Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Nếu người anh em của anh lỗi phạm đến anh

VRNs (03.09.2011) – Chúa Nhật XXIII Thường niên, năm A (Mt 18,15-20)



Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 18,15-20) thuộc về diễn từ thứ tư trong Mt, diễn từ về đời sống Hội Thánh. Sau dụ ngôn về con chiên lạc (cc.12-14), vốn là dụ ngôn nói về mối bận tâm vô hạn của Thiên Chúa đối với từng người tin, Chúa Giêsu nói về mối bận tâm và trách nhiệm mà mỗi thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh phải có đối với những anh chị em lầm lạc trong cộng đoàn (cc.15-18); đồng thời Chúa hứa sẽ hiện diện với cộng đoàn Hội Thánh và trợ giúp hữu hiệu cộng đoàn Hội Thánh trong sứ mạng quan trọng đó (cc.19-20).

Khi ấy, Chúa Giêsu nói: “Nếu người anh em của anh lỗi phạm đến anh, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (c.15). Động từ được sử dụng ở đây là eleghkô (trình bày, chứng minh, thuyết phục) chia ở aorist, có nghĩa là “trưng ra các bằng chứng để thuyết phục”. Ngữ cảnh cho phép hiểu là “sửa lỗi”. Khi một thành viên trong cộng đoàn bị tổn thương bởi một lỗi phạm của một thành viên khác trong cộng đoàn, thì người bị tổn thương đó phải nhanh chóng đến với người lỗi phạm và “sửa lỗi” anh ta. Ý nghĩa của động từ ở đây không phải là la mắng, nhục mạ hay trách móc người đã phạm lỗi, nhưng là trưng ra các bằng chứng để thuyết phục, hầu làm cho anh ta nhận ra sự thiếu sót và lỗi phạm của anh ta, tức là làm cho anh ta thấy tính cách trầm trọng của lỗi phạm với hy vọng là anh ta sẽ ăn năn hối cải về hành động của mình và được trở về với cộng đoàn. Ta gặp thấy ở đây một cách hành xử của Hội Thánh, như được phản ánh, ví dụ, trong 1Tm 5,20; 2Tm 4,2; Tt 2,15; x. Gl 6,1; Tt 3,10.

Lỗi phạm tạo nên một sự rạn nứt trong cộng đoàn và phải được giải quyết sớm nhất có thể. Vì thế, Chúa Giêsu không nói rằng người phạm lỗi phải đến gặp người đã bị mình làm tổn thương và xin lỗi người ấy. Ngược lại, Chúa yêu cầu người bị tổn thương phải đi bước trước, để chứng tỏ rằng anh ta đã tha thứ và đã sẵn sàng để cho một sự hòa giải thật lòng dễ dàng thành hiện thực. Giống như trường hợp con chiên bị lạc trong dụ ngôn đi trước (x. cc.12-14), người lỗi phạm phải được đưa trở về gấp. Có như vậy, cộng đoàn mới được nguyên vẹn.

Bước thứ nhất này phải được thực hiện hoàn toàn trong chỗ riêng tư, “một mình anh với nó mà thôi”, để không làm lan truyền một cách không cần thiết những chi tiết của lỗi phạm (x. Cn 25,9). Nếu người phạm lỗi “lắng nghe”, tức là ứng đáp một cách thích hợp (có thể hiểu là hối hận và xin tha thứ), thì sự phục hồi đã diễn ra: “anh đã chinh phục được người anh em”. Người lầm lỗi đã được phục hồi, trở lại làm một thành viên hoàn toàn của cộng đoàn, ngược với trường hợp ở c.17b.

“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (c.16). Mt trích dẫn Đnl 19,15. Rõ ràng chúng ta đang ở trong khung cảnh của một cộng đoàn gốc Do Thái. Khi bước thứ nhất thất bại, bước thứ hai được thực hiện với tiến trình như cũ, nhưng bây giờ là với sự hiện diện của một hoặc hai thành viên khác của cộng đoàn. Các thành viên này có nhiệm vụ tham gia vào việc thuyết phục người có lỗi về sự thiếu sót mà anh ta đã gây ra. Họ chia sẻ cách nhìn nhận vấn đề của người đầu tiên và cho thấy cả hai người đều không được phép chỉ biết đến cách lý giải cá nhân của mình, bất chấp những quy tắc mà chính Chúa Giêsu đã ban cho cộng đoàn. Hy vọng của họ cũng vẫn là sẽ có một sự ăn năn sám hối của người có lỗi, và nhờ đó, có sự khôi phục lại tình trạng tốt lành của cá nhân và cộng đoàn. Nhưng đồng thời, trong bước thứ hai này, sự hiện diện của “một hoặc hai người nữa” này còn nhắm mục tiêu chuẩn bị cho tính hợp pháp của việc đưa vụ việc sang bước thứ ba nếu bước thứ hai này thất bại. Bởi vì, như chúng ta sẽ thấy, bước thứ ba sẽ bao gồm cả việc ra vạ tuyệt thông nếu cần thiết.

Và đây là bước thứ ba: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay như một người thu thuế” (c.17). Khi người lỗi phạm không nghe nhóm hai hoặc ba thành viên, thì vụ việc sẽ được được đưa ra trước toàn thể Hội Thánh (địa phương). Chính cộng đoàn Hội Thánh sẽ tìm cách thuyết phục người phạm lỗi, và thực sự sẽ là lời thuyết phục cuối cùng, với hy vọng người đó sẽ sám hối. Khi tất cả các cơ may đã được cung cấp mà đương sự vẫn không có sự đáp ứng thích đáng, thì hành động duy nhất còn lại là “hãy kể nó như một người ngoại hay như một người thu thuế”.

Thật lạ lùng khi Mt sử dụng hai hạn từ “người ngoại” và “người thu thuế” ở đây, vì Chúa Giêsu vẫn được gọi là “bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (11,19). Tuy nhiên, bản văn không nói đến các cá nhân, mà nói đến các tình trạng. Chúa Giêsu không bao giờ chuẩn nhận giá trị các tình trạng của những người thu thuế và những người tội lỗi. Các tình trạng đó khách quan là sai trái và không công chính, và Chúa Giêsu đến với họ để cứu họ chứ không phải để đồng lõa với họ. Tình trạng người ngoại là tình trạng của người không biết Thiên Chúa; tình trạng người thu thuế là tình trạng của người không thi hành ý muốn công bình của Thiên Chúa mặc dù anh ta biết Ngài. Người ngoại và người thu thuế, theo quan điểm Do Thái, là những hạng người không được coi trọng. Như thế, người phạm lỗi mà không ăn năn thì không chỉ đơn giản bị loại ra khỏi cộng đoàn, mà còn bị coi như là hạng người tồi tệ nhất.

Rồi Chúa Giêsu hướng về cộng đoàn Hội Thánh và lặp lại những lời Người đã nói với ông Phêrô ở 16,19: “Thầy bảo thật anh em, dưới đất anh em ràng buộc những điều gì, thì trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những chuyện gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy” (c.18). Nhưng có những sự khác biệt quan trọng cần ghi nhận so với ở 16,19. Ớ đó, người được trao quyền ràng buộc và tháo cởi là ông Phêrô, còn ở đây, động từ được chia ở số nhiều, và như thế, các môn đệ khác và những người lãnh đạo cộng đoàn cũng được ban cho quyền “buộc và tháo” ấy. Ở đây, quyền tháo hay buộc được thực hiện trực tiếp liên quan đến một vụ việc kỷ luật trong cộng đoàn Hội Thánh, trong khi ở 16,19 là quyền đưa ra những quyết định giáo lý hay pháp lý để điều hành cộng đoàn trong lãnh vực đức tin và luân lý. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp quyền ấy đều liên quan đến những thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh.

Tháo cởi hay ràng buộc ở đây là tha hay không tha. Như thế là cộng đoàn Hội Thánh có thẩm quyền lấy quyết định liên quan đến người phạm lỗi không ăn năn sám hối trong cộng đoàn mình. Và thẩm quyền đó là rất lớn, vì “dưới đất anh em ràng buộc những điều gì, thì trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những chuyện gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy”.

Sau khi dạy Hội Thánh phải hành động thế nào đối với những anh chị em lầm lạc trong cộng đoàn, Chúa Giêsu hứa sẽ hiện diện với Hội Thánh và trợ giúp Hội Thánh trong sứ mạng quan trọng này của Hội Thánh. Người nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (c.19).

Đây là một lời hứa được nhấn mạnh bằng công thức “amen” (“Thầy bảo thật”). Lời hứa này được tác giả Mt đưa vào đây nhằm khuyến khích Hội Thánh trong việc thi hành nhiệm vụ quản trị, điều hành và xử lý kỷ luật. Ta biết lời hứa này được nối kết với vụ việc xử lý kỷ luật được nói đến ở trên, không chỉ vì vị trí của lời hứa này mà thôi, mà còn vì có những yếu tố cho thấy Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục đề cập đến việc đó. Trước hết là yếu tố “palin” (lại, một lần nữa), rồi yếu tố “bất cứ điều gì” (xem c.16: mọi công việc). Khi phải đưa ra quyết định (ở bước thứ hai và bước thứ ba trong tiến trình xử lý được nói đến trong các câu 15-18), các thành viên của Hội Thánh cầu xin ơn soi sáng và hướng dẫn. Nếu hai người hiệp nhất với nhau và đồng ý với nhau mà dâng lời cầu xin ơn soi sáng đó, thì chắc chắn họ sẽ được hưởng sự hướng dẫn của Thiên Chúa để quyết định. Có người hiểu “hai người hiệp lời” ở đây là sự đồng thuận của hai thành viên trong một tòa án gồm ba người đại diện cho cộng đoàn để xử lý vụ việc kỷ luật.

