VRNs (07.09.2011) – Sài Gòn – Gần đây thỉnh thoảng có những thông tin không vui về những con người trong Giáo Hội Chúa Kitô. Linh mục lạm dụng tình dục hay linh mục, tu sĩ, giáo dân chạy theo quyền lực bỏ quên dân Chúa chẳng hạn. Người tín hữu giáo dân đón nhận những tin ấy với nhiều thái độ khác biệt, thậm chí trái ngược nhau.
Chúng ta cũng thỉnh thoảng nhận được những thư rơi lên án những linh mục, nhà dòng hay nhóm giáo dân thiện chí. Việc phê phán để tìm cách sửa lỗi cho nhau trong tinh thần xây dựng cộng đoàn Giáo Hội là cần thiết. Nhưng gửi thư rơi để đánh phá nhau là cách thế hữu hiệu làm cho các thế lực trần gian vỗ tay reo hò, và chứng tỏ rõ ràng những tâm hồn khiếp nhược.
Trong những cách chê trách lên án ấy, người ta nhận ra sự thất vọng về Giáo Hội của một số phần tử trong hoặc ngoài Giáo Hội. Nhưng đối với những người đặt niềm tin vào Đấng đã thiết lập Giáo Hội cùng với lời hứa ban Thánh Thần, thì Giáo Hội dù trong hoàn cảnh nào vẫn là một Giáo Hội duy nhất và thánh thiện, là Hội Thánh của một phần nhân loại thừa hưởng lời hứa cứu độ.
Chính trong bối cảnh ấy mà giáo huấn của Hội Thánh làm sống dậy lời hứa của Chúa Yêsu cho những ai vững tin vào Người. Giáo huấn Xã Hội Công giáo xác quyết: “Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người.”
“Bí tích của niềm hy vọng huy hoàng”, những lời đầy an ủi, khích lệ và thúc đẩy con người vươn tới. Quả thật Giáo Hội là bí tích, là dấu chỉ mà Đức Kitô thiết lập để làm cho nguồn suối ơn Cứu chuộc tuôn đổ không giới hạn cho trần gian tưởng đã hư mất. Và bí tích bao giờ cũng mang đến niềm hy vọng cho nhân loại này.
Nhưng tại sao là niềm hy vọng huy hoàng? Giáo huấn Xã Hội Công giáo đã trả lời: “Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa (…) Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Kh 21,3), để con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn; nhờ đó, con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô.” (Số 60)
Mọi niềm hy vọng đều là ánh sáng, bởi vì mọi niềm hy vọng đến từ Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh cho con người. Nhưng đặc biệt niềm hy vọng vào ơn giải thoát và ơn trợ lực để đem Chúa đi vào trần gian quả là niềm hy vọng huy hoàng.
Khi con người lên tiếng cho công lý, cho lẽ phải, họ chứng tỏ cho thế gian thấy họ được mời gọi để cộng tác với chương trình Cứu chuộc, “làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn” trước khi làm cho con người vươn tới siêu việt. Và xét ở mặt nào đó, trở nên nhân bản hơn cũng chính là đang hướng về siêu việt.
Hội Thánh làm cho “con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn”, nghĩa là Hội Thánh thừa nhận rằng việc “làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn” tự nó là điều khó khăn, phức tạp và lắm khi nguy hiểm.
Khó khăn là vì quyền lực sự dữ luôn ra tay ngăn chặn con người sống trọn kiếp người. Phức tạp vì trong thế giới ấy, không dễ nhận ra ai là người đang đi chung đường với mình và ai là người đang tiếp tay với bóng tối để ngăn chặn ánh sáng. Nguy hiểm là bởi vì khi người ta hướng về ánh sáng, họ không biết được những tà thần đang âm mưu gì trong bóng tối.
Nhưng quả là niềm hy vọng mà Hội Thánh đang ban tặng cho nhân loại là niềm hy vọng huy hoàng vì “con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô”. Không thể tìm thấy sự giải thoát ở bất cứ thế lực nào ngoài Đức Kitô. Những lời hứa hư ảo của thế gian đã làm con người mệt mỏi ê chề. Những huênh hoang qua nhiều năm tháng chỉ để lại nỗi chán chường tuyệt vọng.
Sau tất cả những vẻ hào nhoáng của thế gian, con người cần một niềm hy vọng đích thực. Và Giáo Hội đứng ra đảm nhận trọng trách rao giảng một tin mới, tin vui, tin đem ơn giải thoát. Đó là Tin Mừng của Đức Kitô.
Để cứu lấy xã hội đã có quá nhiều thất vọng, Giáo Hội phải được quyền lên tiếng. Giáo Hội xác định “loan báo Tin Mừng trong khuôn khổ xã hội chính là quyền của Giáo Hội, quyền làm cho Lời Chúa có sức giải phóng ấy vang lên trong các thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, luật pháp, văn hoá, truyền thông xã hội, tức là những thế giới con người đang sống.” (số 70)
Khi thế gian không chống lại tiếng nói của Giáo Hội thì họ cũng đang tham dự vào niềm hy vọng. Còn khi tiếp tục đứng trong bóng tối để tìm cách đánh phá Giáo Hội, thì thế gian tự đập bỏ niềm hy vọng của chính mình.
Quả thật, Hội Thánh Chúa Kitô đang thực thi sứ mạng là “bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất” cho những ai lòng đầy thiện chí.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs