VRNs (26.09.2011) – Vào khoảng 20g ngày hôm nay 26/09/2011 sau khi dâng thánh lễ misa tại một nhà giáo dân Xóm 8, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (ĐMHCG) Sài Gòn, các ca viên của ca đoàn Xóm 7 + 8 đã đến thăm gia đình anh Phêrô Trần Vũ Anh Bình. Cùng đi với các anh chị em ca viên còn có hai linh mục Giuse Hồ Đắc Tâm, Chính xứ giáo xứ ĐMHCG Sài Gòn và Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Mẹ anh Bình và hai linh mục DCCT
Các linh mục và ca viên thăm viếng thân nhân của anh Bình và hỏi han tin tức. Gia đình anh Bình hiện đang sống với mẹ già cùng với các anh chị em khác. Vợ anh trông không được khỏe. Theo thân nhân của anh Bình cho biết: sáng ngày 19/09/2011 sau khi tham gia hát lễ an táng cho một người đồng đạo trong giáo xứ, anh Bình và các ca viên khác điểm tâm cùng với nhau trong quán bún bò đối diện nhà anh ở hẻm 14 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3. Sau đó anh Bình về trước để đưa con đến trường. Khi anh lên phòng riêng nằm trên gác, bất ngờ 3 thanh niên lạ mặt đột ngột xông vào nhà không hề gõ cửa hay bấm chuông, cũng không có sự đồng ý của những người sống trong căn nhà đó. Một người chị của Bình thấy người lạ vào nhà thì chạy ra có ý ngăn cản và hỏi “các anh đi đâu?”. Những người này không trả lời mà chỉ tay lên gác rồi cứ thế chạy qua mặt người phụ nữ này để lên gác. Ngay lúc đó, người phụ nữ kêu lên: “Bình ơi!”. Anh Bình nghe tiếng chị gọi nên chạy ra cửa phòng, đúng lúc kẻ lạ mặt cũng vừa tới cửa và người này đẩy Bình trở vào phòng. Những kẻ lạ mặt khác ở ngoài cũng chạy vào trong nhà Bình. Chị anh Bình đã ngăn cản những người này lại và yêu cầu ra khỏi nhà chị. Thấy việc đột nhập gia cư một cách “vô duyên”, những người này đã rút ra ngoài và gọi điện cho đồng bọn đến tiếp ứng. Nhóm ca viên lúc ấy đang ở đối diện đã chứng kiến sự việc và đếm thấy có gần 20 thanh niên lạ mặt bao vây xung quanh nhà Bình. Sau đó công an khu vực xuất hiện để yểm trợ cho việc làm của nhóm người lạ mặt này.
Các bạn ca viên trong ca đoàn
Nhóm người này tự xưng là an ninh và đề nghị gia đình Bình phải hợp tác, nếu không họ sẽ xuất trình lệnh khám xét chỗ ở!!! Họ đã lấy đi một máy vi tính để bàn, một laptop và một ổ cứng di động của Bình mà không hề lập biên bản tạm giữ đồ vật. Anh Bình cũng bị nhóm người này bắt đi.
Hai ngày sau, ngày 21/09/2011 một số người mặc sắc phục, có người mang kính đen đã đến gia đình Bình để kiểm tra các đĩa CD trong phòng anh và cũng đã tạm giữ một số CD này.
Chiều ngày 22/09/2011 anh trai của Bình đã đến cơ quan an ninh điều tra, công an TP.HCM tại số 4 Phan Đăng Lưu xin được gặp Bình và công an đã cho gặp. Bộ dạng Bình rất tiều tụy và suy sụp. Bình chỉ nói ngắn gọn với anh trai vài điều, chẳng hạn như “Vì yêu nước…!”, “Anh chăm sóc dùm cho con em nhé”…
Hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã an ủi thân nhân anh Bình, khuyên họ cần bình tĩnh để đối diện với sự thật. Các ngài căn dặn họ cần yêu cầu những công an đến làm việc với gia đình phải tôn trọng pháp luật, phải mặc sắc phục, đeo bảng tên, xuất trình giấy tờ,… chứ không thể hành xử như khủng bố. Vì nếu kiểu làm việc này được dung túng trong xã hội, thì khi một nhóm kẻ xấu khủng bố dân lành sẽ không ai biết để ngăn chặn hay báo cho cơ quan chức năng. Đây là một kiểu hành xử nguy hiểm!
Thân nhân anh Bình cho biết có thể họ sẽ nhờ luật sư bào chữa cho Bình. Tuy nhiên, không chắc là có luật sư nào dám nhận bào chữa trong những trường hợp như thế này.
Gia đình đã đặt linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre để cầu nguyện cho anh Bình
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự ban hành năm 2003, các Điều khoản liên quan đến những việc làm vừa qua của cơ quan an ninh điều tra, công an TP.HCM như dưới đây. Xin trích đăng để có cơ sở đối chiếu với thực tế sự việc bắt người và thu giữ tài sản.
PV. VRNs
Điều 6. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.
Điều 8. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.
Điều 12. Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.
Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 31. Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.
Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.
Trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.
Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Điều 84. Biên bản về việc bắt người
1. Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.
Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.
Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.
Điều 85. Thông báo về việc bắt
Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.
Điều 89. Chế độ tạm giữ, tạm giam
Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
Nơi tạm giữ, tạm giam, chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 145. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.
Điều 325. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 326.
1. Người khiếu nại có quyền:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự;
c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 328. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.
Điều 333. Thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam
Khiếu nại liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.
Điều 334. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Điều 335.
1. Người tố cáo có quyền:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;
c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
2. Người tố cáo có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;
b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Điều 337.
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Trong trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố xem xét, giải quyết.
Thời hạn giải quyết tố cáo không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá chín mươi ngày.
2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật này.
3. Tố cáo liên quan đến hành vi bắt, tạm giữ, tạm giam phải được Viện kiểm sát xem xét, giải quyết ngay. Trong trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá ba ngày.