Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Đi xa nhìn về – phần 1

VRNs (23.09.2011) – Tôi lại xót xa nhớ đến những chứng tích hùng hồn của lịch sử và những tài sản vô giá của văn hóa Việt Nam đã bị những quyền lực giai cấp, bị những nghị quyết thiển cận đập phá, xóa bỏ. Phá đàn Nam Giao ở cố đô Huế! Xóa sổ hội trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội! Tượng đá nàng Tô Thị ôm con ngóng chồng ở Lạng Sơn bị cho vào lò nung vôi! Những viên gạch mộc của thế kỉ mười sáu xây nên thành nhà Mạc cổ kính ở Tuyên Quang bị đập bỏ để xây lại bằng vật liệu hào nhoáng của thế kỉ hai mươi!… Với tầm văn hóa đó của quyền lực, những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị đập phá! Rồi những gì sẽ bị phá bỏ nữa? Tôi rùng mình kinh hoàng!



1. NIỀM VUI Ở VIỆT NAM. NỖI BUỒN Ở NƯỚC MĨ

Tháng tư lịch mặt trời, vẫn còn tiết xuân. Tán lá cây cơm nguội non xanh mướt dọc phố Quang Trung, Hà Nội làm xao xuyến cả mắt nhìn và rạo rực lòng người đi dưới tán cây. Hàng chò chỉ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cạnh Sở Thú Sài Gòn, thả những bông hoa có hai cánh xoay tít trong gió, bay la đà trên phố. Tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất sát ngày ba mươi tháng tư khi cả nước rực màu đỏ của cờ, của khẩu hiệu, của affiche. Một cảnh sắc chính trị nhân tạo, sôi sục, nồng nực, chộn rộn, lấn át, khuấy động cả thiên nhiên thanh bình, êm ả!

Tôi đến nước Mĩ khi những cây anh đào chân đồi tượng Nữ thần Tự do ở cửa biển New York, những cây anh đào lẻ loi ở Philadelphia, hàng anh đào bên bờ sông Potomac giữa thủ đô Washington DC đang khoe sắc rực rỡ, trắng như hoa mơ chùa Hương, trắng như hoa mận Cao Bằng, tím hồng như hoa ban Điện Biên Phủ. Thời tiết ở New York phía Bắc nước Mĩ, thời tiết ở Dalas Fort Worth phía Nam nước Mĩ cũng se lạnh như tiết xuân ở Việt Nam. Lạnh vừa đủ để khoác thêm chiếc áo ấm khi bước ra khỏi nhà. Nhìn hoa anh đào nước Mĩ, tôi cứ bâng khuâng nhớ hoa mận, hoa ban quê nhà. Thiên nhiên ở đâu cũng thật thanh bình, êm ả.

Dù ngồi trong ô tô trên đường cao tốc giữa những làn ô tô nhấp nhô, cuồn cuộn như một dòng sông mải miết ruổi sóng, xe chạy với tốc độ 70 miles giờ (mile bằng 1,6 kilomet, 70 miles là 116 kilomet) suốt năm, sáu giờ tôi không thấy bóng một cảnh sát giao thông. Dù đi bộ trên đường phố New York, một bên là siêu thị, nhà hàng tấp nập người vào ra, một bên là dòng chuyển động bất tận của lớp lớp ô tô nối đuôi nhau, tôi không nghe thấy một tiếng ồn, không một tiếng động cơ ô tô, không một tiếng còi. Cuộc sống cuồn cuộn, hối hả trong tĩnh lặng, tuần tự của một xã hội được tổ chức chặt chẽ và đã có nề nếp.

Thời tiết mùa xuân, sắc hoa mùa xuân và nhịp sống náo nức mùa xuân cho tôi cảm giác bình yên, thanh thản. Nhưng một buổi chiều đến ăn cơm ở nhà hàng Việt Nam trong khu thương mại Eden của người Việt ở thị trấn Fall Church ngoại ô Washington DC, tôi lại gặp không khí chính trị nhân tạo sôi sục ở Việt Nam!

