Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Lm Vũ Khởi Phụng - Nhớ về ngày 11.09 cách đây 10 năm

VRNs (11.09.2011) - Sài Gòn - Cả thế giới đang hồi tưởng ngày này mười năm trước: vụ khủng bố 11 tháng 9 đánh vào Tòa Tháp Đôi WTC ở New York. Tội ác khủng khiếp này không chỉ hủy diệt mấy ngàn sinh mạng, nó còn đẩy thế giới vào một giai đoạn đầy hận thù, bất an. Tiếp theo nó là những cuộcc chiến tranh tàn khốc ở Afghanistan, ở Iraq, những vụ khủng bố ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, cho đến vụ giết Bin Laden mới đây ở Pakistan, Cách Mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi vẫn chưa triệt tiêu được nguy cơ khủng bố. Hơn nữa, cuộc chiến ấy còn góp phần đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu hiện nay.



Hội Thánh Chúa cảm nhận chặng đường lịch sử bi thảm này như một lời cật vấn, một thách thức đối với Đạo Tin Mừng. Đây là lúc chúng ta tưởng niệm và cầu nguyện cho những người đã chết trong thảm họa 11 tháng 9 và những vụ tàn sát sau đó, người có tội lẫn người vô tội, không phân biệt phe phái hay tôn giáo. Cũng là lúc đặt mình trước Chúa Kitô để nghĩ về nhiệm vụ của Dân Chúa trong cái thế giới rối loạn, mù quáng và tàn nhẫn này.

Chúng tôi lật lại những giấy tờ, bài vở của mười năm trước để sống lại những cảm nghĩ trong mấy ngày vừa xảy ra thảm họa. Xin được chia sẻ với các bạn mấy trang ký sự này, như một ước vọng hiệp thông trong Đức Tin…

VKP, 11.9.2011

NGÀY KHỦNG BỐ VÀ NGÀY THÁNH HIẾN

12.9.2001

Tôi đi dự Thánh Lễ rất sớm. Buổi sáng còn mát trời, đi lững thững về nhà cũng là một cách thư giãn. Qua sạp báo tôi chợt thấy một hàng tít lớn trên báo Thanh Niên: “Nước Mỹ bị tấn công”. Tôi nghĩ : chắc lại có một hội nghị quốc tế nào, và nhân vật nào đó đã lên diễn đàn đả kích Mỹ. Thì ra biến cố quá bất ngờ, in rõ đậm trên giấy trắng mực đen, mà tôi vẫn tưởng là người ta đấu võ miệng !

Về đến nhà nghe mọi người xôn xao. Máy bay rớt vào một tòa nhà nào à ? Không phải, quân khủng bố lái máy bay đâm vào nhà. Không phải một máy bay, mà ba máy bay ! Không phải là một tòa nhà nào đó, mà chính là hai ngọn tháp 110 tầng WTC ở New York, và Lầu Năm Góc ở Washington. Thế có sao không ? Tháp đôi sập hoàn toàn, tan biến. Lầu Năm Góc sập hẳn một mảng lớn. Và kinh khủng nhất là trên 3 chiếc máy bay ấy có hơn 200 hành khách bị bắt làm bom sống; còn người chết trong mấy tòa nhà thì chăng biết bao nhiêu ngàn. Một đám mây khói bụi đang bao trùm thành phố New York. Trời đất !

Nội trong một phút, sự thật hiện ra như một cú trời giáng. Sao lại có thể như thế được ? Một biến cố như thế thì không riêng gì nước Mỹ, mà cả thế giới phải bàng hoàng. Thế là ngày hôm nay cả loài người đổ dồn sự chú ý vào một điểm. Chưa bao giờ có ai đánh Mỹ như thế, đánh vào đầu não của sức mạnh quân sự và kinh tế tài chánh của siêu cường số 1. Và đánh như thế trước mắt toàn thể loài người. Thật trớ trêu, đang khi Mỹ định làm Lá Chắn Không Gian siêu hiện đại, thì quân khủng bố lại từ đất Mỹ bay lên bằng máy bay dân dụng ( sau này biết thêm khí giới của chúng chỉ là mấy con dao thô sơ ). Để đánh một vố như thế, tất nhiên kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phải chuẩn bị lâu dài, vậy mà những CIA, những FBI lừng danh lại không biết. Đúng là một biến cố lớn trong lịch sử !

Nhưng vượt lên trên hết thảy những yếu tố đó, một điều khiến cho ta nghẹt thở, đó là số phận khủng khiếp của những người bị biến thành bom sống, đuốc sống. Mấy ngàn người chết, mấy ngàn gia đình tang tóc, thảm kịch của người chết và người sống. Dù New York, dù nước Mỹ lớn đến đâu, tai họa này vẫn là quá tải ! Bi thảm hơn nữa, biến cố làm cho ta phát hiện một mối hận thù quá sức thâm căn. Vì sao mà có những mối hận lớn đến thế ?

Trong một buổi sáng, hình như mọi vấn đề của thế giới đều phải đặt lại, theo một định hướng xấu hơn trước rất nhiều. Có lẽ những tiến bộ nhân loại đạt được, rồi những lễ hội tưng bừng của năm 2000 đã làm phát sinh một vầng hào quang giả tạo chăng ? Đành rằng trên thế giới vẫn còn những cuộc xung đột; Palestine, Kashmir, Bắc Ireland, v.v… nhưng đó là những di sản rơi rớt từ thế kỷ 20 khốn khổ đã từng có 2 cuộc thế chiến; với thời gian sẽ phải nguội đi. Nhưng thế giới nói chung đã đủ văn minh, đủ kiến thức, đủ khôn để từ nay sống với nhau bình an. Đột nhiên, ta hiểu rằng không phải vậy.

Ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra khi mà khả năng khủng bố đạt đến trình độ như thế ? Chiến tranh và hòa bình cũng không còn như trước. Chiến tranh mà người ta không biết kẻ thù là ai, chiến trường, chiến tuyến có thể ở bất cứ nơi nào. Và nếu có hòa bình, thì hòa bình ấy phải canh gác bằng bao nhiêu vành đai an ninh vũ trang, còn đâu sự thư thái, tự do, hồn nhiên thường sánh bước với hòa bình ? Có lúc cứ tưởng các dân tộc bây giờ dễ đến với nhau, toàn cầu hóa mà, mọi người sẽ gần gũi nhau hơn. Hết rồi, hình như thế giới lại chia ra từng khối, nghi kỵ và hằn học nhau. Biến cố 11.9.2001 như đẩy lùi tất cả mọi người về một tình trạng tồi tệ hơn, và biết bao lâu mới khắc phục được sự mất mát đó ?

Ai cũng nôn nóng truy lùng tin tức. Tin tức bắt đầu đổ về, trên báo, trên các đài phát thanh, truyền hình trong nước, ngoài nước, trên Internet. Vậy mà tối 12.9, tôi tiếc rẻ chia tay với luồng tin tức ấy để ra nhà ga. Tôi có chương trình đi Quy Nhơn dự một Lễ Ngân Khánh Khấn Dòng. Chuyến tàu S2 ra khỏi thành phố, nhiều đoạn dài hai bên đường tối om. Ngồi trong toa xe đóng kín, cảm thấy như đây là một thế giới riêng biệt, cách xa với những biến loạn bên ngoài. Hành khách không còn ai nói chuyện, ngủ thiu thiu qua đêm. Giờ này trong thành phố mọi người đang bàn tán dữ lắm. Chẳng biết khi mình ngồi đây thì cái gì đang xảy ra trên thế giới ? Trước khi lên tàu, tôi còn đọc bản tin VietCatholic nói rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện và ngài buồn lắm. Vâng, chuyện xảy ra là một phủ nhận tàn nhẫn đối với những hoài bão và bao nhiêu công lao của Dân Chúa. Có những ai đó bằng hành động của mình đã cả tiếng rằng: tất cả những lời kêu gọi và nỗ lực hòa bình, tất cả những yêu thương, nay mang ra thiêu rụi hết trên giàn hỏa khổng lồ ở New York, cùng với cả ngàn sinh mạng. Nay mai nước Mỹ sẽ trả đũa, bạo lực xoay tít mù. Viễn ảnh sao mà u ám !

13.9.2001

Quy Nhơn nắng chói chang. Ghé vào Nhà Dòng Mến Thánh Giá. Các soeurs còn đang tĩnh tâm, ngày mai mới nói chuyện với khách. Mấy chị tận hiến này cứ thầm lặng mà đi con đường của mình; biến cố bên ngoài to lớn đến đâu cũng phải nhường chỗ cho một tương quan khác. Vừa như xa cách với đời mà không biết tại sao lại rất có lý với đời. Tôi dừng lại nói chuyện với mấy cô đệ tử đang trực ban cho các chị lớn tĩnh tâm. Tôi bảo: “Vậy là các chị chẳng biết tí gì chuyện vừa xảy ra ở Mỹ″. Cô đệ tử nói: “Chúng con ghi hình tất cả các chương trình thời sự về vụ này để mai mốt các chị xem”.

Khu Chủng Viện cũ và Tòa Giám Mục còn tĩnh mịch hơn cả bên Nhà Dòng. Những hành lang dài hun hút đón gió và nắng. Sân rộng và cây xanh ngăn cách nhà với đường phố và xe cộ ngoài kia. Trên tháp cao Nhà Thờ Chính Tòa, đồng hồ gióng lên giai điệu Ave Maria điểm giờ. Vắng lặng thế nhưng biến cố đã lọt vào đây. Cha Đinh Duy Toàn, DCCT, chánh sở Phù Mỹ, bảo rằng cha là người đầu tiên biết tin. Đêm 11.9, cha Toàn mở đài nghe một chương trình tin tức tiếng Anh. Lúc đầu cha không tin ở tai mình. Cha bảo chắc mình nghe tiếng Anh không thính nên hiểu lầm. Rồi cha lần mò các đài khác, các bản tin khác, tiếng Anh, tiếng Việt. Không lầm được nữa rồi. Sự thật khủng khiếp thế đấy. Cha Toàn cũng cho tôi biết rằng Bin Laden là nghi can số một. Nay mai, Afghanistan…

Nước Mỹ nhất định sẽ có đủ khôn ngoan, đủ chính trị để nói rằng Mỹ không đánh nhân dân Afghanistan, không đánh đạo Hồi, chỉ đánh bọn khủng bố ! Vâng, tôi xin tin. Nhưng máy bay Mỹ, bom đạn Mỹ, hỏa lực Mỹ… Người ta có cả một từ lịch sự để gọi những thường dân vô tội sẽ bị chết, người ta xếp họ vào loại tổn thất “Collateral”, nghĩa nôm na là chết bên lề, chết phụ họa, chết chầu rìa. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Ở trong Tu Viện, trong Tòa Giám Mục, bên Nhà Thờ Chính Tòa, tự nhiên ta nghĩ đến ruồi muỗi hơn là trâu bò. Tin Mừng muốn thế. Và hình ảnh những thường dân đói rách, lang thang ở Afghanistan, hiện ra chẳng “Collateral” chút nào. Họ là những người nghèo, họ là phần của Thiên Chúa.

Giám Mục Quy Nhơn cũng vừa đi thăm người nghèo về. Tôi nghe kể chuyện về Xứ Đạo Bình Hải trên bờ biển Quảng Ngãi. Hồi nào còn vắng bóng Giáo Hội, ngày nay đã hơn một ngàn tín hữu. Lần đầu tiên xứ nghèo tân tòng được Giám Mục về thăm. Nhưng dân nghèo ở đây đã trải qua nhiều khói lửa đạn bom. Công cuộc truyền giáo ở vùng này kể như từ số không hồi 1963, đã có những vị thừa sai ngã xuống. Mộ cha Anphong Nguyễn Đức Điềm, vị Linh Mục DCCT bị bắn chết khi mới ngoài 30 tuổi, đang nằm bên Nhà Thờ Châu Ổ, là nơi phát xuất của những người lập nên cộng đoàn Bình Hải. Rồi thầy Phaolô Phạm Mẫn trúng đạn trong một trận oanh kích còn bồng một em bé chạy đến giao cho người anh em trong Dòng: “Xin anh săn sóc, che chở cho cháu bé an toàn” rồi mới gục chết.

Cha Điềm, thầy Mẫn cùng với nhiều dân lành cũng là tổn thất “Collateral” của chiến tranh chăng ? Nghĩa là cộng đoàn ở đây cũng thuộc loại “ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh”. Chiến tranh rồi hòa bình, cuộc sống thay đổi, chỉ có cái nghèo không đổi. Thời chiến, Giám Mục không đến được, thời bình lại trắc trở cái khác, Đức Cha Cố thì già yếu. Mãi tới bây giờ, Đức Tân Giám Mục mới đến được nơi này. Lần đầu tiên các tín hữu được tiếp xúc với vị cha chung của Giáo Phận. Đức Cha là người xuề xòa, dễ gần. Ngài dừng lại đây hai tiếng, chan hòa với bà con. Nghe nói cuộc đón tiếp rất cảm động, có nhiều nước mắt. Ai phân tích được nước mắt và nỗi niềm của dân nghèo ? Có mừng, có tủi, có tất cả những gì tích lũy trong tâm tư, trong quá khứ của đời người rót hết vào cuộc hội ngộ này. Đức Cha cũng mủi lòng. Ngài lấy cộng đoàn ở đây minh họa cho sứ mạng thừa sai truyền giáo của Hội Thánh, trong buổi ngài đến chia sẻ với các chị đang tĩnh tâm bên nhà Dòng.

Tin Mừng cho người nghèo… Sứ mạng của Hội Thánh… Lại liên tưởng đến thân phận dân nghèo ở Afghanistan. Hội Thánh đi vào lòng dân nghèo cũng lắm ghềnh thác gian nan. Hôm nọ, chưa xảy ra khủng hoảng với Mỹ, chính quyền Taliban đã bắt giam mấy nhân viên cứu trợ của Liên Hợp Quốc vì tội truyền bá Tin Mừng Chúa Kitô, đến nay vẫn chưa thả. Một mai, Mỹ phản ứng mạnh, dù Mỹ có phân bua thế nào, tránh sao khỏi có những người vô tình hay ác ý biến chuyện này ra xung đột tôn giáo. Khi đó những cộng đoàn Kitô đa số nghèo khổ, lâu nay vẫn sống trên đe dưới búa ở những nơi như Pakistan hay Indonesia sẽ ra sao ? Tin Mừng và người nghèo cứ đi tìm nhau giữa những sự hỗn độn trùng điệp của thế gian, và không biết đến bao giờ gặp nhau ? Vụ khủng bố vừa rồi làm cho câu hỏi ấy thêm đau đớn, sứ mệnh trên vai Hội Thánh thêm nặng nề, vì cuộc sống của người nghèo thêm khốn đốn.

Đành phải chấp nhận đường dài, đành phải chấp nhận đi từng bước nhẫn nại, và đi mãi. Hãy nhìn vào Giáo Phận Quy Nhơn này. Trong tổ chức của Giáo Phận Việt Nam, chưa thấy danh vị Đệ Nhất Tòa, tức là Tòa Giám Mục đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội ở một vùng nào. Nếu có, thì Giám Mục Quy Nhơn sẽ là vị Giám Mục Đệ Nhất Tòa ( Primat ), không phải của cả nước thì cũng là của miền Nam Việt Nam. Lịch sử cổ kính và cảm động biết bao.

Những vị Thừa Sai Dòng Tên đầu tiên đến Việt Nam ghi vết chân ở đây. Quê hương của Á Thánh Anrê Phú Yên ở Họ Đạo Mằng Lăng là đây. Ta lên Gò Thị để viếng Thánh Cuénot Giám Mục Tử Đạo. Mảnh đất bên Nhà Thờ vẫn um tùm cây cối, người ta giải thích rằng như vậy để trong thời cấm Đạo, khi bị quan quân vây bủa, các vị Thừa Sai dễ bề chạy xuống thuyền trốn ra biển.

Gò Thị lại là quê hương Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, dân gian vẫn gọi là ông Năm Thuông. Thánh Năm Thuông mở mang khai khẩn, nâng cao đời sống nhân dân. Trước làm quan, sau tử đạo. Đài kỷ niệm ngài được dựng trong khuôn viên Nhà Thờ, pho tượng ngài trông uy nghiêm quắc thước. Ngoài đồng kia còn mộ ông Năm Thuông, đó là mảnh đất sinh phần của cả gia đình ông, các người trong gia đình ông còn nằm đấy. Ngày ông Năm Thuông được phong Chân Phước, di cốt ông đã được đưa vào Nhà Thờ để tôn kính, nấm mồ vẫn bỏ ngỏ lộ thiên. Rồi không biết từ đâu có một giòng nước chảy vào, biến nấm mồ thành một bể nước, lúc nào cũng trong veo mát lạnh. Người trong vùng, kể cả người ngoài Đạo, tin đó là nước thiêng, vì đã từng có nhiều điềm thiêng dấu lạ.

Ta lại về Vĩnh Thạnh kính viếng bà Huỳnh Thị Lưu, bà là người Giáo Dân đã hết lòng cộng tác với Đức Cha Cuénot, rồi phải xa con dại đi ở tù, bị tra tấn và tử đạo. Trong Nhà Thờ có bức phù điêu kể lại cuộc đời bà. trước khi đi chịu chém, bà còn cho con bú một lần cuối cùng, rồi mới trao cháu cho bà nội, và “quỳ lạy mẹ, con ra pháp trường”. Giáo Phận Quy Nhơn đang mong chờ ngày bà được tôn phong Chân Phước… Cả một bề dầy lịch sử như thế nhưng Quy Nhơn ngày nay không phải là Giáo Phận đông dân hay trù phú. Điểm son của Quy Nhơn không phải là ở đấy. Điểm son là sự bền bỉ của Đức Tin trong nghịch cảnh. Ba mươi năm chiến tranh đảo lộn, Quy Nhơn đã gánh chịu đủ điều.

Một vị Linh Mục lớn tuổi chỉ cho tôi khoảng sân rộng trước Chủng Viện, ngày xưa nơi ấy là một nhà in lớn, Imprimerie de la Mission, tập trung và in ấn rất nhiều sách vở. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhà in bị phá tan tành, sách vở, tài liệu thiêu rụi hết. Ngày nay, Đức Giám Mục muốn tìm lại những ấn phẩm ngày xưa, photocopy để bảo tàng, mà tìm không ra.

Còn tòa Chủng Viện to lớn này, là do hồi chiến tranh, các chủng sinh chạy loạn về đây sống trong mấy căn nhà lụp xụp ngột ngạt, thời tiết khắc nghiệt, các chủng sinh đau yếu nhiều quá, cha Bề Trên Huỳnh Đông Các ( sau này là Giám Mục ) nỗ lực xây lên ngôi nhà ba tầng đồ sộ này. Nhưng xây xong thì thời cuộc đổi thay, các chủng sinh bây giờ học ở Nha Trang. Chủng Viện dùng làm nơi hội họp cho các Giáo Lý Viên, các Nhóm Tông Đồ Gíao Dân trong những khóa tập huấn. Còn ngày thường thì ở đây quạnh quẽ, rất thuận tiện cho ai muốn trầm tư, muốn thầm lặng sa mạc. Cuộc đời là thế, có những biến đổi làm đảo lộn mọi kế hoạch.

Về Xứ Đạo Phù Mỹ để nghe cha sở Đinh Duy Toàn kể lại những ngày cha mới về nhận Xứ như thế nào, sau hai mươi năm hoang phế. Ngày ấy, Nhà Thờ đổ nát, cha xứ phải trú thân trong gian phòng thánh trống toác cả bốn bề ( bây giờ cũng vẫn còn ở đấy, có sửa sang đôi chút ). Chung quanh Nhà Thờ thì hoang vu hôi thối, mồ mả vô tới sát đầu Nhà Thờ. Bây giờ nhìn vào khu vực Nhà Thờ thấy tươi mát, tưởng đâu như là chuyện bình thường, thật ra không biết bao nhiêu tâm lực đã đổ vào đây để phục hồi một nơi thờ phượng sinh động, sớm chiều có lời kinh tiếng hát, Noel và Trung Thu thì trẻ em bên lương cũng tới chung vui, và Nhà Thờ Phù Mỹ trở nên nơi dừng chân của những đoàn hành hương dập dìu từ trong Nam đi La Vang, đi Trà Kiệu. Cha Toàn nói rằng còn vài chục nơi nữa cũng hoang phế như Phù Mỹ trước kia, nhưng thiếu nhân lực để phục hồi.

Người Quy Nhơn đã trung thành giữ Đức Tin qua mọi bước thăng trầm. Bao nhiêu mùa hè nóng bỏng và mùa mưa lạnh buốt xương đi qua cùng với chiến tranh tàn phá và những biến đổi trong xã hội. Mất hết cơ sở thì giữ Đức Tin đơn thuần. Cha Toàn sau khi học xong và trước khi chịu chức Linh Mục, đã sống nhiều năm như một thanh niên lao động trong làng quê của mình, đồng thời đi cầu nguyện bên giường từng người hấp hối, tự tay khâm liệm người chết, nâng đỡ và hướng dẫn người lớn lẫn trẻ con. Cũng giống như cây rừng đến mùa rụng lá, tưởng chết khô, nhưng xuân sang lại đâm chồi nẩy lộc.

Hội Thánh cũng có mùa đông, mùa xuân. Sa mù qua đi, lại thấy anh Giáo Dân ở đâu xuất hiện: “Tôi là tín hữu đây, xin vun trồng Đức Tin cho tôi”. Lại có những người mới: “Tôi chờ đợi đã lâu, xin loan báo Tin Mừng cho tôi”. Thế là ai việc nấy, cùng nhau vào cuộc, nhẫn nại cùng dựng lại những gì đã đổ, cùng kiến tạo lại những gì đã mất.

Giáo Hội trên đất Bình Định khắc khổ này nói với tôi những điều đó. Tiếng nói ấy chữa cho tôi cơn bi quan tôi đã mắc phải vì vụ đại khủng bố ngày 11.9.2001. Con đường của Hội Thánh đi qua sự chết vào sự Phục Sinh là như thế. Dân Chúa rồi ra sẽ không quáng mắt vì núi lửa tử thần WTC, sẽ không mù tối vì bụi khói bao trùm New York. Nay mai sẽ không được thoái lui nếu bão lửa ập xuống Afghanistan. Đau đớn thì có, nhưng sẽ mang đau đớn của mình đi mở con đường hẹp len lỏi giữa những thân phận người ở thế gian.

14.9.2001

Lễ tôn vinh Thánh Giá. Bóng Thánh Giá đang phủ xuống thế giới. Người thế gian chia thành phe nhóm, ân oán với nhau, không đội trời chung. Đến lúc, nói như Thánh Phêrô: “Các tầng trời tiêu tan trong lửa và ngũ hành bốc cháy rữa tan” ( 2 Pr 3, 12 ) thì có còn ân oán không ? Ở thế gian này không đội trời chung, sau khi WTC và Lầu Năm Góc bốc lửa, anh khủng bố Ả Rập và những nạn nhân của anh có tìm được bầu trời chung không ? Có cái gì làm mẫu số chung cho mọi người nơi Thập Giá Chúa Kitô ? Chúa Kitô đã “phải đau khổ dãi dầu, và học cho biết vâng phục, để nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời” ( Dt 6, 8 – 9 ). Những người đánh bom tự sát, những nạn nhân của họ, những người còn đang sống sót bàng hoàng ở bên Mỹ, những người lê la nghèo đói ở Afghanistan, đã học, sẽ học điều gì từ những “đau khổ dãi dầu”, có đập vỡ được vỏ cứng u minh của thế gian để nhận ra sự “vâng phục” không ? Cây Thập Giá sải cánh xuyên suốt cả nhân loại, làm sao biết được Chúa đi đường nào ?

