Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Những ân tình đời thường

Chúa Nhật XX TN A

Phải vào đạo Công giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.



Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.

Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng nhưng không do Chúa ban tặng. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôthê (x.Tm 2,3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắc chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56,6-7).

Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).

Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8).

Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.

Trong thời gian rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x. Ga 6,35; 9,35). Ngay đêm Tiệc ly, sau khi cử hành “Lễ tạ ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14,1).

Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” ( Gc 2,15-16 ).

Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.

Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột