Trong một bài viết về những rào cản của sở hữu đất đai đăng vào tháng 10 năm ngoái của nhóm tác giả PGS.TS Phạm Duy Nghĩa; PGS.TS Đặng Văn Thanh; LS. Trần Hữu Huỳnh; LS.Nguyễn Tiến Lập, có ý kiến cho rằng “không một quốc gia nào có bộ luật về quản lý đất đồ sộ và phức tạp như ở Việt Nam”.
Và vấn đề không nằm ở tất cả pháp luật về đất đai mà nằm tại việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước với tư cách “người đại diện chủ sở hữu về đất đai”. Trong lúc quốc hội bàn về việc triển khai sửa đổi Hiến pháp 1992, một lần nữa vấn đề sở hữu đất đai được nói đến.
Bất cập của chế độ công hữu đất đai
Hiến pháp năm 1959 định danh quyền sở hữu, trong đó chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Chế độ công hữu về đất đai bắt đầu được quy định trong Hiến pháp 1980 mà theo chuyên gia Lê Văn Tứ, sự chuyển quyền sở hữu này nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng đất được công bố quốc hữu hóa trước đó qua chính sách cải tạo nông nghiệp công thương nghiệp. Hiến pháp năm 1992 cũng tiếp tục quy định như thế. Cụ thể, điều 17 và 18 Hiến pháp 1992 qui định “Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân”; và “Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định dựa trên lý luận kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa; theo đó các tư liệu sản xuất chủ yếu được công hữu hóa và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung dựa trên chế độ công hữu (được quy định tại điều 15 HP 1992).
Không thể phủ nhận rằng chế độ công hữu về đất đai bỏ được việc thu tư lợi từ địa tô, và trên lý thuyết việc này tạo được sự bình đẳng trong xã hội.
Tuy nhiên, việc công hữu đất đai lại tạo những rào cản khác. Một trong những bất cập của chế độ công hữu là tạo ra những sơ hở tạo cơ hội tham nhũng trong quản lý đất đai.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ trong một bài viết nhan đề “Công hữu đất đai và nguy cơ tham nhũng” đăng vào tháng 9 năm ngoái thì trên thực tế Nhà nước quyết định thu hồi đất và định giá bồi thường với tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Đó là nguyên nhân tạo ra tham nhũng.
Nói về vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết:
"Hiện nay, theo những báo cáo tổng kết được, thì một trong những tham nhũng nhiều nhất là tham nhũng đất đai. Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một chỗ hở để cho các quan chức Nhà nước chiếm đoạt đất đai của người dân để nên giàu có”.
ĐBQH Dương Trung Quốc mặc dù không cho rằng đây là một nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, ông theo ông mặc dù cơ chế công hữu đất đai tạo nên sự thúc đẩy khả năng tập trung nguồn lực, giải quyết những vấn đề trong quá trình quy hoạch lại đất nước, và xây dựng những thúc đẩy kinh tế; nó cũng có những kẽ hở.
“Mặt tiêu cực của việc công hữu đất đai là mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người và đồng thời mang lại thiệt thòi cho một nhóm người khác, nhất là người nghèo, tạo ra những bất công xã hội.
Trong thời gian vừa rồi thì không ai giàu lên mà không dính đến đất đai: từ những doanh nghiệp cho đến những quan chức nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đất đai. Nếu nói về khía cạnh ấy thì đúng là luật đất đai đang tạo kẽ hở cho một nhóm người”.
Sở hữu toàn dân mà nhà nước quản lý
Điều 5 và điều 7 Luật đất đai năm 2003 tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Luật này cụ thể hóa vấn đề sở hữu toàn dân là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền sử dụng thuộc về người được giao đất, Nhà nước định đoạt về qui hoạch- kế hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, còn quyền chiếm hữu thì rất mơ hồ.
Việc số đông người nghèo chịu những tiêu cực từ những qui định sở hữu đất đai trong Hiến pháp cũng như trong Luật đất đai cụ thể là tình trạng mất đất hoặc bồi thường không thỏa đáng cũng chính là nguyên nhân của những bức xúc trong xã hội, của những khiếu kiện tập thể và biểu tình xảy ra trong thời gian qua.
Ngoài ra, một điểm bất cập của chế độ công hữu đất đai được nhiều người nói đến là việc nó không phù hợp với thời kỳ quá độ.
Sau khi Hiến pháp 1980 bắt đầu qui định chế độ công hữu về đất đai, bắt đầu từ năm 1987, đã có những thay đổi trong luật đất đai nhằm giải quyết những khó khăn trong xã hội. Những khó khăn này nảy sinh từ việc áp dụng một điều được cho là tốt trong xã hội chủ nghĩa (ở tương lai) vào hoàn cảnh xã hội hiện tại chưa đủ điều kiện trở thành một xã hội xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1987 đến năm 2003, Quốc hội đã thông qua Luật đất đai đến 3 lần với mục đích nhằm xác định cụ thể quyền lực và trách nhiệm các cơ quan nhà nước và người sử dụng đất thực hiện quyền công hữu đất đai. Cụ thể, khác với Luật đất đai năm 1987 thực hiện nghiêm túc chế độ công hữu đất đai, Luật đất đai năm 1993 có thêm 5 quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê) đối với người sử dụng đất.
Đến Luật đất đai 1998 (sửa đổi), người ta thấy luật này có các quy định về việc sử dụng vô thời hạn đối với một số trường hợp. Đây là quy định mà theo GS.TS Đặng Hùng Võ là “trái với nguyên tác của chế độ công hữu đất đai. Cũng theo ông Võ, việc này không phải nói lên khuyết điểm của những nhà làm luật mà chính là “sự thiếu phù hợp của chế độ công hữu đất đai trong giai đoạn quá độ lên xã hội chủ nghĩa”. Ông Lê Hiếu Đằng cũng cho rằng, việc công hữu đất đai không phù hợp. Ông nói:
"Trước năm 1975, khi đấu tranh Nhà nước có khẩu hiện “Ruộng đất cho dân cày. Nhưng sau năm 1975 ruộng đất thuộc về nông dân thì lại nói rằng ruộng đất thuộc Nhà nước. Đây là điều không phù hợp. Vì thế theo quan điểm của tôi là đừng giáo điều nữa. Giáo điều ở chỗ chúng ta cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa dựa trên quan hệ sản xuất toàn dân nên cứ “ôm” giáo điều ấy. Nhưng mà vừa rồi Quốc hội và Đại hội Đảng lần thứ 11 cũng thông qua việc công nhận quyền tư hữu về tư liệu sản xuất”.
Thật vậy, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai xuất phát từ kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa. Vậy khi triển khai kinh tế thị trường thì liệu chế định công hữu đất đai có còn ý nghĩa?
Có thể thấy, việc công hữu đất đai từ lâu đã lộ ra những bất cập, bằng chứng là Luật đất đai đã được sửa đổi cứ 5-6 năm một lần để phù hợp với tình hình thực tế xã hội. Nhưng quan trọng hơn hết, công hữu đất đai còn cản trở sự phát triển xã hội. Theo nhóm tác giả của bài viết “Dỡ rào cản sở hữu đất đai”, trong đó có PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, thì chế độ sở hữu này có thể gián tiếp hoặc trực tiếp cản trở sự phát triển sự làm giàu của người dân.
Đất đai, được hiểu theo nghĩa “mảnh đất”, “thửa đất” của người dân lý ra có thể được dùng làm tài sản hoặc vốn đầu tư để phát triển kinh tế và đời sống chính cá nhân người sử dụng đất. Tuy nhiên, người dân không thể sử dụng đất của mình như một phương tiện linh hoạt với mục đích sử dụng đa dạng vì năm loại giới hạn (nhất là giới hạn về chủ thể sử dụng đất và mục đích sử dụng đất). Một ví dụ dễ thấy là một mảnh đất nông nghiệp thì mục đích sử dụng của nó không thể như đất thổ cư được. Câu hỏi đặt ra là: “Quy định này có lợi cho dân hay không?”
Không còn phù hợp nữa
Việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân còn cản trở quá trình phát triển đất nước vì tâm lý thiên về tư hữu của người dân. Dễ thấy rằng, động lực phát triển kinh tế dù là của đất nước vẫn phải dựa trên lợi ích cá thể. Nếu không được sở hữu, định đoạt đất đai của mình, người dân dễ có trở ngại tâm lý làm việc hết mình. Luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:
“Nó không trở thành động lực cho người dân mà trở thành một sức ngăn trở. Cuối cùng Nhà nước không có lợi mà người dân cũng không có lợi. Mà lợi chỉ rơi vào tay những cá nhân, những tập đoàn lũng đoạn việc này”.
Không thể phủ nhận việc quốc hữu hóa đất đai đã mang đến một sức mạnh tập trung kinh tế trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, việc này đã xuất hiện những điểm bất cập từ lâu và khi đất nước đi theo nền kinh tế thị trường thì những bất cập ngày càng hiện rõ. Đã rất nhiều lần vấn đề tư hữu đất đai được mang ra bàn thảo nhưng vần đề này vẫn còn nhiều ngáng ngại từ nhiều phía nhất là giới cầm quyền và đặc biệt khi giới này xuất hiện tại nghị trường quốc hội với tư cách đại biểu.
ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng mục đích xã hội tiến đến là chế độ tư hữu ruộng đất. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần được bàn thảo kỹ lưỡng bởi nếu xuất hiện tư hữu ngay bây giờ, có thể lại là cách hợp thức hóa quyền tư hữu đất đai cho một nhóm người. Ông nói:
“Nhiều người đã bị lấy đất đai. Tuy nhiên, nếu có quyền tư hữu ngay bây giờ thì rõ ràng là cách hợp thức hóa một thực tiễn là mang lại lợi ích cho một nhóm người. Tôi nghĩ đây là một điều nên nghiên cứu thật kỹ, không nên vội vã nhưng không được chậm trễ. Tư hữu là mục tiêu nhưng phải có lộ trình. Đó là lộ trình điều chỉnh lại lợi ích, quan hệ xã hội để làm sao lợi ích thuộc về đa số chứ không phải thiểu số”.
Quan ngại của ĐBQH Dương Trung Quốc không phải là không có cơ sở. Và một khi sửa đổi nó phải có những bộ luật và những văn bàn dưới luật đi kèm. Vấn đề này cần thời gian. Tuy nhiên, bắt đầu của sự sửa đổi vẫn là từ Hiến pháp. Xem ra, một lần nữa đây là một vấn thiết thân đối với xã hội và người dân hy vọng quốc hội khoá 13 sẽ tạo đựơc dấu ấn trong việc thay đổi một cách toàn vẹn những lợi ích thật sự của người dân thông qua Hiến pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước bằng luật tư hữu đất đai đúng như nền kinh tế thị trường đòi hỏi.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
25-8-2011