VRNs (13.09.2011) – Gia Lai – Đoàn truyền thông Chúa Cứu Thế (VRNs) của chúng tôi đến Gia Lai vào sáng sớm ngày 08.09.2011, một buổi sáng mưa phùn, nhiều sương mù cộng thêm chút se se lạnh đặc trưng Pleiku. Đoàn chúng tôi gồm có cha Đinh Hữu Thoại và 8 anh chị em khác cùng đi để đưa tin về chuyến thăm viếng mục vụ của Đức sứ thần Tòa thánh tại giáo phận Kontum diễn ra từ ngày 09.09 – 11.09.2011.
Tôi thật sự háo hức về chuyến đi này, vì nó chứa nhiều bất ngờ và nhiều cái “đầu tiên”. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Đức sứ thần – người đại diện Đức thánh cha, lần đầu tiên được lên Tây Nguyên, được tiếp xúc với đồng bào dân tộc nơi đây và cũng là lần đầu tiên tôi được tác nghiệp thực tế để đưa tin về một sự kiện quan trọng.
“Bốn phương trời ta về đây chung vui, không phân chia giọng nói tiếng cười, cùng nắm tay ta kết tình thân ái, trao cho nhau những lời thiết tha”. Một bài hát quen thuộc với bất cứ ai, nhưng nó lại làm tôi thật sự thấm thía khi tham gia hội trại giới trẻ Bahnar trong buổi chiều đầu tiên đến Tây Nguyên.
Nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến hành trình này là Trung tâm truyền giáo Phú Yên – Hra, giáo hạt Mang Yang, giáo phận Kontum, vì sáng ngày hôm sau Đức sứ thần sẽ ghé thăm nơi này. Khi đoàn chúng tôi đến, nơi đây đang diễn ra hội trại giới trẻ Bahnar toàn hạt Mang Yang. Nhìn thấy mọi người đang chơi rất hào hứng, khắp người lấm lem bùn đất, cười nói với nhau bằng thứ tiếng mà tôi cố gắng lắng tai nghe cũng không thể hiểu được gì. Cái máu ham vui trong tôi lại trỗi dậy, sau vài phút chần chừ e ngại vì không biết làm cách nào để hòa nhập với các bạn trẻ nơi đây vì họ nói gì mình không hiểu nổi thì làm sao. Chẳng hiểu lúc đó cái gì xui khiến mà tôi lại xin chơi cùng với các bạn, mặc kệ bao ánh mắt ngạc nhiên về vị khách lạ này.
Lúc đầu tôi cứ há hốc miệng ra, chẳng hiểu mọi người nói với nhau những gì, tôi hỏi cô bé đứng bên cạnh rằng mọi người đang nói gì và thật bất ngờ tôi nghe được câu trả lời bằng tiếng Kinh. Tôi thở phào và mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn, tôi đã tìm được thông dịch viên cho mình. Tôi như được trở về tuổi thơ lần nữa qua những trò chơi có 1-0-2, nào là uống nước mắm, chui qua hàng rào và bị một vài roi nảy đom đóm mông, vầy trong bùn lầy không khác nào con trâu nước. Mệt nhưng vui, nhìn ai cũng lấm lem nhưng luôn nở những nụ cười sảng khoái, nó đã xóa tan đi những gì tôi lo lắng, những rào cản do tôi tưởng tượng ra.
