Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Đọc Thánh Kinh

VRNs (05.08.2011) – Vatican – Tại công trường Tự Do, Castel Gandolfo, buổi yết kiến ngày thứ tư, 03.08.2011, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã có bài giáo lý về việc đọc Thánh Kinh [BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ ( 7A 25)].



Anh Chị Em thân mến,

Tôi rất vui mừng được gặp Anh Chị Em ở đây, giữa công trường ở Castel Gandolfo và được bắt đầu lại, tiếp tục các buổi yết kiến đã bị gián đoạn trong tháng bảy.

Tôi muốn được tiếp tục lại chủ đề mà chúng ta đã bắt đầu, đó là chủ đề “học đường cầu nguyện” và ngay cả hôm nay, mặc dầu hơi khác một chút, những không đi tách xa khỏi chủ đề. Tôi muốn được đề cập sơ qua một vài khía cạnh thiêng liêng cá biệt và thực tế, mà tôi nghĩ rằng hữu ích, không những đối với những ai đang sống – tách rời khỏi thế giới một chút – trong khoảng thời gian nghỉ hè, như chúng ta, mà cả đối với người đang dấn thân chuyên cần trong công việc hàng ngày.

Khi chúng ta có được một khoảng thời gian rảnh rỗi trong công việc của mình, một cách đặc biệt trong những lúc nghỉ ngơi, thường chúng ta hay cầm lấy một quyển sách, mà mình muốn đọc.

Chính đây là khía cạnh tiên khởi, mà tôi muốn dừng lại nói chuyện và cùng với Anh Chị Em suy nghĩ.

Mỗi người chúng ta đều cần có được một khoảng thời gian và không gian để tập trung tư tưởng, suy tư và được yên ổn…

Cám ơn Chúa như vậy!

Thật vậy, nhu cầu vừa kể cho thấy không phải chúng ta được dựng nên chỉ để làm việc, mà còn để suy nghĩ, duyệt xét lại, hay một cách đơn sơ để theo dõi bằng tâm thức và bằng con tim một câu chuyện được nghe thuật lại, một sự kiện lịch sử để đắm chìm đồng hoá mình trong đó, nói một cách nào đó, “để tan biến mình đi“, để rồi tìm gặp lại được mình sung mãn hơn.

Dĩ nhiên nhiều quyển sách để đọc mà chúng ta cầm lấy trong tay trong mùa nghỉ hè, thường là những quyển sách làm cho chúng ta giải khuây. Và đó là điều tự nhiên.

Nhưng có nhiều người, nhứt là những người nếu có được thời gian khuây khoả và thư giãn dài hơn, họ chuyên cần đọc một điều gì đó nghiêm chỉnh hơn.

Trong trường hợp này, tôi muốn được đưa ra một đề nghị tại sao không khám phá một vài sách trong bộ Thánh Kinh, mà thường thường ít khi chúng ta biết đến? Hay đó chỉ là những sách mà chúng ta chỉ được nghe một vài đoạn trong Phụng Vụ, nhưng chưa bao giờ chúng ta đọc hết cả sách?

Thật vậy, nhiều tín hữu Chúa Kitô không bao giờ đọc Thánh Kinh, và bởi đó họ có một hiểu biết rất hạn hẹp và phiến diện.

Thánh Kinh, như tên gọi, là một Bộ Sách gồm tóm các quyển sách, là một “tiểu thư viện“, được xây dựng nên trong vòng một thế kỷ. Một vài quyển trong “các quyển sách nhỏ” để tạo thành thư viện đó, dường như không hề được biết đến đối với phần đông dân chúng, ngay cả đối với những Kitô hữu tốt lành.

- Một vài quyền thật ngắn gọn, như sách Tobia, một quyển tường thuật chứa đựng ý nghĩa rất cao đẹp về gia đình và về hôn nhân.

- hay quyển Ester, trong đó Nữ Hoàng Do Thái, bằng đức tin và lời cầu nguyện, đã cứu thoát dân mình khỏi bị diệt chủng,

- hay còn ngắn hơn nữa, quyển sách Rut, một thiếu phụ ngoại quốc biết được Thiên Chúa và cảm nhận được ơn quan phòng của Người.

Những quyển sách bé nhỏ đó có thể đọc hết sách khoảng một tiếng đồng hồ.

Đòi buộc nhiều công sức hơn, và đó là những quyển tuyệt tác, như

- sách Yob, đề cập đến vấn đề quan trọng đối nỗi đau khổ của người vô tội;

- sách Quèlet – Khôn ngoan, làm cho chúng ta đặc tâm chú ý đến tính cách hiện đại trong việc bàn luận về ý nghĩa của cuộc sống và thế giới;

- sách Diễm Ca (Cantico dei cantici), thi văn tuyệt vời, biểu hiệu cho tình yêu của con người.

Anh Chị Em thấy, đó là những quyển sách thuộc Cựu Ước.

Còn Tân Ước?

Dĩ nhiên, Tân Ước được biết đến nhiều hơn, và các cách hành văn cũng ít khác biệt nhau hơn. Nhưng đẹp biết bao đọc Phúc Âm suốt hết và khám phá, cả sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư cũng được khuyên nên đọc.

Để kết thúc, các bạn thân mến, hôm nay tôi muốn được gợi ý các bạn nên có trong tay, trong lúc nghỉ hè hay những lúc giải khuây thư thả, quyển Thánh Kinh, để thưởng thức một cách mới mẻ, đọc suốt qua một vài quyển trong đó, những quyển ít được biết đến cũng như những quyển quen thuộc, như Phúc Âm, và đọc liên tiếp.

Làm như vậy, những giây phút giải khuây thư thả làm cho văn hoá được sung mãn hơn,

- thức ăn thiêng liêng có khả năng nuôi nấng sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa

- và thành cuộc đối thoại với Người, lời cầu nguyện dâng lên Người.

Tôi nghĩ rằng đó là cách dùng thời gian nghỉ ngơi một cách tốt đẹp, cầm lấy một quyển sách Thánh Kinh trong tay, như vậy chúng ta

- có được một chút sảng khoái thư thả

- và đồng thời, đi vào khoảng không gian bao la của Lời Chúa, làm cho sâu đậm hơn mối tiếp xúc của chúng ta với Đấng Vĩnh Cửu. Đó chính là mục đích của thời gian rảnh rỗi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Nguyễn Học Tập

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ

Nguồn: www.vatican.va, 03.08.2011.