Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Những lần chạy án – Phần 4: Công lý, cuộc đuổi bắt giữa đồng tiền và quyền lực!

VRNs (08.09.2011) – Công lý ở Việt Nam hiện nay chỉ là một trò cút bắt giữa đồng tiền và quyền lực. Cái gì cũng có giá trả của nó. Khi trên đỉnh cao quyền lực thì ra sức vơ vét nhưng khi các cán bộ của Tòa Án Tối Cao hay Viện Kiểm Sát Tối Cao về hưu thì làm ở các Văn phòng luật sư và họ tiếp tục trở thành kẻ chạy án và đi mua chữ ký, con dấu của đàn em ngày xưa của họ. Trong cái vòng lẩn quẩn này người dân mới là nạn nhân. Các đại gia vì danh tiếng họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền chạy án dù kết quả họ thua về phần vật chất, thắng kiện cũng chưa chắc đủ tiền bỏ ra chạy án. Những dân đen bị xử oan ức thì coi như mất trắng.

Gần đây tôi thấy trên báo đài có nhắc đến cụm từ “nhà nước pháp quyền” gì đó nhưng thực tế là pháp luật ở Việt Nam không có quyền gì cả. Nó chỉ là một hàng hóa, một loại hàng cao cấp mà kẻ buôn là kẻ có quyền và người mua là kẻ có tiền.

Vụ án xác chết không đầu ở HN, một nam sinh viên giết chết người tình, chặt nhiều khúc qua 2 lần xét xử đều tử hình. Nhưng dân chạy án nhìn sơ qua có thể nói là anh này có khả năng thoát án tử. Gia đình cô người yêu sau này, nơi mà án mạng xảy ra là một cán bộ công an ở Quảng Ninh, họ lại có mối quan hệ thân thiết với giới truyền thông và rất giàu có; chừng đó yếu tố đủ để giúp anh ta thoát án tử. Như trường hợp của đại gia Trần Đàm trong vụ án buôn lậu Tân Trường Sanh thuở trước đây rúng động cả nước.

Vụ án này làm dư luận xôn xao nhất với bài bào chữa của nữ luật sư tên tuổi nhất VN hiện nay (LS TTH) đi vào lịch sử: “Buôn lậu cũng là yêu nước thương dân vì giúp người tiêu dùng mua hàng đúng chất lượng và giá rẻ hơn“. Vừa qua tôi vào bệnh viện Vạn Hạnh (gần Hồ Kỳ Hòa- Quận 10, SG) thăm một người quen đang điều trị ở đây. BV tư nhân này chỉ dành cho dân nhà giàu lắm tiền nhiều của. Thế nhưng trong phòng 2 người có 1 giường trống và một cậu bé nhà quê khỏe mạnh đang nằm ngủ, giường bệnh không có gì là của một nạn nhân. Anh ta không phải đi chữa bệnh mà giữ chỗ cho một người: đại gia Trần Đàm, trong vụ án buôn lậu Tân Trường Sanh. Ông Trần Đàm bị 2 án tử hình nhưng vẫn chạy được chủ tịch nước ký lệnh ân xá xuống chung thân. Vào trại giam Xuân Lộc thì chạy bác sỹ ký giấy bệnh nan y cần ra ngoài điều trị. Thế là ông Trần Đàm về nhà, đăng ký ở BV Vạn Hạnh chỉ là hình thức thôi. Quý vị thấy đó, tiền có thể mua luôn được 2 án tử hình. Tử tù Nghĩa trong vụ án xác chết không đầu có thể đi theo lối này mà chạy án.

Giữa năm 2009, tôi ra Hà Nội lo cho một vụ án tranh chấp nhà cửa có yếu tố nước ngoài. Việt Kiều về nước mua nhà nhờ người thân đứng tên, mất nhà đi kiện đòi nhà lại. Chúng tôi nhờ ông Trần Văn Tú, Phó chánh án TATC can thiệp. Nhà ông Trần Văn Tú ở trong khu tập thể ngân hàng đường Hoàng Quốc Việt- HN. Dĩ nhiên là Việt Kiều thì tính bằng USD trong phong bì, trong giỏ quà nước hoa cao cấp tặng cho vợ ông Tú là một xấp phong bì 5000 USD. Ông Trần Văn Tú hứa sẽ xem xét quyết định của án phúc thẩm của TATPHCM. Vừa bước ra khỏi cửa ông Trần Văn Tú là chúng tôi gặp một đoàn dân oan đi kêu cứu. Một cảnh tượng còn hơn thời thực dân đập vào mắt tôi. Hàng chục con người quỳ xuống và đội đơn lên đầu nhờ ông Tú can thiệp. Sau khi tôi ra khỏi nhà thì ông Trần Văn Tú đóng cửa cái rầm, mặc kệ cho đoàn người vẫn quỳ và đội đơn trên đầu. Thấy mà tội cho đám dân oan, tiền ngoại tệ cả xấp mà chưa nhằm nhò gì thì xá gì những lời kêu van chỉ có nước bọt của họ.

Đừng tin vào những lời hứa suông chỉ có nước bọt ở cửa miệng của các quan chức của TATC hay VKSTC. Khi TATC chuyển phòng tiếp dân về 265 Đội Cấn, cách xa trung tâm để tránh các cảnh dân oan “khỏa thân kêu cứu”. Thời điểm mới chuyển đến nơi mới thì bà H. dân oan ở Bình Dương lọt vào trụ sở 265 Đội Cấn. Bà H. cũng là dân khá giả và can đảm như Kiều Chinh ở Lào Cai. Bà H. vào trong khu vực tòa án, bà chạy vào ngay phòng ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TATC quậy lên. Ông Tưởng Duy Lượng không còn đường tránh phải chấp nhận viết cho bà H. một cái giấy hứa xem xét giám đốc thẩm vụ án của bà H. Cầm cái giấy có con dấu đỏ tươi, bà H. như trúng số. Bà H. bỏ tiền ra thuê 1 chiếc xe 15 chỗ bao những người bạn dân oan của mình lên nhà của Kiều Chinh trên Sapa du lịch và thăm nhà Kiều Chinh một chuyến. Chuyến đi gần hết 20 triệu đồng để ăn mừng. Một tuần sau đúng hẹn bà H. đến lấy quyết định Giám Đốc Thẩm thì TATC cho một Quyết định mới cũng của ông Tưởng Duy Lượng ký: “đơn khiếu nại của bà H. không có cơ sở giám đốc thẩm “. Như sét đánh bà H. chết lặng một hồi. Lời hứa của các quan chức cao cấp của TATC mà không có tiền thì như “qua cầu gió bay”.



Dân oan bị cướp đất kéo về HN khiếu kiện

Mỗi lần ra HN cho một vụ án là mỗi lần chứng kiến nhiều cảnh đau lòng của bà con dân oan khốn khó. Tôi muốn nói với họ rằng không có tiền thì nên về nhà chứ ăn bờ ngủ bụi mà trông chờ TATC hay VKSTC cứu xét đơn của họ thì khó khăn hơn chuyện chạch đẻ ngọn đa. Bởi vì các án sơ thẩm hay phúc thẩm từ dưới địa phương của họ đã được thuận mua vừa bán rồi. Ông Năm Cam khi ra tòa để lại cho hậu thế câu nói bất hủ: “cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng rất nhiều tiền“. Vậy thôi !

Kinh nghiệm trong chạy án thì khi gặp các quan chức cao cấp, bạn phải hé mở cho họ biết là bạn là dân có tiền như là có cổ phần ngân hàng, có công ty đầu tư ra nước ngoài, có thân nhân giàu có ở hải ngoại. Bước thứ 2 vô cùng quan trọng là khi khá thân bạn phải cho họ biết bạn có mối quan hệ thân thiết với nhà báo này, cơ quan báo chí nọ thì đối tượng nhận có quyền có chức mới chịu làm hồ sơ cho bạn, còn không thì họ vòi tiền dài dài. Quan trọng nhất là khi ra HN phải kiếm cho được một sếp ở Bộ Công An hay Quốc phòng can thiệp nhắn gởi bạn cho họ. Một cú phone của sếp A, B, C từ Bộ công an hay quốc phòng thì có giá khoảng 2000-5000 USD cho cuộc hội thoại chừng 30 giây.

Trong SG thì văn phòng luật sư Chi Mai ở Quận 4 chạy án theo kiểu kết hợp quyền lực của an ninh và báo chí. Người thân của trưởng Văn Phòng luật sư này là an ninh của Bộ Công An và phóng viên Thu Hà của báo Tuổi Trẻ là em út của họ. Người này từng viết nhiều bài phóng sự điều tra ký tên Chi Mai trên báo Tuổi Trẻ cũng là hình thức tiếp thị cho VP luật sư này. Ông Tấn thẩm phán của TATC ở Quận 4 từng để vợ mở một VP luật sư trên đường Tôn Thất Thuyết nhằm chạy án là chính do có cạnh tranh giữa các phòng LS và các thẩm phán chạy án nên VP luật sư của vợ ông Tấn hiện rút vào “hoạt động du kích” rồi.

Khép lại những lời kể trong các lần chạy án của cá nhân chúng tôi nghiệm ra rằng: công lý ở Việt Nam hiện nay chỉ là một trò cút bắt giữa đồng tiền và quyền lực. Cái gì cũng có giá trả của nó. Khi trên đỉnh cao quyền lực thì ra sức vơ vét nhưng khi các cán bộ của TATC hay VKSTC về hưu thì làm ở các VP luật sư và họ tiếp tục trở thành kẻ chạy án và đi mua chữ ký, con dấu của đàn em ngày xưa của họ. Trong cái vòng lẩn quẩn này người dân mới là nạn nhân. Các đại gia vì danh tiếng họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền chạy án dù kết quả họ thua về phần vật chất, thắng kiện cũng chưa chắc đủ tiền bỏ ra chạy án. Những dân đen bị xử oan ức thì coi như mất trắng.

Gần đây tôi thấy trên báo đài có nhắc đến cụm từ “nhà nước pháp quyền” gì đó nhưng thực tế là pháp luật ở Việt Nam không có quyền gì cả. Nó chỉ là một hàng hóa, một loại hàng cao cấp mà kẻ buôn là kẻ có quyền và người mua là kẻ có tiền.

Trịnh Viễn Phương