VRNs (03.08.2011) – Mấy ngày nay trên các trang thông tin, người ta bàn tán về một thương vụ tại thành phố Sàigòn, nội dung về sự kiện công ty VWS, một công ty đang đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác cho thành phố đặt tại khu Đa Phước. Để có thể vận hành thử nhà máy, công ty xin nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Hoa Kỳ. sự kiện được đem lên báo chí, nhiều ý kiến phản đối việc nhập khẩu phế liệu này, họ lý luận như thế là mang ô nhiễm môi trường về cho Việt Nam, hơn nữa, nhà máy xử lý rác cho thành phố cần phải được vận hành thử bằng chính rác của thành phố (Báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ sáu 29.7.2011 và các ngày chung quanh sự kiện).
Ý kiến ngược lại cho rằng, rác thành phố chưa được phân loại ngay từ đầu nguồn, còn lẫn lộn rất nhiều thứ, không đủ tiêu chuẩn để vận hành nhà máy. Một ý kiến khác cho rằng xây dựng như vậy là chưa hợp lý, việc phân loại từ đầu nguồn hiện nay đang bế tắc, một chương trình giáo dục vận động quy mô bài bản được sự yểm trợ của một tổ chức quốc tế từ Nhật Bản đã bắt đầu từ năm 2007 ở Hà Nội, cho đến nay kết quả tiến triển rất chậm (báo Tuổi Trẻ, ra ngày thứ sáu 29.7.2011 bài “Sinh con rồi mới sinh cha” của tác giả Huy Thọ).
Xử lý rác tại Việt Nam hiện nay đang là một bài toán lớn rất khó giải, bao nhiêu năm qua các thành phố lớn như Hà Nội, Sàigòn và các thành phố khác đang gánh chịu sự ô nhiễm khủng khiếp từ rác phế thải, sự ô nhiễm này cũng không tha các địa phương khác, các khu du lịch, các vùng thiên nhiên cũng đang oằn mình gánh… rác!
Thói quen dùng những vật liệu mang tính ô nhiễm cao (bao xốp, chai nước nhựa, …), tật xấu vứt rác bừa bãi, cộng thêm chưa có tập tính phân loại rác đầu nguồn, đẩy tình trạng ô nhiễm từ rác ngày càng lên cao.
Đầu tư nhà máy xử lý rác cho các thành phố là một việc làm hợp lý, nếu vận hành tốt, chúng ta có những sản phẩm hữu ích từ rác, trước hết là phân bón từ các chất hữu cơ, các vật liệu từ rác vô cơ tái chế… Vậy vấn đề hệ trọng ở chỗ phân loại rác đầu nguồn, nếu tổ chức phân loại rác đầu nguồn tốt, chúng ta có thể giải được bài toán rác.
Hiện nay, ít là tại ba thành phố lớn, một số lượng lớn lao động đổ về từ các miền quê vào thành phố hành nghề “ve chai”, họ đi đến tận hang cùng ngõ hẻm thu mua các phế liệu rồi bán lại cho các vựa ve chai (Hà Nội gọi là “đồng nát”, Huế gọi là “chai bao” Sàigòn gọi là “ve chai”), chắc chắn thu nhập của họ tương đối (cho dẫu có vất vả nhọc nhằn, vẫn còn hơn thu nhập của họ ở miền quê) nên lượng người hành nghề này rất đông và ngày một tăng, họ hình thành từng nhóm từng “đồng hương” phân chia nhau từng khu vực, thuê nhà trú ngụ thành từng hội từng phường.
Chỉ cần những người có trách nhiệm trong xã hội quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi bằng các chính sách về y tế, xã hội, nhà ở, tổ chức,… cuộc sống của họ được cải thiện, gia đình họ được an tâm, họ sẽ đóng góp rất lớn cho bài toán về rác của chúng ta.
Nói về những người có trách nhiệm, cũng là nói về vai trò xã hội của Giáo Hội, giữa một thành phố phồn vinh hoành tráng và tiêu thụ như hai thành phố lớn Hà Nội, Sàigòn, cũng như các thành phố khác, Giáo Hội được mời gọi hướng về người nghèo, đồng hành sẻ chia với người nghèo, ở các thành phố đó, bản chất Giáo Hội không phải là chè chén với người giầu, tung hô, thăm viếng, chụp hình với những đại gia, càng không phải là tham dự những chuyến du lịch sang trọng với các đại gia, bỏ rơi những người ngày đêm kêu cứu ngay trước cửa nhà.
Nếu ngày hôm nay (Chúa Nhật thứ 18 mùa thường niên A), “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương” (Mt 14, 14) thì những người có trách nhiệm trong Giáo Hội có thấy chạnh lòng thương đoàn người Ve Chai Đồng Nát đông đảo đang vất vưởng ở các thành phố sa hoa lộng lẫy này không? Hãy có những hoạt động để nâng đỡ họ. Có khó không khi chúng ta có một sự can thiệp về y tế cho họ? Tổ chức các đoàn y nha dược đi giúp các miền quê, rất tốt, nhưng sao không tổ chức các phòng Y Tế cho cánh Ve Chai Đồng Nát ở ngay giữa thành phố, tại sao không hợp đồng với các phòng khám Đa Khoa để có những can thiệp giúp đỡ tài chánh cho những Ve Chai Đồng Nát có thẻ “Bảo Hiểm Y Tế của Nhà Thờ”?
Tại sao không có những sáng kiến mục vụ cho “Di Dân – Xa Quê” (ca đoàn, nhóm đồng hương, Thánh Lễ cho Người Xa Quê, các lớp Giáo Lý bỏ túi và “Nhà Nguyện về đêm”, thẻ theo dõi mục vụ – được cấp và cập nhật liên tục khi họ di chuyển đến địa phương khác) để nâng đỡ những Người Xa Quê?
Một hoạt động khác đang phát triển ở nhiều nơi, các “nhóm Ve Chai”, những nhóm này đã và đang hoạt động rất hiệu quả, nhóm thu hút rất đông các thanh niên nam nữ, họ sinh hoạt đều đặn và liên tục, số tiền họ kiếm được từ thu nhặt ve chai đã đóng góp không nhỏ vào các hoạt động từ thiện bác ái xã hội, hành động của họ là lời rao giảng về tình thương, hình ảnh của họ là tấm gương cho các bạn trẻ khác soi rọi. Chúng ta cần quan tâm, nâng đỡ và khích lệ các bạn trẻ Ve Chai.
Các bạn Nhóm Ve Chai giúp dựng nhà cho người nghèo sau bão lụt tại Quảng Ngãi
Bảo vệ môi trường là sứ mạng của Giáo Hội (Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, chương 10, về Môi Trường). Bảo vệ môi trường là con đường dẫn đến hòa bình (Sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới 1.1.2010 của Đức Thánh Cha Benedicto 16), Chạnh lòng thương là phẩm chất của người Kitô hữu. Hãy làm một cái gì đó cho anh em, cho xã hội, cho nhân loại, đừng lý thuyết và càng không nên làm “tư tế, biệt phái”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 31.7.2011
Nguồn: Ephata 470