VRNs (27.09.2011) - Hà Nội - Như một tất yếu, đã là lãnh đạo cộng sản cao cấp thì gần như không có khiếm khuyết kể cả đức độ hay tài năng. Đó thường là sự đánh giá chính thống (thuộc nhà nước, các thành phần có cảm tình với nhà nước) trong các chế độ cộng sản. Nhưng đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo nổi bật trong thời kỳ “đổi mới” của Việt Nam, sự đánh giá một chiều kiểu đó dường như không chỉ giới hạn ở các cơ quan chính thống, quan điểm chính thống. Thiển nghĩ, mọi sự thiên lệch (dù ở phía nào) trong tư duy, đánh giá đều không có lợi cho tiến bộ. Việc nhận biết để thoát được xu hướng tư duy, đánh giá có hại đó là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại khi Việt Nam đang phải đau đớn chứng kiến những hậu quả hết sức tai hại, nan giải từ các ngộ nhận lịch sử (“Nước ta có vinh dự lớn là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”[1], “Việt Nam-Trung Hoa vừa là đồng chí vừa là anh em”[2], v.v.). Bài viết sau đây nhằm mang lại một số cân bằng cho những đánh giá một chiều về di sản Võ Văn Kiệt đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần đây.
Báo Người Việt mới đây đã thuật lại một tư liệu của Wikileaks có nói đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tư liệu này đưa ra những thông tin phản ánh tầm nhìn, tầm ảnh hưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc hình thành nhân sự lãnh đạo quốc gia nối tiếp sau ông. Trong một trích dẫn, Người Việt viết: ““Một nguồn tin ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, cha của Nguyễn Tấn Dũng tử nạn vì bị Hoa Kỳ hay quân đội VNCH tấn công ngay giữa lúc đang họp với hai lãnh đạo của lực lượng nổi dậy lúc đó là Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt.”
Công điện giải thích:
“Vẫn theo nguồn tin này, cả Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt tin rằng họ nợ Dũng một món ‘ân oán’, và có bổn phận phải đền bù cho Dũng.
Ðó là lý do tại sao, dù có lập trường đối nghịch nhau, cả hai, Lê Ðức Anh thuộc thành phần bảo thủ, từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997, và sau khi về hưu vẫn có rất nhiều thế lực; và Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất, đều cùng tiếp tay hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của Dũng.”
Những thông tin kể trên của Người Việt (thuật lại Wikileaks), dù chưa thể khẳng định hay bác bỏ, làm liên tưởng ngay đến câu chuyện cổ được học giả Phan Kế Bính chép lại trong tác phẩm Việt Nam Phong tục, xuất bản lần đầu năm 1915: “Quản trọng thuở hàn vi cùng với Bảo Thúc đi buôn, cứ chia lời thì Quản Trọng chiếm lấy phần hơn, vậy mà Bảo Thúc cũng không chê Quản Trọng là tham, vì biết Quản Trọng nghèo hơn. Đến khi Quản Trọng gặp nạn Công-Tử Cổ, Bảo Thúc cố sức giúp thoát nạn, lại dâng lên vua Tề Hoàn công để vua dùng làm tướng, mà mình lại chịu ở hàng dưới, Bảo Thúc cũng không lấy thế làm hiềm. Về sau Quản Trọng sắp mất, vua hỏi ai thay được ngôi mình, thì Quản Trọng tiến cử người khác, mà bác Bảo Thúc đi không tiến, Bảo Thúc lại càng phục chớ không dám giận. Ấy là vì Bảo Thúc biết cái tài Quản Trọng hơn mình nhiều, mà Quản Trọng thì một lòng vì nước, coi việc nước trọng hơn tình riêng anh em, cho nên Bảo Thúc càng sợ bụng công bình của Quản Trọng, mà Quản Trọng cũng càng phục cái lượng to của Bảo Thúc.”[3]
Còn đây là một thông tin khác cũng liên quan tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra năm 1995 khi ông Võ Văn Kiệt đương giữ chức Thủ tướng, trong đó tài liệu được coi là “bí mật nhà nước” là bức thư của đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ Chính trị đề ngày 09/08/1995. Nhưng, xét từ hình thức đến nội dung, bức thư đó không thuộc qui định tài liệu Tối mật của các qui phạm pháp luật đương thời (Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước, Qui chế Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 84/HĐBT ra ngày 9/3/1992). Bức thư vừa kể còn được phổ biến khá rộng rãi trong dân chúng vào trước khi xảy ra vụ án và chính ông Hoàng Hữu Nhân, cựu Bí thư thành ủy Hải Phòng, một cán bộ cộng sản lão thành, đã viết lên bản sao của bức thư đó rằng: “Chẳng có gì đáng gọi là “bí mật quốc gia”. Không đăng báo, phát thanh là một thiếu sót.” Những “bị cáo” nạn nhân trong vụ án đó là ông Lê Hồng Hà, Đại tá công an về hưu, ông Nguyễn Kiến Giang, cựu Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự thật và ông Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu), Phó tiến sỹ sinh học, cựu Phó giám đốc Phân viện Khoa học Việt Nam tại Đà Lạt. Cả ba người đều bị kết tội với các án tù dài ngắn khác nhau vì bị cáo buộc rằng đã “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là bức thư kể trên. Vụ án đã gây nên nhiều bất bình, phẫn nộ nơi dư luận trong, ngoài nước. Nhiều cán bộ cộng sản lão thành cũng đã lên tiếng bênh vực hay vận động để ủng hộ các bị cáo. Nhưng đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoàn toàn im lặng. Bản thân ông Lê Hồng Hà, vào tháng 01/1998, sau khi ra tù, đã có đơn thư khiếu nại gửi tới các cơ quan tư pháp, tòa án và đồng kính gửi tới chính cá nhân cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó đang giữ chức Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN)) để đòi hỏi minh oan. Nhưng phản hồi cho lá đơn đó vẫn là sự im lặng, của những nơi, những cá nhân được gửi, từ đó cho tới tận hôm nay.
Vụ án vừa kể cũng làm gợi lại một câu chuyện khác được ghi ở ngay trong lịch sử Việt Nam cận đại. Quan Phụ chánh Đại thần Ngô Đình Khả của triều Nguyễn, năm 1907, lúc ông đương kim phụ chánh tại triều; vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên bị thực dân bày trò các đại thần triều đình kí thỉnh nguyện thư yêu cầu viện Cơ mật và Pháp truất quyền và đày vua Thành Thái sang Châu Phi, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần. Lúc đó tại triều, hầu hết các đại thần đều ký vào thỉnh nguyện thư đó. Riêng Ngô Đình Khả đứng lên phản đối, rồi sau đó bị giáng chức, cho về hưu trí không có hưu bổng. Năm 1913, Thượng thư Bộ công đương nhiệm Nguyễn Hữu Bài cũng phản đối việc Khâm sứ Mahé cho khai quật mả vua Tự Đức để vơ vét châu báu. Nhân dân sau đó đã ghi lại khí tiết hai vị quan vừa kể bằng câu ngạn ngữ: ”Đày vua không Khả, đào mả không Bài”[4]. Còn chuyện sỹ phu thời phong kiến treo áo từ quan, rũ bỏ danh hoa, phú quí của triều chính thối nát để về quê sống đời bần đạo là những chuyện có nhiều trong lịch sử, không thể kể xiết.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn chính là người đã hạ bút ký vào một văn bản hết sức phản dân chủ: Nghị định 31/CP ban hành ngày 14/04/1997 cho phép giam giữ công dân ngay tại gia đình (quản chế tại địa phương) mà không cần xét xử, mở đường dễ dàng hơn cho những đợt trấn áp sau đó của ĐCS VN đối với những người thể hiện công khai chính kiến khác biệt. Có thể có người cho rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ là người phải chấp hành kỷ luật đảng hay nguyên tắc “tập trung dân chủ” của ĐCS VN khi hạ bút ký vào văn bản phản dân chủ đó. Nhưng nếu vậy, ai có thể trả lời được cho câu hỏi: trách nhiệm cá nhân, nhân cách cá nhân của một con người ở đâu?
