Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Gx. Thái Hà: Kiến nghị dừng xây trạm xử lý nước thải bệnh viện trên đất Nhà thờ

VRNs (08.10.2011) - Hà Nội - TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI - DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM
GIÁO XỨ THÁI HÀ
180/2 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Số 01/2011/DCCTHN



Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2011

KIẾN NGHỊ
V/v Dừng dự án xây dựng trạm xử lý nước thải bệnh viện Đống Đa tại khu đất thuộc Giáo xứ Thái Hà – Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội


Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
Đồng kính gửi: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Chúng tôi :
Linh mục Nguyễn Văn Phượng
Chính xứ Nhà thờ Thái Hà
kiêm Phó Bề trên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội

Địa chỉ: 180/2 Nguyễn Lương Bằng – Đống Đa – Hà Nội

Trân trọng trình bày:

1. Trong mấy ngày vừa qua, loa phóng thanh công suất lớn của UBND phường Quang Trung, nằm ngay cổng Nhà thờ Thái Hà (cách cửa Nhà thờ khoảng 8m) liên tục chĩa vào Nhà thờ để “Thông báo về việc triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đống Đa”.

2. Về việc này, chúng tôi có ý kiến sau:

2.1. Trước hết, chúng tôi phản đối hành động chĩa loa phóng thanh công suất lớn vào khu vực Nhà thờ và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế để phát thanh bất kể giờ giấc, nơi chốn tôn nghiêm. Việc làm này là trái pháp luật, vì lẽ:

(i) Điều 3 Luật Báo chí xếp chương trình phát thanh là loại hình báo nói với nhiệm vụ: tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước… (khoản 2 Điều 6 Luật Báo chí) phải được cấp phép (Điều 19). Cũng vậy, Thông tư 07/2011/TT-BTTTT quy định tổ chức phát thanh phải có giấy phép phát thanh (khoản 1, khoản 2 Điều 3). Như vậy, trường hợp UBND phường phát thanh mà không có giấy phép là trái pháp luật.

(ii) Điều 12 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP quy định phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

(iii) Điều 4 Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo quy định các cơ sở tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Theo đó, Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP (“Quy chế hoạt động văn hoá”)) xếp cơ sở tôn giáo thuộc các địa điểm cùng với trường học, bệnh viện, di tích văn hoá, cơ quan hành chính nhà nước. Và từ đó, xác định tính tôn nghiêm, cần sự yên tĩnh, tránh ồn ào, nên đã quy định vũ trường phải cách cơ sở tôn giáo từ 200m trở lên, phòng khiêu vũ trong vũ trường phải đảm bảo các điều kiện về cách âm… (khoản 1 Điều 24 Quy chế hoạt động văn hoá). Hoặc nữa, địa điểm hoạt động karaoke cũng phải cách cơ sở tôn giáo 200m trở lên (khoản 4 Điều 30 Quy chế hoạt động văn hoá).

Như vậy, việc loa phóng thanh công suất lớn chĩa thẳng vào cơ sở tôn giáo (bao gồm Nhà thờ và Tu viện) là không phù hợp. Chưa kể việc thông báo xây dựng trên khu đất thuộc Nhà thờ và Tu viện được loa phóng thanh chĩa thẳng vào khu vực Nhà thờ, Tu viện còn mang tính chất khiêu khích, khủng bố tinh thần giáo dân…

2.2. Về pháp lý, khu đất dự định triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải là của Nhà thờ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội:

(i) Năm 1928, Đức Giám mục Francois Chaize, Giám quản Tông Tòa giáo phận Hà Nội đã đứng tên mua giúp Dòng Chúa Cứu Thế khu đất ở ấp Thái Hà, nằm cạnh quốc lộ 6, tổng diện tích ban đầu là 61.455 m2 (xin xem sơ đồ của Consevation de la Proprité Foncière de Ha Noi – Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội, ngày 16/08/1944).

Ngày 22/5/1944, Đức Giám mục Francois Chaize đã làm giấy tuyên bố nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Linh mục Edmond Dionne, Bề Trên Giám Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã đứng ra tiếp nhận sự chuyển nhượng này (xin xem tài liệu Ac de Cession de Proprité).

Các tu sĩ, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bắt đầu sử dụng và cư trú liên tục trên khu đất này từ ngày 26/9/1928 đến ngày hôm nay. Năm 1930 tòa nhà thứ nhất của Tu viện được xây dựng. Năm 1939 tòa nhà thứ hai được xây dựng nối tiếp vào tòa nhà thứ nhất. Năm 1935 Tu viện cũng xây dựng một ngôi nhà thờ tạm thời mà ngay nay vẫn còn đang sử dụng.

(ii) Từ năm 1954, nhà đất thuộc quyền sở hữu, quản lý và sử dụng của Giáo xứ Thái Hà – Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội dần dần bị các tập thể và cá nhân lấn, chiếm trái phép với sự hậu thuẫn của Nhà nước; trong số ấy có Bệnh viện Đống Đa.

Năm 1959 quận Đống Đa, bất chấp sự phản đối của các linh mục, tu sĩ, giáo dân, đã ngang nhiên chiếm ngôi nhà chính của Tu viện – ngôi nhà xây dựng năm 1928 – làm trường học. Một thời gian sau, đã dùng ngôi nhà này làm Bệnh xá Đống Đa.

Năm 1970 thành phố Hà Nội quyết định nâng cấp Bệnh xá Đống Đa thành Bệnh viện Đống Đa và hai năm sau, năm 1972, nhà nước đã chiếm bất hợp pháp tòa nhà còn lại của Tu viện – tòa nhà xây dựng năm 1939 – để nhập chung vào Bệnh viện.

Sau đó, Bệnh viện Đống Đa đã xây tường bao ngăn cách phần nhà đất Tu viện và Nhà thờ đang sử dụng với Bệnh viện và chiếm luôn cái ao của Nhà thờ. Tổng diện tích đất của khu vực mà hiện nay Bệnh viện Đống Đa chiếm của Nhà thờ – Tu viện vào khoảng 12.107 m2, trong khi hiện tại Nhà nước chỉ thừa nhận là có 10.755,7 m2 .

Trong quá trình lấn, chiếm trái phép kể trên, bất chấp sự phản đối của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, Bệnh viện Đống Đa đã tự ý xây dựng thêm một số công trình trong khu vực Tu viện. Những năm 1996-1997, Bệnh viện xây thêm ngôi nhà thứ ba ở bên phải cổng Nhà thờ. Trước sự phản đối mạnh mẽ của giáo dân, tòa nhà này mới chỉ xây dựng được tầng trệt rồi dừng lại.

Cũng trong năm 1996, Nhà thờ Thái Hà – Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã làm đơn đề nghị UBND TP Hà Nội trả lại Tu viện và Nhà thờ một trong những tòa nhà mà Nhà nước đã chiếm bất hợp pháp, để Nhà thờ Thái Hà có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của giáo dân, nhưng không được các cơ quan thẩm quyền giải quyết.

2.3. Việc sử dụng khu đất thuộc Nhà thờ và Tu viện để xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đống Đa là trái pháp luật, vì lẽ:

(i) Sắc lệnh số 234 của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1955 quy định ruộng đất của cơ sở tôn giáo sử dụng sau cải cách ruộng đất được Nhà nước công nhận và chiếu cố… (Điều 10, Điều 12). Điều 70 Hiến pháp 1992 quy định “những nơi thờ tự của tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Và Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 quy định “tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó” và “đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng… được sử dụng ổn định lâu dài” (Điều 26 và khoản 1 Điều 27). Việc xâm phạm tài sản, đất có công trình nhà thờ, tu viện như kể trên là trái pháp luật.

(ii) Điều 5 Luật Đất đai năm 1987 “nghiêm cấm việc mua bán, lấn chiếm đất đai… dưới mọi hình thức” và Điều 6 Luật Đất đai năm 1993 quy định “nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép…”. Cũng vậy, Điều 15 Luật Đất đai 2003 quy định “Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai…”. Như vậy, mọi hành vi lấn, chiếm, và ngay cả mua, bán trước năm 1993 đất đai thuộc Nhà thờ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đều là bất hợp pháp. Nay, sử dụng đất bất hợp pháp này để triển khai xây dựng công trình là trái phép.

Kiến nghị:

Vì những lẽ trên, chúng tôi yêu cầu:

(i) Chấm dứt ngay hành vi phát thanh bằng loa phóng thanh chĩa thẳng vào cơ sở tôn giáo (Nhà thờ và Tu viện) Thái Hà – Hà Nội.

(ii) Dừng việc triển khai thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đống Đa trên khu đất thuộc Nhà thờ và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà bị lấn, chiếm trái phép.

(iii) Xem xét xử lý và giao trả khu đất cho Nhà thờ và Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế để sử dụng đúng vào mục đích tôn giáo.

Trân trọng,

TM. CÁC LINH MỤC TU SĨ VÀ GIÁO DÂN THÁI HÀ
Lm. Chánh xứ Nguyễn Văn Phượng

Nơi nhận:
- Chủ tịch nước
- Thủ tướng chính phủ
- CT Quốc Hội, UB các vấn đề XH, Ban dân nguyện
- Ban Tôn giáo Chính phủ
- Ban dân vận TW, UBMTTQ Việt Nam
- Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- UBND, HĐND, Ban Tôn giáo, Sở Y tế Hà Nội, CA Hà Nội
- UBND, CA Quận Đống Đa
- UBND, CA Phường Quang Trung
- Cha Giám tỉnh DCCT
- Các Tòa Giám mục, các Xứ, Họ… (để hiệp thông)
- Các hãng thông tấn, truyền thông