VRNs (12.09.2011) – Gia Lai – Ching chiêng (người Kinh gọi là còng chiêng) là nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Bahnar tại tỉnh Kontum và người Jarai tại tỉnh Gia Lai. Ching chiêng có từ rất lâu từ trước thời vua Bảo Đại. Các nghệ nhân người sắc tộc thiểu số thường truyền nghề tong Ching (đánh chiêng) cho em cháu trong làng, những người đam mê Ching chiêng từ rất nhỏ. Anh Tih cũng là một trường hợp như vậy.
Phóng viên VRNs đã gặp anh Rcơm Tih, một nghệ nhân Ching chiêng làng Jut I, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và đã được anh trả lời phỏng vấn:
PV: Anh Tih vui lòng cho biết anh chơi Ching chiêng từ khi nào?
Anh Tih: Từ lúc nhỏ, lúc mình khoảng bốn năm tuổi thôi, mình nghe tong Ching thì rất thích. Khi các nghệ nhân lớn tuổi trong làng tong Ching là người ta đưa cái thần vào trong giai điệu, âm hưởng và nhịp của bản nhạc đó. Mình nghe mình mê lắm, mình mê từ các câu chuyện của các cụ già làng kể. Ngày xưa, các già làng kể chuyện không đơn giản là người ta chỉ nói mà người ta vừa kể bằng tiếng nói, vừa hát bằng giai điệu của người dân tộc – gọi là akhan Jarai. Mình mê lắm nên chờ khi các nghệ nhân chơi xong, bỏ nhạc cụ không là mình lấy tập. Cứ vậy mình chơi là bắt chước các nghệ nhân, các giai điệu nhạc ăn vào máu là mình thuộc luôn từ đó.
PV: Ching chiêng được dùng trong những dịp nào?
Anh Tih: Thông thường, tong Ching chơi riêng cho từng loại: đám cưới, ma chay, được mùa, chọi trâu, thánh ca, … cho nên mỗi loại có các giai điệu khác nhau. Khi nghe người ta có thể biết được là trong làng đang xảy ra chuyện gì. Những giai điệu Ching chiêng của người Bahnar thường chậm, du dương trong khi các bản nhạc Ching chiêng của người Jarai chậm có, nhanh có. Mình thì vừa chơi những bản nhạc theo tập tục cũ nhưng vẫn sáng tác những bài theo phong cách hiện đại. Mình dùng Ching chiêng do mình tự làm để sáng tác nhạc, nên có những nốt nhạc theo trào lưu mới, tuy nhiên nhạc cụ của mình không thể theo kịp nhịp sống, nên vẫn phải tiếp tục mày mò. Ví dụ như nốt đô, có thêm nốt đô thăng mà Ching chiêng vẫn chưa đáp ứng được.
Đây là ching arap, mỗi người chỉ đảm nhận một nốt duy nhất, cả toán tong ching phải ăn ý và nối nhịp điệu hài hoà với nhau. Vừa tong ching vừa múa là nét văn hoá đặc trưng và có nguồn gốc của việc cúng tế thần linh
PV: Anh làm Ching chiêng để chơi hay còn để bán?
Anh Tih: Trước đây, mình làm chỉ để chơi. Nhưng dần dà, do nhiều người hỏi mua nên mình làm bán. Do mình tự mày mò học Ching chiêng, đàn T’rưng nên phải tìm cách chế tạo nhạc cụ sao cho khi đánh lên phải phát ra âm thanh theo như ý muốn. Hiện nay, mình là một trong các nghệ nhân trẻ biết chế tạo nhạc cụ cho nên các nhạc cụ do mình sản xuất ra không đủ để bán.
Đây là ching Pêl, một loại ching mới xuất hiện sau 1975, còn gọi là ching trẻ. Các nốt được thiết đặt như piano và chỉ cần 1 đến 2 người là có thể tong ching hoàn chỉnh
PV: Hiện nay, anh thường tong Ching cho những nơi nào?
Anh Tih: Mình không tong ching cố định cho một nơi nào cả. Mình thường nhận thiết kế các chương trình tong Ching, cung cấp nhạc cụ và hướng dẫn một nhóm người do người thuê mình làm (nhà đầu tư) chỉ định. Mình thường hướng dẫn từng người với từng nhạc cụ riêng như người nào đánh Ching, người nào gõ trống, người nào đánh đàn, cùng các nhạc cụ khác, sau đó ráp lại thành toàn bộ bản nhạc. Nhưng mình phải đi theo khi họ biểu diễn vì có những vùng miền khí hậu khác nhau nên khi đàn T’rưng làm từ cây lồ ô phát ra âm thanh không đúng, mình phải chuốt lại cho ra được âm thanh mình cần phải có.
Nghệ nhân gò ching Bahnar là những người có khả năng điều chỉnh âm thanh của ching tốt nhất hiện nay
PV: Ching chiêng cũng phục vụ trong Thánh Lễ, vậy có sự khác biệt nào giữa thánh Lễ của đạo Công Giáo và đạo Tin Lành đều thờ phượng Chúa Yêsu?
Anh Tih: Trước đây, khi đạo Tin Lành truyền giáo tới đây, họ kêu gọi đồng bào bán Ching chiêng đi, như là bán đồng vụn vậy. Ching chiêng không phục vụ trong Thánh Lễ của người có Đạo Tin Lành. Nhưng các bok (nguyên nghĩa tiếng Bahnar là ông) tức là các cha đạo Công Giáo nói với đồng bào là chúng ta hãy giữ lại Ching chiêng, vì nó là vốn quý của dân tộc ta, là nét văn hóa đặc trưng của mình nên tất cả những người Công Giáo theo Chúa đều giữ lại Ching chiêng. Khi tong Ching, chúng tôi bỏ cả cái thần vào đó, phải có cái hồn thì mới có thể chơi được. Mặc dù mình là nghệ nhân nhưng tự nhiên đang ngồi ở đây mà không có cái hồn, cái thần thì dứt khoát không thể nào chơi được.
Đây là ching kok, loại ching chỉ dùng để cúng tế hay Iâu Yang (gọi thần)
PV: Điều tâm tư ấp ủ hiện nay của anh là gì?
Anh Tih: hiện nay, mình khát khao thành lập được một nhóm có cùng đam mê, cùng máu để làm thành một nhóm tong Ching chuyên nghiệp. Cái khó là hiện nay mình sản xuất Ching chiêng để bán thì đã không làm kịp, có nhiều nơi đặt hàng, làm xong bán hết ngay. Trong khi muốn tập họp nhóm nghệ nhân để tong Ching chuyên nghiệp lại với nhau thì phải có vốn, phải đi vay. Việc tập hợp các nghệ nhân chuyên nghiệp để chơi Ching không dễ, mà phải cần một thời gian lâu dài. Bởi vì, khi tập họp nhóm là mình phải lo cho nghệ nhân cái ăn, phải trả lương cho họ trong thời gian đào tạo họ trở thành nghệ nhân. Mà người dân tộc thì đa số là người nghèo nên không thể tự học, tự lo cái ăn được.
******
Tuy rằng tôi có buổi trao đổi khá ngắn với anh Rcơm Tih nhưng hình ảnh một người sắc tộc thiểu số Jarai đơn sơ, mộc mạc, nhiệt thành trong việc truyền giáo bằng chính nhạc cụ, âm nhạc mang bản sắc riêng in đậm trong lòng chúng tôi. Anh nói cho chúng tôi biết Chúa hiện diện trong Thánh Lễ, trong anh em, chính anh em là người mang Chúa đến cho những thừa sai của Chúa.
Nguyễn Quân TT, Thanh Huệ