VRNs (01.09.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Mt 18, 15-20, Chúa nhật XXIII Thường niên – Năm A (IV A 46)
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là một phần của bài giảng về Giáo Hội, một trong năm bài giảng chính của Phúc Âm Thánh Matthêu:
Bài giảng trên núi hay Tám Mối Phước Thật ( Mt 5, 1-12),
Bài giảng về sứ mạng truyền giáo ( Mt 10, 1-16),
Bài giảng bằng dụ ngôn ( Mt 13, 1-51),
Bài giảng về Giáo Hội ( Mt 18, 1-35),
Bài giảng về thời cánh chung ( Mt 24, 1-46).
Phần bài giảng về Giáo Hội hôm nay đề cập đến việc sữa lỗi cho anh em trong cuộc sống cộng đồng Giáo Hội.
Một điểm nổi bật trong việc sữa lỗi cho anh em trong huấn dụ của Đức Giêsu là chúng ta sữa lỗi
– để kéo được người anh em trở lại, để hoán chuyển anh em, để có lại người anh em trọn hảo hơn,
– chớ không phải sữa lỗi để trừng phạt con người sa lỡ,
– càng không phải sữa lỗi để khỏi bị ảnh hưởng vạ lây, bị mang tội đồng lõa vì không ra tay ngăn cấm hay trừng trị.
Tư tưởng vừa được đề cập, chúng ta có thể tìm thấy ngay ở những dòng đầu của bài Phúc Âm hôm nay:
– ” Nếu anh ấy chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em ” ( Mt 18, 15b).
Tâm tình đó của Phúc Âm, chúng ta không tìm thấy được trong niềm tin Cựu Ước và cũng khó có thể tìm thấy ngoài niềm tin Ki Tô giáo.
Sau đây là tâm tình của cách sữa lỗi người khác đối với cộng đồng các vị tu sĩ Qumran trong Cựu Ước:
– ” Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế ngươi khỏi phải mang tội vì nó ” ( Lev 15, 17).
a) Tại sao Phúc Âm đề cao con người?
Bởi vì con người được Thiên Chúa dựng nên cao cả hơn các tạo vật,
- được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa ” ( Gn 1, 27),
– được Thiên Chúa nhắc lên địa vị làm con của Ngài ( Mt 6,9),
– được Thiên Chúa cho dự phần vào bản tính thần linh của Ngài( I Pt 1,4)
– và là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình, có khả năng nhận biết và yêu mến Ngài ( Gaudium et Spes, 24 ).
Tâm tình trên một lần nữa còn được Chúa Giêsu xác nhận, khi Ngài lên án tội lỗi, nhưng tha thứ cho người thiếu phụ ngoại tình:
– “ Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con. Thôi con hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa “( Jn 8, 11).
Sau khi đề cập đến tâm tình cao cả của việc sữa lỗi cho anh em, Thánh Matthêu liệt kê một loạt các trường hợp và những phương thức càng lúc càng mạnh dạn hơn, luôn luôn nhằm thúc đẩy người anh em sa ngã mau thức tỉnh, hoán cãi:
– ” Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.Nếu nó không chịu nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh…” ( Mt 18, 16-17).
Như vậy việc sữa lỗi cho anh em bắt đầu bằng những lời khuyên bảo tâm sự giữa hai người,
– “ Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sữa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi…” ( Mt 18, 15a ) ,
rồi kế đến
- ” Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa…” ( Mt 18, 16a),
và nếu anh ấy còn không chịu nghe nữa, thì phải nhờ đến uy quyền cộng đoàn Giáo Hội
- ” Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh…” ( Mt 18, 17).
Và sau cùng, nếu người anh em không đếm xỉa gì đến cả lời khuyên can của Hội Thánh:
– ” Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế ” ( Mt 18, 17b).
Đọc liên tục những dòng vừa kể, chúng ta có cảm tưởng là Chúa Giêsu đang dạy cho chúng ta một thủ tục pháp lý chính xác trong việc thưa gởi, xử kiện anh em.
Nhưng nếu đọc những giòng vừa kể trong tâm tình Chúa Giêsu dành cho người thiếu phụ ngoại tình kể trên ( Jn 8, 11), chúng ta sẽ hiểu được những phương thức thúc bách và càng lúc càng mạnh dạn hơn để khuyến cáo người anh em, chỉ có mục đích làm cho anh ấy ý thức được những tai oái, bất chính xấu xa của tội lỗi để người anh em hối cải, trở lại với tình thân hữu, yêu mến của anh em trong cộng đồng Giáo hội:
- ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con. Hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa “( Jn 8, 11).
b) Khiêm nhường,kín đáo, sẵn sàng phục vụ anh em.
Cũng vậy ở ngay những dòng đầu của đoạn Phúc Âm, Thánh Matthêu nói lên cho chúng ta đức tính phải có của một người môn đệ trọn hảo: khiêm nhường, kín đáo và sẳn sàng phục vụ anh em:
– ” Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lổi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” ( Mt 18, 15).
Đức khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ anh em như vừa kể còn cho chúng ta một tư tưởng khác nữa: không phải chỉ có anh em mới cần chúng ta thông cảm, khiêm nhường và kín đáo phục vụ.
Cả chúng ta nữa, đôi khi chúng ta cũng cần được thông cảm, hiểu biết và được khuyến khích, tha thứ. Ai có thể bảo đảm là một ngày nào đó không phải chính chúng ta cần được anh em nâng đở. Phục vụ anh em trong tinh thần hiểu biết vừa kể, chúng ta sẽ thông cảm gần gủi anh em hơn.
Đọc đoạn cuối của bài Phúc Âm, chúng ta có cảm tưởng rằng Đức Giêsu dạy chúng ta lên án người anh em không biết hối cải, bằng cách khai trừ anh ấy ra khỏi cộng đồng Giáo Hội:
- ” Nếu Hội Thánh mà anh ấy cũng chẳng nghe, thì hãy kể anh ta như một người ngoại hay một người thu thuế ” ( Mt 18, 17b).
Đọc theo văn mạch của đoạn Phúc Âm chúng ta dễ giải thích như vậy. Nhưng nếu chúng ta đặt đoạn Phúc Âm theo tinh thần của toàn quyển Phúc Âm Thánh Matthêu, chúng ta có thể có cách giải thích khác đi.
Người ngoại đạo, người thu thuế, những kẻ tội lỗi, những kẻ bé mọn chính là những hạng người được Chúa Giêsu ưu đãi:
– ” Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” ( Mt 11, 25).
– ” Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” ( Mc 2, 17).
Và chính Thánh Matthêu là một trong những người tội lỗi, là bọn thu thuế ( hay siết thuế ) được Đức Giêsu kêu gọi thành môn đệ Ngài:
– ” Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở trạm. Người bảo ông: anh hãy theo Ta. Ông đứng dậy đi theo Người ” ( Mt 9, 9).
Không những vậy, Chúa Giêsu còn ngồi ăn đồng bàn với những người tội lỗi:
- ” Khi Đức Giêsu đang dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với người và các môn đệ ” ( Mt 9, 10).
Đặt lại câu cuối của đoạn Phúc Âm hôm nay trong tâm tình vừa kể của Chúa Giêsu, chúng ta có thể cắt nghĩa được rằng người anh em mà chúng ta đã tốn bao nhiêu công sức, nhẫn nại và cả cộng đồng Giáo Hội cũng can thiệp để hoán cải vẫn chưa mang lại được kết quả gì,
– người anh em đó không đáng bị khai trừ khỏi cộng đoàn Giáo Hội
– cho bằng là người anh em đáng được thông cảm hơn nữa, cần được nhiều nhẫn nại hơn nữa, cần được bắt đầu giáo huấn trở lại từ đầu như người chưa được thấm nhuần giáo lý, chưa hiểu được chân lý cao cả của Nước Trời, như người dân Samaritana, người vùng Galilea, như những người ít có cơ hội được học hỏi, những người hành nghề bất lương, người dốt nát, người thu thuế, kẻ tội lỗi.
Chính vì anh ấy chưa thông suốt được chân lý cao cả của ơn Cứu Rổi, nên mới ương ngạnh cố chấp trong sai trái. Anh ấy đáng thương, đáng được giáo huấn hơn là ghét bỏ, khai trừ ra khỏi cộng đồng.
Nói cách khác, chúng ta phải tìm hết cách và nhẫn nại đến cùng để hoán cải, giải thoát người anh em khỏi áp lực xấu xa và bất chính của tội lỗi.
c ) Cầu nguyện để ơn Chúa hoán cải.
Thánh Matthêu đã ghi lại cho chúng ta nhiều phương thức để áp dụng. Nhưng sức mạnh để có được hiệu quả trong việc sửa đổi anh em không phải hệ tại ở những “ kỷ thuật ” được đem ra áp dụng, mà là lời cầu nguyện để ơn Chúa hoán cải người anh em từ nội tâm.
Cộng đồng Giáo Hội được thiết lập là cộng đồng để các môn đệ Chúa Giêsu chung sống với nhau, được thúc đẩy bằng một niềm tin duy nhất, cùng nhau tìm kiếm cuộc chung sống thuận hòa và được nâng đở bằng lời cầu nguyện đối với một Người Cha duy nhất:
– ” Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” ( Mt 18, 19).
Đọc nguyên bản văn hy lạp, đoạn văn “…ở đâu có hai ba người hợp lại…” ( Mt 18, 20) được viết bằng “symphonein” ( ở chung nhau). Như vậy cộng đồng Giáo Hội gồm những thành phần ” chung sống với nhau ” để tạo thành một ” hòa tấu khúc ” ( symphonia).
Sức mạnh tha thứ của cộng đồng phát sinh từ một cung điệu hòa tấu ( symphonein) của lời nguyện cộng đồng vươn lên Chúa Cha, một cung điệu hòa tấu vươn lên để tìm sự hợp nhất, cuộc sống thân hữu và phương cách hoán cải người anh em sa lỡ:
- ” Vì ở đâu có hai ba người hợp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ “( Mt 18, 20).
Câu Phúc Âm vừa trích dẫn gợi lại cho chúng ta tư tưởng “ Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Emmanuel, mà Thánh Matthêu đã khởi sự viết Phúc Âm của Ngài:
– ” Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”( Mt 1, 23).
Trong cộng đồng Giáo Hội có sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có cảm nhận được hay không,
Giáo Hội có những bất toàn, nhiều thành phần trong Giáo Hội có hoàn hảo hay không. Điều đó không làm thay đổi sự hiện diện của Thiên Chúa,( Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta) trong cộng đoàn Giáo Hội để kết hợp, tha thứ và luôn thánh hoá Giáo Hội của Ngài, mà Ngài đã thiết lập trên Tảng Đá Phêrô ( Mt 16, 18).
NGUYỄN HỌC TẬP