Trong Nhà Thờ Chính Tòa Quy Nhơn hôm nay, cộng đoàn cùng cầu nguyện với mười mấy chị Dòng Mến Thánh Giá. Có chị khấn lần đầu, có chị khấn trọn, có chị “cưới bạc” 25 năm khấn Dòng. Chị Nữ Tu đang tuyên đọc lời khấn trọn tự nhiên dừng lại, run lên thổn thức. Cả Nhà Thờ yên lặng chờ chị qua cơn xúc động. Chị cố nén tiếng khóc mà không nén nổi. Cuối cùng chị bất chấp, không đọc lời khấn một cách bình thản nữa. Giọng chị trở nên da diết xin tận hiến cuộc đời, chị dằn tiếng nấc và cao giọng thốt lên hai tiếng “trọn đời”; hai tiếng trọn đời trào ra như đóng phập con người vào Thập Giá.

Ôi, những nữ tu ấy, chẳng biết cướp máy bay, chẳng biết thả bom bắn súng, chắc là rất ấm ớ nếu nói chuyện chính trị. Nhưng máy bay, bom đạn, chính trị, coi vậy mà vẫn là những phân biệt và chống đối do thế gian tạo ra, do con người tội lỗi tạo ra. Phải có những con người đi theo cây Thập Giá, xuyên thủng mọi thứ biên cương hắc ám. “Ở giữa các người có ai đó mà các người không biết” ( Ga 8, 26 ), “Này Thầy sai chúng con đi như chiên vào giữa bầy sói…” ( Lc 10, 3 ), “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con, không phải thế gian ban thế nào thì Thầy cũng ban như vậy đâu. Lòng các con chớ xao xuyến, chớ nhát đảm” ( Ga 14, 37).

Ngày lễ kết thúc bằng buổi tiếp tân bên nhà Dòng. Chị nữ tu nức nở lúc nãy bây giờ rạng rỡ vui tươi giữa gia đình và bạn bè. Có người ghé lại chúc mừng, ông ta nói: “Đây là một người vừa giầu nụ cười vừa giàu nước mắt”. Chị cười lỏn lẻn: “Con thật yếu đuối quá !” Tôi liên tưởng đến lời Thánh Phaolô: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” ( 2Cr 12, 10 ). Tôi không nói riêng về chị đâu, chị à. Tất cả Hội Thánh chúng ta đấy, từ ông Năm Thuông, cụ tổ năm sáu đời của chị, phải không ? – từ những ngày xa xưa ấy, từ những ngày cấm Đạo ấy, những sức mạnh ngàn cân của thế gian này trước sau vẫn chìm nghỉm cả. Đức Tin nhẹ tênh như chiếc lá trên giòng nước lại vẫn nổi, vẫn trôi theo giòng. Chúng ta mang một kho tàng vô giá trong bình sành lọ đất ( x. 2Cr 5, 7 ). Nghe nói các nơi trên thế giới, người ta đã bắt đầu tụ họp đông đảo và thắp nến cầu nguyện, mọi người hiệp thông trong một nỗi đau 11 tháng 9. Những ánh nến chập chờn dám đương đầu với núi lửa khủng bố.

15.9.2001

Đến lúc từ giã Quy Nhơn và Bình Định. Hôm nay kính nhớ Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá. Hôm nay xin kính nhớ tất cả các bà mẹ mất con ngày 11 tháng 9 ở Mỹ, và ngay hôm nay ở Afghanistan cũng có những bà mẹ mất con, vì bom đạn, vì thiếu ăn, vì không có thuốc. Bà Maria hiểu những nỗi khổ ấy. Tiếc rằng không lên được Ghềnh Ráng, thăm Hàn Mặc Tử đang nằm dưới chân Đức Mẹ. Hình như chàng thi sĩ bạc mệnh vẫn ngửa mặt lên Đức Mẹ mà nguyện rằng:

“Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cám tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế…”


Đối với Hàn, cơn nguy biến và lâm lụy qua rồi. Nhưng, lạy Bà, “Bà giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi”, bây giờ đến lượt thế giới chúng con lâm lụy, nguy biến còn nhiều. Xin Bà ở lại dưới chân Thánh Giá. Amen.

Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, 23.9.2001