Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Vài phản biện về bài “Thoát Trung Luận”

VRNs (17.08.2011) - Hà Nội - Cách đây ít hôm một bài viết có nhan đề “Thoát Trung Luận”[i] của tác giả Giáp Văn Dương đã được đăng tải trên nhiều trang mạng phi nhà nước. Tác giả Giáp Văn Dương đã đề cập đến một vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước Việt Nam: “Cần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc!” Như tác giả nhận định, quan điểm vừa nêu phần lớn mới chỉ được nhiều người thể hiện ở mức “trực giác”, chưa có tính “hệ thống” hay “mạch lạc”. Tiếp theo, tác giả trình bày cơ sở lý luận của mình cho quan điểm “Thoát Trung” đó, có thể tóm tắt làm hai ý chính: phần 1: tác giả chứng minh “Thoát Trung” đã là ý muốn của tổ tiên ta từ xa xưa; phần 2: tác giả mô tả sự phụ thuộc, rập khuôn tai hại hiện nay của Việt Nam vào Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực và cuối cùng tác giả đưa ra lời kêu gọi “Thoát Trung hay là chết” như tổ tiên đã ra lệnh.



Tuy nhiên toàn bộ bài viết “Thoát Trung Luận” của Giáp Văn Dương vẫn cho thấy tác giả chủ yếu dựa vào sự nhiệt huyết dân tộc và cảm tình với tổ quốc để chứng minh cho một quan điểm hơn là dựa vào các cứ liệu hay tư duy hệ thống. Sau đây là vài điểm minh họa cho nhận định này:

- Giáp Văn Dương viết: “Khi còn nhỏ, tôi đã từng ngạc nhiên khi đọc bài hịch của vua Quang Trung khích lệ tướng sĩ trước khi ra trận: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen…”. Tôi đã tự hỏi, vì sao nhà Vua không chọn những biểu tượng lớn lao hơn mà lại chọn những điều nhỏ nhặt như vậy để động viên quân sĩ ? Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía : Đó là lòng kiên định của tổ tiên nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa Trung Hoa, ngay từ những việc nhỏ nhất.”

* Việc chỉ căn cứ vào lời nói của một ông vua trong cả một lịch sử hàng ngàn năm để kết luận đó là “lòng kiên định của tổ tiên” thì đó là một suy diễn quá xa và yếu ớt trong nghiên cứu lịch sử. Hơn nữa một “nền văn hóa” không chỉ thể hiện hay kết tụ ở kiểu tóc hay màu răng. Dĩ nhiên chữ “tóc” và “răng” trong lời hiệu triệu của Quang Trung có thể chỉ có tính biểu tượng nhưng nếu ta quá câu nệ vào đó thì sẽ dễ làm cho chúng ta quên mất cái hệ lụy quan trọng nhất của một sự ảnh hưởng của văn hóa không phải là những thứ hữu hình mà là những giá trị vô hình – cách tư duy.

- Giáp Văn Dương viết tiếp phần trên: “Ý thức vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này là thường trực. Tuy nhiều lúc bị chao đảo bởi sự tấn công mạnh mẽ đến từ phương Bắc, nhưng mỗi khi cần đến thì ý thức vùng thoát này lại bùng lên dữ dội.”

* Ở đây tác giả lại tiếp tục suy diễn quá xa theo kiểu khẳng định đồng nhất ý muốn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhìn vào trường lịch sử của Việt Nam thì đúng ra là mọi triều đại phong kiến Việt Nam chỉ thường trực ý thức cảnh giác với ý đồ xâm lược từ phương Bắc. Và thường mỗi khi bị phương Bắc xâm lược thì các triều đại phong kiến Việt Nam có phản ứng chống lại một bộ phận văn hóa phương Bắc như một biện pháp tuyên truyền để cổ xúy tinh thần chống ngoại xâm hơn là ý thức thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc một cách cơ bản. Một bằng cớ rõ ràng là Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử – một biểu tượng và là một trong những tác giả lớn của nền văn hóa Trung Quốc) vẫn luôn được bảo vệ và tôn tạo từ đời Lý Thánh Tông trở về sau.

- Tiếp theo Giáp Văn Dương đưa ra thêm một số cứ liệu minh chứng cho tinh thần “Thoát Trung” của tổ tiên chúng ta như vấn đề chữ viết, tên nước:

+ “Nỗ lực xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc như chữ Nôm của cha ông.” (Giáp Văn Dương)

* Thực ra chữ Nôm cũng chỉ là một phó bản kém của chữ Hán. Vấn đề “Thoát Trung” điều quan trọng không phải là từ bỏ một cách manh mún những sản phẩm hay công cụ văn hóa của Trung Quốc mà phải là nhận ra những điểm yếu, lạc hậu, cản trở của nền văn hóa đó đối với sự phát triển và phải xây hoặc tìm lấy được những giá trị văn hóa tiến bộ hơn.

+ “, và gần đây nhất là việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này.” (Giáp Văn Dương)

* Thực tế đây chỉ là một phản ứng thụ động của sự biến đổi do những người ở phương Tây đem lại và nếu là ý thức chủ động thoát khỏi phương Bắc thì cũng chỉ của một bộ phận nhỏ của sĩ phu đương thời (đã có tiếp cận với văn hóa phương Tây) mà thôi.

+ “Riêng với việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, có thể nói, đây là một cuộc thoát Trung ngoạn mục.” (Giáp Văn Dương)

* Chữ quốc ngữ chỉ là một yếu tố, một điều kiện thuận lợi cho việc rời xa văn hóa Trung Quốc mà thôi. Thực tế đã cho thấy hai Việt Nam (Bắc và Nam từ 1954-1975) cùng sử dụng chữ quốc ngữ nhưng miền Bắc lại gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

+ “Thành quả của nó thật đáng nể: Số người biết đọc biết viết tăng lên gấp bội, số lượng văn bản sử dụng chữ quốc ngữ chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần so với số văn bản chữ Nho của toàn bộ lịch sử nước ta trước đó.” (Giáp Văn Dương)

* Điều này lẽ ra phải ghi nhận cho tính chất dễ sử dụng, dễ truyền bá của chữ quốc ngữ hơn là ý thức thoát Trung của người Việt.

+ “Cũng chính nhờ chữ quốc ngữ mà về mặt hình thức, ngôn ngữ của chúng ta đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiếng Hán. Tỷ như đến giờ phút này, nước Việt ta vẫn dùng chữ Nho để viết và giao tiếp với thế giới, thì đối với họ, ta có khác nào một quận huyện của Trung Quốc ? Ta sẽ gặp khó trong việc thuyết phục họ rằng, ta là một quốc gia độc lập, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.” (Giáp Văn Dương)

* Nhật bản và Hàn quốc, thậm chí Đài Loan cũng vẫn sử dụng chữ viết tương tự hay đúng như của Trung Quốc nhưng đâu có trở thành quận huyện của Trung Quốc và họ cũng đâu có gặp khó khăn trong việc xác định sự độc lập với Trung Quốc vì vấn đề chữ viết hay văn hóa có nhiều điểm giống Trung Quốc.

+ “Tên gọi của nước ta cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi cái tên đều là một lời nhắn nhủ hoặc một mong đợi sâu thẳm. Ông cha ta đã chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước.” (Giáp Văn Dương)

* Tác giả đã quên mất cứ liệu lịch sử rằng thoạt kỳ thủy vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) đề nghị với vua triều Thanh của Trung Quốc cho nước ta lấy tên là Nam Việt. Nhưng vua Trung Quốc lúc đó vì sợ chữ Nam Việt gợi lại lịch sử trước đây nước Nam Việt (thời Triệu Đà) gồm cả đất Lưỡng Quảng nên chỉ chuẩn thuận cho tên nước ta là Việt Nam.

+ “Việt Nam có nghĩa là tiến về phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa : Tiến về phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.” (Giáp Văn Dương)

* Đây lại là một suy diễn quá xa và liều lĩnh.

- Giáp Văn Dương nhận định: “ Nhưng điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng quá lớn. Nó như một đại nam châm hút các dân tộc xung quanh về phía mình. Nên dù luôn có ý thức vùng thoát khỏi ảnh hưởng của người Trung Quốc, dù đã được cha ông di lệnh kỹ càng, thì lịch sử của Việt Nam luôn là sự giằng xé giữa hai luồng vận động: Vùng thoát khỏi Trung Quốc và chầu về Trung Quốc.”

* Tác giả tiếp tục dường như quên mất Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Bắc Triều Tiên và Đài Loan cũng là các “dân tộc xung quanh” nhưng gần như tất cả đã không chỉ “Thoát Trung” mà còn vượt hơn cả Trung. Tác giả có lẽ cũng đã quên mất một nửa nước Việt dưới vĩ tuyến 17 từ 1954-1975 đã hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc. Và tác giả dường như cố tình quên yếu tố Đảng Cộng sản Việt Nam/Hồ Chí Minh trong vấn đề phụ thuộc Trung Quốc của Bắc Việt Nam từ 1950-1975 và của toàn Việt Nam gần như toàn bộ giai đoạn tiếp theo từ 1975 đến nay.

