Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Bài ca chiến thắng của người nghèo khó

VRNs (30.09.2011) – Mừng lễ Mẹ Maria Mân Côi
Giáo Xứ tôi, được xây dựng vào tháng 10 năm 1973, khi cha Stephanô đưa đoàn di dân vào khu khẩn hoang lập ấp. Rừng thiêng nước độc. Nhà Thờ bằng cây rừng, mái tôn, vách ván thô sơ.



Sau tháng 4 năm 1975, Nhà Xứ, Nhà Thờ trống trước trống sau, và đoàn Giáo Dân nghèo vẫn còn đó, mà chủ chiên thì vắng bóng vì thời cuộc quá nhiễu nhương.

Mỗi Chúa Nhật, bà con đến Nhà Thờ đọc dăm bảy kinh rồi về. Gọi “dăm bảy kinh” là vì bà con không dám ngồi lâu hơn trong Nhà Thờ nằm ngay bên cạnh Ủy Ban Nhân Dân Xã mới được xây dựng ngay trên đất đã qui hoạch cho Nhà Thờ!

Cha GB. Trương Văn Hiếu, chánh xứ Giáo xứ Hòa Vinh, cách Giáo xứ tôi 4 cây số, thường xuyên kín đáo thăm bà con và thỉnh thoảng thăm Nhà Thờ, ban Bí Tích Giải Tội tập thể. Rồi dần quen, cha thỉnh thoảng đến dâng Thánh Lễ công khai luôn. Tháng 10 năm ấy, lễ Đức Mẹ Mân Côi, cha tha thiết bảo bà con siêng năng lần hạt Mân Côi với niềm tin rằng Mẹ sẽ ban cho anh em một chủ chiên mới.

Cũng ngày ấy, ngài chính thức đặt tên cho ca đoàn Giáo xứ gồm những anh chị em nông dân nghèo khổ cái tên gọi thân thương “Ca Đoàn Mân Côi”. Ngài nói: “Kinh Mân Côi là bài ca chiến thắng của những người nghèo khổ của Thiên Chúa”. Ngài giải thích: “Người nghèo khổ của Thiên Chúa là người có lòng khiêm nhượng, khao khát Thiên Chúa với niềm tín thác mạnh mẻ, và nhất là, người biết mình còn có đời sau và cần có đời sau”.

Cả Giáo xứ ra sức đọc kinh Mân Côi, nhà nhà Mân Côi, người người Mân Côi. Bảy năm đọc kinh Mân Côi. Bà con hiệp lòng ký vào một đơn xin Linh Mục đặt dưới chân Đức Mẹ. Hai ông trong Hội Đồng Giáo xứ đi ở tù. Nhiều ông khác “được” thăm hỏi, “được” canh phòng cẩn mật…

Tháng 9 năm 1982, Cha PX. Lê Quang Diễn nhận bài sai của Đức Giám Mục Nicolas, từ trại cải tạo về làm quản xứ. Có thể nói, đây là bài sai đổi xứ đầu tiên trong Giáo Phận sau năm 1975, và cũng là trường hợp đổi xứ đặc biệt nhất: từ trại cải tạo ra ngay làm quản xứ, không có thời gian quản thúc, quản chế… Cả Giáo xứ tạ ơn Mẹ Maria và nhận ra đây là phép lạ của chuỗi Mân Côi mà cha GB. Trương Văn Hiếu đã khuyến khích trong suốt 7 năm ròng.

Cha GB. đã về với Chúa ngày 21.5.2011, nhưng “Bài Ca Chiến Thắng Của Người Nghèo Khổ” từ ngài vẫn luôn là lời nhắn gửi sống động:

- Kinh Mân Côi của người có lòng khiêm nhượng

- Kinh Mân Côi của người có lòng khao khát Thiên Chúa với niềm tín thác mạnh mẽ.

- Kinh Mân Côi của người biết mình còn có đời sau và cần có đời sau.

Thiết tưởng bài ca của người nghèo và phép lạ Mân Côi không chỉ là bài ca và phép lạ của bà con Giáo xứ tôi, nhưng còn là của mọi tín hữu khắp nơi trên thế giới.


Vâng, trong lịch sử Giáo Hội, bài ca của người nghèo là lời kinh Mân Côi đã từng chiến thắng bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp vào thế kỷ 13, chiến thắng sự bành trướng của ly giáo Cải Cách ở Luxembourg, chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 16, và đầu thế kỷ 20, chiến thắng phái Tam Điểm phân hóa và chống phá Giáo Hội tại Bồ Đào Nha…

Và ngay đến hôm nay, lời kinh Mân Côi vẫn còn ghi thêm những chiến công lẫy lừng.

- Những chứng từ sống động về lời kinh Mân Côi của những người phụ nữ Công Giáo Nga, ít học, quê mùa đã hết lòng khiêm nhường, tín thác, không chỉ 7 năm Mân Côi mà là gần 70 năm Mân Côi dưới chế độ vô thần cộng sản để niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô vẫn mãnh liệt, sức sống của Chúa Giêsu Kitô vẫn trẻ trung, và Giáo Hội Chúa Kitô vẫn tồn tại và sống động.

- Những chứng từ sống động về lời kinh Mân Côi của những Giáo Hội hầm trú bên Trung Quốc đã khẳng định sức mạnh chiến thắng diệu kỳ của chuỗi Mân Côi trước bao bức bách, cường bạo.

- Những chứng từ sống động gần gũi nhất nơi mỗi biến cố thắp nến cầu nguyện cho Công Lý tại Việt Nam, bài ca chiến thắng của những người nghèo lại cất lên, và phép lạ của kinh Mân Côi phải thấy được bằng con mắt Đức Tin mới nhận ra mình đang được hơn là mất, đang thắng chứ không phải thua, đang bình an và hiệp nhất giữa sóng gió tưởng có thể chòng chành, chao đảo.

Vâng, có thể là không còn tượng Đức Mẹ ở công viên, nhưng sáng sáng chiều chiều ở “công viên mới” vẫn còn lời kinh Kính Mừng của những người yêu mến Mẹ. Tượng Đức Mẹ người ta đã dẹp đi rồi. Nhưng Mẹ vẫn ở đó. Ai dám nói những người nghèo khổ của Mẹ đang thua? Vẫn những kinh Mân Côi hướng lòng lên Đồi Thánh Giá. Có thể là không còn cây Thánh Giá trên đồi xưa đầy kỷ niệm, nhưng, cây Thánh Giá trên cao quá, ở xa quá, bây giờ người ta đã hạ cây Thánh Giá ấy xuống mà đặt vào ngay trong lòng mỗi tín hữu để tôn kính, để ôm hôn, để làm nhịp cầu cứu rỗi. Ai dám nói những người nghèo khổ của Mẹ đang thua?

Có những chiến công không chỉ thấy bằng con mắt Đức Tin, mà con mắt trần cũng có thể thấy được. Có thể bạn và tôi còn nhớ “bài ca chiến thắng của người nghèo khổ” bởi muôn tấm lòng cất lên rập ràng phía sau trường tiểu học cuối xóm Trúc Lâm nhìn về núi Tàpao nơi Mẹ đang ở đó, bị bắn vỡ đầu, bị đập gãy tay… Vâng, lời kinh Mân Côi ấy đã hiển linh thành Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao cho muôn con cái Mẹ, cho muôn người nghèo khổ thêm niềm xác tín chiến thắng.

- Những chứng từ về kinh Mân Côi, chuỗi Mân Côi, bài ca chiến thắng của người nghèo khổ còn sống động ở nơi mỗi gia đình Công Giáo. Một vòng thăm dò cho thấy những gia đình có giờ kinh chung, lần chuỗi chung sáng hoặc tối, một chục hay đủ năm chục… được nhiều ơn bình an gia đình hơn là những gia đình thiếu giờ kinh chung, vắng kinh Mân Côi chung và riêng, hoặc còn tệ hơn nữa là các thành viên trong gia đình không hề biết… lần chuỗi!

Thực ra, để đọc kinh chung và lần chuỗi chung trong gia đình không phải dễ nếu không có một quyết tâm cùng với những khiêm tốn, từ bỏ. Việc lần chuỗi riêng cũng thế, nếu không có lòng yêu mến Mẹ, tin thác cậy trông nơi Mẹ để vượt qua sóng gió cuộc đời, nhất là vượt qua cám dỗ để nên hoàn thiện thì khó lòng mà thực hiện được. Xin nghe mấy tâm sự:

“Thưa cha, nhà con không đọc kinh chung được, vì khoảng 8 đến 9 giờ là nhà con xỉn rồi! Mấy mẹ con đọc kinh thì ổng nói là… quân Pha-ri-siêu!”

“Mỗi lần lần chuỗi, con phải cất cái chuỗi đi, vừa làm việc vừa lần chuỗi cha ạ! Có chục thiếu, có chục dư! Nhưng chắc Đức Mẹ bỏ qua cho. Ổng thấy con cầm cái chuỗi là ổng chửi: “Đồ đạo đức giả !”

“Đã mấy lần cầm đến chuỗi Mân côi, mà con không thể nào lần chuỗi được, nhớ đến nó, phát ghét!”… “Nó nào?”… “Thằng chồng con!”

Bởi vậy, khi cả nhà thuận tình đọc kinh và lần chuỗi chung với nhau, thiết tưởng, đã là một chiến thắng.

- Chứng từ Mân Côi còn là bài ca chiến thắng của người có niềm tin vào đời sau, còn có đời sau và cần có đời sau. Một lời khẩn khoản thiết tha vì tin yêu Mẹ Maria là Mẹ của mình trong Nước Trời. Mẹ là trạng sư cho những tội nhân cần đến lượng khoan hồng, lòng thương xót. Không chỉ đợi đến lúc lâm chung mới tỉnh ngộ, mà ngay khi các tín hữu đọc kinh Mân Côi sốt sắng, cũng đã mặc lấy tâm tình của “tội nhân sẽ đến giờ lâm tử” nói lên niềm tin vào đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria trong tình mẫu tử thiêng liêng.

“Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi (Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống).

Mừng lễ Mẹ Maria Mân Côi và vào tháng Mân Côi, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con người Mẹ mẫu gương nhân đức tuyệt vời, ban cho chúng con Chuỗi Mân Côi phương thế chiến thắng cám dỗ, thế gian, ba thù và phương thế nên thánh. Xin cho chúng con yêu mến, tin tưởng Mẹ, mà siêng năng lần hạt riêng và lần hạt chung với gia đình.

Xin cho linh hồn cha cố GB. hưởng nhan Chúa. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng