Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Những lần chạy án – Phần 2: Luật sư cũng tham gia cuộc chạy

VRNs (07.09.2011) - … Rồi chúng tôi cũng tìm đến nhà ông Phạm Thanh Bình, chánh tòa dân sự TATC. Nhà của ông Bình trong hẻm số 6 Phố Nhà Chung, đối diện với vườn hoa ngày nay mà trước đây là khu đất bỏ hoang gần Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ông Bình hỏi ai giới thiệu đến. Chúng tôi nói thật là một người quen chỉ đường. Ông Bình tiếp chúng tôi khá lâu. Chúng tôi nói đã nộp đơn vào phòng tiếp dân rồi. Ông Bình nhép miệng cười. Chúng tôi ra về sau khi để lại cho ông ta một bịch trái cây trong đó có phong bì 20 triệu đồng và đã có số phone của ông Bình. Ông Bình bảo khoan về Nam chờ ông 1 tuần…



Phần 1

Lời ngỏ

Kính thưa BBT Dân Làm Báo

Kính thưa quý vị độc giả xa gần

Trước khi vào phần 2 tôi xin có vài lời. Tôi không phải là nhà báo, càng không phải là nhà văn. Những gì tôi viết là viết thực tế chuyện các lần chạy án mà tôi tham gia. “Những lần” tức là nhiều lần chứ không phải 1 lần. Lời văn thì không trau chuốt vì tôi không là nhà văn nhà báo gì, cũng có đi học đại học nhưng chuyên ngành bên tự nhiên. Các câu văn của tôi còn lủng củng, câu cú còn sai chính tả nhiều, phải nói là tôi viết đơn khiếu nại hay đơn khởi kiện thì rành chứ viết báo làm thơ thì không có được. Do vậy có gì sơ suất xin quý bạn thương tình lượng thứ cho. Nhưng tôi mạnh dạn viết những bài kể chuyện các hành trình chạy án của tôi vì tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm chạy án của tôi một phần giúp đưa ra ánh sáng những tội ác của các quan chức, một phần mong gởi đến người dân khác lời khuyên chân thành: chớ có dại mà đi nhờ mấy ông tòa hay công an của VN mình phân xử chuyện gì. Có thắng kiện cũng mất nhiều lắm. Ông bà mình có câu: “Vô phúc đáo tụng đình” quả là đúng trong chế độ này.

Xin cám ơn quý vị và đây là bài thứ 2 trong loạt bài nhiều kỳ kể về các lần chạy án của tôi

Trịnh Viên Phương, Thành phố Biên Hòa ngày 2.9.2011

*

Phần 2: KHI LUẬT SƯ CŨNG CHẠY ÁN

Kinh nghiệm trong lần chạy án trước và rành đường đi nước bước ở Hà Nội nên người thân và bạn bè ai cũng biết chuyện tôi từng đi chạy án. Do vậy khi mà các bản án phúc thẩm trong Miền Nam có hiệu lực thì nhiều người nhờ tôi “chạy”. Một người bà con xa của tôi ở Huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre thua kiện trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. Người này thua kiện vì ỷ lại mình là luật sư biết nhiều luật nên không cần chạy. Kết cục là thua ở 2 phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm ở Bến Tre. Anh luật sư này lên Sài Gòn và nhờ tôi cùng “chạy án”.

Chúng tôi ra Hà Nội vào mùa đông năm 2004. Lúc đó phòng tiếp dân của Tòa án Tối Cao (TATC) vẫn còn ở 48 Lý Thường Kiệt chưa bị đưa về 265 Đội Cấn như hiện nay. Đây là vụ án dân sự nên nhờ Tòa dân sự của TATC can thiệp. Như bao người khiếu nại lên Giám đốc thẩm, các bản án Phúc thẩm đã có hiệu lực chúng tôi ùn ùn kéo về 48 Lý Thường kiệt. Người nhận đơn khiếu nại là bà Tuyết (bây giờ là thẩm phán của TA Hà Nội), lúc đó bà Tuyết còn ngồi ở phòng tiếp dân. Phòng tiếp dân sau khi nhận đơn và cho bạn một tờ chứng nhận là Phòng tiếp dân của TATC đã nhận được đơn khiếu nại án phúc thẩm số… của tòa án tỉnh… ngày… Bà Tuyết hỏi tôi có quen ai ở Viện KSTC ở HN không? Tôi thành thật trả lời là có quen với ông Việt nhưng làm bên báo kiểm sát. Bà Tuyết chỉ đường là chạy qua đó xin họ cái kháng nghị đi. Tôi chạy qua bên VKSTC thì cũng vào được phòng tiếp dân. Cảm giác của tôi sau 1 thời gian quay lại những nơi này thì khó chịu vì ở phòng tiếp dân của TATC và VKSTC luôn gắn camera theo dõi người dân đi nộp đơn. Dân chúng khắp 64 tỉnh thành bị xử oan ức đầy đủ “4 phương trời ta về đây chung vui”.

Chúng tôi về nhà nghỉ chờ không biết bao lâu. Gặp đủ các dân oan như chị Kiều Chinh ở Lào Cai, Bà Ngọc Anh ở Tiền Giang, Mẹ con bà Phương ở Pleiku, bà Bảy ở Long An, Ông Sùng Sao Vàng ở Sơn La, chị Thủy ở Quảng Ngãi, chị Nga ở Vĩnh Long. Ai cũng ở đây trên 2-3 năm nghe mà ngao ngán quá chừng. Về miền Nam mà chưa có cái gì ngoài cái chứng nhận của phòng tiếp dân thì không thể về được. Phải vận dụng hết các mối quen biết để gặp cho được cán bộ của tòa dân sự TATC.

Rồi chúng tôi cũng tìm đến nhà ông Phạm Thanh Bình, chánh tòa dân sự TATC. Nhà của ông Bình trong hẻm số 6 Phố Nhà Chung, đối diện với vườn hoa ngày nay mà trước đây là khu đất bỏ hoang gần Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ông Bình hỏi ai giới thiệu đến. Chúng tôi nói thật là một người quen chỉ đường. Ông Bình tiếp chúng tôi khá lâu. Chúng tôi nói đã nộp đơn vào phòng tiếp dân rồi. Ông Bình nhép miệng cười. Chúng tôi ra về sau khi để lại cho ông ta một bịch trái cây trong đó có phong bì 20 triệu đồng và đã có số phone của ông Bình. Ông Bình bảo khoan về Nam chờ ông 1 tuần.

Đúng 1 tuần sau chúng tôi có giấy tạm đình chỉ thi hành án do TATC ký. Chúng tôi lại “đến thăm” ông Bình ở hẻm số 6 Phố Nhà Chung. Từ ngoài vào hẻm chừng 30 mét quẹo phải vào căn thứ 3 là nhà của ông Bình. Chúng tôi để lại một giỏ trái cây và một phong bì 20 triệu nữa. Một tuần sau chúng tôi có kháng nghị Giám đốc thẩm của TATC đề nghị xét xử lại sơ thẩm ngay từ đầu.

Và cũng từ đây tôi biết thêm một đầu mối để chạy án dân sự nữa. Cuối năm 2008 tôi lại một lần ra Hà Nội để giúp một luật sư ở An Giang tham gia chạy án. Chúng tôi trở lại thì ông Bình nói là có gì hãy ra văn Phòng luật sư Đức Quang ở Đường Nguyễn Chí Thanh lo hồ sơ.

Chúng tôi đến văn phòng luật sư Đức Quang số 91 Nguyễn Chí Thanh, chỗ này gần cà phê Nắng Sài Gòn, khá gần ký túc xá Đại học Luật – HN. Do vậy mà VP luật sư Đức Quang thường tuyển các sinh viên Luật ra các phòng tiếp dân, gặp ai khá giả thì mồi chài về văn phòng của họ để chạy án. Chúng tôi lên lầu 11 bằng thang máy, ra khỏi thang máy sẽ gặp VP luật sư này. Người tiếp chúng tôi là nữ luật sư tên Hà Thanh. Bà luật sư Thanh sau khi nghe nội dung vụ kiện của chúng tôi thì ra giá là 10.000 USD. Theo nữ luật sư Thanh này thì 10.000 USD chỉ tương đương khoảng 180 triệu VND tỷ giá lúc này, lẽ ra là 200 triệu nhưng vì là đồng nghiệp luật sư chạy án thì giảm 20 triệu. Số tiền này được chung làm 3 lần như sau:

Lần thứ nhất nộp 3000 USD vào một tài khoản của họ cho thì 1 tuần sau sẽ nhận được quyềt định tạm hoãn thi hành án phúc thẩm (án phúc thẩm có hiệu lực ngay ngày tuyên án).

Lần thứ hai nộp 5000 USD vào một tài khoản khác ở ngân hàng khác sau khi nhận Quyết định tạm hoãn thi hành án này về nhà chờ từ 10 đến 15 ngày.

Lần thứ 3, trước khi trở lại VP luật sư Đức Quang để nhận quyết định kháng nghị của Giám đốc thẩm, thì nộp 2000 USD còn lại vào một tài khoản khác ở ngân hàng khác cho họ.

VP luật sư Đức Quang sau khi chia tay cũng căn dặn chúng tôi là về Miền Nam có ai chạy án thì đem ra họ. Họ sẽ chia 5% hoa hồng, ngoài ra trên giá 10.000 USD thì được quyền bỏ túi.

Trong những ngày chờ lấy các quyết định tạm hoãn Thi hành án và Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm chúng tôi đi tìm hiểu các VP luật sư ở HN thì ai cũng chạy án nhưng giá rẻ hơn VP luật sư Đức Quang nhiều. VP luật sư Đăng Quang trên đường Bà Triệu cũng chạy án. VP luật sư Pháp Quyền số 4 Nguyễn Thượng Hiền do bà Nguyễn Thị Thanh Mai, trước đây là Phó Chánh án TATC làm trưởng VP luật sư này cũng chạy án. Các luật sư ở VP luật sư số 4 Nguyễn Thượng Hiền – HN đa số là cán bộ về hưu trước đây làm ở TATC cũng như VKSTC đều tham gia chạy án.

Giá cả ở các VP này thì thấp hơn của VP luật sư Đức Quang ở đường Nguyễn Chí Thanh một chút nhưng các nơi này thì nhận tiền mặt ngay tại VP luật sư và nộp tiền 1 lần chứ không chia làm 3 giai đoạn như bên Đức Quang.

Bà Bích ở VP luật sư số 4 Nguyễn Thượng Hiền trước đây từng là Viện Phó VKSTC cho hay là luật sư bây giờ chỉ sống bằng chạy án và các mối quan hệ. Ai có quan hệ nhiều hơn sẽ thắng kiện, đi kèm với các mối quan hệ là tiền. (Một kỷ niệm đáng nhớ với tôi là nhờ đến VP luật sư số 4 Nguyễn Thượng Hiền mà chúng tôi thăm nhà thơ Tế Hanh ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền trước khi ông chết. Nhưng khi chúng tôi đến thăm thì ông cũng sống thực vật, bị liệt gần qua đời. Chúng tôi rất ngạc nhiên về cuộc sống kham khổ của nhà thơ mới lừng danh này).

Thì ra là luật sư cũng chỉ là một phương tiện chạy án mà thôi.

Chúng tôi tạm dừng ở đây và loạt bài này tiếp tục với việc chạy án của một cán bộ VKSTC vào ngày mai.

Thành phố Biên Hòa ngày 2.9.2011

Trịnh Viên Phưong (bạn đọc danlambao)