VRNs (11.08.2011) – Sài Gòn – Rất nhiều người đã từng nghe câu của Saint Exupéry trong tác phẩm Terre des Hommes (Bùi Giáng dịch: Cõi Người Ta): “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Nhưng ở đoạn trước khi nói đến tình yêu và hướng nhìn ấy, nhà văn viết: “Làm người, ấy là có trách nhiệm”.
Tôi đi dạy học, rất không thích học trò giơ tay bằng cách để khuỷu tay trên bàn, giơ một cách rụt rè không cao quá trán. Đó là kết quả của những năm học phổ thông, học sinh chẳng bao giờ dám tự tin hay thẳng thắn nhận trách nhiệm cho những lời mình nói. Có một thời học sinh được dạy, không biết cũng giơ tay, nhưng đưa thấp thôi, để úp vội xuống bàn cho dễ (!) Điều này hoàn toàn khác với cách giơ tay của học sinh các nước tiến bộ. Xem học sinh nước người giơ tay một cách tự tin, hăng hái và háo hức, ai cũng thấy tội tội cho học sinh xứ mình.
Với lối giáo dục ấy, cộng thêm những giờ học rất ít khi được nghe nói đến trách nhiệm, lại ít đọc sách về nhân bản, làm sao người ta lớn lên với ý thức trách nhiệm, và mấy ai hiểu rõ trách nhiệm nghĩa là gì.
Mùa hè này, nhiều nơi ở thành phố Sàigòn này nước máy chảy ra đục ngầu, lúc thì như nước trà nhạt, lúc thì như cà phê, có khi chẳng chảy cả tuần. Vậy mà khi người dân lên tiếng, chẳng thấy ai nói gì. Người đi thu tiền nước bảo: “Tôi không biết, gọi lên kia mà hỏi”. Gọi bên kia, nghe giọng chát chúa: “Ở đây nhận ý kiến, nhưng chờ bên ấy…”. Mà bên ấy thì rất khó đến với bên này. Cứ thế mà nước ngày càng đen, trừ khi hứng nước… mưa.
Đến bất cứ một trường học, cơ quan hay công sở nào sẽ thấy nhiều chuyện tương tự. Người này nhận đơn, đẩy qua người kia, người kia chuyển tới chuyển lui rồi trả lời làm lại từ đầu. Tôi còn nhớ hai năm trước, khi đi gửi hồ sơ nhận tiền hoàn thuế thu nhập, đã gặp không biết bao nhiêu phiền toái. Nhà nước trừ thuế thu nhập của dân trước, đến cuối năm nếu thấy thu nhập người dân chưa đủ đóng thuế, thì hoàn trả lại. Tôi đóng thuế năm đó có mấy trăm ngàn mà vì thu nhập chưa đến mức đóng thuế, nên “được” nhận lại. Khi đi “đòi” thì phải qua không biết bao nhiêu cửa, làm bao nhiêu giấy tờ và làm đi làm lại nhiều lần. Cuối cùng phải nhờ một anh bạn làm báo đến “nói chuyện phải quấy”, cơ quan thuế mới chịu trả lại.
Và cái thiếu trách nhiệm của bác sĩ hay của quan toà còn đáng buồn hơn nữa, vì nó đụng chạm đến số phận và sinh mạng con người. Đấng Tạo Hoá trân trọng từng sinh linh cho dù nhỏ bé, trong khi nhiều bác sĩ xứ mình thì phủi tay hay rửa tay bằng cồn là xong trách nhiệm. Chuyện bác sĩ quên dao kéo trong cơ thể bệnh nhân hay chuyện chánh án quên chứng cứ đều làm cho cuộc sống vắng đi một nhân vị. Trách nhiệm không chỉ là lý thuyết, mà đã biến thành mạng sống.
Có người hỏi “sao các Cha Dòng Chúa Cứu Thế” cứ giảng “Xã hội này đầy dẫy bất công”? Vô trách nhiệm cũng đã là một thứ bất công rồi. Người dân đóng thuế để nuôi sống cả bộ máy “đầy tớ dân”, mà cuối cùng người dân lại phải xin xỏ năn nỉ mới được thi ân cho. Đó không phải là bất công thì gọi là gì?
Một anh học viên khoá Truyền Thông 4 kể chuyện con anh năm nay vào lớp một, “được” tổ trưởng dân phố bảo phải đóng mấy triệu mới được nhận giấy báo. Chưa nói đến khía cạnh pháp luật, chỉ xét về mặt trách nhiệm, người tổ trưởng ấy đã đặt trách nhiệm xuống chỗ tận cùng của lương tri. Hãy tưởng tượng khi bé lớn lên vô tình biết chuyện ấy, cháu sẽ nghĩ gì về con người và xã hội chung quanh?
Con người cao quí là vì họ có nhân vị và phẩm giá, món quà Chúa tặng ban ngay từ ngày sáng tạo. Giáo huấn Xã hội Công giáo dạy rằng “Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên là được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm”. Đi chung với nhân vị, phẩm giá và tự do là trách nhiệm Chúa giao phó, trách nhiệm với đồng loại và với vũ trụ chung quanh mình. Saint Exupéry đã cảm nghiệm được điều này và ông đã nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của con người.
Một xã hội có nhiều người vô trách nhiệm thì sẽ đi đến đâu? Vô trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất mát, và hơn thế nữa, làm thiệt mạng và gây đau khổ… Có điều chắc chắn là những lỗi lầm vì vô trách nhiệm rất khó đền bù cho cân xứng vì sự thiệt hại thường lớn lao.
Cách đây mấy năm, sau cơn bão Katrina ở Hoa Kỳ, nhiều quan chức đã từ chức, trong đó có người đứng đầu cơ quan đối phó tình trạng khẩn cấp liên bang là ông Michael Brown, cảnh sát trưởng thành phố New Orleans, ông Eddie Compass v.v… Tinh thần trách nhiệm giúp người ta nghĩ đến xã hội, đến đồng loại, chứ không nghĩ đến địa vị và lội lộc của riêng mình.
Thổi tinh thần trách nhiệm vào cho xã hội không thể là công việc của một hai người, mà là kết quả của cả nền giáo dục và lối sống của người đi trước. Nhưng trên hết, chúng ta biết chắc chắn rằng chỉ có Chúa Thánh Thần mới có quyền năng làm cho con người sống đúng nhân vị và trách nhiệm làm người. Ngày nào con người và xã hội còn từ chối Ngài thì ngày ấy trách nhiệm còn thiếu trong xã hội và bao nhiêu bất ổn sẽ cứ nháo nhào lên. Lời cầu nguyện của người tín hữu sẽ phải còn mãi vang lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến”.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs