VRNs (02.08.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm (IV A 41), ngày 07.08.2011, Chúa nhật XIX Thường niên, năm A: Mt 14, 22-33
Thiên Chúa luôn luôn cúi xuống trên nhu cầu và bất hạnh của con người.
Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta phép lạ Chúa Giêsu đi trên nước.
Trong chương 14 Phúc Âm Thánh Matthêu, tuần trước chúng ta đã được đọc phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi đoàn lủ đông đảo dân chúng đói khát, đi theo nghe Người giảng dạy ở nơi hoang vắng đến xế chiều.
Cũng vậy, trong chương 14 Phúc Âm hôm nay, Thánh Matthêu tìếp tục thuật lại cho chúng ta phép lạ Chúa Giêsu đi trên nước, để trấn an và cứu giúp các môn đệ đang bị bảo táp ngoài khơi:
– “ Chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió…Nhưng khi thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm thì ông la lên: ” Lạy Thầy, xin cứu con với. Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và phán: Người đâu mà kém tin vậy! ” ( Mt 14, 24.30-31).
Thuật lại cho chúng ta liên tiếp hai phép lạ trong chương 14, Thánh Matthêu có ý nói cho chúng ta Thiên Chúa không bao giờ dững dưng trước những nỗi bất hạnh của con người.
Thiên Chúa đó đã được Chúa Giêsu mô tả cho chúng ta hình ảnh người Cha thương yêu con cái qua cách hành xử của Người:
– “ Các anh hãy về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng ” ( Lc 7, 22).
Tâm tình người Cha âu yếm lo lắng cho con đó của Chúa Cha, được Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết, để chúng ta tin tưởng, sống thân tình Cha con với Chúa, trước khi Người dạy chúng ta gọi Chúa là Cha:
– “ …vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin ” (Mt 6, 8).
Nhắc lại những tư tưởng vừa kể, một lần nữa để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ quên con cái Người.
Đoạn Phúc Âm hôm nay được khởi đầu bằng câu:
– “ Chúa Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, trong lúc Ngài từ giả dân chúng ” (Mt 14, 22).
Câu Phúc Âm vừa kể nói cho chúng ta biết lý do các môn đệ tách rời khỏi Chúa Giêsu và vì không có Chúa Giêsu ở với, nên các ông đã gặp những gì đã xảy ra.
Câu Phúc Âm tiếp đến, câu 24, diễn tả con thuyền của các môn đệ trong cơn bảo táp và diễn biến của biến cố được kết thúc khi sóng yên gió lặng ở câu 32:
– “ Con thuyền thì đã ra xa bờ đến mấy cây số, bị sóng đánh vì gió ngược” ( Mt 14, 24),
– “ Khi Thầy trò lên thuyền, thì gió yên lặng ” ( Mt 14, 32).
Chúng ta lấy hai câu vừa kể làm bối cảnh để suy niệm biến cố phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước hôm nay.
1 – Mối tương quan giữa cơn sóng gió mà các môn đệ gặp phải và phép lạ Chúa Giêsu làm cho gió yên sóng lặng , câu 24 và 32 như vừa nói, gợi ý cho chúng ta liên kết suy niệm câu 23 và câu 33 của thân đề đoạn Phúc Âm:
– “ Giải tán xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn còn ở đó một mình” ( Mt 14, 23),
– “ Những kẻ ở trong thuyền bái lại Người và nói: quả thật Ngài là Con Thiên Chúa ” (Mt 14, 33).
Điều khiến chúng ta liên kết hai câu Phúc Âm vừa kể để suy niệm, đó là mối tương quan giữa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ( câu 23) và lời tuyên xưng đức tin của các môn đệ (câu 33).
Chúa Giêsu lên núi một mình mà cầu nguyện, nói lên mối tương quan duy nhứt Cha Con giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu: “ Người lên núi một mình mà cầu nguyện ”.
Như vậy lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không phải chỉ là lời chúc tụng, biết ơn, van nài phát xuất từ tâm hồn con người nhận biết quyền tối thượng thần linh của Thiên Chúa trên vũ trụ tạo vật và trên lịch sử con người, mà còn cho chúng ta biết mối thân tình âu yếm tự nhiên giữa Chúa Giêsu và Cha Ngài:
– “ Người lên núi một mình, mà cầu nguyện ” ( Mt 14, 23).
Bởi lẽ nếu chỉ là lời chúc tụng, tạ ơn, cầu khẩn, Ngài có thể lớn tiếng cầu nguyện giữa đám đông, để vinh danh Chúa Cha trước mọi người.
Mối thân tình duy nhứt Cha Con đó, đã được các môn đệ xác nhận sau khi đã chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và làm cho sóng gió lặng yên:
– “ Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa ” (Mt 14, 33).
2 – Khởi đầu của đoạn Phúc Âm, Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta những khó khăn bảo táp mà các môn đệ gặp phải, khi các ông tách rời khỏi Chúa Giêsu, có lẽ không phải là một biến cố ngẩu nhiên mà Thánh Matthêu muốn thuật lại:
– “…các môn đệ xuống tuyền qua bờ bên kia, trong lúc Ngài từ giả dân chúng ” ( Mat 14, 24).
Nhưng rồi thuyền bị bảo táp, và Chúa Giêsu hiện ra đi trên mặt biển được Thánh Matthêu thuật lại dường như sự hiện diện của Chúa Giêsu đến với các môn đệ, không có liên quan gì đến cơn bảo.
Bởi lẽ chúng ta không thấy Thánh Matthêu đề cập đến việc các môn đệ rung sợ và kêu cứu Chúa Giêsu.
Có lẽ tường thuật như vậy, Thánh Matthêu có ý làm cho chúng ta không lưu ý đến cơn gian nan của con thuyền và các môn đệ đang gánh chịu trước cơn sóng to gió lớn, cho bằng để tâm đặt câu hỏi vào căn nguyên ( identité) của người xuất hiện trên mặt sóng:
- “ Chiếc thuyền đi đa ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoản canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với họ ” ( Mt 14, 24-25).
Nêu lên hình ảnh người đi trên mặt biển, chắc chắn Thánh Matthêu có ý liên tưởng đến hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước, để nói lên Chúa Giêsu hành xử như cách hành xử mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được:
– “ Đây, mình Người trải rộng trên các từng trời, đạp lên trên ba đào biển cả” ( Gb 9, 8).
– “ Nhưng ác nhân thấy mình bị mất đi ánh sáng, cánh tay tung hoành nay bị bẻ gãy. Có bao giờ Người đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu…” ( Gb 38, 15-16).
Như vậy biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt biển được Thánh Matthêu thuật lại không những mạc khải cho chúng ta thấy quyền năng của Ngài trên vũ trụ vạn vật, mà còn thượng đẳng và cao cả trên thế giới con người.
Nói cách khác, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, có quyền năng hành xử như Thiên Chúa trên tạo vật và cả đối với con người.
Và đó là những gì các môn đệ tuyên xưng ờ phần cuối đoạn Phúc Âm:
– “ …quả thật Ngài là Con Thiên Chúa ” ( Mt 14, 33).
3 – Một tư tưởng khác nữa chúng ta cũng có thể suy niệm qua bài tường thuật phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là cách tường thuật của Thánh Matthêu cho chúng ta nhiều yêu tố tương đồng với biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu sau nầy.
Trước hết là hình ảnh “ ma ” ( fantasma) làm cho các môn đệ hoảng sợ:
– “ Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Kìa, ma đó!, và sợ hãi la lên” ( Mt 14, 26).
Hình ảnh ma vừa kể, chúng ta cũng có thể gặp được trong Phúc Âm Thánh Luca, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ:
– “ Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và phán: Bình an cho anh em! Các ông kinh hồn bạc vía tưởng là thấy ma ” ( Lc 24, 37).
Và trong Phúc Âm Thánh Gioan, khi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, xác nhận chính là Chúa Giêsu:
– “ Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đến đứng trên bải biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu…, Người môn đệ đưọc Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: Chúa đó! Vừa nghe nói: Chúa đó!, ông Simon Phêrô vội khoát áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” (Jn 21, 4.7).
Chúng ta cũng nên biết là theo truyền thống Thánh Kinh, sóng nước biển tượng trưng cho quyền lực các sức mạnh hổn loạn, luôn luôn hâm doạ làm tổn thương đến tạo vật tốt lành Thiên Chúa dựng nên.
Trong chiều hướng đó, Chúa Giêsu có quyền năng đạp lên sóng biển đến với các môn đệ cho thấy ngụ ý của Thánh Matthêu muốn nói cho chúng ta quyền năng của sự dữ và tử thần không thể nào chiến thằng vĩnh viễn được trên Chúa Giêsu và trên các môn đệ Ngài, nhứt là sau khi Ngài từ cỏi chết sống lại.