Tuy nhiên, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo cộng sản Việt Nam vào hàng cao cấp nhất khi về hưu đã biểu lộ một số tiến bộ vượt hẳn lên so với bản thân ông trước đó và đảng của ông. Ông đã dám bày tỏ công khai những quan điểm khác với đường lối chung của ĐCS VN về một số vấn đề như cách nhìn nhận về chế độ Việt Nam Cộng hòa hay người có chính kiến khác biệt. Hoặc ngay khi đương chức ông đã quan tâm, trân trọng, lắng nghe một số trí thức, văn nghệ sỹ, kể cả những người đã ở “phía bên kia”, hoặc ông đã góp phần đưa đến những quốc sách kinh tế thuận lợi cho tiến bộ xã hội. Thậm chí có thể, như một số người đánh giá, ông là một lãnh đạo cộng sản “đã để lại nhiều dấu ấn trên khắp miền đất nước”, khi “mất đi thì bỗng để lại một khoảng trống mênh mông”. Nhưng, nếu chỉ đánh giá một chiều ưu điểm hay ca ngợi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như một lãnh đạo mẫu mực của cải cách, của nhân phẩm, dù chỉ với dụng tâm làm chỗ dựa cho những vận động cải cách khác, thì không chỉ gây ngộ nhận cho dư luận mà còn rất dễ mắc ngay phải những rào cản tiến bộ mà những kẻ cầm quyền độc tài luôn muốn tạo ra hay những kẻ láu cá, cơ hội rất thích bám vào. Vì sự im lặng trước bất công để bảo thân, hưởng lợi khi đương quyền sẽ rất ung dung khi nghĩ rằng dư luận vẫn trông ngóng một sự nhẫn nhục thâm sâu để chờ thời. Những kiểu lên tiếng nửa vời khi lợi lộc đã tràn đầy lúc hưu trí sẽ rất tự đắc khi tin rằng dư luận không thể phân biệt được với những thức tỉnh lương tâm thực sự vào lúc cuối đời. Cũng không phải ngẫu nhiên mà truyền thông nhà nước hiện nay vẫn dành nhiều nguồn lực để tô điểm cho hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vẫn có nhiều sách tôn vinh công lao bác “Sáu Dân” được xuất bản. Nhưng nếu cũng chỉ nghe, xem và đọc những gì do truyền thông nhà nước nói đến thì khó có thể tin rằng trên đời này còn có những lãnh đạo cộng sản khác có những cái tên như Trần Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Nguyễn Hộ.
Tuy vậy, sẽ là không tưởng nếu đòi hỏi một người, đã đi theo cộng sản từ nhỏ rồi lại phấn đấu tới hàng ngũ lãnh đạo cao nhất trong đảng cộng sản, phải biết đến những thiết chế dân chủ có khả năng kiềm chế quyền lực, có sức mạnh làm chùn mọi ý đồ thâu tóm quyền lực hay phải có những ý tưởng, những hành động cải cách bài bản và rõ ràng theo mô hình dân chủ. Nhưng, người cộng sản hay bất kỳ con người nào khác, dù chưa biết gì về dân chủ, cũng vẫn có thể góp phần duy trì hay đặt lại được những nền móng cơ bản cho một xã hội tử tế hay một xã hội dân chủ trong tương lai. Đó là tập quán không im lặng trước bất công, trước cái ác và ý thức trách nhiệm xã hội – biết đặt công lợi hơn tư lợi, dám đặt tình chung với nước lên trên tình riêng với gia tộc, bạn hữu, đảng phái ngay khi cần và lúc bản thân con người có khả năng gây ảnh hưởng nhất. Bảo Thúc, Quản Trọng, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài đã là những người như thế dù họ không phải là những người thuộc thời đại dân chủ hay cộng hòa. Đáng tiếc, trong di sản của Võ Văn Kiệt không có những mảng sáng như thế. Có thể việc đánh giá này là quá khắt khe trong bối cảnh khắc nghiệt của chính thể Việt Nam dưới sự thống trị độc tôn của đảng cộng sản. Nhưng người xưa đã nói: Nước loạn mới biết tôi trung.
Tuy thế, cũng cần phải nhận thấy các mảng tối trong di sản Võ Văn Kiệt nói đến ở đây (đặt tình riêng với đảng, với đồng đội, thân hữu lên trên tình chung với tổ quốc, dân tộc, xã hội; im lặng làm ngơ hay tiếp tay cho sai trái, bất công khi đương chức) không phải là cá biệt trong hệ thống chính trị (cộng sản) ở Việt Nam (cũng như ở các nước cộng sản khác). Có những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác, được Nhà nước đánh giá “vĩ đại” hơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều, nhưng những mảng tối tương tự trong di sản của họ còn tệ hơn nữa. Vậy phải chăng chế độ chính trị do những người cộng sản dựng nên đã không chỉ kìm hãm, gây hại cho tiến bộ chung của dân tộc, nhân loại mà còn cầm tù, hủy hoại cả nhân cách, tài năng của những cá nhân lãnh đạo cộng sản tử tế nhất? Vấn đề này xin được bàn ở một dịp khác.
Hà Nội, ngày 27/09/2011
Phạm Hồng Sơn
--------------------------------------------------
[1] Trích lời phát biểu của Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa III, 1965. Hồ Chí Minh, Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà nội, 1980. Tr.370.
[2] Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: “Việt Nam-Trung Hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em”
[3] Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Bút Việt, 02/1975, Tr. 245-246.
[4] Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1997, Tr.1216; Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài 1863-1935