Những gì các môn đệ đồng ý dưới đất trong các vấn đề kỷ luật của cộng đoàn Hội Thánh phải được thực hiện như đó là ý muốn của Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời. Thiên Chúa xác nhận những gì Hội Thánh đồng tâm quyết định trong khi xử lý vụ việc kỷ luật này. Do ngữ cảnh, lời hứa ở c.19 này có tính chất giới hạn hơn nhiều so với các lời hứa ở 7,7 và 21,22. Sự kiện Chúa Cha được gọi là “Cha của Thầy” chứ không phải “Cha của anh em” gợi ý cách hiểu rằng Chúa Giêsu tham gia vào những mối bận tâm của cộng đoàn Hội Thánh và báo trước những điều sẽ được nói ở câu kế tiếp.

Thêm vào lời hứa đã được tuyên bố ở câu 19, Chúa Giêsu nói tiếp: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (c.20). Khi Hội Thánh xử lý các công việc của mình, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến kỷ luật trong Hội Thánh như ngữ cảnh của đoạn văn này nhấn mạnh, ở đâu có hai hoặc ba người quy tụ nhau lại “nhân danh Thầy”, thì Chúa Giêsu sẽ ở đó, ngay giữa họ. Sự hiện diện này của Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác hẳn với sự hiện diện trong tinh thần như của Thánh Phaolô trong 1Cr 5,4. Đây là một sự hiện diện thực hữu của Đấng Phục Sinh, như Người hứa trong 28,20: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Cộng đoàn Hội Thánh được bảo đảm rằng Chúa Giêsu sẽ hiện diện trong Hội Thánh cho đến tận thế, và Người sẽ trợ giúp Hội Thánh.

Như thế là có hai điều quan trọng cần được thực hiện: (a) sự đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn và (b) sự hành động nhân Danh Chúa Giêsu.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

1. Tiền đề căn bản của đoạn văn Tin Mừng hôm nay là tình huynh đệ giữa các thành viên trong cộng đoàn. Chính trong nhãn giới về tầm quan trọng của mối tương quan giữa các thành viên Hội Thánh, mà Chúa Giêsu đưa ra một tiến trình xử lý cho các trường hợp, trong đó một người lỗi phạm tỏ ra cứng lòng không hối cải. Điểm nhấn của bài Tin Mừng hôm nay, đối với chúng ta, không phải là các bước của tiến trình xử lý kỷ luật, cho bằng tinh thần chủ đạo chi phối việc thực hiện các bước ấy. Tất cả chỉ nhằm mục tiêu tạo mọi điều kiện để người phạm lỗi ăn năn hối cải và hòa giải với cộng đoàn. Tình huynh đệ trong cộng đoàn Hội Thánh đòi buộc chúng ta phải thực hiện điều đó.

2. Sẽ có thể là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng tiến trình xử lý gồm ba bước mà Chúa Giêsu đưa ra trong bài Tin Mừng hôm nay luôn luôn phải được áp dụng, ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Thực ra, việc ra vạ tuyệt thông chẳng hạn, ngày nay không còn hữu hiệu như trong các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh để giúp tín hữu hoán cải nữa. Tiến trình xử lý kỷ luật trong Hội Thánh ngày nay sẽ phải khác nhiều so với tiến trình xử lý của Hội Thánh thời sách Mt được biên soạn. Nhưng tinh thần căn bản thì không thay đổi.

3. Cộng đoàn Hội Thánh có tầm quan trọng đặc biệt không phải vì nguyên tắc đa số thắng thiểu số, mà là vì cộng đoàn Hội Thánh nhận được sự xác nhận gián tiếp cho các quyết định xử lý kỷ luật của mình

(a) trong thẩm quyền được Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và cho các nhà lãnh đạo Hội Thánh như đã được Chúa Giêsu tuyên bố ở c.18;

(b) trong lời hứa ở c.19 rằng lời cầu nguyện tâm đầu ý hợp của cộng đoàn khi thi hành việc quản trị Hội Thánh sẽ được khứng nhận; và

(c) trong lời hứa ở c. 20 rằng Đấng Phục Sinh sẽ luôn ở giữa những môn đệ họp nhau lại nhân Danh Người. Yếu tố đặc trưng làm nên khuôn mặt và thẩm quyền của cộng đoàn Hội Thánh là sự hiện diện của Chúa Kitô trong Hội Thánh.

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R