- Trong phần 2, Giáp Văn Dương chủ yếu liệt kê và mô tả thực trạng đất nước Việt Nam hiện nay bị thâm nhập, lệ thuộc vào Trung Quốc ở hầu khắp các lĩnh vực (văn hóa, kinh tế, chính trị,…), cùng với thể hiện một cảm xúc chua xót, đau buồn là chính, hơn là phân tích để vạch ra nguyên nhân sâu xa và cơ bản của thực trạng đó. Ví dụ, tác giả viết: “Xin hỏi : Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì ? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không ? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Nay văn hóa của ta đang bị áp đảo mà dân ta lại vui vẻ cổ vũ chấp thuận, thì khác nào tay ta đã yếu, mắt ta đã chậm mà ta lại tự mua dây về bịt mắt trói tay mình ?”

* Có lẽ tác giả không nhận thấy hoặc không chỉ ra một nguyên nhân chính của thực trạng này chính là chính sách độc quyền về giáo dục, truyền thông của nhà nước hiện nay.

Hay Giáp Văn Dương nhận định chính xác rằng: “những thói hư tật xấu này đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức của ta quá thể. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành tích, thói hành dân, nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền… đã thành phổ biến, nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những giá trị tiến bộ của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người.”

*Nhưng lẽ ra tác giả cần phải đề cập thêm một vấn nạn nguy hiểm là đã có nhiều người đang cố gắng truyền bá, cổ xúy những tư tưởng, giá trị tiến bộ của phương Tây nhưng họ lại có nguy cơ rất cao bị nhà nước hiện nay kết tội là “thù địch”, “phản động”.

Tóm lại, bài viết “Thoát Trung Luận” của Giáp Văn Dương đã nêu ra một vấn đề lớn, quan trọng và thiết thực trong tình hình hiện nay nhưng lập luận của tác giả vẫn chưa thoát khỏi sự chủ quan thường có của những người có tinh thần yêu nước nồng nàn nhưng chủ yếu chỉ dựa trên tinh thần tự tôn dân tộc và chỉ đề cập vấn đề với một tình trạng nửa vời. Cổ xúy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc khi đất nước đang bị đe dọa xâm lăng là điều quí giá và cần thiết nhưng việc cổ xúy không dựa trên một tinh thần khách quan, duy lý, triệt để, thì sự cổ xúy đó vô hình chung lại duy trì hay tiếp tục tạo ra những lối mòn có hại cho một nền văn hóa vốn đã và đang bị ghìm giữ trong lối suy nghĩ cảm tính, thiên vị, cải lương – những đặc tính rất có lợi cho những kẻ cầm quyền mỵ dân, độc tài. Thiết nghĩ, nếu nhìn ở phạm vi ngay trước mắt thì Việt Nam cần phải xa rời Trung Quốc để hướng đến và thắt chặt với phương Tây, nhưng nếu nhìn ở phạm vi dài hạn thì vấn đề không phải là “Thoát Trung” hay không “Thoát Trung” mà vấn đề là đất nước phải có sự sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra được cần phải du nhập cái gì, tránh cái gì hay cần phải đồng minh với quốc gia nào, giữ khoảng cách với quốc gia nào trong mọi quan hệ, các mối quan hệ không bao giờ thuần nhất và bất biến, với các quốc gia, dân tộc khác. Mà để có sự sáng suốt, tỉnh táo đó thì dân chúng và đặc biệt là giới trí thức phải có suy nghĩ độc lập, khoa học và có khả năng ảnh hưởng, tham gia vào các quyết định liên quan đến mọi vấn đề của quốc gia, xã hội. Khi đó mọi vấn đề “thoát” hay “nhập” với bất cứ cái gì không còn là vấn đề khó khăn, mông lung hay bế tắc nữa. Dĩ nhiên đây là vấn đề không hề nhỏ hay dễ dàng để một ý kiến có thể đạt được tính đầy đủ và thuyết phục cho mọi góc cạnh. Vì vậy những góp ý trên đây với tác giả Giáp Văn Dương cũng chỉ là một nỗ lực nhỏ nhoi với hy vọng cùng góp thêm vài suy nghĩ nhỏ cho một vấn đề lớn mà tác giả Giáp Văn Dương đã là người nêu rõ ra trong bối cảnh rối bời và nhiều phần rất lâm nguy của đất nước hiện nay.

Hà Nội, 17/8/2011

Phạm Hồng Sơn

Tác giả gởi trực tiếp cho VRNs và bài viết diễn tả quan điểm của tác giả.