Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

ĐGM Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn về Biển Đông

VRNs (21.09.2011) – Los Angeles – Sau đây là cuộc phỏng vấn của LM Trần Công Nghị qua điện thoại với Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban Công Lý Hòa Bình về những vấn đề nóng hiện đang xẩy ra tại Việt Nam và tình hình giáo phận Vinh.



Kính thăm Đức Cha, lâu rồi con chưa có dịp thưa chuyện với Đức Cha, Đức Cha vẫn khỏe?

Cám ơn cha đã hỏi thăm sức khỏe của tôi. Nhờ ơn trên, sức khỏe tôi vẫn bình thường. Năm ngoái, khi đi thăm dân tại vùng lũ lụt, tôi bị ngộ độc hai lần. Từ đó cũng cẩn trọng hơn về thực phẩm. Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi chưa phải vào nhà thương bao giờ. Kỳ hè vừa qua nhân dịp viếng thăm Hoa Kỳ, mấy người bạn cũng lấy làm lạ đã đưa tôi đi khám tổng quát hai lần, nhưng vẫn chưa phát hiện dấu hiệu bệnh nào quan trọng. Có người nói đùa cứ triệu chứng này thì chắc chắn khi vào nhà thương… là đi thẳng ra nghĩa trang!

Thưa Đức Cha, Biển Đông hiện đang nổi sóng. Đâu là thái độ của người Việt Nam nói chung và người Công giáo nói riêng trước hiểm họa xâm lăng hiện nay?

Biển Đông đã nhiều lần nổi sóng, nhưng thật sự chưa bao giờ ghê gớm và nguy hiểm như hiện nay. Càng ngày ý đồ xâm lược của Trung Quốc càng thâm độc, ngang nhiên và trắng trợn. Đứng trước hiểm họa mất nước, tất cả mọi người Việt Nam, bất phân biệt chính kiến và tôn giáo, đều cảm thấy phẫn nộ và có trách nhiệm với tiền đồ Tổ quốc. Nhìn lại lịch sử VN, người ta thấy khi đối đầu với TQ tổ tiên chúng ta thường dùng cả cương lẫn nhu và mỗi nhà cầm quyền có sách lược riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, mọi người đều hãnh diện với những gì Nhà Lý, Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Tây Sơn đã thực hiện. Càng nhớ lại hình ảnh hào hùng của Hội nghị Diên Hồng ngày xưa, nhiều người cảm thấy bất mãn với thực tại hôm nay.

VN trang bị thêm cho Hải quân và tập trận với bắn đạn thật… đó là một điều cần thiết. Nhưng tôi nghĩ viên đạn mà chúng ta cần bắn lúc nầy là sự đoàn kết dân tộc. Có lẽ đây là một thời cơ quan trọng để tất cả những người Việt chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước, bất phân biệt chính kiến ý thức hệ, đặc biệt nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, cần đoàn kết để giúp dân tộc đối đầu với một người láng giềng xưa nay vẫn âm mưu xâm chiếm đất nước chúng ta. Những viên đạn chúng ta cần hôm nay đó là những sự kiện lịch sử, yếu tố pháp lý, sự liên kết với các nước thuộc khối ASEAN cũng như các nước lớn như Mỹ, Nhật, Đại Hàn, Pháp, Đức, Nga… để chống lại tham vọng của Trung Quốc biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của họ.

Xin Đức Cha cho biết tại sao đã hủy bỏ tọa đàm “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông”?

Nhiều người ở trong nước cũng băn khoăn tự hỏi tại sao Nhà Nước lại cấm một tọa đàm khoa học nhằm cung cấp những lý chứng về địa lý, lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông? Tại sao không khích lệ công tác nghiên cứu của các chuyên gia để phục vụ lợi ích quốc gia? Tại sao Trung Quốc sử dụng xã hội dân sự và cổ võ nghiên cứu của các chuyên gia để phê phán phán quan điểm của Việt Nam, trong khi đó dân Việt Nam bày tỏ quan điểm, một cách ôn hòa, để bảo vệ lãnh thổ quốc gia thì bị ngăn cấm và đàn áp? Phải chăng Nhà cầm quyền có mối lo gì khác hơn mối lo hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc? Muốn có câu trả lời đầy đủ và rõ rệt nhất cho vấn đề thiết tưởng nên hỏi chính Nhà Nước.

Đối với chúng tôi, Ban Tổ chức cuộc tọa đàm, chúng tôi bó buộc triển hạn tọa đàm không phải chỉ vì Ban Tôn giáo chính phủ và Ban Tôn giáo – Dân tộc thành phố HCM yêu cầu, mà còn vì áp lực nặng nề của nhà cầm quyền trên Tu viện Đa Minh, cơ quan chủ quản của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình, và nhất là sự đe dọa của các cấp chính quyền đối với các nhân viên cộng tác trong tọa đàm, các cộng sự viên. Một số người bị cảnh cáo là nếu tham dự tọa đàm sẽ bị mất việc. Công an cũng gặp trực tiếp hay gọi điện thoại cảnh cáo nhiều người tại SG và yêu cầu không được tham dự tọa đàm. Một số giáo phận khác cũng được công an thăm hỏi và làm phiền vì chuyện “Hòa bình và Công lý trên Biển Đông”.

Vị Đại diện không thường trú của Vatican đang có mặt tại Việt Nam. Đức Cha có gặp Ngài hay chưa? Và nếu có gặp Ngài, Đức Cha sẽ trình bày những ưu tư nào cần thiết nhất mà vị Đại diện Tòa Thánh nên biết.

Vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh đã đến Việt Nam nhiều lần để thăm HĐGM và các giáo phận. Lần này tôi không gặp Ngài, nhưng trước đây đã gặp gỡ và trao đổi riêng với Ngài về một số vấn đề của giáo phận Vinh, cũng như chung của giáo hội VN. Qua trao đổi tôi thấy Ngài nắm rõ tình hình và có nhiều nguồn thông tin.

Nhìn những cuộc tiếp đón thật nồng nhiệt mà giáo dân tại nhiều giáo phận đã dành cho vị Đại diện Tòa Thánh nhiều người hãnh diện về lòng hiếu khách của người Việt Nam, nhưng cũng có một số người ở hải ngoại lại có nhận định rằng Ngài “cỡi ngựa xem hoa như vậy” thì sẽ học hỏi được gì về tình hình Giáo hội Việt Nam?

Nghĩ như vậy có lẽ chẳng hiểu gì về truyền thống ngoại giao của Vatican. Cơ quan Ngoại giao của Tòa Thánh có rất nhiều nguồn thông tin và nắm rõ tình hình của mỗi nơi. Ngay tại Việt Nam hiện nay cũng có hai văn phòng tại Hà Nội và SG để đón nhận mọi thông tin và báo cáo bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài.

Vị Đại diện có cuộc họp chung nào với HĐGM hay với một nhóm các Giám mục VN để tìm hiểu nhu cầu của GHVN hay chưa?

Vị Đại diện Tòa Thánh đã gặp chung HĐGM hai lần và gặp riêng nhiều nhóm, nhiều Giám mục nhiều lần. Chắc chắn trong tương lai Ngài sẽ tiếp tục gặp gỡ nhiều lần và nhiều người hơn nữa. Ngoài ra, Ngài còn nhận được những thông tin và định hướng từ Vatican. Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của vị Đại diện Tòa thánh sẽ hỗ trợ Giáo hội Việt Nam rất nhiều, đồng thời cũng giúp cho những cuộc đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Tòa Thánh với Nhà nước VN đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Ủy Ban Công lý và Hòa bình đã chính thức hoạt động. Xin Đức Cha cho biết công tác nào là khẩn trương nhất của Ủy Ban? Ủy Ban có gặp khó khăn nào không?

Công tác trước mắt của Ủy Ban CL-HB là kiện toàn việc tổ chức tại các giáo phận và tổ chức các khóa tập huấn về CL-HB. Để dễ dàng trong việc điều và giảm thiểu chi phí tổ chức, chúng tôi sẽ chia thành nhiều cụm: Miền Tây Nam Bộ, Miền Đông Nam Bộ, Miền Trung Việt Nam và Miền Bắc. Cuối tháng 10, Ủy Ban sẽ bắt đầu khóa tập huấn cho các giáo phận Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên tại Cần Thơ.

Ngoài một số khó khăn nho nhỏ vào dịp Lễ Ra Mắt của Ủy ban, cho đến nay Ủy Ban chưa gặp khó khăn nào thêm.

Cuối cùng, xin cho biết vài công tác ưu tiên mà Đức cha đã thực hiện tại Vinh?

