VRNs (08.10.2011) – Chúa Nhật 28 Thường niên, năm A
Mt 22,1-14
Dụ ngôn được kể trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 22,1-14) nằm trong chuỗi ba dụ ngôn có tương quan chặt chẽ với nhau mà Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục Do Thái khi họ đến chất vấn Người về thẩm quyền của Người (x.21,23). Sau khi nghe dụ ngôn hai người con trai được gọi đi làm vườn nho (21,28-32) và dụ ngôn các tá điền sát nhân (21,33-43), “các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ” (21,45-46). Dụ ngôn mà chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là câu trả lời cho những thái độ đó của các thượng tế và người Pharisêu.
Đức Giêsu nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (c.2). Tương tự như trong các dụ ngôn ở chương 13, dụ ngôn này đề cập đến “Nước Trời”. Nước Trời là thực tại cánh chung được khai mở trong và nhờ sứ mạng của Đức Giêsu. Ở đây, thực tại cứu độ cánh chung đó được trình bày “như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Cách hình dung Thiên Chúa trong tư thế một vị vua đã từng xuất hiện trong 6,10 và 18,23. Hình ảnh vị hoàng tử, con vua, được quy chiếu trực tiếp về Đức Giêsu, và như thế, Đức Giêsu được hình dung như là “Chàng Rể” (9,15) và như là “Người Con” (tương tự như ở dụ ngôn các tá điền sát nhân, 21,37t). Còn hình ảnh bữa tiệc thiên sai có lẽ xuất phát từ Is 25,6 và 55,1-3, diễn tả tính cách hoàn toàn nhưng không của ơn cứu độ.
“Nhà vua sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến” (c.3). Hạn từ “các đầy tớ” (số nhiều) ám chỉ các ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến với các quan khách đã được mời trước, tức là những người được ưu tiên cho quyền tham dự tiệc cưới thiên sai, để kêu gọi họ đến dự tiệc như đã được mời. Chủ đề về sự kêu gọi này xuất hiện nhiều lần trong Mt (x. 2,7.15; 4,21; 9,13; 20,8; 25,14). Nhưng những khách mời không chịu đến, dịch sát là “không muốn đến”. Họ từ chối một cách có ý thức. Ngoài ra, tác giả sử dụng động từ “muốn” ở thời vị hoàn nhằm nhấn mạnh tính chất kéo dài và lặp đi lặp lại của sự không muốn đến dự tiệc cưới. Chi tiết này ám chỉ thái độ nhiều lần và liên tục từ khước của những người Israel đối với lời mời gọi được lặp đi lặp lại và đầy kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho họ.
“Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (c.4). Nhà vua tỏ ra kiên nhẫn và quảng đại. Và quả thực, sự kiện nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi mời, cho thấy tình yêu lớn lao và nhân hậu của Thiên Chúa đối với Israel, dân mà Ngài đã ưu ái tuyển chọn.
Vậy nhóm đầy tớ thứ hai được sai đi, giống như trong dụ ngôn phía trước (xem c.36). Nhưng lần này tác giả nhấn mạnh một cách đặc biệt vào những sự thực hiện cánh chung: bò tơ và thú béo đã hạ rồi, cỗ bàn đã dọn xong rồi và mọi sự đều đã sẵn sàng. Vì thế, với nhóm đầy tớ thứ hai này, có lẽ tác giả Mt không có ý ám chỉ nhóm các ngôn sứ thứ hai như trong trường hợp dụ ngôn các tá điền sát nhân, nhưng là ám chỉ ông Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu và các đồ đệ của Người, tức là những sứ giả công bố sứ điệp về mầu nhiệm cánh chung đã có đây rồi, đã sẵn sàng rồi. Và lời mời gọi được công bố một cách rõ ràng: “Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”.
“Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (cc.5-6). Đối diện với tình yêu đầy kiên nhẫn và nhân lành của nhà vua, những người được mời lại một lần nữa từ chối. Và đây là sự từ chối dứt khoát. Israel không quan tâm đến lời mời gọi của Thiên Chúa. Họ quay về với cuộc sống thường nhật của mình và đeo đuổi những thực tại của cuộc sống bình thường, với nông trại, với những phi vụ làm ăn…, cho dù lời mời đã được lặp đi lặp lại với họ và họ đã nhận được thông điệp rất rõ ràng. Họ phủ nhận thực tế của những gì đã được công bố và đang được cử hành. Tệ hơn nữa, nhiều kẻ trong số họ còn “bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”. Rõ ràng tác giả Mt cố ý ám chỉ đến số phận của ông Gioan Tẩy Giả, của Chúa Giêsu và của các môn đệ Chúa Giêsu, khi ông miêu tả tình trạng của các đầy tớ này: họ bị bắt, bị sỉ nhục và bị giết chết. Tình hình thật sự bi đát, tương tự như trong dụ ngôn tuần trước (21,35).
Nhà vua sẽ phản ứng như thế nào? Khác với trong dụ ngôn các tá điền gian ác, trong dụ ngôn này, tác giả không để cho người nghe cung cấp giải pháp mà ông chủ sẽ thực hiện đối với những kẻ gian ác. Cơn thịnh nộ và sự trừng phạt của nhà vua dành cho những kẻ xấu xa là những chi tiết được tác giả đề cập như là một phần của bản thân dụ ngôn: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng” (c.7). Những chi tiết này, một đàng, không mấy mạch lạc với câu chuyện đang được kể trong dụ ngôn; đàng khác, tương ứng khá rõ nét với cuộc tàn phá thành Giêrusalem năm 70 (x. Mt 21,41). Thực ra, như một số nhà chú giải đã lưu ý, ngôn ngữ của câu này dựa chính yếu trên Is 5,24-25 và có lẽ các độc giả của Mt sau năm 70 hoàn toàn có thể đọc thấy trong c.7 này những ám chỉ đến cuộc tàn phá Giêrusalem. Và như thế, có thể hiểu rằng tác giả Mt đặt cuộc tàn phá thành Giêrusalem trong liên hệ với sự từ chối dứt khoát và bi đát của Israel đối với lời mời gọi của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chương trình của Thiên Chúa không thất bại. Sau khi nổi con thịnh nộ với những kẻ được được mời nhưng từ chối, “nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (cc.8-9).
Trước hết, các đầy tớ được vua nhắc rằng: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi” (x.c.4), tức là thực tại cánh chung đã có đó rồi. Điều thứ hai mà các đầy tớ phải ý thức khi họ thực hiện sứ mạng mà nhà vua sắp trao phó là “những kẻ đã được mời lại không xứng đáng”. (Chúng ta có thể như nghe thấy âm vang lời của hai ông Phaolô và Barnaba với người Do Thái trong Cv 13,46: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại”). Số phận của Israel từ khước ơn cứu độ sẽ thực là bi đát.
Vậy nhà vua sai các đầy tớ ra các ngả đường, nơi chắc chắn sẽ có rất nhiều người qua lại. Họ sẽ mời bất cứ ai họ gặp. Và quả thực, một lần nữa, các đầy tớ mau mắn thực hiện lệnh truyền của nhà vua. “Họ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách” (c.10). Những khách mời lần này là hình ảnh của dân mới, tức là Israel thiên sai (x. 21,43). Họ làm thành một tập hợp “bất luận xấu tốt” (điểm nhấn, như thế, rơi trên “xấu”; chú ý: hai hạn từ xấu và tốt xuất hiện theo cùng một thứ tự trong 5,45). Tập hợp cả người xấu lẫn người tốt gợi nhớ dụ ngôn chiếc lưới trong 13,47-48 (x. 13,24-30.36-43).
Lệnh truyền của nhà vua đã được thực hiện, và “phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”. Đến đây, câu chuyện tưởng đã có thể kết thúc. Nhưng tác giả Mt đã đưa vào một kết cục không như mong chờ: “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì” (cc.11-12).
Thực ra, nếu dụ ngôn kết thúc ở điểm phòng cưới đầy thực khách do các đầy tớ của nhà vua ra các ngả đường mời vào, bất luận xấu tốt, thì sẽ có thể nảy sinh sự hiểu lầm. Có lẽ vì thế mà tác giả Mt đã đưa vào đây các chất liệu và nội dung được trình bày trong cc.11-14 (vốn là của một dụ ngôn khác với dụ ngôn về các khách mời từ chối dự tiệc), để vừa nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự công chính mà những người đi vào Nước Thiên Chúa phải có (x. 5,20), vừa lấy lại thế quân bình vốn đã có thể bị đánh mất hay bị che khuất bởi khẳng định ở c.10 rằng phòng tiệc đầy thực khách cả xấu lẫn tốt. Những nội dung này cũng tương ứng với những điểm được nhấn mạnh trong dụ ngôn về các tá điền xấu xa, khi Đức Giêsu khẳng định rằng Nước Thiên Chúa sẽ được ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa trái công chính (x.21,41.43).
Tất nhiên, người ta có thể tranh luận nhiều về những sự thiếu mạch lạc của câu chuyện được kể trong phần thứ hai này của dụ ngôn so với những gì được kể ở phần thứ nhất. Thí dụ: một người đang đi ngoài đường bất chợt được mời vào phòng tiệc thì làm sao có thể có y phục tiệc cưới? Nhưng có lẽ điều đáng chú ý nhiều hơn, đó là: trong ngữ cảnh của Mt, y phục lễ cưới ở đây chính là sự hoàn thành những điều kiện của việc thuộc về Đức Giêsu (5,1-10; 16,24), trở nên người công chính như được nói ở 5,20. Nói cách khác, lời mời đi vào phòng tiệc là lời mời dành cho mọi người, bất luận tốt xấu, và người ta được tự do nhận lời vào hay không; nhưng một khi đã vào phòng tiệc, thì không ai còn được hiện diện trong tư thế “xấu” nữa.
Vì thế, khi nhận thấy một người đang hiện diện trong phòng tiệc nhưng lại ở trong tình trạng không phù hợp, nhà vua đã ra tay xử lý. “Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (c.13). Nhận được lời mời đi vào Nước Thiên Chúa không đương nhiên là đã được cứu độ vĩnh viễn. Được nghe loan báo Tin Mừng không đương nhiên là được ở trong Nước Thiên Chúa cách tuyệt đối. Cần phải có một cuộc sống xứng danh Kitô hữu nữa.
Cuối cùng, bài Tin Mừng kết thúc với khẳng định:“Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (c.14). Dịch sát: “Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít hơn”. Tác tử “vì” (gar) nối kết trực tiếp câu này vào những gì được nói ở trên bằng cách đưa ra lời giải thích về nguyên nhân. Thực ra, lời khẳng định ở c.14 này rất khó hiểu nếu dịch sát, vì theo những gì vừa được kể trong dụ ngôn, chỉ có một người bị loại khỏi phòng tiệc, đang khi phòng tiệc đầy những thực khách, sao có thể nói rằng “người được chọn thì ít hơn”? Đáng lẽ phải nói rằng ‘có nhiều người được gọi và đa số họ đều được chọn’ thì mới có vẻ hợp lý. Còn nếu nối kết với phần thứ nhất của dụ ngôn (c.8), thì phải nói rằng ‘kẻ được mời thì nhiều nhưng chẳng ai được chọn cả’. (Thực ra, sẽ rất là gượng ép khi cho rằng Mt muốn nối kết câu 14 với phần thứ nhất của dụ ngôn, tức là với cc.1-10).
Để hiểu đúng câu 14 này, cần chú đến những vấn đề ngôn ngữ học có liên quan. Trong mệnh đề “kẻ được gọi thì nhiều” (polloi eisin klētoi), có lẽ hạn từ polloi (nhiều) đã được dùng theo kiểu diễn tả về sự phổ quát trong cách nói Sêmít (vốn không thể nói “mọi người” mà chỉ nói “nhiều người”), tương tự như trong 20,28. Và như thế là hoàn toàn ăn khớp với điều được nói ở câu 9: “Gặp ai cũng mời hết vào”. Vậy phần đầu của câu 14 có thể nói theo cách của chúng ta ngày nay là “mọi người đều được mời gọi”.
Đàng khác, hạn từ “oligoi” (ít) trong mệnh đề thứ hai của câu 14 (oligoi de eklektoi) cũng cần được hiểu theo cách diễn đạt Sêmít là “ít hơn”, theo nghĩa “không phải tất cả”. Theo cách nói của chúng ta ngày nay, có thể diễn đạt là “không phải tất cả đều được tuyển chọn”. Ở đây chúng ta đang đối diện với mầu nhiệm tuyển chọn, vốn đã được Mt trình bày trong lời của Chúa Giêsu ở 11,27: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Hạn từ “những kẻ được tuyển chọn” (hoi eklektoi) trong 24,22.24.31 đã trở thành cách nói tắt với ý nghĩa là các môn đệ của Chúa Kitô. Và độc giả của Mt kinh nghiệm rất rõ ràng rằng không phải mọi người đều đón nhận Đức Giêsu và sứ điệp cứu độ của Ngài, và rằng không phải mọi người đều đi qua cửa hẹp của đức công chính để được vào Nước Trời (x. 7,13-14).
Như thế, có thể hiểu câu 14 như sau: mọi người đều được kêu mời, nhưng không phải tất cả đều là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, câu 14 hoàn toàn phù hợp với phần thứ hai của bài Tin Mừng.
Chúng ta được tự do chọn con đường đi cho mình, nhưng không được quyền quyết định điểm đến của con đường đó. Nếu chúng ta chọn ‘con đường từ khước lời mời tham dự bữa tiệc Nước Trời’, thì đích điểm mà con đường đó dẫn chúng ta tới sẽ chỉ là một sự đổ vỡ kinh khủng và hoàn toàn khốc liệt. Từ khước Đức Giêsu và sứ điệp cứu độ của Ngài tức là chấp nhận để mình ở ngoài Nước Trời và phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như số phận của những người khách được nhà vua sai đầy tớ năm lần bảy lượt đi mời đến dự bàn tiệc mà nhà vua đã dọn sẵn cho họ. Còn nếu chúng ta nhận lời mời dự tiệc cưới, thì chúng ta sẽ được đưa vào phòng tiệc Nước Trời, bất luận chúng ta đã từng là người xấu hay người tốt. Nhưng một khi đã vào phòng tiệc, chúng ta lại phải có một tư thế và cách hành xử phù hợp. Đó là đòi hỏi của ‘con đường chấp nhận lời mời tham dự bàn tiệc Nước Trời’. Và đương nhiên đích đến của con đường này sẽ là hạnh phúc vô biên và vĩnh cửu.
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.