VRNs (21.09.2011) – Sài Gòn – Viết mừng kính Bổn Mạng Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng
Tin Mừng Matthêu có kết thúc tuyệt vời: Đức Yêsu một lần nữa mạc khải vương quyền của Người, mạc khải sứ vụ các Tông đồ và mạc khải tình yêu bao la của Người khi Người nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt. 28, 18-20).
Và cứ dựa vào những lời mạc khải có tính đoan hứa vững chắc ấy, con người chẳng còn phải lo lắng gì trước những cạm bẫy thế gian giăng ra. Ấy vậy mà khi người môn đệ Chúa Yêsu lao nhọc đến mệt mỏi, thì dường như Người im lặng. Xưa trên biển hồ, Chúa Yêsu nằm ngủ ngon giữa lúc sóng gió nổi lên. Bây giờ cũng vậy. Đức Thánh Cha Benedictô vừa nói với khách hành hương về Giáo đô Rôma: “Xem ra Thiên Chúa nín lặng và không hiện diện trước cảnh người vô tội bị bách hại.”
Tại sao Thiên Chúa im lặng vẫn là một mầu nhiệm. Có tác giả đã viết thành sách, đó là linh mục Giuse Nguyễn Thanh Bình với tác phẩm “Lạy Chúa, Tại Sao Ngài Im Lặng?”. Và trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng đã từng nhìn lên Chúa, cảm thấy sự im lặng bao trùm dù tận đáy lòng mình vẫn biết Chúa yêu thương mình vô cùng.
Kinh nghiệm đời sống gia đình cho chúng ta thấy sự im lặng của bố mẹ làm chúng ta lo sợ hơn cả những đòn roi. Đơn giản vì cho dù là đòn roi, đó vẫn là dấu hiệu của giao tiếp. Nhưng im lặng có nghĩa là giao tiếp gián đoạn.
Thế nhưng nếu xét ở khía cạnh khác, sự im lặng lắm khi mang ý nghĩa giao tiếp sâu sắc và bền vững hơn so với mọi ngôn ngữ và hành động khác. Những người yêu nhau giao tiếp với nhau bằng lời chỉ trong năm mười phút, rồi im lặng hàng giờ mà vẫn thấy hạnh phúc. Im lặng là ngôn ngữ của trái tim.
Đức Thánh Cha khẳng định với dân Chúa: “Thiên Chúa hiện diện, gần gũi, lắng nghe và và can thiệp giải thoát họ. Đó là chiến thắng của đức tin có thể biến cái chết thành ơn sự sống và vực thẳm khổ đau thành suối nguồn hy vọng.” Thiên Chúa im lặng nhưng Ngài gần gũi, lắng nghe và can thiệp.
Nhiều khi con người cất tiếng nói nhưng không hiện diện, không gần gũi, không lắng nghe. Đó là tiếng của truyền hình, của điện thoại, của phát thanh. Chúng ta còn nhớ trong bài giảng Lễ bế mạc khoá Truyền Thông tại Hà nội, Cha Matthêu Vũ khởi Phụng đã nhắc đến những xôn xao ồn ào của các sóng điện hôm nay với nội dung rỗng tuếch.
Thiên Chúa thì hiện diện, gần gũi và lắng nghe. Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh thái độ căn bản của người môn đệ Chúa là nghe, hiểu và thực hành Lời Chúa. Mà Chúa vẫn nói, qua Kinh Thánh, qua Giáo Hội, qua các biến cố và cả trong thinh lặng nữa. Bởi vì Chúa vẫn ở gần bên.
Con người cảm nhận sự im lặng của Thiên Chúa không phải khi chung quanh mình yên tĩnh. Họ nhận ra rằng Chúa im lặng khi thế gian hung hăng la lối, khi quân dữ hò hét đòi đóng đinh và khi những âm thanh chát chúa vang lên khắp nơi.
Khi còn là ông Lêvi làm nghề thu thuế, hẳn thánh sử Matthêu không có cơ hội lắng nghe tiếng Chúa. Chúa im lặng. Nhưng khi đi theo Chúa Yêsu, lắng nghe, lặng lẽ ghi chép và suy tư, thánh Matthêu nghe Chúa nói rất nhiều, và ngài nghe cả lúc Chúa Yêsu im lặng hay nằm ngủ. Khi thánh Matthêu thuật lại việc Chúa bảo sóng im gió lặng, ngài viết: “Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt.8,23-27).
Trong ngữ cảnh ấy, chúng ta hiểu được niềm tin của Matthêu, hiểu được sự giao tiếp của ngài với Chúa Yêsu trong sự thinh lặng nội tâm, và hiểu được tại sao Matthêu phải viết lên để loan truyền kỳ công của Chúa. Và dĩ nhiên, Matthêu cũng viết và kể về “sự thinh lặng nhiệm mầu” của Thiên Chúa.
Khi Matthêu nói đến người bà con đích thực của Đức Yêsu Kytô (12,46-50), ngài nhấn mạnh đến Đức Maria và những người môn đệ luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Lắng nghe Chúa qua Lời minh nhiên và cả khi Ngài im lặng. Lắng nghe Chúa giữa náo động ồn ào và trong nơi cô tịch.
Con viết bài này để cùng với Gia đình Truyền Thông Chúa Cứu Thế chúc mừng Bổn Mạng Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng. Lời chúc mừng của chúng con xin là lời của Đức Thánh Cha: ”Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau lạy Chúa, xin đừng đứng xa. Xin cứu mạng con khỏi lưỡi kiếm, gỡ thân con cho thoát miệng chó rừng, khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (TV 22, 20-22) Đó là một tiếng kêu mở trời, vì nó tuyên xưng một niềm tin vượt qua mọi nghi ngờ, mọi tăm tối và buồn sầu. Và tiếng kêu than biến thành lời chúc tụng…”
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs