Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, lễ Đức Mẹ sầu bi tại Nhà thờ Phan Rang ngày 15.9.2011

VRNs (16.09.2011) – Phan Rang – Sáng 15/9/2011, bầu trời Phan Rang trong vắt, nắng chói chang như để phô diễn toàn bộ nét đặc thù của vùng đất chỉ có hai mùa Nắng – Gió này. Vùng đất khắc nghiệt nhưng mang đậm dấu ấn tử đạo và truyền giáo, hôm nay được vinh dự đón vị Đại diện Tòa Thánh: Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli.

Từ 8 giờ sáng, sân nhà thờ Phan Rang đã đông nghẹt người từ các giáo xứ trong giáo hạt đổ về: Những bà mẹ Công giáo với khăn quàng xanh, Hội Phạt tạ Thánh Tâm với chiếc áo nâu đằm thắm, các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong bộ đồng phục xanh-trắng và khăn quàng theo cấp trông thật nền nếp, đội Trống – Trắc trông rất chuyên nghiệp… Tất thảy đều sắp xếp theo vị trí đón phái đoàn từ ngoài cổng vào đến lễ đài sau lưng Nhà thờ.

Đúng 9 giờ, đoàn xe từ Nha trang vào đến nơi, Cha Hạt trưởng Giuse Võ Quý cùng các Cha trong giáo hạt tiến đến đón Đức TGM Girelli trong tràng pháo tay dòn dã và hồi trống vang dội. Cùng đi còn có ĐGM giáo phận Giuse Võ Đức Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đức Ông Giuse Nguyễn Thế Thoại, Cha Chưởng ấn, Cha Quản lý và một số Cha khác. Các em Thiếu Nhi Thánh Thể đại diện giáo hạt nhanh nhẹn bước ra tặng vòng hoa cho Đức TGM Girelli, hai Đức Cha và Đức Ông để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tình thân ái. Sau đó, Cha Hạt trưởng hướng dẫn phái đoàn vào Nhà thờ để viếng Thánh Thể. Sau khi viếng Thánh Thể, phái đoàn sang Ủy Ban Tỉnh để chào hỏi.

10 giờ, đoàn rước có đến hơn 70 linh mục cùng Đức TGM Girelli, hai Đức Cha và Đức Ông tiến vào lễ đài Mẹ La vang. Thật bất ngờ, Đức TGM Girelli đã nói mấy lời chào mừng đầu tiên bằng tiếng Việt đủ để thấy tấm lòng ưu ái của Ngài với cộng đoàn. Hôm nay cử hành Lễ Mẹ Sầu Bi và Ngài đã chia sẻ bài giảng thật sâu sắc, hướng cộng đoàn cùng đau khổ với Mẹ để cầu nguyện cho những người bệnh tật, đói khổ, kém may mắn… Cha Chưởng ấn J.B. Ngô Đình Tiến đã cố gắng chuyển ngữ thật sát sao để mọi người có thể cảm nhận được tâm tình của vị Sứ thần Tòa Thánh đối với giáo dân Việt Nam, nhất là đoạn Ngài ca ngợi nét đẹp của Mẹ La vang trong trang phục truyền thống Việt Nam. Thánh Lễ trang nghiêm, giản dị và ấm cúng thể hiện sự gần gũi của các vị Chủ chăn và đàn chiên. Có khoảng 1500 giáo dân và gần 100 tu sĩ nam nữ cùng tham dự. Sau Thánh Lễ, rất nhiều người muốn được chụp hình chung với Đức TGM Girelli nhưng không làm sao chụp được vì đã quá trưa. Một số anh chị em dân tộc Chăm và Raglai đã đến tận phòng thay áo để được diện kiến và hôn nhẫn Ngài.

Tướng người dong dỏng cao, dáng đi nhanh nhẹn, chỉ gặp gỡ có vài tiếng đồng hồ mà có vẻ như Ngài đã chinh phục được tâm hồn những người con của Nắng và Gió. Râm ran ngoài sân những lời trao đổi trên những khuôn mặt rạng rỡ: “Đức TGM hiền quá! Nụ cười đẹp như Thiên thần! Ngài giản dị và gần gũi quá!”

Chúng ta có quyền đặt hy vọng vào một vị đại diện Tòa Thánh trẻ trung, tài ba, đức độ, thân mật, nhân ái ở bên cạnh chúng ta từ hôm nay.









Sau đây là bài chia sẻ trong thánh lễ của Đức TGM Leopoldo Girelli

1. Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng đến đây gặp gỡ anh chị em tín hữu thân mến đang hiện diện tại nhà thờ Phan Rang. Xin gửi đến anh chị em lời chào mừng và phúc lành của Đức Thánh Cha Benedictô XVI, người cha luôn gần gũi với Giáo Hội Việt Nam và luôn cầu nguyện cho tất cả anh chị em.

