Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Chiếc áo cưới

VRNs (07.10.2011) – Có nhiều dụ ngôn nói về mầu nhiệm Nước trời, mỗi dụ ngôn mặc khải một khía cạnh khác nhau về Nước Thiên Chúa. Thế nhưng, dụ ngôn nào cũng nhằm diễn tả cho nhân loại hiểu Nước trời là nơi con người sẽ về sau cuộc sống trần thế này. Trần gian là chỉ con đường để đi đến cuộc sống viên mãn trên thiên quốc. Nơi không còn nước mắt khổ đau vì cuộc sống, nhưng chỉ có niềm vui và hạnh phúc, vì được trở về với chính nơi mình phát xuất ra.



Nhiều quan niệm cho rằng Nước trời chỉ là viễn tượng mà con người không thể đạt được. Thật ra, làm con Thiên Chúa, trở về với Cha của mình đó là điều tất yếu, không lấy gì làm khó hiểu. Điều quan trọng là con người có muốn hay không mà thôi.

Đặt nhân loại vào trần gian, Thiên Chúa muốn họ dùng trần thế làm đường đi về Thiên quốc. Thế nhưng, mải mê với những thế sự thăng trầm, con người lầm tưởng trần gian chính là nơi trú ngụ an toàn, là gia nghiệp, là tài sản, là cuộc sống, quên đi rằng Nước trời mới chính là nơi vĩnh cửu của họ. Trần gian nay còn mai mất, nhắm mắt là buông tay, bỏ tất cả lại cho đời.

Thuật ngữ Nước trời không phải quá khó hiểu hay xa lạ với con người, tuy nhiên điểm yếu của nhân loại chính là đánh mất ý thức mình thuộc về Thiên Chúa. Trần gian chỉ là nơi tạm trú, là trạm dừng chân đưa con người về với cuộc sống đích thực nhưng khổ nỗi con người lại bám riết vào nó, lệ thuộc nó để rồi đánh mất sự sống bất diệt.

Khao khát được sống trường sinh, sống hạnh phúc nhưng con người lại loại bỏ Thiên Chúa. Mơ về một cuộc sống hạnh phúc mai hậu nhưng con người lại bám víu vào thực tại. Thật dễ hiểu, cũng không trách được, có ai lên trời mà không phải qua con đường bằng đất. Chính lối đi này đã cho nhân loại hiện diện với đời, không lệ thuộc vào nó để bảo tồn cuộc sống làm sao được. Cơm áo gạo tiền là cái cần để con người tồn tại, cho nên nhân loại lầm tưởng khối vật chất cho mình sự sống là như vậy.

Việc nhân loại khước từ không đón nhận mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, căn bản cũng chỉ vì mầu nhiệm ấy không cho họ giá trị vật chất, nếu không muốn nói là tước đoạt đi “đam mê danh vọng” của con người. Theo ý định của Thiên Chúa, ơn cứu độ được ban cho dân riêng của Ngài, một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trớ trêu thay kẻ được chọn lại không muốn đón nhận, họ đã từ khước, đã loại bỏ và chối từ Thiên Chúa. Phải chăng, những giá trị, những hứa hẹn của Nước trời không đưa đến cho con người hiệu quả, lợi ích trước mắt, nên chả còn ai muốn đến với Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa không còn ban cho một dân, nhưng là ban cho tất cả những ai thuộc về Ngài. Lời Chúa được gieo vào lòng nhân loại qua chính Con Một. Mọi người đều được mời gọi vào dự tiệc, thế nhưng không phải ai cũng đón nhận: “Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn kẻ thì bắt các đày tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22, 6). Đức Giêsu nói đến việc từ chối đón nhận Nước trời của dân tộc được tuyển chọn. Thế nên, Nước Thiên Chúa được ban cho toàn thế giới. Mọi người, ai ai cũng đều được mời vào dự tiệc Nước trời, ai cũng được đón nhận ơn cứu độ: “Các ngươi hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào dự tiệc” (Mt 22, 9).