Vinh là một giáo phận rộng lớn, giàu truyền thống và nhiều thách đố. Phải cần nhiều thời gian, nhiều nhân sự và nhiều cố gắng mới có thể trả lời cho những nhu cầu hiện tại của giáo phận. Thời gian hơn một năm trời thực sự chưa thể làm gì nhiều.

Khi tôi vừa nhận trách nhiệm tại giáo phận Vinh thì lập tức phải đối diện với hai trận lũ lụt lịch sử nhấn chìm 2/3 các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình trong biển nước. Nặng nhất là một số huyện ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Công tác khẩn cấp vào thời điểm đó cứu trợ các nạn nhân lũ lụt. Sau khi nước lũ đã rút xuống thì phải nghĩ đến việc tu sửa nhà cửa, đường sá, gạo cứu đói, thóc giống… Kế hoạch xóa đói giảm nghèo bằng “nuôi bò rẽ” đang phát triển tốt đẹp tại nhiều nơi.

Song song cạnh công tác cấp thời đó, chúng tôi đã nghĩ đến chương trình dài hạn hơn như di dời các xóm, làng thường xuyên bị ngập lụt hoặc làm nhà vượt lũ cộng đồng cho những nơi không thể di dời. Trong vài tuần tới chúng tôi sẽ khánh thành hai nhà vượt lũ tại Hương Khê, Hà Tĩnh và hai nhà nhỏ khác tại Quảng Bình. Cũng đang xúc tiến hợp đồng với một công ty để san bằng một ngọn đồi tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) để di dời mấy xóm ở ven sông.

Tôi muốn nhân cơ hội này để cám ơn tất cả những vị hảo tâm đã quảng đại cộng tác với giáo phận Vinh trong công tác cứu trợ nói trên. Ban Cứu trợ đã nhận số tiền tương đương với 1.210.000 Mỹ kim và khoảng 60% tặng vật đó đến từ người trong nước. Ngoài ra, một số giáo phận và tổ chức đã trực tiếp mang thực phẩm, quần áo, vật vụng… đến phát cho các nạn nhân vùng lũ lụt.

Hiện nay, chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề nước uống, đặc biệt các đảo trên sông Gianh, bốn bề là nước, nhưng dân trên đảo lại phải mua nước. Nhờ ơn trên, tôi có khả năng tìm thấy những mạch nước ngầm dưới đất. Chúng tôi đã tìm được nhiều mạch nước ngọt ở Liên Hòa, Cồn Sẻ, Cồn Nâm, Giáp tam, Văn Phú… Đang xúc tiến để bơm nước này lên làm nước sinh hoạt, rồi biến nước sinh hoạt này thành nước tinh khiết để uống.

Bên cạnh những công tác cấp thời đó cho cuộc sống, chương trình Mục vụ của giáo phận đặt ưu tiên cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và đào tạo nhận sự. Loan báo Tin Mừng được coi là định hướng mục vụ của giáo phận và trách nhiệm của mỗi giáo xứ, cũng như mỗi Hội Dòng. Nhưng vùng Nam sông Gianh thuộc Quảng Bình và vùng Tây Bắc Nghệ An trở thành trọng điểm của giáo phận.

Trong năm qua, chúng tôi cố gắng cải tổ phương pháp và chất lượng đào tạo ở ĐCV Vinh Thanh. Con số giáo sư thỉnh giảng đã tăng cao. Vấn đề tuyển sinh đã được nghiên cứu lại. Năm nay có 332 ứng sinh vào ĐCV, nhưng chỉ có thể thu nhận 60 người thôi. Cơ sở Tiền Chủng viện đang được tân trang và trong tương lai gần phải nghĩ đến việc xây dựng cơ sở II của Đại Chủng Viện.

Ủy Ban Đời sống Tu trì đã đưa ra một số đề nghị cải tổ cho mấy Hội Dòng tại Vinh. Hè vừa qua, đã tổ chức khóa Bồi dưỡng Thần học thường niên dành cho các nữ tu. Sắp khai giảng Khóa thần học – tu đức cho các tập sinh năm thứ II.

Ban Giáo lý đang làm việc để đưa ra chương trình đào tạo giáo lý viên và nâng cao mặt bằng giáo lý của giáo phận. Sẽ bổ nhiệm thành viên mới của Ban Giáo lý. Rất may đã có thêm một số nữ tu từ trong Nam ra để cộng tác với chương trình giáo lý của giáo phận.

Xin cám ơn Đức Cha.

Nguồn: VietCatholic