Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì Danh Chúa

VRNs (13.09.2011) – Gia Lai – Sáng sớm 11.09.2011, Đức sứ thần Leopoldo Girelli đã chủ tế và giảng trong thánh lễ Chúa nhật XXIV Thường niên năm A. Thông thường, Chúa nhật Thường Niên, phẩm phục của chủ tế là màu xanh, nhưng sáng nay, toàn bộ đoàn chủ tế đã mặt áo đỏ. Ảo đỏ trong phụng vụ thường dùng để kính nhớ các thánh tử đạo, các Tông đồ (cũng đa số bị tử đạo), đặc biệt là lễ trọng kính Chúa Thánh Thần. Trong nội dung bài giảng, ở phần kết, Đức sứ thần lấy lại nhận định của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp Ngày thế giới truyền giáo: “tôi muốn nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì Danh Chúa”.

Xin kính mời anh chị em cùng đọc nguyên văn bài giảng này.

Trung Tâm Truyền Giáo PleiChuet, Giáo Phận Kontum, ngày 11 tháng 9 năm 2011

1. Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng vì hôm nay được hiện diện nơi đây – một trung tâm truyền giáo quan trọng của Giáo Phận Kontum để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật với anh chị em và cho anh chị em.

Tôi cám ơn Đức Giám Mục của anh chị em, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, vì ngài đã vui lòng đưa tôi đến với anh chị em.





Giáo dân đứng hai bên đường đón chào vị đại diện Đức Thánh cha



Quang cảnh đón tiếp Sứ thần Tòa Thánh tại Phú Yên – H’ra



Tại Tòa Giám mục Kontum

Những hình ảnh tại làng Kon Hring:











Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta phải tha thứ.

Chúng ta phải biết nói lời tha thứ cho kẻ khác và sự tha thứ ấy không chỉ giới hạn trong một hay hai lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là sự tha thứ phải được tiếp tục tha thứ, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, chúng được thực hiện mà không cần tính toán.

Khi chúng ta không tha thứ cho một ai đó, là bởi vì chúng ta đang phán xét họ. Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta không được phán xét kẻ khác để khỏi bị phán xét.

Trong tình thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Ngài không hề nhớ tội lỗi của những tội nhân đã được tha thứ. Ngài tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm Ngài, không tính đến tội lỗi, không nhìn lại lỗi lầm của họ, như thể là nó chưa hề xảy ra. Đó là một sự tha thứ trọn vẹn, hoàn hảo. Những người không thể tha thứ không có chân lý của Thiên Chúa trong trái tim họ.

Tất cả chúng ta đều là những tội nhân và tất cả chúng ta đã là những nạn nhân của những hành vi phạm tội khác, vào thời điểm này hay thời điểm kia trong cuộc sống. Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ để loại trừ những ảnh hưởng của những hành vi phạm tội. Ngài muốn chúng ta quên đi quá khứ tiêu cực và để nó hoàn toàn biến khỏi cuộc đời của chúng ta.

Khi một người tìm cách trả thù là họ đang từ chối được chữa lành và tự khoá chặt sự tăng trưởng tâm linh vì thiếu tha thứ. Đức Giêsu có thể ban sức mạnh để tha thứ bởi chính bản thân Ngài đã gánh chịu muôn vàn hậu quả của tội lỗi và làm tan biến chúng trong ngọn lửa tình yêu của Ngài.

Sự tha thứ đến từ Thánh giá, Ngài đổi mới thế giới bằng tình yêu tự hiến. Trái tim Ngài đã mở ra trên Thánh giá như cánh cửa mà qua đó ân sủng của sự tha thứ đã đi vào thế giới. Và chỉ có ân sủng đó mới có thể đổi mới thế giới và xây dựng hòa bình.

Chúng ta hãy học từ sự tha thứ của Chúa Giêsu.

2. Anh chị em rất thân mến,

Tôi được biết rằng, Giáo Phận Kontum có khoảng 251.000 tín hữu, đại diện cho gần 15% dân số của toàn bộ lãnh thổ.

Trong đó, có 68 giáo xứ, 51 linh mục triều và 30 linh mục dòng; 408 nữ tu, 18 nam tu và 3.234 giáo lý viên.

Hằng năm, trong Giáo Phận có hàng ngàn người được chịu phép Thanh Tẩy. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì sự triển nở của đức tin Công giáo. Niềm khát khao cháy bỏng của tôi là số các tín hữu Công giáo sẽ tiếp tục gia tăng với nỗ lực đổi mới và không ngừng rao giảng Tin Mừng. Vì vậy, tôi khuyến khích việc thực hiện một kế hoạch mục vụ của Giáo Phận, tập trung vào việc giảng dạy giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Tôi cũng khen ngợi những nỗ lực hướng tới việc đào tạo giáo lý viên và giáo dân cũng như kế hoạch mục vụ cho giới trẻ. Trên tất cả, tôi xác tín rằng, việc huấn luyện cho thế hệ trẻ, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sỹ phải giữ một vai trò quan trọng và là một ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta biết ơn những người đã đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, đã không ngần ngại từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Hiện nay, có 47 Chủng sinh và 35 tiền Chủng sinh và đó chính là dấu hiệu của một niềm hi vọng lớn lao cho tương lai của Giáo Phận.

Trên thực tế, vẫn còn đó những thách đố trong Giáo Phận. Con số các linh mục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các giáo xứ và các cộng đoàn. Thông tin liên lạc khó khăn. Việc huấn luyện các tín hữu là cần thiết để nâng cao sự hiểu biết về giáo lý Công giáo. Tình trạng di dân từ khu vực nông thôn gây nên những tổn hại nghiêm trọng cho những thế hệ trẻ.

Vì thế, tôi kêu gọi cộng đoàn Giáo Phận phải có một cảm thức sâu xa rằng mình thuộc về Giáo Hội Công giáo và một tinh thần đổi mới rao giảng Tin Mừng, trở thành những nhà truyền giáo trên miền đất của anh chị em.

Anh chị em thân mến,

Trong viễn tượng này, cùng hiện diện ở trung tâm truyền giáo nơi đây là một phần chính yếu cho công việc truyền giáo của Giáo Phận, tôi muốn trích một đoạn trong Sứ Điệp của Đức Thánh Cha trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo: “Tôi nhớ đến trong kinh nguyện những người đã dâng hiến đời mình cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt, tôi muốn nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì Danh Chúa”.

“Việc tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô – Đức Thánh Cha nói thêm – cũng được coi là của những người rao giảng Tin Mừng, họ cũng chịu cùng một số phận như Thầy mình. “Các con hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15,20). Giáo Hội theo cùng một con đường và chịu cùng một số phận như Chúa Kitô, vì Giáo Hội không hành động theo nguyên tắc của con người hay dựa vào sức riêng mình, nhưng theo con đường Thánh Giá để trở thành chứng nhân và người đồng hành với nhân loại, trong niềm vâng phục con thảo đối với Chúa Cha”.

Nguyện xin Đức Mẹ Lavang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam nâng đỡ Giáo Phận Kontum trong việc thúc đẩy những nỗ lực mới của công cuộc truyền giáo. Amen.

+ ĐTGM. LEOPOLDO GIRELLI
Sứ thần Toà thánh Vatican