Ngày ba mươi tháng tư, ngày kết thúc cuộc chiến tranh được một phía gọi là chống Mĩ cứu nước nhưng thực chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ, cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam. Ngày ba mươi tháng tư lại đến! Cả nước Việt Nam lại rầm rộ, ồn ào, hoan hỉ mừng chiến thắng thì ở thị trấn tĩnh lặng ngoại ô thủ đô Washington nước Mĩ, những người Việt Nam ở phía chiến bại phải tha hương lại ngậm ngùi làm lễ tưởng niệm những đồng đội cùng chiến hào đã bỏ mạng trong cuộc chiến tương tàn đó! Tôi lại nhớ đến câu của người lãnh đạo nhà nước Việt Nam cộng sản, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ngày ba mươi tháng tư có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn! Nhưng đâu phải chỉ có những người ở phía chiến bại mới có Nỗi – buồn – ba – mươi – tháng – tư! Mĩ đổ quân vào miền Nam Việt Nam làm cho cuộc chiến tranh có sức giục giã, thôi thúc rất lớn đối với tuổi trẻ miền Bắc. Người con trai duy nhất của Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng Lê Quý Quỳnh tình nguyện nhập ngũ ra ngay mặt trận và anh đã hi sinh ở mặt trận Tây Nguyên. Ngày cả nước tưng bừng mừng chiến thắng ba mươi tháng tư, người mẹ liệt sĩ ấy nhìn pháo hoa sáng rực trời lại nhớ đến nỗi đau mất đứa con trai duy nhất, bà đã ngất xỉu rồi ít ngày sau bà cũng đi theo con trai! Những người từng trải và mẫn cảm đều hiểu rằng ngày ba mươi tháng tư chỉ có niềm vui ở cờ, hoa, ở khẩu hiệu, ở không khí chính trị nhân tạo! Còn nỗi buồn lặn vào từng gia đình, lặn vào từng số phận đã đi qua cuộc chiến tương tàn! Với những người phải tức tưởi bỏ nước ra đi vì sự kiện ba mươi tháng tư đó thì nỗi buồn còn lớn lao, sâu xa đến thế nào! Tôi đã đi từ niềm vui của những lá cờ rợp trên dải đất Việt Nam đến nỗi buồn thăm thẳm lắng sâu ở tận nước Mĩ!

2. BUỔI SÁNG Ở PHILADELPHIA

Dặm đường nước Mĩ cho tôi nhận ra rằng, so với nhiều nước trên thế giới, lịch sử hơn hai trăm năm dựng nước của người Mĩ còn quá mỏng và nước Mĩ mênh mông nhưng thiên nhiên khá đơn điệu! Vì thế người Mĩ rất chăm chút giữ gìn, nâng niu lịch sử. Thời gian lịch sử không dày thì người Mĩ gom góp, vun đắp cho không gian lịch sử dày dặn lên. Từng con người lịch sử, từng sự kiện lịch sử đều có chỗ đứng trong không gian, có mặt trong thời gian và làm nên sự thăm thẳm của đời sống tâm linh nước Mĩ. Tạo hóa không sáng tạo cho nước Mĩ mênh mông nhiều cảnh sắc thiên nhiên kì diệu thì người Mĩ thay tạo hóa sáng tạo ra sự kì diệu đó. Bằng tài năng, trí tuệ và niềm tự hào Mĩ, người Mĩ đã sáng tạo nên sự lung linh, hoành tráng của thiên nhiên thứ hai, bổ khuyết cho sự đơn điệu của thiên nhiên thứ nhất do đất trời tạo ra.

