Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Phụng vụ và công lý (phần 2)

VRNs (08.08.2011) – Những khía cạnh khác nhau của công lý được thể hiện trong cử hành Thánh thể

Trong phần trước, chúng ta vừa tìm hiểu sơ qua nền tảng và lịch sử của một nền phụng tự Kitô giáo đích thực gắn với việc thực thi công lý. Để đào sâu mối tương quan đó, ở phần này chúng ta sẽ khám phá những khía cạnh nổi bật của công lý được diễn tả trong việc cử hành Thánh lễ.



Trước hết, như ở trên chúng ta đã xác định, phụng vụ là cách lối con người diễn tả một cách có nghi lễ mối tương quan của mình với Thiên Chúa, qua đó con người được sống trọn vẹn ơn gọi của mình như ý định ban đầu Thiên Chúa muốn khi Người tác tạo nên họ. Như vậy, xét một cách tổng thể, việc cử hành phụng vụ tự nó đã toát lên khía cạnh công lý của Thiên Chúa, vì công lý của Thiên Chúa không gì khác hơn là chính ý định của Người muốn con người được sống như họ là và sống dồi dào trong ân sủng của Người. Mà con người được sống dồi dào không gì khác hơn là họ được tự do ca ngợi và cảm tạ Chúa. Một dữ kiện quan trọng ở đây là việc cử hành Thánh thể chính là lời cảm tạ, tri ân của con người hiệp nhất trong hiến tế tạ ơn của Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa. Trong phần mở đầu của hầu hết các kinh Tiền Tụng, chúng ta được hướng dẫn với những lời cầu nguyện: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con…”[i] Lời tạ ơn này nhắc nhở người tin vào chính công lý của Thiên Chúa trong đời sống thường nhật. Suy tư lời kinh nguyện này, Walter J. Burghardt nhấn mạnh rằng “tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc chính là một vấn đề về công lý. Nếu không tạ ơn Chúa, ta trở thành những kẻ bất tín bất trung với giao ước đã được ký kết trong máu Chúa Kitô, và như vậy ta mắc lỗi với công lý của Thiên Chúa.”[ii] Giải thích thêm về công lý của Thiên Chúa được diễn tả trong cử hành phụng vụ Thánh thể, Burghardt lưu ý rằng “ca ngợi và cảm tạ Chúa chính là vấn đề về công lý, về sự tín trung, vì chính Chúa là Đấng đã cho ta được hiện hữu, đã ban cho ta sự sống trong từng giây phút; vì chính Chúa cũng là Đấng cứu ta trong Đức Kitô; vì ‘Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta’ (Rm 5, 5); và vì chính Thiên Chúa là nguồn mạch, là hy vọng, là cùng đích của cuộc đời ta.”[iii] Tóm lại, mỗi khi cử hành Thánh thể (hy lễ tạ ơn), ta được nhắc nhở về chính công lý của Thiên Chúa trong cuộc đời ta. Lời ngợi ca, cảm tạ Thiên Chúa của ta chỉ trở nên đích thực khi ta để cho ý Ngài hiện tỏ trong cuộc sống của ta. Nói cách khác, nhờ việc cử hành Thánh Thể, ta có được sức mạnh để thực thi công lý của Thiên Chúa, nghĩa là làm mọi sự hợp với ý Thiên Chúa. Khi ấy, cuộc đời ta thực sự trở thành lời tạ ơn Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín với giao ước mà Ngài đã ký kết với ta bằng chính máu châu báu của Con Một yêu dấu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Phụng vụ Thánh thể không chỉ diễn tả tương giao giữa con người với Thiên Chúa qua đó công lý của Thiên Chúa được thể hiện, mà còn diễn tả tương quan của con người với nhau, nhờ vậy ta được thúc đẩy để thực thi lẽ công bằng trong cuộc sống trần thế. Thực ra, phụng vụ Thánh thể không chỉ rõ cho ta phải cụ thể làm gì để thực thi lẽ công bằng xã hội. Thay vào đó, “thánh lễ giúp ta có được một chiều sâu tâm linh, một viễn tượng rõ ràng để khám phá Nước Trời ngay trong thực tại trần thế và nhờ vậy ta có thể sẵn sàng hiến dâng tất cả để hướng đến một đời sống tự do, tràn ngập ân sủng.”[iv]

Thật vậy, việc cộng đoàn tụ họp để cử hành Thánh thể có một ý nghĩa đặc biệt. Nơi cộng đoàn đó, mọi thành viên đều bình đẳng, không hề có sự phân biệt đối xử. Khi suy tư về ý nghĩa của một cộng đoàn được quy tụ để cử hành phụng vụ Thánh thể, Searle nói rằng “chúng ta đứng bên nhau không như những người giàu bên cạnh người nghèo, người thông minh bên cạnh kẻ khờ khạo, kẻ mạnh bên cạnh người yếu thế, kẻ ranh mãnh bên cạnh người đơn sơ, chất phác; thay vì đó, chúng ta đứng bên cạnh nhau như những người nghèo giữa người nghèo, kẻ yếu thế bên cạnh những kẻ yếu thế, người yêu mến bên cạnh những người được yêu mến.”[v] Tương tự như vậy, Mary Collins nhấn mạnh rằng “chúng ta không hề thờ phượng Thiên Chúa một mình. Phụng vụ diễn ra khi một nhóm người gồm đủ mọi thành phần được quy tụ để hoàn tất nhiệm vụ của Dân Thiên Chúa: người trẻ bên cạnh người già, người da trắng bên cạnh người da màu, người giàu bên cạnh người nghèo, người khỏe bên cạnh kẻ yếu.”[vi]

Đặc biệt hơn, việc chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh và uống chung cùng một ly rượu trong cử hành phụng vụ Thánh thể giúp chúng ta có được nguồn sức mạnh của tình đoàn kết gắn bó để tìm kiếm công lý cho những người bị áp bức trong một xã hội bất công. Mary Collins nhấn mạnh rằng chén rượu Thánh thể mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau giúp ta “nhớ lại mầu nhiệm về Đấng đã chịu đau khổ cho thế gian và Đấng ấy đang chúc phúc cho nhưng ai đang chia sẻ chén đắng với Ngài.”[vii] Cũng đề cập đến ý nghĩa của việc cùng chung chia tấm bánh Thánh thể, Leonard gợi ý: “Ta cùng tiến dâng lao tác của ta – niềm vui, sự sáng tạo cũng như bao nỗi đắng cay, khổ sầu – kết hiệp và được biến đổi trong hiến tế của Đức Kitô; và như Đức Kitô, ta trở nên tấm bánh được bẻ ra và ly rượu trào tràn cho anh chị em mình.”

Lẽ bình thường, ta không bao giờ ăn cùng một tấm bánh hay uống cùng một ly rượu với người khác trừ phi người đó có mối tương quan thân mật với ta. Cũng tương tự như vậy, ta phải có mối tương quan gắn bó với những ai đang cùng chung chia tấm bánh, ly rượu Thánh thể; có như vậy việc cử hành Thánh thể mới trở nên hữu hiệu và có ý nghĩa cho ta. Và một khi ta chấp nhận cùng chung chia tiệc Thánh thể với anh chị em của ta, thì ta cũng được thúc bách mang lấy tâm tư của anh chị em ta. Vui mừng và hy vọng của họ, ưu sầu hay lo lắng của họ khi đó cũng là của ta. Đặc biệt, tình trạng bị đè nén, bóc lột của họ cũng đang là tình trạng khốn cùng của chính ta. Ta được mời gọi đồng hành với họ trên con đường tìm kiếm công lý, lẽ phải. Nói tóm lại, phụng vụ Thánh thể giúp ta nhận ra tương quan của ta với Chúa và với tha nhân, nhờ vậy ta được thúc đẩy để thực thi công lý của Thiên Chúa trong xã hội mà ta đang sống.

Thay lời kết: Người Công giáo Việt Nam được mời gọi hiện thực hóa nền phụng tự Kitô giáo gắn liền với việc thực thi công lý

Ở trên chúng ta đã tìm hiểu khái lược lịch sử và nền tảng căn bản của một nền phụng tự đích thực gắn liền với việc thực thi công lý. Chúng ta cũng đã tìm hiểu sơ lược những khía cạnh quan trọng của công lý được toát ra qua việc cử hành phụng vụ Thánh thể. Nói một cách vắn tắt, phụng vụ Kitô giáo không bao giờ dừng lại ở những chỉ dẫn luật chữ đỏ, mà trên hết đó là cách lối căn bản mà người tín hữu diễn tả đức tin của mình vào Thiên Chúa hằng sống, công minh và chân thật. Các ngôn sứ trong Cựu Ước không ngừng nhắc nhở dân Chúa về một nền phụng tự gắn liền với viêc thực thi công lý. Trong khi đó, Tân Ước cũng không bao giờ giảm thiểu khía cạnh công lý trong khi thi hành các nghi thức phụng tự. Cũng vậy, trong suốt dòng lịch sử, việc thực thi công lý không bao giờ bị lãng quên hay tách rời khỏi đời sống phụng vụ của Giáo hội.

Dòng lịch sử ấy dường như vẫn đang được tiếp nối nơi một Giáo hội địa phương trong một đất nước nhỏ bé nhưng lại có quá nhiều vấn để nổi cộm về lẽ công bằng, bác ái và sự thật. Rõ ràng ngang qua các buổi cử hành phụng vụ với nghi thức thắp nến cầu nguyện cho những người bị áp bức, các tín hữu Công giáo Việt Nam đã ý thức được tình trạng bất công trong xã hội mà họ đang sống và họ được thúc bách để lắng nghe tiếng kêu cứu của anh chị em mình. Có thể nói, cách nào đó phong trào thắp nến cầu nguyện này đang phản ánh một cách chân thực một nền phụng tự Kitô giáo vốn gắn liền với việc thực thi công lý.

Tuy thế, các tín hữu Công giáo Việt Nam còn được mời gọi làm nhiều điều hơn thế nữa. Họ được mời gọi không chỉ dừng lại ở hình thức thắp nến cầu nguyện, mà họ còn được thúc bách làm cho đời sống phụng vụ chân thực của Giáo hội được hiện tỏ ngang qua đời sống ngay chính của họ trong một xã hội gian dối, bất công. Quả thật, người Công giáo Việt Nam đang được đòi buộc thực thi điều mà Burghardt gợi ý: “Những dấu chỉ và biểu tượng về việc cử hành Thánh Thể tự nó không biến đổi cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội; chúng cũng không nói trực tiếp đến các vấn đề phức tạp về đói nghèo và công bằng xã hội, nhưng chúng có thể biến đổi hàng triệu tâm hồn và trí óc để họ nhận biết tình trạng bị áp bức mà họ đang phải chịu hoặc phải gánh trách nhiệm và nhờ vậy họ phải đấu tranh cùng với những người khác để cho vương quốc của bình an, của công lý, của tình yêu trị đến.”[viii]

LM. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R