Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Kính gởi Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Vatican tại Việt Nam

VRNs (04.09.2011) - Sài Gòn – Một trong những khái niệm quan trọng được Công đồng Vaticanô II long trọng xác nhận đó là Giáo Hội là Dân Chúa, mà Dân Chúa trước tiên là cộng đồng giáo dân đông đảo, sau đó mới đến tu sĩ, giáo sĩ và hàng giáo phẩm.



Nhân chuyến viếng thăm mục vụ của Đức khâm sứ không thường trú, TGM Leopoldo Girelli, một giáo dân ở vùng Sài Gòn đã chuyển đến chúng tôi một kiến nghị mở, với mong ước qua kênh truyền thông VRNs này, tâm tình con thảo, muốn đóng góp xây dựng Giáo hội đến được với vị Đại diện Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

VRNs xin chân thành cám ơn tác giả kiến nghị và trân trọng giới thiếu toàn văn kiến nghị này với quý độc giả.

KIẾN NGHỊ GỬI LÊN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI, ĐẠI DIỆN KHÔNG THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

Trọng Kính
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli,
Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Mở đầu

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục,

Chúng con nghĩ rằng qua mấy chuyến thăm các giáo phận thuộc cả ba giáo tỉnh Hà-Nội, Tp Hồ Chí Minh và Huế, Đức Tổng đã và sẽ có dịp chứng kiến những quang cảnh sinh động và sấm uất của giáo dân Việt Nam chúng con.

Đức Tổng cũng đã nhìn thấy những ngôi thánh đường xinh đẹp, những tu viện, học viện và đại chủng viện khang trang do công sức và tiền bạc của hàng ngũ giáo dân trong và ngoài nước chúng con đóng góp.

Không phải chúng con kể công hay khoe thành tích với Đức Tổng, mà chúng con chỉ muốn nói với Đức Tổng Đại Diện Tòa Thánh rằng: chúng con hết lòng yêu mến Giáo Hội của Chúa trên quê hương của chúng con, và vì yêu mến Giáo Hội nên chúng con không quản ngại cống hiến công sức, tài năng và tiền bạc cho việc xây dựng Giáo Hội nói chung và cho việc xây cất các cơ sở vật chất của Giáo Hội nói riêng.

Chúng con cũng không ngừng cất lời ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội chúng con nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Các ngài là hàng ngũ lãnh đạo và nêu gương sáng cho chúng con trong đời sống Đức Tin.

Nhưng không phải vì thế mà chúng con không còn gì để nói, nhất là với Vị Đại Diện của Tòa Thánh tại Việt Nam. Chúng con chỉ xin dựa vào một định hướng quan trọng của Công Đồng Vaticanô II mà đưa ra hai kiến nghị có tương quan mật thiết với nhau và mang tính quyết định cho sự phát triển của Giáo Hội Chúa tại Việt Nam, trong giai đoạn sắp tới.

1. Định hướng quan trọng của Công Đồng Vaticanô II:

“Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấn chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân

“Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng ngũ giáo dân Kitô giáo trưởng thành” (Sắc lệnh Truyền Giáo, 21).

Kính thưa Đức Tổng Đại Diện Tòa Thánh,

Nếu phải định nghĩa thế nào là hàng giáo dân đích thực thì có lẽ chúng con không đủ khả năng để làm chuyện ấy, nhưng Công Đồng đã đưa ra một chỉ dẫn rất rõ rệt và cụ thể là hàng giáo dân có khả năng cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm, thì chúng con có thể hiểu các Nghị Phụ Công Đồng muốn nói gì qua bản văn kể trên.

Chúng con cho rằng trong Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng con hiện nay, không có mấy giáo dân (nam cũng như nữ) có khả năng cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm.

Ngay đến các giáo dân là giảng viên hay giáo sư thần học, mục vụ, thánh kinh cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay…. trong khi đội ngũ giáo lý viên thì khá đông, tuy số được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cũng chưa nhiều.

Chính vì thế chúng con xin dâng lên Đức Tổng hai kiến nghị có mối tương quan mật thiết với nhau như sau:

2. Hai kiến nghị có tương quan mật thiết với nhau:

2.1 Kiến nghị 1: Về việc đào tạo hàng giáo dân trưởng thành, đủ khả năng cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm

Kính xin Đức Tổng tác động cách mạnh mẽ trên hàng Giáo Phẩm và hàng Giáo Sĩ của chúng con để các ngài tập trung mọi nỗ lực và tài chánh vào việc đào tạo một hàng giáo dân trưởng thành, qua việc tổ chức các trung tâm mục vụ và các trung tâm huấn luyện với các khóa đào tạo ngắn ngày và dài ngày, cơ bản và chuyên sâu. (Cho đến nay các nguồn tài chánh của các giáo phận dường như chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở vật chất).

2.2 Kiến nghị 2: Làm nổi bật tính Dân Chúa và tính giáo dân (giảm bớt tính giáo sĩ) trong các tổ chức của Giáo Hội, nhất là trong những tổ chức liên quan tới giáo dân.

Kính xin Đức Tổng tác động cách mạnh mẽ trên hàng Giáo Phẩm và hàng Giáo Sĩ của chúng con, để các ngài bỏ bớt những nếp nghĩ và não trạng mang đậm tính “giáo sĩ trị” của thời kỳ tiền Công Đồng Vaticanô II và làm nổi bật tính cộng đồng Dân Chúa và tính giáo dân trong các tổ chức hay cơ cấu của Giáo Hội, không chỉ theo định hướng Giáo-hội-tham-gia mà cả theo định hướng Giáo-hội-đồng-trách- nhiệm nữa.

Tạm kết

Chúng con tin rằng chỉ khi nào hàng giáo dân chúng con được thăng tiến về mặt nhận thức, hiểu biết (giáo lý, thánh kinh, thần học, mục vụ, giáo luật, linh đạo v.v…) và được trao trách nhiệm thật sự trong các giáo xứ và trong các tổ chức Giáo Hội thì khi ấy Giáo Hội Chúa tại Việt Nam mới có hàng giáo dân đích thực để có khả năng cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm như Sắc Lệnh Truyền Giáo của Công Đồng đã mong muốn và chỉ dậy, xứng đáng với Giáo Hội có hơn 500 lịch sử và 117 Thánh Tử Đạo, 1 Chân Phước Tử Đạo và 1 Hồng Y đang được Tòa Thánh tiến hành việc điều tra phong Chân Phước.

Ngày 01/09/2011

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Một giáo dân ở Sài-gòn