Trung tâm chính trị ở thủ đô Washington DC bên dòng sông Potomac trong xanh như một công viên mênh mông mà dòng sông hiền hòa, thảm cỏ và rừng cây là chủ thể. Nhà Quốc hội trên đồi Capitol, nhà Trắng giữa cây xanh và những tòa nhà giầu tính nghệ thuật như tòa nhà bộ Tài chính là những tác phẩm kiến trúc điểm xuyết vào màu xanh thiên nhiên. Trong bát ngát cây xanh đó là đài tưởng niệm Washington, đài tưởng niệm Jefferson, đài tưởng niệm Lincohn, đài tưởng niệm Theodor Roosevelt, đài tưởng niệm Franklin Roosevelt, đài tưởng niệm Martin Luther king, đài tưởng niệm Lindon B. Johnson… Tất cả những cung điện, đền đài của lịch sử, của chính trị thủ đô nước Mĩ như đều soi bóng xuống dòng sông Potomac trong xanh.

Đi trên cầu Arlington nhìn xuống mặt sông Potomac lấp lánh nắng như một mặt gương, nhìn khối nhà xám năm góc đồ sộ im lìm cạnh sông, tôi cứ ngậm ngùi nhớ đến một lương tri nước Mĩ, anh Norman Morison và tôi lại nhớ đến câu hát mà ca sĩ lừng danh Trần Khánh hát ngày nào: Hoa Thịnh Đốn chiều nay bỗng bùng lên cháy đỏ / Cháy từ thân thể anh Morison… Morison đã đến bên sông Potomac trước cổng tòa nhà Năm góc đốt mình lên thành ngọn đuốc phản đối chính phủ Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam. Phản đối cuộc chiến tranh mang chết chóc, tai họa cho nước Mĩ, ngọn lửa Morison là ngọn lửa của lương tri nước Mĩ, của lịch sử nước Mĩ mà nơi ngọn lửa ấy cháy lên không có một dấu ấn ghi nhận! Hay có mà tôi không biết?

Cánh rừng rộng lớn phía bên trái dòng sông Potomac là khu tưởng niệm ba cuộc chiến tranh thế giới mà nước Mĩ đã tham chiến: Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tranh Korea. Chiến tranh Việt Nam. Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam rộng lớn nhất, nội dung phong phú nhất và cũng gợi nhiều suy nghĩ bùi ngùi nhất. Tên tuổi hơn năm mươi tám ngàn lính Mĩ chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc chìm trên tấm bia đá hoa cương đen nguyên khối dài 75 mét, cao hơn hai mét và được in trong tập sách dày đặt trên giá bên lối đi, trước tấm bia. Mặt trước tấm bia đá là tên những người lính xấu số. Mặt sau bia là gò đất dài xanh mướt cỏ mùa xuân như một nấm mồ lớn. Những trang sách ghi tên người lính Mĩ chết trận ở Việt Nam dù được bọc nilông cũng đã nhàu nhĩ, sờn cong vì đã có hàng triệu lượt người lật giở tìm tên người thân. Tên những người lính Mĩ khắc trên bia đá kia, in trong tập sách dày kia còn mãi với thời gian, còn mãi với lịch sử nước Mĩ, còn mãi trong lòng nước Mĩ, còn mãi trong tình yêu của lớp lớp thế hệ con cháu họ. Nhiều người xương cốt còn nằm lại đâu đó trong lòng đất Việt Nam nhưng tên của họ đã trở về khắc vào lòng nước Mĩ.

Tôi có người cậu ruột, em trai thứ ba của mẹ tôi, là bộ đội Vệ Quốc Đoàn đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, cậu Nguyễn Bá Thứ. Bà ngoại tôi đã nhận được tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công ghi tên cậu tôi nhưng đến những trận bom đánh phá miền Bắc của không quân Mĩ, bà ngoại tôi phải rời thành phố đi sơ tán. Thành phố có ngôi nhà của bà ngoại tôi bị đánh bom. Tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công ghi tên cậu tôi không còn nữa! Đến nay nắm xương tàn của cậu tôi không biết vùi ở nơi đâu và cũng không có tấm bia nào ghi tên cậu! Cậu Thứ ơi, thôi cháu đành ghi tên cậu trong bài viết về tấm bia liệt sĩ của nước Mĩ vậy!

Tên thành phố Philadelphia của nước Mĩ cũng giống như tên vùng đất Lâm Thao, Phú Thọ của Việt Nam vì Philadelphia chính là thủ đô dựng nước của nước Mĩ giống như Lâm Thao là thủ đô dựng nước của Việt Nam. Thủ đô thời dựng nước của Việt Nam nay chỉ còn ngôi đền thờ Vua Hùng quanh năm hương khói, chỉ còn truyền thuyết về chín mươi chín ngọn núi là đàn voi chín mươi chín con chầu về đền Hùng. Chỉ có chín mươi chín con voi thôi vì một con quay đi hướng khác có ý phản nghịch liền bị Vua Hùng chém đầu, nay máu voi còn chảy là dòng suối ở chân núi! Chỉ còn cái tên Thậm Thình của một làng quê bên đền Hùng, nơi có tiếng chày thậm thình giã gạo từ thời Vua Hùng. Tiếng chày giã gạo của Lang Liêu làm bánh chưng, bánh dày dâng lên Vua Hùng. Ở Philadelphia còn cả không gian lịch sử, còn cả không khí lịch sử, hơi thở lịch sử, còn cả viên gạch đỏ, phiến đá xanh mang hơi ấm lịch sử thời dựng lên nước Mĩ.

Không gian lịch sử là tòa nhà chính quyền bang Pennsylvania được xây dựng từ năm 1732, đến năm 1776 sôi động trở thành nhà làm việc của năm thành viên trong hội đồng soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ và ngày 6.7.1776, George Washington, một trong năm thành viên đó đã đứng trên vỉa hè trước tòa nhà hướng ra dân chúng đông đúc trên bãi cỏ rộng bên kia đường đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Mĩ. Ba năm sau, Washington được người dân bầu làm Tổng thống Mĩ đầu tiên. Tòa nhà lịch sử được xây bằng những viên gạch đỏ từ năm 1732 nay vẫn đỏ thắm giữa ngàn xanh cổ thụ và được gọi là dinh Độc lập, Independence hall. Nay Washington vẫn đứng nơi ông đã đi vào lịch sử, không lễ đài chót vót, không khoảng cách với người dân, tượng đồng Washington đứng ngay trên hè đường trước dinh Độc lập. Đoạn đường trước mặt ông vẫn lát những phiến đá xanh cổ mà tuổi những phiến đá đó chắc chắn còn cao hơn tuổi nước Mĩ. Bên kia đường trước mặt ông vẫn là thảm cỏ rộng, nơi những người dân Mĩ đã đứng ngây ngất hít thở không khí tự do thiêng liêng đầu tiên, sung sướng uống từng lời Tuyên ngôn Độc lập rồi vươn vai đứng thẳng người lên làm công dân nước Mĩ độc lập. Hơi thở lịch sử là tiếng ngựa hí, là tiếng vó ngựa lóc cóc trên con đường lát đá phiến kéo cỗ xe bốn bánh cổ kính. Khách du lịch bỏ ra mười dollars sẽ được lên xe đi một vòng trên những đường phố yên tĩnh, vắng vẻ, ngắm nhìn thành phố Philadelphia vừa cổ kính vừa hiện đại. Không khí lịch sử là hàng người nối dài trên con đường xi măng cuối bãi cỏ rồi từng đợt, từng đợt được đón vào tòa nhà Liberty Bell chiêm ngưỡng quả chuông cùng tuổi với Tuyên ngôn Độc lập, cùng tuổi với nước Mĩ đã gióng lên tiếng chuông tự do gọi những chính khách đầu tiên của nước Mĩ đến dinh Độc lập biên soạn ra các văn kiện lịch sử định hình lên nước Mĩ, gọi dân chúng Philadelphia thay mặt cho người dân mười ba bang đầu tiên của nước Mĩ đến dinh Độc lập tham dự vào những sự kiện lịch sử buổi lập nước.

Trong những vật chứng lịch sử Mĩ ở đây: Tượng đồng Washington, Dinh Độc lập, Quả chuông Tự do, Liberty Bell, tôi đánh giá cao nhất những ngọn cỏ bình dị đã xanh từ trong thăm thẳm lịch sử nước Mĩ đến hôm nay và còn xanh mãi đến mai sau. Phải có ý thức dân tộc cao, phải biết trân trọng lịch sử đất nước lắm mới biết nâng niu giữ gìn từng ngọn cỏ lịch sử. Hơn hai trăm năm rầm rộ, hối hả công nghiệp hóa, đô thị hóa mà giữa thành phố Philadelphia vẫn còn lại bãi cỏ từ ngày Độc lập năm 1776! Chỉ mấy ngọn cỏ bình dị kia cũng nói được tầm văn hóa và tấm lòng với nước, với dân của một chính quyền! Tôi lại xót xa nhớ đến những chứng tích hùng hồn của lịch sử và những tài sản vô giá của văn hóa Việt Nam đã bị những quyền lực giai cấp, bị những nghị quyết thiển cận đập phá, xóa bỏ. Phá đàn Nam Giao ở cố đô Huế! Xóa sổ hội trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội! Tượng đá nàng Tô Thị ôm con ngóng chồng ở Lạng Sơn bị cho vào lò nung vôi! Những viên gạch mộc của thế kỉ mười sáu xây nên thành nhà Mạc cổ kính ở Tuyên Quang bị đập bỏ để xây lại bằng vật liệu hào nhoáng của thế kỉ hai mươi!… Với tầm văn hóa đó của quyền lực, những giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị đập phá! Rồi những gì sẽ bị phá bỏ nữa? Tôi rùng mình kinh hoàng! Để xóa đi nỗi buồn, tôi đi dạo trên con đường vắng bao quanh tòa nhà Độc lập. Ngắm những viên đá xanh lát trên đường, ngắm màu gạch đỏ trên tường nhà, nhìn những tia nắng sớm chiếu qua vòm lá như rắc hoa trắng lung linh trên đường, nghe ngọn gió cổ xưa rì rào trên vòm đại thụ, tôi tưởng như đang đi trong buổi bình minh của nước Mĩ.

3. KÌ QUAN MĨ

Lịch sử Mĩ do những trái tim người Mĩ yêu tự do viết lên. Cảnh quan nước Mĩ hôm nay cũng do những người Mĩ tự do đó xây cất lên. Bàn tay tạo hóa không tạo cho nước Mĩ những kì quan thiên nhiên, những kiệt tác của Trời thì bàn tay người Mĩ, trí tuệ người Mĩ đã thay tạo hóa làm nên những kì quan Mĩ, những kiệt tác Mĩ.

Kì quan Mĩ là những tòa nhà tháp nâng con người lên với trăng sao. Đất nước gần mười triệu cây số vuông trải rộng từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, dân số chỉ nhỉnh trên ba trăm triệu người, mật độ dân số chỉ hơn ba mươi người sống trên một cây số vuông. Trong khi con số đó ở Việt Nam là gần ba trăm người, ở Trung Hoa là một trăm năm mươi người. Đất đai bằng phẳng, rộng rãi, dân cư thưa thoáng, vậy mà người Mĩ vẫn sáng tạo ra những tòa nhà chọc trời. Những tòa tháp kính lấp lánh như khối kim cương sừng sững vươn lên trời xanh về ban ngày. Những tòa tháp ánh sáng lung linh trong thăm thẳm vũ trụ về ban đêm. Không phải vì nước Mĩ thiếu đất, những tòa tháp đó mọc lên để tạo ra kì quan Mĩ, mang tầm vóc, tư thế nước Mĩ, mang triết lí làm chủ của tư duy Mĩ!

Kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại với những cột tròn cao vút uy nghi. Kiến trúc Pháp có cùng triết lí với kiến trúc cổ điển Việt Nam: Coi trọng thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thiên nhiên tham gia vào kiến trúc, là một phần không thể thiếu của kiến trúc, đường nét kiến trúc uyển chuyển, duyên dáng, tinh tế của tiết tấu cuộc sống thong thả, chậm rãi. Những tòa nhà tháp chế ngư thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên ở các thành phố Mĩ là phong cách kiến trúc của những con người tự do, được giải phóng khỏi mọi ràng buộc, vươn vai đứng thẳng lên làm chủ vận mệnh, làm chủ thời đại, một thời đại của tốc độ cao, của tiết tấu cuộc sống công nghiệp gấp gáp, dồn dập, vì thế đường nét, hình khối kiến trúc cũng đơn giản nhất, thanh thoát, mạch lạc, dứt khoát. Những tòa tháp mang triết lí làm chủ của tư duy Mĩ, mang tâm hồn tự do Mĩ, mang í chí chinh phục Mĩ đã tạo ra không gian Mĩ, cảnh quan Mĩ, nhịp sống Mĩ.

Khi phần lớn những ngôi nhà ở châu Á, châu Phi nông nghiệp còn là tường đất, mái lá, con người vẫn còn phải ẩn trong đất, núp trong cây, châu Âu công nghiệp vẫn còn say sưa với kiến trúc dựa vào sắt thép trần trụi, say sưa dựng lên những tòa tháp ngạo nghễ sắt thép như tháp Eiffel ở Paris, cất năm 1889, những cây cầu trập trùng sắt thép như cầu Long Biên ở Hà Nội mà người Pháp gọi là cầu Doumer cất lên năm 1899 thì nước Mĩ đã đi đầu cất lên những building, những tòa tháp bê tông chất ngất. Tòa thị chính thành phố Milwaukee 30 tầng cao 107 mét xây năm 1895. Tòa nhà Park Row ở New York 30 tầng cao 119 mét xây năm 1899. Tòa tháp Singer ở New York, 47 tầng cao 187 mét xây năm 1908… còn bền vững đến hôm nay. Người từ khắp nơi trên thế giới đến tòa tháp đôi World Trade Center, WTC, Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, 110 tầng, cao 417 mét không phải chỉ để mua sắm những mặt hàng cao cấp nổi tiếng thế giới mà còn để chiêm ngưỡng kì quan Mĩ, ngắm nhìn không gian Mĩ, hít thở không khí Mĩ, cảm nhận nhịp đập cuộc sống Mĩ. Ngày 11.9.2001, Bin Laden đánh sập tòa tháp đôi WTC. Mười năm sau tôi đến New York đi ngang qua công trường xây dựng lại WTC chỉ thấy nghễu nghện những cần cẩu, ngổn ngang những khối máy mà rất ít bóng người và tòa tháp đã lên tầng thứ sáu.

Kì quan Mĩ là hòn đảo Nữ thần Tự do ở cửa biển New York mà người từ mọi miền trái đất tìm đến đây còn đông hơn cả số người đổ về Trung tâm Thương mại Thế giới. Dù tượng Nữ thần Tự do không phải là sáng tạo của người Mĩ. Tượng là tác phẩm của Kiến trúc sư Frederic Bartholdi, người Pháp, là quà tặng của nước Pháp tặng nước Mĩ, quà của những người mang lí tưởng Nhân quyền và Dân quyền tặng những người mang lí tưởng Tự do. Tượng đã trở thành phần hữu cơ của hòn đảo ở cửa biến New York, là phần hữu cơ của núi sông biển trời nước Mĩ. Cả hòn đảo Tự do, tên cũ là đảo Bedloe, là tác phẩm nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa sự sáng tạo của tự nhiên và sự sáng tạo của con người. Để đặt tượng Nữ thần Tự do cao bốn mươi sáu mét, trí tuệ và bàn tay người Mĩ đã biến hòn đảo nhỏ như còn trôi dạt, còn biến đổi hình dạng trước sóng gió biển lớn phía Tây trái đất thành hòn đảo rộng rãi, vững chãi, thành một địa chỉ văn hóa của loài người. Thiên nhiên sáng tạo cho nước Mĩ biển trời lộng lẫy ở cửa biển New York, lại sáng tạo cho nước Mĩ hòn đảo nhỏ trần trụi như tòa nhà mới xây xong phần thô giữa nơi biển trời lộng lẫy đó để người Mĩ tiếp tục sáng tạo, biến ngôi nhà thô thành tòa lâu đài nguy nga. Tượng Nữ thần Tự do giơ cao ngọn đuốc soi sáng thế giới đặt ở nơi biển trời lộng lẫy như cõi thiên thai mà loài người vẫn ước vọng, vẫn khắc khoải hướng tới.

Mười lăm phút một chuyến phà đầy ắp người tách bến New York sang đảo Tự do. Tôi nhìn dòng người đủ màu da, từng cặp, từng tốp chân bước lâng lâng trên hòn đảo Tự do nhưng tôi biết cảm nhận về tự do của mỗi người sẽ rất khác nhau. Những cô gái da trắng, da đen ríu rít đi theo đoàn của một trường trung học Mĩ kia, họ chẳng cần bận tâm về tự do, vì với họ tự do là lẽ đương nhiên, bình thường của xã hội họ đang sống. Thời ông bà họ phải đấu tranh đổ máu giành tự do đã lùi xa mấy trăm năm rồi. Nhưng hai thanh niên người Trung Hoa có vẻ là sinh viên du học đang đứng lặng ngắm nhìn tượng Nữ thần Tự do kia, sao vẻ mặt họ bần thần thế? Có phải nhìn tượng Nữ thần Tự do họ lại nhớ đến sự kiện cách đây chưa lâu: Sinh viên Bắc Kinh biểu tình ở Thiên An Môn đòi tự do dân chủ bị xe tăng quân đội tràn qua, nghiến nát nhiều sinh viên? Tôi nhận ra chim biển ở đây nhiều quá. Chúng bay rợp trên trời. Nhiều con đậu thành hàng dài trên bờ kè đá mép đảo. Tôi đã đứng giữa đàn chim biển ở đảo Phan Vinh trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Thái Bình Dương. Ngày ấy tôi đi với đơn vị hải quân đổ bộ lên giữ đảo. Lũ chim biển nhìn những con người lần đầu tiên xuất hiện trên đảo với vẻ bình thản, thân thiện, lính đứng gác, chim xà xuống đậu trên mũ lính. Nhưng khi mỗi con chim biển trở thành hai, ba cân thịt tươi trong bữa ăn kham khổ hàng ngày của lính đảo thì từ đó lũ chim biển hoang sơ nhìn thấy bóng con người đều hốt hoảng, tránh xa! Tượng Nữ thần Tự do khánh thành ngày 28 tháng mười, năm 1886. Từ đó hơn một thế kỉ đã trôi qua, ngày nào trên đảo cũng nườm nượp người như lễ hội mà bây giờ tôi đến sát mấy con chim biển đứng mép kè đá, chúng vẫn bình thản nhìn tôi thân thiện. Ở đây có cả luật pháp của nhà nước và tập quán của người dân bảo vệ những con chim biển hoang sơ, bảo vệ cuộc sống tự do mưu sinh của chúng nên chúng mới có phong thái ung dung, tự tin, bình đẳng với con người đến thế! Nhìn những con chim biển được sống tự do, hòa thuận bên những con người xa lạ, tôi lại chạnh nhớ đến cuộc sống mất tự do của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong ngục tù Hà Nội. Bao giờ người dân Việt Nam mới được pháp luật bảo vệ như những con chim biển ở hòn đảo Tự do này nhỉ?

Kì quan Mĩ là hệ thống giao thông chiếm lĩnh cả chiều rộng và chiều cao không gian. Có tới năm, bảy con đường bê tông xi măng song song cạnh nhau cùng một hướng. Mỗi con đường lại có hàng chục làn ô tô cuồn cuộn chảy. Nơi những con đường giao nhau, mặt phẳng nằm ngang chuyển thành mặt phẳng thẳng đứng. Năm, bảy con đường thành năm, bảy tầng cầu vượt. Mỗi con đường như một dải lụa bị gió thổi tung lên, uốn lượn, đan xen vào nhau. Nơi có đường giao nhau kì vĩ nhất thế giới là ở thành phố Houston bang Texas. Mười con đường, mười dải lụa mềm mại uốn lượn lồng vào nhau, uyển chuyển, thướt tha như một màn múa, nhịp nhàng, dìu dặt như một giai điệu âm nhạc.

Các điểm du lịch kì thú nhất ở Việt Nam đều là các kì quan thiên nhiên. Sa Pa. Tam Đảo. Vịnh Hạ Long. Chùa Hương. Tam Cốc. Bích Động. Sầm Sơn. Phong Nha Kẻ Bàng. Non nước Hải Vân. Kênh rạch miền Tây Nam Bộ… Ngược lại, làm nên sức hấp dẫn của nước Mĩ với thế giới đều là những kì quan do con người tạo ra. Tạo ra bằng trí tuệ Mĩ. Tạo ra bằng tiền thuế của người dân Mĩ nên người dân Mĩ đều có ý thức làm chủ các kì quan đó và mỗi kì quan đều có một chủ thể có trách nhiệm trước dân Mĩ và có tầm văn hóa tương xứng với giá trị văn hóa mà họ là chủ thể nên kì quan trước hết được khai thác ở giá trị văn hóa. Mỗi ngày có cả chục ngàn khách đến đảo Nữ thần Tự do nhưng ở đó không có một mẩu giấy, một bịch ni lông rác thải, không có một hàng chữ lạc lõng của những kẻ văn hóa thấp lại muốn lưu tên tuổi vào thời gian cùng kì quan! Không có một âm thanh của con người phá mất âm thanh dào dạt, mênh mang của thiên nhiên. Ở những kì quan Mĩ chỉ có nườm nượp khách viếng thăm và sự lặng lẽ, tất bật, tận tụy của những người phục vụ khách. Hoàn toàn không có những thành phần ăn theo. Không có người bán hàng rong! Không có người đeo bám, chèo kéo khách mua đồ lưu niệm! Không có một tiếng loa, một bảng hiệu. Không một bóng người ăn xin. Ở Mĩ không phải không có người ăn xin. Một tối muộn, vừa từ nhà hàng trên tòa tháp quay ở Dalas bước ra phố, tôi thấy người đàn bà da đen cao gày như mốt người mẫu một thời, bên sườn chiếc túi du lịch nhưng dáng đi vật vờ đến đứng lại trước con gái tôi. Bà ta hỏi xin tiền con gái tôi. Người ăn xin trong đêm tối, trong âm thầm, trong đơn lẻ, không kéo đàn kéo lũ, không bày biện, phô trương sự khốn cùng, không trơ tráo đeo bám!

Ngành du lịch ở ta ăn sẵn kì quan thiên nhiên. Coi kì quan của đất nước là của chùa, mọi ngành, mọi người xúm vào khai thác kì quan, kinh doanh kì quan, ăn theo kì quan chỉ vì giá trị vật chất của ngành, của cá nhân, không vì giá trị văn hóa của đất nước. Mỗi kì quan đều là một giá trị văn hóa. Không có chủ thể có tầm văn hóa tương xứng để quản lí, bảo vệ, khai thác giá trị văn hóa của kì quan, các kì quan thiên nhiên ở ta đều bị thương mại hóa, dung tục hóa, đều bị xâm hại, tàn phá nghiêm trọng và bị những thẩm mĩ thô thiển tùy tiện can thiệp, xây cất thêm làm cho méo mó, biến dạng, làm mất vẻ đẹp nguyên sơ của kì quan thiên nhiên! Nếu tầm văn hóa là ở bằng cấp, học hàm, học vị thì có lẽ công chức Việt Nam có tầm văn hóa cao nhất thế giới! Nhưng cứ nhìn vào việc quản lí các hoạt động văn hóa và quản lí các công trình văn hóa ở ta thì mới thấy tầm văn hóa ở những nhà quản lí đó thảm hại đến thế nào.

Phạm Đình Trọng

(Còn tiếp)