VRNs (16.09.2011) – Chúa Nhật XXV TN A
Sao tôi lại làm người trong thân phận này? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn…Rất nhiều nổi băn khoăn, đúng hơn là nổi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Chập chửng vào tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ không ít lần phiền trách số phận bản thân với hiện trạng đang là của họ. Nhiều giấc mơ xuất hiện như một sự giải tỏa khát mong thầm kín: giá như tôi là thế này, giá như tôi được như kia…Trời xanh có công mình chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa?
Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng con lắm khi tự hỏi rằng chúng con cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội, chưa hết, cái anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu?
“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy.” ( Is 55,8-9 ).
Tư tưởng của Ta: Mọi người đều là hình ảnh của Ta, đều là con cái của Ta. Tất cả mọi người, ngươi và người khác đạo hay người chưa biết Ta, thậm chí người đang không nhận Ta, hết thảy không phải là cái gì xa lạ nhưng chính là hình ảnh của Ta, hết thảy không phải là là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Ta. Ta là người Cha nhân hậu, thiện toàn, cho mưa rơi đều xuống trên người con lành thánh lẫn đứa con bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Ta chẳng hề muốn một đứa con nào phải hư mất. Ta kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Ta, đứa nào cũng là quý giá và không có gì sánh được, thậm chí Ta vui mừng vì tìm được đứa con lạc đường, xa nhà, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong gia đình.
Vấn đề là ngươi cố tìm hiểu tư tưởng của Ta, tấm lòng của Ta. Hiểu được lòng trí của Ta thì ngươi sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến…họ thảy đều là anh chị em của ngươi. “Anh em như thể tay chân”. Ước gì ngươi cảm nhận được chân lý này.
Đường lối của Ta: Ta xử với con cái không như những gì chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là công nhân của ông ta. Có thế thôi. Vậy, Ta vốn là người Cha giàu lòng thương xót lại không đối xử với đàn con như chúng là con của Ta, những đứa con mà ta đã nhận làm dưỡng tử qua chính Con Một Ta hay sao?
Chính các ngươi là người cha, người mẹ trần gian còn vương nhiều điều gian ác mà còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì, một lẽ tất yếu là vì chúng là con cái các ngươi. Thế thì sao các ngươi lại bực mình khi Ta tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi…vì chúng nó là con cái của Ta, cũng như các ngươi.
Tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi tuy có bị tội lỗi làm sai lệch nhưng tiên vàn vẫn là do Ta đặt để ngay từ đầu buổi tạo dựng. Chính vì thế, tư tưởng của Ta và đường lối của Ta tuy có cao xa hơn tưởng và đường lối các ngươi nhưng vẫn có nét nào đó nơi tư tưởng và đường lối các ngươi, dĩ nhiên là chúng cần phải được chỉnh hướng.
Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của các ngươi: Hãy mở lòng đế lắng nghe lời Con Một của Ta, Giêsu Kitô:
1. Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9): Lời kinh nguyện duy nhất mà Con Một của Ta chỉ dạy các ngươi khi cầu nguyện, nhắc nhở các ngươi hãy xác định đúng vị thế các ngươi trước mặt Ta và trước tha nhân, bất kể họ là người thế nào. Ta là người Cha duy nhất và tất cả các ngươi đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả là Con Một của ta nhập thể làm người, Giêsu Kitô. Các người đừng quên rằng sự thường trong các buổi cử hành Phụng vụ, các người đều có cất lên lời kinh nguyện này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…
2. Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta (Mt 7,12). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Vì tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi các ngươi chân nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của các ngươi.
Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tị, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.
Trở lại với sự băn khoăn hay nổi bất bình về số phận xem ra chẳng may của nhiều người thì thú thật sẽ khó có lời giải thích thỏa lòng. Cùng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu như nhau, nhưng một bạn trẻ xuất thân từ gia đình nghèo hèn, thiếu điều kiện, sẽ có niềm vui khác xa một bạn trẻ con nhà giàu có, đủ đầy điều kiện. Một thực tế của cuộc sống, hy vọng có thể giúp nhiều người thoạt sinh ra đã ở trong hoàn cảnh thiếu may mắn, xét dưới nhãn quan nhân loại. Dù Hy Lạp hay Do Thái, dù nô lệ hay tự do thì cái đích đến là được làm con cái Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời, thì đều ở trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa dưới nhãn quan Tin Mừng thì những người xem ra kém may mắn, lại có nhiều thuận lợi để đạt đến hạnh phúc Nước Trời hơn. Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này qua các mối phúc, cũng như các mối họa (x.Lc 6,20-26).
Dù ta ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi theo nhãn quan nhân loại hay theo nhãn quan Tin Mừng thì mọi sự tốt đẹp đều là có thể, nếu như chúng ta xem nhau như anh chị em. Xin được kết thúc những dòng chia sẻ này bằng câu chuyện sau : Trong một cuộc thi điền kinh môn chạy đường dài (Maraton), có hai anh em ruột cùng tham gia thi chạy với nhiều người khác. Còn khoảng một trăm mét là đến đích, về nhất. người anh ngoái đằng sau thấy em mình cũng bỏ đoàn chạy phía sau khá xa, nhưng dường như đạng bị chấn thương nào đó nên phải khập khiễng trên đoạn đường cuối. Người anh dừng lại chờ người em đến và dìu người em chạy nốt đoạn ngắn còn lại. Đứng trước vạch đích, hai anh em cùng hô một hai ba: chạm đích. Ban tổ chức hôm ấy đã phải trao hai huy chương vàng, dù không thể tiên liệu. Mọi sự đều là có thể trong tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột