VRNs (02.09.2011) – … Một cuộc khủng hoảng xảy ra cho Giáo Hội, ta có thể giải thích bằng nhiều lý do: xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá, tâm lý, v.v… Những nguyên nhân đó đều có thực. Nhưng còn một nguyên nhân ẩn khuất mà quyết định mê hồn trận sẽ ngã ngũ ra sao. Đó là khi cộng đồng tôn giáo được một thực tại sắc bén trắc nghiệm, để phân định lúa tốt với cỏ dại, vàng với thau, những gì trân quý với những của giả rác rưởi…
Cuộc khủng hoảng đau đớn có tác dụng làm cho những xơ cứng, vô tâm, giả tạo của bệnh Pharisêu bị thiêu rụi, bay biến, lộ nguyên hình cát bụi. Nó tạo nên cảm giác Giáo Hội bị đổ vỡ tan hoang. Nhưng khi những nhân tố tôn giáo ngụy tạo đã tan hoang rồi, thì mọi sự sẽ đụng vào cái phần chân lý, cái phần “Thiêng” vẫn trường tồn, vẫn bất tử. Và đó là Mùa Xuân Mới…
Các bài đọc trong Phụng Vụ mấy hôm nay (từ thứ Bảy tuần XX đến thứ Tư tuần XXI Thường niên) rổn rảng những lời Chúa trách móc các Kinh Sư và Pharisêu. Nào là “đạo đức giả, khóa cửa Nước Trời, kẻ dẫn đường mù quáng, lọc con muỗi, nuốt con lạc đà, rửa sạch chén đĩa, mà trong lòng thì đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ, mả tô vôi, con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ…” (Mt 23)
Chính từ những đoạn như đoạn này, mà những từ ngữ như “Pharisêu, Biệt Phái, Phái tách biệt, Pharisaisme” mang một ý nghĩa thật xấu trong văn hóa Kitô giáo. Pharisêu đồng nghĩa với đạo đức giả, một kiểu đạo đức che đậy những sự nhẫn tâm, thói “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, nhân danh Chúa đấy mà hóa ra giết Chúa đấy. Và chính chúng ta, trước những cảnh trái ngang trong xã hội, và trong Giáo Hội, cũng nổi sùng lên và không làm chủ được mình, cũng mắng chửi vung vít người này kẻ nọ là Pharisêu.
Nhưng nghĩ lại thì người Pharisêu đáng thương quá chứ! Làm sao mà hóa ra nông nỗi ấy? Tại vì lúc ban đầu ý người ta có như thế đâu! Để sản sinh ra dòng Biệt Phái, Dân Chúa trong Cựu Ước đã đi qua biết bao cảm nghiệm. Từ thịnh vượng đến tan hoang, Dân Chúa phải học cho biết yêu mến bằng tất cả máu thịt tôn giáo và văn hóa của ông cha truyền lại. Phải trung thành với tình yêu ấy qua bao nghịch cảnh, những lúc phải sống giữa một xã hội giàu sang hơn mình, có thể là tiến bộ hơn mình về nhiều mặt. Trung thành được như thế với truyền thống của mình tức là đã khám phá ra một cái gì tinh túy lắm, đích thực là chân giá trị tinh thần. Chẳng thế mà người Pharisêu muốn mang những luật thanh sạch của Đền Thờ, có mục đích diễn tả cõi Biệt Thánh của Thiên Chúa, áp dụng vào cuộc sống phàm tục hàng ngày (thuế thập phân, rửa tay v.v…). Đó là một cảm nghiệm sâu xa về quan hệ của Thiên Chúa với con người, về tính cách Thánh thiêng, “đối Thần” của cuộc sống. Từ đó mà người Biệt Phái linh cảm được giá trị của cuộc sống này trong công trình tạo thành tốt lành của Thiên Chúa (niềm tin xác loài người sống lại…), những cảm nghiệm và niềm tin ấy Kitô giáo sẽ kế thừa sau khi đã tìm thấy gốc rễ trong mầu nhiệm Chúa Kitô.
Sau này khi đất nước Do Thái tàn lụi, dân tộc tản mác điêu linh, thì tinh thần và lòng đạo của người Biệt Phái sẽ truyền lại cho đạo Do Thái để cùng nổi trôi với vận mệnh dân tộc cho đến ngày nay. Vì thế các đạo hữu Do Thái không khỏi cảm thấy bất bình khi những từ Pharisêu hay Biệt Phái lại phải mang một ý nghĩa xấu xa như vậy trong cộng đồng Kitô giáo ưu thắng.
Nhưng xét cho kỹ thì tinh thần Biệt Phái không phải là một thái độ khu biệt trong đạo Do Thái thời Chúa Giêsu. Đúng hơn nó là một quá trình biến chuyển và một hiện tượng tâm lý khá thông thường trong mọi cộng đồng tôn giáo.
Mọi cảm nghiệm tôn giáo chân chính đều bắt nguồn từ một ý thức rất cao sáng, nhưng khi muốn thể hiện diệu cảm tâm linh đó trong một tôn giáo có tổ chức, có quần chúng tín đồ, thì đều đụng phải một thách thức hiểm trở. Đó là làm thế nào để sống cái trực giác của thâm tâm giữa một xã hội tất yếu là có mặt sáng mặt tối, làm thế nào để xác lập lối sống tâm linh giữa một thế gian có sức đề kháng, với một cộng đồng đa dạng, trăm người trăm tính, với tất cả những giới hạn, những tương đối gắn liền với kiếp người. Vì thế tôn giáo phải có luật lệ, nề nếp, phong hóa, quy ước để thể hiện mình, để tồn tại, nhiều khi để tự vệ. Đó là nhu cầu chính đáng, nhưng nguy cơ sa đà vào thái độ Pharisêu, Biệt phái, hiểu theo nghĩa xấu, cũng mai phục ở đây.
