VRNs (27.10.2011) – Suy niệm Lời Chúa CN 31 TN A
Ngay trong thời Cựu Ước, chức Tư Tế được ban cho một số người không phải vì tài năng hay công phúc của họ nhưng là ân huệ đặc biệt do lòng thương cách lạ lùng của Thiên Chúa, để họ phụng sự Thiên Chúa, để họ mời gọi mọi người phụng sự Thiên Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, khi một Tư Tế lạm dụng ân huệ này để thiên hạ phục vụ mình, làm vinh danh cho mình, thì đó là dấu chỉ của một sự phản nghịch. Đáng tiếc thay, thời ấy, đã có nhiều Tư Tế phản nghịch, đi sai đường lối của Thiên Chúa, nên đã bị Ngôn Sứ Malakhi cảnh cáo và chúc dữ. “Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật” ( x. Ml 1, 14b – 2, 2b. 8 – 10 ).
Chúa Giêsu, Tư Tế mới của Tân Ước, đã không đồng tình với cách sống của những Tư Tế Do Thái đương thời, vì:
- Họ “ngồi trên tòa Môsê” để giảng dạy, nhưng họ đã dạy điều họ không sống, không giữ. Họ nói mà không làm.
- Họ làm “hộp kinh” lớn hơn, “tua áo” dài hơn, không còn là để nhắc nhở họ chu toàn lề luật nhưng lại là vật trang trí khoe khoang rằng ta là người thông luật.
- Họ phải được trọng vọng, được chỗ ăn trên ngồi trước cho xứng với danh xưng là “thầy”, là “cha” hay là “người chỉ đạo”.
- Họ phải được mọi người kính nể và hầu hạ phục vụ chu đáo.
Thế thì, họ cũng không khác gì những Tư Tế thời Cựu Ước: làm Tư Tế để vinh danh mình, không phải làm Tư Tế để vinh danh Chúa.
Vì thế, Chúa dạy: “Trong các ngươi, ai quyền thế hơn phải là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” ( x. Mt 23, 1 – 12 ).
Lời Chúa Giêsu đã thấm nhuần trong Giáo Hội Công Giáo, và hai ngàn năm qua, chúng ta vui mừng có được vô số những Tư Tế thừa tác đã chia sẻ Thánh Chức Tư Tế của Chúa Giêsu, đã làm vinh danh Thiên Chúa nhờ đức khiêm tốn đáng kính của người được kêu gọi để “phục vụ chứ không phải để được phục vụ”.
Các ngài đã noi gương Chúa Giêsu Tư Tế của Thiên Chúa Khiêm Nhường và Giàu Lòng Thương Xót, Đấng đã “cúi xuống”, “nhìn xuống”, “bước xuống”, và cuối cùng là “xuống ở cùng nhân loại” và “xuống phục vụ nhân loại” trong mọi hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc đời.
Cụ thể và gần gũi với Giáo Dân Việt Nam, là hình ảnh những Tư Tế biết hạ mình xuống và xuống với mọi người, để cuộc sống yêu thương phục vụ của họ nên bài giảng sống động.
Đã có những bài giảng sống động của các Chủ Chiên hiện nay, là những người đã từng “xuống” giảng trên đồng mía, nơi lò che, nơi chảo đường ở Tuy Hòa, nơi ruộng muối ở Qui Nhơn, đã từng xuống giảng trên nông trường Phạm Văn Hai nào đó ở ngoại thành Sàigòn, hoặc xuống trên ruộng lúa, trên rẫy ngô, trên chiếc xe bò ở Song Mỹ, Ninh Thuận, hoặc đã từng “xuống” giảng trên thuyền vượt khơi xa ngàn dặm…
Đã có Chủ Chiên xuống thăm giáo dân với chiếc xe đạp cũ kỹ cọc cạch vượt núi đồi Lạng Sơn, leo dốc bám vai xe Minks, xuống dốc thả xe chạy bon bon không cần đạp thắng.
Cụ thể hơn, gần đây hơn, bài giảng sống động bên bờ sông thượng nguồn giữa đại ngàn Tây Nguyên thật tuyệt. Bởi, một Giáo Dân ngủ ở bờ sông, chờ sáng, tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là chuyện bình thường, nhưng một Giám Mục cũng dám ngủ ở bờ sông, chờ sáng, cử hành Thánh Lễ cho Giáo Dân, lại là một chuyện… “dám xuống”. Một Giáo Dân nhặt rác quanh Đài Đức Mẹ là chuyện bình thường, nhưng một Giám Mục tận tụy nhặt rác hẳn phải là chuyện “bỏ cái tòa Môsê mà đi xuống”. Những chuyện “xuống” ấy, phần nào cho thấy một tấm lòng của một Chủ Chiên đã noi gương của Người Mẫu Tư Tế là Đức Giêsu Kitô: cúi xuống và hôn lên những mảnh đời bất hạnh, cúi xuống và làm gương phục vụ cho mọi người.