Nhớ quá những người bạn dễ thương ấy, những người bạn mà tôi chỉ gặp trong chốc lát mà đến khi chia tay tôi lại thấy cay cay khóe mắt. Cái nét mộc mạc, giản dị và chân tình ấy khiến tôi xúc động. Sống trong một cuộc sống xô bồ, tấp nập và lắm sự giả dối hình như mỗi người trở nên đa nghi hơn, ít thành thật và khó mở lòng. Tôi biết thêm được nhiều điều thú vị từ những người bạn mới quen, Hrơn chỉ cho tôi biết thế nào là nước giọt. Hlang dạy tôi nói vài câu nói đơn giản của đồng bào Bahnar như: Măch ih bu (bạn tên gì?), Harien ih dum tôm sa năm (bạn bao nhiêu tuổi?) còn cô bạn Hoar chỉ tôi nhảy điệu xoang lúc lửa trại…
Hlang mời tôi cùng ăn cơm chiều với đội của bạn ấy, bữa cơm gồm có đậu ve xào, măng kho cá (loại cá to bằng ngón tay cái, giống cá nục). Hlang nói: “Đi trại như vầy mới được ăn ngon chứ ngày thường có đâu mà ăn. Chỉ có ai nhà giàu mới có tiền mua thức ăn của người Kinh, còn đa số thì ăn cơm với canh lá sắn và cá khô”. Nghe đến đây cổ của tôi như nghẹn lại, thì ra mình còn sướng hơn rất nhiều người. Các bạn ở đây chỉ học hết cấp 1, cấp 2 là nghỉ ở nhà đi làm bắp, làm sắn (khoai mì) phụ giúp gia đình. Ở trong làng chỉ có một hoặc hai người được học lên cấp ba vì gia đình nghèo không có đủ diều kiện để học tiếp và cũng vì trường cấp ba thường ở khá xa mà các bạn chỉ có phương tiện duy nhất là… đi bộ.
Hlang khen tôi là dễ gần và vui tính không giống những người Kinh khác. Hlang nói: “Họ nóng tính và khó gần lắm, mình hỏi chuyện mà họ chẳng thèm trả lời, chỉ nhìn rồi quay đi, cùng là người cả sao lại phân biệt Kinh. Bahnar, Jarai… Ai cũng như nhau mà và ai cũng có một cha chung là Thiên Chúa”.
Gần tối, chúng tôi tham dự thánh lễ.
Nhà tạm – nơi diễn ra thánh lễ được làm cách đây một năm, nghe người dân nói chính quyền vẫn chưa cấp giấy phép cho xây dựng nhà thờ Phú Yên – Hra, nên nơi đây vẫn chỉ được gọi là giáo điểm. Kiến trúc của nhà tạm này cũng mang đậm nét độc đáo của văn hóa bản địa vùng này. Bên phải treo bức tranh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và cây thánh giá mộc mạc, đơn sơ nhất theo đúng nghĩa của nó. Không vuông vức, nhẵn nhụi như những cây thánh giá thường thấy, nó lại xù xì, nghiêng nghiêng vẹo vẹo như ghép từ hai cây gỗ nguyên sơ không gọt giũa, vì vậy nó trở nên đặc biệt hơn. Bên trái nhà tạm có để cây Long gơng (hay gọi là cây nêu) một nét đặc trưng biểu tượng cho việc quy tụ cộng đồng, phía trên còn trang trí thêm những chiếc chuông gió (ching klong) làm từ tre, nứa và mỗi khi có gió thổi vào lại tấu lên những giai điệu khác nhau. Ban công nhà tạm được làm bằng những cây cà phê già, nhiều mấu đốt ghép lại vững chắc không cần tô, vẽ, đục, khắc mà có nét rất riêng.
Đốt lửa trại là linh hồn của cuộc hội trại, sau thánh lễ, thanh niên nam nữ tập trung ca hát vòng tròn chuẩn bị đón giờ phút linh thiêng đó. Trước khi đốt lửa trại có hoạt cảnh miêu tả sự tội, sự dữ đang tràn ngập trên khắp thế gian và ánh sáng công lý, sự thật của Chúa đến xua tan đi màn đêm u tối, cứu vớt thế gian. Đêm lửa trại thật sự “bùng cháy” khi có tiếng ching chiêng vang lên, mọi người cầm tay nhau nhảy điệu xoang dập dìu theo lời ca tiếng hát tự ứng khẩu.
Thanh Huệ