Hôm qua, chúng ta đã cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Kitô. Ngày lễ này cho chúng ta thấy sự viên mãn trọn vẹn của lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Dưới chân Thánh Giá, lời tiên tri Simeon đã ứng nghiệm. Trái tim của Mẹ đã bị đâm thâu do nỗi khổ đau và cái chết của Con của Mẹ, Đấng là Thiên-Chúa-làm-người.

Qua đau khổ này Mẹ đã có thể đón nhận một sứ mạng thiêng liêng mới do Con của Mẹ trao phó khi ở trên thánh giá: Mẹ trở nên Mẹ của Giáo Hội.

Giờ đây, Mẹ đang sống trong niềm vui và vinh quang của đặc ân hồn xác trên trời, Mẹ yêu thương mỗi người con của Mẹ, để ý đặc biệt đến những người con đang gặp đau khổ, giống như hoàn cảnh của Con của Mẹ trong cuộc thương khó. Mẹ yêu thương họ đơn giản chỉ vì họ là con cái của Mẹ, để làm theo ý muốn của Chúa Kitô trên thánh giá.

Chúng ta biết rằng đau khổ kéo dài có thể làm đảo lộn cuộc sống, có thể làm lay chuyển niềm tin, và đôi khi, còn làm cho mọi người thất vọng về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

Có những cuộc chiến mà chúng ta không thể nào kiên vững một mình nếu không có sự trợ giúp của ơn thánh và sự hiện diện đầy yêu thương của người thân hoặc bạn bè. Nhưng ai có thể gắn bó mật thiết với chúng ta hơn Chúa Kitô và Mẹ thánh của Ngài?

Hơn bất kỳ ai khác, Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiểu rõ chúng ta. Các ngài hiểu rằng thật khó mà chịu đựng đau khổ.

Vì thế, khi gặp đau khổ, chúng ta hãy hướng lên Đức Mẹ. Trong Mẹ, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để chiến đấu cho cuộc sống chống lại bệnh tật. Với Mẹ, chúng ta có thể an bình chấp nhận rời bỏ thế giới này khi Chúa gọi chúng ta.

Chúng ta hãy tin tưởng nơi Đức Maria, Đức Mẹ Sầu Bi. Chúng ta hãy bắt chước lòng thương xót của Mẹ đối với những người đau bệnh và những người đau khổ, để đón nhận và thăm viếng họ, đặc biệt nơi các bệnh viện, trạm xá và tại gia đình.

2. Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta đến đây cử hành lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ của Thiên Chúa, và học nơi Mẹ cách thức để đổi mới cuộc sống của cộng đoàn và của mỗi người chúng ta.

Trên hành trình thiêng liêng của mỗi người, chúng ta được mời gọi để sinh hoa trái ân sủng của bí tích Rửa Tội, để tự nuôi dưỡng nhờ Thánh Thể, để gia tăng sức mạnh từ lời cầu nguyện, cũng như để làm chứng và diễn tả tình liên đới và bác ái với tất cả mọi người chung quanh chúng ta.

Chúng ta hãy bước theo Đức Trinh Nữ Maria trong cuộc hành trình này. Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường dẫn đến với Con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.

Mẹ là hình ảnh của nhân loại mới. Mẹ đã tự hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và Mẹ là tiêu biểu của con đường tự do đích thực. Mẹ là người phụ nữ từ trái đất này đã toàn hiến cho Thiên Chúa, và là người đã nhận đặc ân trao ban sự sống nhân loại cho người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta hãy học nơi Đức Trinh Nữ Maria; Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng lời cầu nguyện phải chiếm một vị trí chính yếu trong đời sống Kitô hữu chúng ta.

Một cách đặc biệt, chuỗi Mân Côi cô đọng cách sâu xa sứ điệp Tin Mừng. Lời kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô. Chính từ lời cầu nguyện của những người khiêm tốn này chúng ta có thể rút lấy sự phong phú của ân sủng trên trời.

Ước gì Mẹ Thiên Chúa luôn luôn được tôn kính hết lòng bằng việc lần hạt Mân Côi nơi mỗi gia đình và nơi các giáo xứ của anh chị em.

Chúng ta hãy cầu nguyện với những lời của Đức Thánh Cha:

“Lạy Mẹ khoan dung, là nguồn mạch nhờ đó Chúa Giêsu đã đến trong thế gian, cuộc sống và niềm vui của chúng con. Chúng con cảm ơn Mẹ và chúng con ước mong đổi mới lễ dâng cuộc đời chúng con. Chúng con tin chắc rằng Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng con, nhất là trong những khoảnh khắc đen tối và khó khăn của cuộc sống. Xin Mẹ hãy ở với chúng con luôn luôn, bây giờ và trong giờ lâm tử”. Amen.

+ Tổng Giám mục Leopoldo Girelli

Nguồn: http://gpnt.net/diendan/showthread.php?t=16181