và độc thân không dễ chút nào. Không thể sống nhờ vào nhuận bút, đó là chưa kể đến chuyện “vai vế” và “phe cánh”.
Cuộc đời thì ngắn, nghệ thuật thì dài. Mà con đường nghệ thuật quá đỗi nhiêu khê và chông gai hơn mình tưởng nhiều. Cái gì cũng có giá riêng. Tôi không được học hành có bài bản về nhạc và thơ văn, chỉ là tay ngang, tự học hỏi thêm và phát triển bằng cách viết nhiều, nghe nhiều và tự đúc kết khi “quan sát” tác phẩm của người khác để rút ra “cái riêng” cho mình.
Tình cờ gặp anh bạn cũ. Thấy hòan cảnh tôi khó khăn, anh giới thiệu tôi với một trung tâm Tin học và Ngoại ngữ. Và trong khỏanh khắc, tôi quyết định ngay. Thật sự cuộc đời có những điều không thể cưỡng lại – dù mình không thực sự muốn!
Có lớp hay không còn tùy nhiều nguyên nhân. Thật khó xác định. Không như các lớp phổ thông, thầy “có quyền” hơn. Cuộc sống vẫn khó khăn nhưng dù sao cũng an tâm hơn. Ngoài giờ lên lớp, tôi lại viết lách như để trải tâm sự mình. Vả lại, đó cũng là niềm vui riêng. Có lẽ chính hòan cảnh đã thúc đẩy và giúp tôi viết nhiều. Nhưng chuyện “viết” là một chuyện, còn chuyện “lách” là chuyện khác!
Trên đường mưu sinh lập nghiệp, tôi luôn gặp nhiều buồn hơn vui, khác chi một đoản khúc mà giai điệu chỉ là những nốt trầm. Đó là giai-điệu-tôi. Thất vọng nhưng không tuyệt vọng, tôi vẫn hy vọng nó đủ sức vang ngân giữa đời. Tôi cũng cầu mong không ai phải gian nan như tôi đã và đang đương đầu với cuộc sống. Tôi hy vọng khả dĩ làm được điều gì đó hữu ích hơn cho cuộc đời và cho người khác – dù điều đó nhỏ nhoi thôi.
Cánh diều bay lên nhờ ngược chiều gió chứ không xuôi theo chiều gió. Tôi hiểu và tôi cố gắng, vì “nỗi khổ ngày nào đã đủ cho ngày ấy” rồi!
Hai tác giả Jack Canfield và Mark Vitor Hansen đã biên soạn cuốn Chicken Soup For The Soul, họ bị hơn 100 nhà xuất bản từ chối in. Nhưng họ biết mình và biết người, vẫn kiên trì tập trung vào mục đích, và rồi cũng có người đồng ý xuất bản. Có chí thì nên. Ngày nay, bộ sách đó thuộc loại bán chạy nhất (best-seller)!
Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thật đúng như vậy, vì “tất cả là Hồng ân” (Rm 4:16), và “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 22). Xin Thiên Chúa luôn nâng đỡ và độ trì theo Lòng Chúa Thương Xót!
TRẦM THIÊN THU