Giống như một thân cây, một cành cây, khi mới mọc lên, mới nảy nở, thì bao giờ cũng tươi xanh, mềm mại, uyển chuyển, nhưng khi đã to lớn, đã trụ được với nắng mưa gió bão, thì sẽ có một lớp vỏ dày bao bọc, thô cứng, sù sì. Giữa cái vỏ ấy và cái nhựa sống bên trong có một khoảng cách. Có thể là nhiệt tình ban đầu đã mỏi mệt, có thể là ý thức đã lịm dần theo thói quen, có thể là người ta mải loay hoay đối phó với cái phần “vỏ” mà xa lìa dần phần “tâm”, có thể là với thời gian những thế hệ đi sau không còn giữ được ngọn lửa thiêng của thế hệ tiền phong lý tưởng, nhưng mỗi ngày một ít, con người cũ tham sân si nổi dây, gặm nhấm đến cạn kiệt cái mạch sống tinh thần vốn là lẽ sống xưa kia.
Chính vì thế người ta mới nói: bộ áo không làm nên thầy tu. Hay là nói như câu châm ngôn: đừng thấy đỏ mà nghĩ là chín.
Hiện tuợng này không chỉ có ở tôn giáo, nó có thể xảy ra ở bất cứ một phong trào, một cộng đồng nào được quy tụ chung quanh một lý tưỏng nhân sinh. Chính nó làm biến chất mọi hoài bão, mọi định hướng cao sáng. Nó là chặng đường đi “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chiếu qua tim” đến anh cán bộ tham nhũng lì lợm, độc ác.
Nhưng tôn giáo, hiểu như một cộng đồng mang tính tâm linh, hơn ai hết phải đề phòng căn bệnh này. Chính vì nó, Chúa đã đưa ra những lời cảnh báo đắng cay: “Các Kinh Sư và các Pharisêu ngồi trên toà Môsê mà giảng dạy.Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 2 – 4). “Anh em phải coi chừng những ông Kinh Sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm chỗ danh dự trong hội đường, ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của cá bà goá, lại còn giả bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ…” (Mc 12, 38 – 40; x. Lc 20, 46 – 47).
Khi hiện tượng này lan rộng, tôn giáo sẽ đi vào giai đoạn mạt pháp. Trường hợp cùng cực đã xảy ra cho giới Kinh Sư và Pharisêu, khi họ giết Đức Giêsu mà không thấy, không biết hay không muốn biết là mình giết Đức Chúa. Đam mê phàm tục đã biến họ thành kẻ mù mà họ vẫn tự cho là mình sáng mắt.
Đôi khi Giáo Hội có thể trở thành “miếu thiêng vụng kén người thờ”. Miếu vẫn thiêng, nhưng vụng kén người thờ thì người thờ sẽ làm lu mờ sự thánh thiêng của miếu bằng những thứ hương khói làm người ta cay mắt. Mắt đã cay thì còn đâu sáng mắt sáng lòng để cảm nhận sự Thánh Thiêng.
Nhưng chân lý vẫn có đó. Những cuộc khủng hoảng xảy ra chính là sự phán xét của chân lý, khi các giới tôn giáo đụng vào thực tại. Một cuộc khủng hoảng xảy ra cho Giáo Hội, ta có thể giải thích bằng nhiều lý do: xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá, tâm lý, v.v… Những nguyên nhân đó đều có thực. Nhưng còn một nguyên nhân ẩn khuất mà quyết định mê hồn trận sẽ ngã ngũ ra sao. Đó là khi cộng đồng tôn giáo được một thực tại sắc bén trắc nghiệm, để phân định lúa tốt với cỏ dại, vàng với thau, những gì trân quý với những của giả rác rưởi. Cụ già Simêon, khi bồng Hài Nhi trong tay, trong một giây phút giác ngộ, đã nói lời sấm với bà Maria: “Thiên Chúa đã đặt con trẻ này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Con trẻ là dấu hiệu cho người đời chống báng; để cho thâm tâm nhiều người lộ ra. Còn bà, một lưỡi gươm sắt sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34 – 35).
Cuộc khủng hoảng đau đớn có tác dụng làm cho những xơ cứng, vô tâm, giả tạo của bệnh Pharisêu bị thiêu rụi, bay biến, lộ nguyên hình cát bụi. Nó tạo nên cảm giác Giáo Hội bị đổ vỡ tan hoang. Nhưng khi những nhân tố tôn giáo ngụy tạo đã tan hoang rồi, thì mọi sự sẽ đụng vào cái phần chân lý, cái phần “Thiêng” vẫn trường tồn, vẫn bất tử. Và đó là Mùa Xuân Mới.
Biết như vậy nên người có Đức Tin sống giữa muôn vàn sự ồn ào, sặc sỡ của thế gian, luôn phải dành ra một cõi lặng trong lòng mình, để kiên trì dõi theo cái ánh sáng tâm linh tinh khiết, nó như một con đường hẹp, một dòng suối nhỏ mát trong vẫn len lỏi đâu đó giữa sự phồn tạp của cuộc sống.
Nếu người Pharisêu chỉ là một vài cá thể đã ra người thiên cổ từ lâu, những đoạn Tin Mừng đọc mấy hôm nay có thể không nói gì nhiều với ta. Nhưng nếu Pharisêu là một hiện tượng vẫn tồn tại và sinh sôi giữa chúng ta, là một diễn biến bi đát cho nhiều người, và nó đang rình rập chúng ta tất cả, thì những Lời Chúa nói đáng cho ta suy nghĩ nhiều.
Lm. MÁTTHÊU VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT
Nguồn: Ephata 474