Và như vậy, một lần nữa, lời tuyên xưng đức tin cuối cùng của các môn đệ cho thấy các ông nhận biết nơi con người mà các ông tiếp xúc hằng ngày trong cuộc sống lúc đó, nơi con người Chúa Giêsu, chính là Đấng có quyền năng giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết:
– “ Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: quả thật Ngài là Con Thiên Chúa” ( Mt 14, 33).
4- Chủ đề chính của đoạn Phúc Âm hôm nay nói về đức tin, nhứt là đức tin chống lại những sợ sệt đang kềm hảm các môn đệ:
– “ Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Kià, ma đó! , và sợ hãi la lên ” ( Mt 14, 26).
Nỗi sợ hãi đó dường như các ông chưa thắng nỗi, ngay cả với lời cam kết xác nhận của Chúa Giêsu:
– “ Chúa Giêsu liền bảo các ông: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ ! ” ( Mt 14, 27).
Thánh Phêrô là trưởng nhóm đứng ra can thiệp.
Sự can thiệp của Thánh Phêrô mang hai ý nghĩa:
– một đàng Ngài xin một dấu để chứng tỏ rằng người đang hiện diện trước mặt các ông chính là Chúa Giêsu. Nói cách khác, Ngài muốn xác nhận những gì mình tin là xác thực:
– “ Lạy Chúa, nếu Ngài thật là Chúa, xin truyền cho con đi trên nước mà đến với Ngài ” ( Mt 14, 28),
– đàng khác, đức tin là tin cậy và phó thác, không phải là tin có hay không, mà tin là phó thác vào cánh tay của người mình tin như đứa trẻ lăn xả vào cánh tay mẹ, bởi vì chắc chắn mẹ bao giờ cũng bênh vực mình và lo lắng mọi điều tốt đẹp cho mình.
Như vậy thái độ mạo hiểm bỏ thuyền, nhảy xuống biển để đến với Chúa Giêsu không phải là mạo hiểm, mông tưởng, không suy tính, liều mạng đi vào cỏi chết, mà là phó thác vào Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống.
Như vậy, chọn lựa của đức tin, không phải là chọn lựa cái chết mà là chọn sự sống, phó thác mạng sống mình cho người có quyền năng sai khiến sóng gió, dẹp bỏ sự dữ và tử thần.
Nhưng rồi cho dầu quyết chí theo Chúa, câu 30 của đoạn Phúc Âm cũng nói lên cho chúng ta thực tế của cuộc sống:
– “ Nhưng thấy gió thổi mạnh thì ông đâm sợ, và khi thuyến bắt đầu chìm, ông la lên: “ Lạy Chúa, xin cứu con! ” ( Mt 14, 30).
Qua câu nói vừa kể, Thánh Matthêu ngụ ý gởi đến chúng ta hai tư tưởng:
– một đàng luôn luôn cần giữ vững và bền bỉ trong đức tin, bởi vì trong cuộc sống Ki Tô hữu, những thử thách và nghịch cảnh không bao giờ thiếu:
* “ …thấy gió thổi mạnh ”, mặc cho đức tin dạy chúng ta vững tin, “ Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ ” ( Mt 14, 27),
– đàng khác, Thánh Matthêu cũng muốn nhắn nhủ đến người tín hữu Chúa Ki Tô, như Thánh Phêrô, rằng họ không bao giờ bị Chúa bỏ rơi trong trạng thái yếu đuối con người của họ trước những cơn bảo tố mà cuộc sống Ki Tô hữu phải trải qua:
- “ Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và phán: Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? ” ( Mt 14, 31).
Thực tế của cuộc sống Ki Tô hữu nhiều khi thật phủ phàng! Không ai có thể chối cải.
Nếu Thánh Phêrô “…thấy gió thổi mạnh” đâm ra sợ hãi, thì ngôn sứ Elia trong Cựu Uớc còn gặp những tình trạng tệ hại hơn.
Đó là những gì bài đọc thứ nhứt có thể giúp chúng ta suy niệm.
Muốn hiểu được tư tưởng vừa kể của bài đọc thứ nhứt, có lẽ chúng ta nên biết chương trước đó, chương 18 Sách Thứ Nhứt các Vua, kể lại cho chúng ta là ngôn sứ Elia đã xin và được Chúa tỏ ra quyền lực Ngài khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy các của lễ dâng lên Ngài, trong khi đó thì các tiên tri Baal không được ai nhận lời:
– “ Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Elia tiến ra và nói: Lạy Chúa, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài…Xin Chúa đáp lời con, lạy Chúa, xin Chúa đáp lời con, để dân nầy nhận biết Ngài là Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay đổi lòng dạ. Bấy giờ lửa của Thiên Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn ” (1 Re 18, 36-37).
Nhưng rồi sau đó ở chương 19, chương của bài đọc thứ nhứt hôm nay, Elia đã phải trốn chạy thoát khỏi cơn tức bực của hoàng hậu Gazabele, người bảo bọc cho các tiên tri Baal bị mất mặt, tức bực vừa kể.
Ông trèo lên đến núi Oreb, mệt nhọc, mất tin tưởng và chán nản. Thiên Chúa của bảo táp, sấm chớp và lửa ập từ trời đã biến mất, im hơi lặng tiếng.
Thiên Chúa đã bỏ rơi Elia, tôi tớ trung tín của Người?
Không !
Thiên Chúa tỏ ra cho Elia một cách khác, đặc biệt hơn và có lẽ khó nhận ra được đối với chúng ta:
– “ Sau lửa, có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, Elia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang: Bấy giờ có tiếng hỏi ông: Elia, con đang làm gì ở đó ? ” ( 1 Re 19, 12b-13).
Như vậy Thiên Chúa hiện diện bằng sấm chớp ngập trời, lửa ập từ trời xuống thiêu rụi của lễ hay Thiên Chúa hiện diện trong cơn gió thổi hiu hiu cũng là Thiên Chúa.
Nhiều lúc sự thinh lặng của Thiên Chúa, không phải là phải là Người không hiện diện, không thấy những nhu cầu, ước vọng hay khỗ hạnh của chúng ta và hỏi chúng ta như đã hỏi Elia: “ con đang làm gì đó? ”.
Đức tin cho phép chúng ta tin tưởng điều vừa kể:
– “ Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha anh em. Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi ” ( Mt 10, 29-30).
5 – Tư tưởng cuối cùng chúng ta có thể suy niệm, đó là ý nghĩa của câu 32:
– “ Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay ” ( Mt 14, 32).
Nếu muốn, Thánh Matthêu có thể viết
– “ Khi Chúa Giêsu lên thuyền, thì sóng gió lặng ngay ”,
dĩ nhiên là hiểu ngầm cả Thánh Phêrô cũng lên thuyền.
Bởi lẽ ở giữa biển, “ còn thuyền thi đã ra xa bờ đến mấy cây số ” ( Mt 14, 24), không lẽ Chúa Giêsu và các môn đệ bỏ Thánh Phêrô chết chìm.
Nhưng viết như vậy là cách viết không làm nổi bậc vai trò của Thánh Phêrô trên thuyền các môn đệ, trên con thuyền Giáo Hội.
Do đó tại sao Thánh Matthêu viết:
– “ Khi Thầy trò ( khi Chúa Giêsu và Thánh Phêrô) lên thuyền, thì gió lặng ngay ”.
Trong con thuyền Giáo Hội có Chúa Giêsu và có cả Thánh Phêrô hướng dẫn.
Và đó là những gì Chúa Giêsu sẽ nói rõ hơn ở mấy chương Phúc Âm tới của Thánh Matthêu:
– “ Còn Thầy, Thầy bảo thật cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi ” ( Mt 16, 18).
Trong con thuyền Giáo Hội có Chúa Giêsu và Thánh Phêrô hướng dẫn, không quyền lực tử thần nào thắng nỗi.
Và đó là ý nghĩa tại sao Thánh Matthêu viết : “ Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay ”.
Đó cũng là lý do tại sao Giáo Hội dạy đức tin của chúng ta được bảo đảm, nếu đức tin đó gắn chặt vào Giáo Hội, được bảo đảm bởi truyền thống các Thánh Tông Đồ:
– “ Con tin có Giáo Hội duy nhứt, thánh thiện, công giáo và tông truyền ” ( Kinh Tin Kính).
Những khuynh hướng tách Giáo Hội quốc gia, quốc doanh, đoàn kết, yêu nước thành Giáo Hội địa phương tự lập và độc lập, không liên hệ với Giáo Hội hoàn vũ, có Thánh Phêrô hướng dẫn và những vị kế vị của Ngài tiếp tục, đó là những suy tư và khuynh hướng
– những tư tưởng đi ra ngoài tín điều của Giáo Hội,
– ra ngoài ý muốn của Chúa Giêsu ( Mt 16, 18),
– là những tổ chức không thuộc về Giáo Hội của Chúa Giêsu, có thể làm mồi cho quyền lực tử thần.
NGUYỄN HỌC TẬP