Dùng dụ ngôn để giảng dạy, một nghệ thuật độc nhất vô nhị của Đức Giêsu, vì chưng nó gần gũi, thiết thực với đời thường. Ngài không dùng những từ ngữ văn hoa hay hình ảnh khó hiểu để mà mặc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nhưng sứ mệnh của Ngài đến trần gian chính là mặc khải cho nhân loại am hiểu về Nước trời.

Dụ ngôn không cho riêng ai mà hơn cả nói với mỗi người chúng ta. Thái độ đón nhận Lời Chúa của ta trong đời sống như thế nào. Mỗi ngày, Thiên Chúa đều mời gọi ta bước vào dự tiệc Nước trời bằng việc dâng thánh lễ, cầu nguyện cũng như các việc đạo đức, bác ái, hy sinh… Thiên Chúa mời gọi ta bước vào dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Lời Chúa mỗi ngày nhưng chúng ta có thực hành hay không đó mới là vấn đề. Thực thi Lời Chúa chính là chiếc áo cho ta vào dự tiệc Thiên quốc. Theo như tập tục Do Thái, khách được mời dự tiệc đều có áo cưới dành sẵn mỗi khi bước vào buổi tiệc. Người khách được mời không mặc áo cưới ở đây chính là hình ảnh biểu trưng Đức Giêsu dùng để nói đến những ai không sống Lời Chúa, tức khắc bị loại ra bên ngoài nếu đứng vào hàng ngũ những người thuộc về Thiên Chúa: “Này bạn, sao bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới? (Mt 22, 12). Đó chính là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta, khi đến trước tòa Chúa trong ngày cánh chung, cũng là ngày mọi người bước vào tiệc cưới Nước trời. Nếu như cứ chăm chút cho cuộc sống trần thế vật chất mau qua chóng tàn mà không quan tâm đến đời sống tâm linh, dệt cho mình chiếc áo cưới bằng sự ngoan ngùy vâng phục Thiên Chúa, bằng việc thực thi Lời Chúa thì cũng như kẻ không mặc áo cưới ra trước mặt Thiên Chúa vậy. Khi đó, chắc chắn sẽ bị: “Trói chân tay nó lại, quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22, 13).

“Người được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít” (Mt 22, 14) là vậy. Có ai không được mời gọi đón nhận mầu nhiệm Nước trời đâu, có ai không được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa để được đón nhận ơn cứu độ của Ngài. Nước trời được ban cho tất cả mọi người, không của riêng ai, ai cũng được chọn, được gọi nhưng không phải ai cũng có thể bước vào cuộc sống viên mãn.

Thế giới càng văn minh, nhu cầu cuộc sống ngày càng được đáp ứng cao, con người mải miết chăm lo cho giá trị vật chất, áo quần sang trọng mượt mà với những trang phục kiểu cách, đắt tiền mà không lưu tâm đến chiếc áo tâm hồn. Một trái tim thanh khiết, một tâm hồn có Chúa.

Lạy Chúa, mỗi ngày Ngài đều mời gọi con vào dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể hầu giúp con kín múc được nguồn sự sống mai hậu. Mải miết trang hoàng cho mình chiếc áo trần thế mà quên đi việc thêu dệt chiếc áo yêu thương hầu có thể diện kiến dung nhan Đấng Tối Cao và cùng vào dự tiệc với Ngài, càng ngày con càng xa rời Thiên Chúa. Cảm ơn Ngài đã mời gọi con chung hưởng sự sống vĩnh cửu, cho con niềm vui cứu độ. Xin giúp con biết yêu Chúa nhiều hơn, lắng nghe tiếng Ngài mời gọi, can đảm sống nhân chứng tình yêu giữa lòng đời, tận tụy trung thành với Lời Chúa, siêng năng đón rước Thánh Thể mỗi ngày, sẵn sàng bước vào dự tiệc Nước trời với chiếc áo cưới được dệt bằng yêu mến, hy sinh.

M. Hoàng Thị Thùy Trang