VRNs (21.09.2011) – Úc Đại Lợi – Suy niệm Chúa Nhật thứ 26 thường niên năm A 25.09.2011
“Ở cũng bâng khuâng, đi chẳng đành,”
“đêm trời, sao cũ sáng long lanh.”
(dẫn từ thơ Đinh HÙng)
Mt 21: 28-32
Bâng khuâng đi chẳng đành, nên người đời có ra đi nhưng miệng mồm nào đã nói. Đêm trời sáng long lanh, nên đời người dù có hứa, nhưng chân mình rày chẳng buớc. Chẳng bước đi, dù miệng mình vẫn cứ nói. Nói và làm, trình thuật thánh sử viết hôm nay.
Trình thuật thánh Mát-thêu nay kể về dụ ngôn hai người con có những lời lẽ và lập trường thực hiện rất khác biệt. Cả hai hành xử kiểu đối nghịch. Người con đầu nói mình sẽ không làm điều cha muốn, nhưng cuối cùng vẫn thực hiện. Còn người kia, tuy nói làm nhưng lại không thực hiện lời mình nói. Tức, một người những nói và nói, nhưng không làm. Còn người kia, vẫn làm mà không cần nói. Dụ ngôn đây cho thấy: chính hành động nói nhiều hơn lời nói, ngoài cửa miệng.
Thời của Chúa, dụ ngôn được dùng như huấn dụ để khen ngợi những người hành động thiết thực hơn là nói. Bằng dụ ngôn này, Chúa bênh vực đám người bị khích bác, chê bai như đám đĩ điếm, dân thu thuế bệ rạc hơn giới thượng lưu, Pharisêu, ký lục chỉ nói và nói chứ chẳng làm gì để đổi thay con người mình. Thời của thánh Mát-thêu sau đó, dụ ngôn còn được dùng để đề cao người ngoại đạo hơn một số người Do thái cứ tự hào mình chuyên chăm đạo hạnh. Thế kỷ 20 lại dùng dụ ngôn hôm nay nhằm nâng đỡ đám người nghiện ngập dám làm sửa đổi chính mình hơn những người chỉ những nói và nói, khiến người khác bị khùng điên.
Áp dụng vào nhà Đạo, thấy dân con Đạo mình nhiều lúc có cả hai. Tức, nhiều khi ta những nói và nói, mà không làm. Có những lúc, ta vẫn làm mà chẳng nói, lấy một lời. Điều này làm ta nhớ về nhân vật trong phim dài nhiều tập có đầu đề “Cha Phó Xứ Đạo Dibley” luôn bắt đầu câu nói của ngài bằng những tiếng “Không! không! và không!” để rồi sau đó kết thúc bằng chữ “Có”. Có làm thực. Có hợp tác. Và đôi lúc nghĩ lại thấy mình từng nói “Có! có! Nhất định sẽ làm”, nhưng cuối cùng vẫn thành: Không! Không làm. Và cũng chẳng làm điều mình từng nói từng hứa, giống nhiều người trong ta.
Đi vào thực tế, giống truyện kể về cuối buổi lễ, các vị chủ tế có thói quen đứng ở cuối nhà thờ nói năng chào hỏi hết mọi người. Có lần, vị linh mục hỏi một giáo dân: tuần sau có đi lễ không đó? Rất nhiều người cứ trơn tru trả lời: “Dạ thưa cha, có chứ!” Thưa thì thưa “có”, nhưng các tuần sau đó lại khó mà thấy mặt vì nhiều lý do. Chính đó, là hiện trạng của người đi Đạo ở trời Tây, hôm nay. Hôm nay đây, có thể cũng có người lúc đầu tình thật không dám nói, nhưng sau đó suy đi nghĩ lại, vẫn cứ đến. Có người coi đây là chuyện linh mục không nên hỏi, vì ai nào dám thưa.
Nghiên cứu khảo sát hôm nay nhiều khi cho thấy: thế hệ trẻ hôm nay, và cả người cao niên cũng thế, lại cứ tính chuyện lời lãi mỗi khi được hỏi, ở nhà thờ hay ngoài ngõ, về bất cứ chuyện gì cần lấy ý kiến. Nói chung, nhiều người chỉ muốn dính dự vào các cuộc khảo sát với phỏng vấn khi biết mình chắc chắn có được lợi lộc, nếu trả lời. Tức là, họ chỉ muốn làm người dưng, trên trời rơi xuống. Chẳng muốn dính vào chuyện gì, dù thuộc vấn đề trong Đạo. Quần chúng hôm nay ra như lạc lõng ở đâu đó. Chẳng muốn ai ngó ngàng hỏi han mình điều gì, dù là ý kiến riêng tư. Kín đáo. Hoặc ép buộc. Khi xưa, ở phương Tây, các linh mục còn có thói quen đến từng nhà thăm viếng, hỏi han về cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, làm thế tức vi phạm đời tư, rất nguy hiểm và dễ bị ra toà.
Nhiều năm về trước, mỗi khi có đề tài cần hỏi han góp ý hay tranh luận ở giáo xứ, còn có người chủ trương phóng khoáng. Bảo thủ. Hoặc trung lập. Ngày hôm nay, lại đã thấy những người như thế đi đâu mất. Hoặc, họ còn đó nhưng chẳng thiết tha gì chuyện bàn luận hay tranh đấu cho sự sống còn của Hội thánh. Nói chung, người đạo hạnh hôm nay không còn muốn dính dự vào chuyện chung của Hội thánh. Nhiều vị vẫn lành thánh, chuyên chăm chuyện lễ lạy, đạo hạnh. Nhưng khọng còn thiết tha chuyện tham gia nhóm hội đoàn thể có sinh hoạt tập thể, năng nổ tích cực. Mà chỉ muốn rút vào vỏ sò, sống riêng rẽ, cho khoẻ.
Nhiều người nhận ra rằng: thế giới nhà đạo họ đang sống nay khác trước rất nhiều. Khác nhiều thế giới của người phàm thực tế luôn trong sáng. Đầy dẫy thông tin. Đủ mọi chọn lựa. Nên, họ vẫn hết mình với mọi người. Nơi sở làm, nguời người đều hăng say trách nhiệm. Vẫn cứ làm, vì chuyện chung. Nhưng trong Hội thánh, nhiều người đã bắt đầu ít nói. Không cà kê như trước. Dù, chuyện hội đoàn. Thế nên, khi hỏi: “Anh/chị tính sao? Có định tham dự chầu Thánh Thể thứ sáu này chứ?” Câu trả lời thường là: “Không dám đâu! Tụi này bận lắm. Chẳng kiếm đâu ra giờ, để đi chầu!” Nếu hỏi: “Anh/chị tính sao? Có định tham gia biểu tình phản đối đôi ba chuyện chính phủ làm không?” Câu trả lời, chắc cũng thế. Giống như người hành tinh vừa chợt ghé bến. Không chuyện trò, cũng không trao đổi. Chẳng bước đi về nhiều phía.
Dụ ngôn hôm nay, câu Chúa hỏi cũng tựa như thế: “Các ông nghĩ sao?” Hỏi như thế, không có nghĩa Chúa yêu cầu ta bắt chước những người chỉ biết nói chứ không làm, hoặc chỉ làm chứ không nói. Chúa không có ý khen ngợi hai lớp người nói ở trên. Ngài cũng chẳng giải thích sao Ngài lại không làm thế. Hoặc, vẫn làm như thế. Ngài chẳng nói hoặc có nói, bất cứ thứ gì. Ngài cũng không đi vào chi tiết để cho biết tại sao Ngài có lập trường như vậy. Dù, lập trường đó có là bê trễ, biếng nhác. Dù, đó có là kế hoạch, hoặc cảnh tình nào đó khó đoán. Dù, đó là chuyện đáng quên đi. Hoặc, chẳng lý gì về công kia việc nọ, cần công chúng tôn trọng. Điều Ngài hỏi chỉ là: “Các ông nghĩ sao?”
Liên tưởng chuyện này, có thể ta sẽ nghĩ mình đang đi vào loại hình nào đó của Hội thánh, vào thời buổi rất khác trong lịch sử. Một Hội thánh từng đòi rất ít ở dân con trong Đạo. Đòi và hỏi, về thời gian và thiện chí. Một Hội thánh không đòi những gì là ngoại lệ, nơi con người. Một thánh hội từng học hỏi cung cách biết tôn kính hết mọi người. Tôn và kính, chuyện riêng tư của dân con nhà Đạo. Học hỏi và trân trọng, việc phục vụ họ hơn việc sắp xếp để họ phục vụ Hội thánh, mà thôi.
Phục vụ dân con, còn có nghĩa: không dùng bạo động để dính dự cuộc sống đích thực của dân con. Phục vụ dân con, còn có nghĩa: tôn trọng phẩm cách tư riêng của mỗi người. Chính đó là nền tảng của việc yêu thương lẫn nhau. Nền và tảng, của việc trở nên cộng đoàn dân con sống thân thương như thế. Nền và tảng, để dân con sống, với lập trường hăng say đi đến mà nhận lãnh Thánh Thể Tình Yêu đích thật, ngày Chúa Nhật. Đó là những người con đang sống rất khác biệt. Sống rất đẹp, ở thế giới cuộc đời, cũng rất thực. Một đời người, luôn tham gia giùm giúp rất đắc lực.
Bởi thế nên, lời Chúa ở dụ ngôn hôm nay với câu hỏi: “Các ông nghĩ sao?” sẽ là lời nhắc nhở về động thái ta phải có trong đời, với người đời. Dù, người đó có là bạn đạo hay bạn đời, cũng như thế.
Trong cảm nhận tình Ngài thương ta qua câu hỏi ấy, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, để còn nhớ:
“Tôi cũng chưa đi hết dặm đường,
Đời dài, mới đến nửa sầu thương.
Một đêm trở bước cho lòng nghĩ,
Sao biếc rơi tàn mộng phấn hương.”
(Đinh Hùng – Đêm Khuya Trờ Bước)
Trở bước hay cất bước, để rồi đi. Đi rồi, sẽ nhớ lời Thầy dặn. Dù đời mình ra sao đi nữa, vẫn cứ bước. Cứ ra đi rao truyền lời Thầy vẫn hỏi và vẫn răn dạy. Để rồi, mọi người tin vào Thầy. Ở đây. Bây giờ.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.