Anh em Chủng Viện Lâm Bích Nha Trang hẳn còn nhớ “Ông Nội”, Đức Hồng Y Phanxicô Tôi Tớ Chúa, hồi còn làm Giám Mục Nha Trang, ngài xứng đáng có mâm bàn riêng, thức ăn riêng… Sao vẫn luôn xuống đồng bàn với các Chủng Sinh, không có chỗ ngồi riêng cho Giám Mục, ngài muốn ngồi đâu tùy ý, ăn uống như Chủng Sinh, ăn xong, ngài cùng mỗi người một tay giúp dọn chén bát đĩa xuống bếp…. Rồi cũng chính ngài, đã có những bài giảng sống động, vì không “ngồi trên tòa Môsê” nhưng đã xuống tận trại cải tạo ở Cây Vông, ở Giang Xá, người giảng không “nới rộng hộp kinh hay kết dài tua áo” nhưng mặc tấm áo sờn mòn của tù nhân, tấm áo bươm rách vì muối mặn mồ hôi lao động… giảng Tin Mừng cho cả người không muốn nghe!
Quả thực, chúng ta được vui mừng vì Giáo Hội được gọi là Hội Thánh, nhờ những con người nên Thánh từ bài học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” của Chúa Giêsu, nơi các Giám Mục, Linh Mục. Bởi, chuyện phục vụ sơ qua thì thấy dễ làm, nhưng thực ra là không dễ, nếu con người phục vụ không muốn bỏ cái Tôi cao trọng của mình mà chấp nhận nhìn xuống, cúi xuống, bước xuống và cuối cùng là “xuống” phục vụ mọi người.
Ngày nay, Giáo Dân Việt Nam, nhất là ở các vùng đồi núi hay sông nước xa xôi, vùng quê nghèo nàn rất thương quí các cha vì các cha dời nhà xứ xuống tận nhà dân, dời phòng tiếp khách xuống tận ruộng đồng để gặp gỡ bà con, gần gũi, và thương mến. Chẳng hạn, Giáo Dân ở tận buôn làng, nơi các Giáo Sở thuộc Bảo lộc, Di Linh, Phú Sơn, như KTM 1, KTM 2, B’lac… sung sướng biết bao khi các Linh Mục xuống tận Giáo Điểm của mình bằng con đường vừa xa xôi, vừa ngoằn ngoèo đồi dốc sình lầy đất đá đỏ. Hoặc, Giáo Dân ở các khu ổ chuột trong thành phố, họ sung sướng hạnh phúc đến rơi lệ mỗi khi được cha xứ đến thăm “khách sạn ngàn sao” của mình và bằng lòng ngồi bệt xuống sàn nhà dùng với gia đình một bữa cơm bất ngờ chỉ có cà dưa muối.
Giáo Dân Việt Nam quí mến các Linh Mục, không vì chức hay vì quyền, nhưng vì các Linh Mục nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự, họ là hiện thân của Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu và lòng thương xót. Cách nào đó, các Linh Mục, Tư Tế thừa tác của Thiên Chúa, họ đang thực sự nói Lời Chúa bằng cả đời sống khiêm tốn và thánh thiện của họ. Chắc chắn họ đã xác tín và minh chứng được điều Thánh Phaolô dạy hôm nay: “Vì anh em nhận lãnh Lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh Lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như Lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, Lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin” ( 1Tx 2, 13 ).
Lời Chúa hôm nay còn nói cho tất cả các tín hữu, những người nhận lãnh chức Tư Tế cộng đồng qua Bí Tích Thánh Tẩy, hãy tế lễ cuộc đời mình bằng cuộc sống hy sinh phục vụ cho gia đình, cho tha nhân, cho Hội Thánh, cho danh Chúa cả sáng: Phục vụ với lòng khiêm nhượng, với tình yêu thương không phải của mình mà của Chúa Giêsu đang ngự thật trong lòng và biến đổi trái tim mình thành trái tim Chúa. Hãy tạ ơn Chúa, vì còn có rất nhiều những gia đình tín hữu đang sống với tình yêu hy sinh và phục vụ nhau chân tình giữa một xã hội đầy muôn chước cám dỗ vô cảm, sống chết mặc ai, hay cám dỗ kiêu căng, vũ phu, lộng quyền, được thì ở, không được thì chia tay.
Trong khi vui mừng và tạ ơn Chúa vì chúng ta đang có những Tư Tế thừa tác và Tư Tế cộng đồng sống tinh thần khiêm cung tự hạ tự hủy cho Danh Chúa được cả sáng, thiết tưởng, chúng ta không quên cầu nguyện cho một số Tư Tế biết từ bỏ nhịp sống phong lưu trưởng giả, kiêu căng, vị kỷ, không phục vụ ai nhưng lại đòi ai nấy phải hầu hạ phục vụ mình, dành lấy của Thiên Chúa mọi lời chúc tụng vinh quang, và nhất là đang biến thái dần, thành những con người quỵ lụy người đời và phục vụ cho những tham vọng của trần thế, của Satan, của tà lực chống lại Thiên Chúa.
Mỗi Giáo Dân tưởng cũng nên nhắc nhở nhau khiêm tốn trong khi chu toàn ơn gọi Tông Đồ Giáo Dân. Hãy bước xuống ! Đừng để bị hạ xuống !
“Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa. Xin cho lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn” ( Tv 130 ).
Xin cho con biết chu toàn đặc ân Tư Tế bằng việc tế lễ cuộc đời mình mỗi ngày trong tinh thần khiêm tốn, cho vinh danh Chúa và vì phần rỗi của con và của mọi người. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 27.10.2011