Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ - kỳ 1

Phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm ông TS luật Cù Huy Hà Vũ đã tiến hành xong sau nhiều mong đợi từ các nhân sĩ, trí thức, người dân Hà Nội và khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới rằng sẽ có sự nhìn nhận lại của các cơ quan pháp luật để có bản án hợp lòng dân. Nhưng những hy vọng đó đã tan thành mây khói khi tòa tuyên y án sơ thẩm.

Kết quả đó làm nản lòng những người hy vọng một sự đổi thay, làm đau lòng những người yêu nước, làm thất vọng những niềm tin còn sót lại về một nhà nước pháp quyền.

Sự nản đó, thể hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc và nhiều mặt. Ngay cả việc người dân yêu cầu quyền chính đáng, cơ bản tối thiểu của họ khi được vào dự phiên tòa công khai thì người ta cũng không thèm nhắc đến nữa.

Tôi đi dự phiên tòa lịch sử

Trong lịch sử thế giới cũng như dân tộc này, đã có nhiều phiên tòa đi vào lịch sử còn ghi lại đến tận hôm nay. Tôi tin rằng phiên tòa này cũng sẽ được ghi vào lịch sử của đất nước, của dân tộc về một thời kỳ: Thời kỳ Việt Nam có “nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”.

Tôi có may mắn được vào dự phiên tòa lịch sử này một cách hết sức ngẫu nhiên. Điều này không chỉ làm ngạc nhiên những người bạn, những người thân mà ngay cả tôi cũng không kém, kể cả khi đã ở trong tòa.

Sáng 2/8, tôi và vài người bạn lên nhà chị Dương Hà định để cùng đi ra xem quang cảnh phiên tòa vì biết rằng phiên tòa công khai này chỉ dành cho một ít người được chọn. Cái quyền cơ bản đó đã nghiễm nhiên không còn khi tòa án xét xử những vụ án như vụ mấy cục gạch của giáo dân Thái Hà, vụ sơ thẩm Cù Huy Hà Vũ… Đến nơi, chị Dương Hà bảo: cả gia đình có 13 người muốn vào dự, thế nhưng họ chỉ cấp cho có 3 giấy ra vào tòa. Một giấy dành cho ông chú Cù Huy Thước, một giấy của chị, còn một giấy nữa là của cháu Hiếu, nhưng chị cứ phân vân có nên để cháu Hiếu chứng kiến cảnh đau lòng này không. Hay Vinh vào tòa với chị?

Sáng dậy lúc ra đi, trời mưa nhỏ nên tôi chỉ mặc quần soóc, áo phông, chân đi dép lê cho tiện, đến khi này mới khó xử, vậy là phải vội vàng điện về nhà để đứa em mang ngay lên cho bộ vét và đôi giày, mười lăm phút sau, nhu cầu được đáp ứng. Thế là tôi đi.





Dương Hà và Xuân Bích trên đường ra tòa. Ảnh NBG



Trên đường ra tòa



Đeo vội bảng tên



Người chỉ đạo bên ngoài, đám công an không đeo bảng tên và công an Sơn đứng xa xa


Khỏi phải mô tả cảnh ngăn chặn bên ngoài, ngay tại cổng tòa ngoài đường, một tốp cảnh sát hình như được huy động quá vội vàng hoặc cẩu thả, hoặc trá hình nên không có biển tên trên ngực chặn chúng tôi lại đòi giấy tờ. Chúng tôi phản đối: “Giấy tờ không phải để xuất trình ở đây, mà các anh là cảnh sát, biển tên ở đâu, ăn mặc đúng điều lệnh khi làm việc thế này à”? Nghe nói thế một người vội vàng móc biển tên ra đeo lên ngực, nhưng những người đứng trước cổng tòa vẫn thế, một người mặc thường phục mà tôi thường thấy trong các phiên tòa xẳng giọng: “Không cần biển tên”. Tôi hỏi: “Phiên tòa công khai, chúng tôi vào dự tại sao ngăn chặn? anh ta đáp: “Thì cũng phải có quy định của tòa”. Tôi nói: “Sao ngay tại cổng này không có bảng quy định nào mà anh lại chặn”? Anh ta không thể trả lời.

Vào cổng tòa, tôi gặp một công an tôn giáo tên là Sơn, anh ta hỏi: Ông Vinh đi vào đây làm gì? Tôi đáp: “Tôi đi dự phiên tòa công khai” - “Ông có giấy không đưa tôi xem”? – anh ta hỏi. Tôi đáp: “Tòa xử công khai cần gì phải giấy, mà có giấy cũng không phải để đưa cho anh xem, vì đấy đâu phải nhiệm vụ của anh”. Anh ta nói: “Sẽ có người hỏi để xem giấy của ông”.

Quả nhiên vậy, khi mọi người lục tục kéo vào qua cổng an ninh, một người vừa được anh công an tên Sơn thầm thì vào tai và chỉ trỏ tôi lập tức chặn tôi lại: “Giấy đâu”? Tôi đưa giấy ra vào, anh ta cầm và chưng hửng, một lúc sau hỏi tiếp: “Thẻ đâu”? Tôi đáp: “Tôi không phải là nhân viên ở đây, nên không có thẻ và chỉ cần giấy ra vào này tôi có thể ra vào”. Anh ta hỏi: “Chứng minh nhân dân đâu?” . Tôi đưa chứng minh nhân dân, anh ta lại: “Thẻ đâu”?. Tôi nói với anh ta: “Anh đừng cò quay, anh đòi giấy, tôi có giấy, anh đòi thẻ tôi không là nhân viên ở đây nên không có thẻ thì anh đòi giấy chứng minh nhân dân, tôi đưa anh thì anh lại đòi thẻ, chắc lát nữa anh đòi giấy khai sinh hoặc bằng lái xe chắc? Với cái giấy này, có dấu đỏ, nó có giá trị gì không”?

Cũng lúc đó, một người mang bảng trên ngực ghi Ban Tổ chức đi qua, tôi hỏi: “Tôi có giấy này, có vào tòa được không”? Người đó trả lời: “Có giấy này là vào được”. Vậy là anh ta phải để tôi vào tòa.

Vào tòa

Trong tòa, ngoài khu vực dành cho Hội đồng xét xử (HĐXX), các luật sư và bị cáo, phía dưới có ba dãy ghế mỗi dãy có 8 hàng, mỗi hàng có 12 chiếc, vị chi là 96 chỗ. Trong đó theo chị Dương Hà cho biết thì một số là cán bộ phường nơi chị ở, còn lại là những gương mặt trẻ già được cấp giấy màu hồng. Ngồi bên tôi là một cậu trẻ măng, tôi hỏi cậu làm ở đâu thì cậu nói làm công nhân, nhà ở Hai Bà Trưng, tôi hỏi làm công nhân gì thì cậu ấp úng. Thế nhưng, cậu nói chuyện cơ quan với một cậu bên cạnh cầm trên tay tập “Tập huấn nghiệp vụ khóa 7″ thì tôi hiểu cậu đã không dám nói thật. Điều lạ là ngay chính những người dự tòa như thế này, họ cũng đã có tâm trạng không minh bạch.

Gần 8 giờ ông Vũ được dẫn giải ra tòa, lần này ông mặc áo sơ mi, cổ không đeo cà vạt, chân đi giày. Trước khi phiên xử bắt đầu, chị Dương Hà và luật sư của bị cáo đề nghị cho ông được đeo cà vạt vì ông chưa phải là tội nhân. Yêu cầu này không được chủ tọa phiên tòa đáp ứng và nói rằng: “Vấn đề ăn mặc là do nơi trại tạm giữ”. Như vậy là ông Vũ đã không được đeo cà vạt trước tòa như lần trước với hình ảnh hiên ngang.

8h15, phiên xử bắt đầu.

Chủ tọa phiên tòa là Chánh án Nguyễn Văn Sơn, hai thẩm phán là Nguyễn Huy Chương và Nguyễn Đức Nhận đã ngồi tại tòa, phía Viện Kiểm sát có ông Nguyễn Thanh Văn và Lê Hồng Tuấn. Phía bên bị cáo có 4 luật sư: Trần Quốc Thuận, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh. Phía người nhà có ông Cù Huy Thước, chị Dương Hà và tôi. Phần còn lại là những người xa lạ.

Thủ tục ban đầu là kiểm tra căn cước bị cáo, ngay sau khi được mở còng số 8, Cù Huy Hà Vũ giơ tai tay lên cao hình chữ V, các ngón tay hình chữ V và quay lại: “Chào tất cả mọi người. Dương Hà, anh yêu em”.

Phần khai nhân thân Cù Huy Hà Vũ đọc trích ngang lý lịch của mình bị sa thải khỏi Bộ Ngoại giao vì kiện Thủ tướng, tiếp đó ông phản đối việc nêu nhân thân của ông trong bản án nói đến hai con nhưng không nói rõ tên hai con, “đã nêu thì phải có tên tuổi đầy đủ” - ông nói.

Ngay từ đầu phiên tòa, Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:

- Thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử vì tất cả đều là đảng viên ĐCS, mà cáo trạng có nói đến việc ông đã phủ nhận sự lãnh đạo của ĐCS. Vì thế, việc dùng các đảng viên ĐCS để xử ông là việc không khách quan.
- Điều thứ 2, ông Vũ nói về vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân gồm có 2 chức năng vừa truy tố vừa kiểm sát xét xử, như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi sẽ dẫn đến không khách quan trong quá trình xét xử.
- Vấn đề thứ 3, ông nói: “Tôi có chuẩn bị bản tự bào chữa cho mình bằng văn bản, có các tài liệu khác như các bộ luật, nhưng hiện nay cảnh sát dẫn giải vẫn đang giữ của tôi, yêu cầu trả lại tôi để tôi thực hiện quyền tự bào chữa của mình”.

Nhưng, yêu cầu đó không được chủ tọa trả lời mà chủ tọa lại đọc một điều trong bộ luật quy định tại tòa về việc luật sư tiếp xúc bị cáo và giải thích về điều đó.

LS Trần Đình Triển phản ứng ngay: Yêu cầu Chủ tọa phiên tòa không suy diễn và yêu cầu Chủ tọa phiên tòa đọc đúng quy định của luật và ông nói: “Nếu với trình độ của chủ tọa đọc luật cũng sai như thế này, thì yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa”.

LS Trần Vũ Hải có ý kiến tiếp theo nhất trí với LS Trần Đình Triển về việc yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, LS Trần Vũ Hải cũng gửi bản kiến nghị của công dân gửi QH nước CHXHCN VN đến Tòa, văn bản của Văn phòng Cù Huy Hà Vũ đã gửi QH luật sư cũng đã gửi đến Tòa và yêu cầu:

- Triệu tập Chủ tịch Quốc hội để trả lời về điều 88 Bộ luật Hình sự.
- Phiên tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền được tham dự, gia đình Cù Huy Hà Vũ có 13 người và bạn bè gồm 20 người đã đề nghị được tham dự phiên tòa, yêu cầu Tòa tạo điều kiện cho họ.

Luật sư Vương Thị Thanh đề nghị:

- Đề nghị HĐXX triệu tập Chủ tịch nước, Tướng Hoàng Công Tư, chị Lê Nguyễn Như Quỳnh, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, RFA…
- Cung cấp cho ông Vũ 10 tài liệu mà Tòa sơ thẩm đã dùng làm căn cứ kết tội ông.
- Yêu cầu Tòa cung cấp giấy bút cho ông Vũ để ông tự bào chữa cho mình.
- Yêu cầu có vật chứng là hai bao cao su đã qua sử dụng.
- Yêu cầu Tòa công bố toàn văn các tài liệu.
- Trước khi nói lời sau cùng, phải để ông Vũ đọc bài tự bào chữa của ông.
- Không hạn chế thời gian tranh luận của luật sư.
- Thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ những diễn biến trong phiên tòa, vì phiên sơ thẩm thư ký Tòa đã bỏ qua nhiều tình tiết.
- Yêu cầu chủ tọa cho Cù Huy Hà Vũ thắt cà vạt vì ông chưa phải là tội phạm và cung cấp cho ông 10 đầu tài liệu…

Luật sư Trần Quốc Thuận có ý kiến:

- Đồng ý với các đề nghị của các luật sư
- Cán bộ, công nhân viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định, còn nhân dân được làm những việc pháp luật không cấm.
- Nộp danh sách Kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ và bản kiến nghị 12 điểm của LS về phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Sau khi các luật sư nêu ý kiến của mình, Chủ tọa phiên tòa nói: “Hội đồng sẽ xem xét các đề nghị của luật sư”.

Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:

- Hoãn phiên tòa vì tại đây không có các nhân chứng như Đài VOA, RFA, phóng viên Trâm Oanh, BauxiteVN… như vậy là phiên tòa sẽ thiếu các nhân chứng.
- Yêu cầu triệu tập vợ và các con, vì đó là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
- Chủ tọa phiên tòa đã nói nhưng không đúng theo luật.
- Đề nghị hoãn phiên tòa vì tòa đã không cấp giấy cho LS Nguyễn Thị Dương Hà từ vụ sơ thẩm. Nếu vụ sơ thẩm đã từ chối, giờ vụ phúc thẩm cũng từ chối là không không đúng luật.
- Yêu cầu Tòa cung cấp đơn và tài liệu kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân:

- Căn cứ các điều luật 42,45, bộ luật TTHS, Vũ đề nghị đọc toàn văn…
- Trong quá trình tham gia vụ án, LS Hà đã vi phạm.
- Những người như Hoàng Công Tư, Lê Nguyễn Như Quỳnh không phải là nhân chứng vụ án.
- Bị cáo thừa nhận trả lời các đài, báo liên quan đến An ninh Quốc gia nên không cần triệu tập.

Trong quá trình đó, đại diện Viện Kiểm sát đã nổi nóng, phát biểu tự do không cần chủ tọa cho phép, lập tức được ông Vũ nhắc nhở “Hãy bình tĩnh”. Cũng như khi một vị thuộc Viện Kiểm sát phát biểu giọng nói ấp úng, ông Vũ nhắc ngay và đề nghị nói to, nói rõ để còn nghe, đàng hoàng dõng dạc lên không việc gì phải ấp úng… làm cả phòng xử ồ lên cười, bớt đi phần căng thẳng trong tòa.

Cù Huy Hà Vũ giơ hai tay hình chữ V: ” Chiến thắng, chiến thắng cuối cùng”.

Hội đồng xét xử tạm nghỉ vào phòng nghị án để xem xét.

Hà Nội, ngày 3/8/2011

•J.B Nguyễn Hữu Vinh