Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những việc họ làm

VRNs (30.10.2011) - Ephata - Báo Thanh Niên số ra ngày thứ năm 27.10.2011 ở trang 17 có một bài mang tên “Cầu sập do lũ hay do làm ẩu” của tác giả Nguyễn Phúc. Nội dung bài báo nói về sự cố sập cầu tại đường tránh La Vang ( Cầu An Lạc, Thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ). Tác giả ghi lại lời phát biểu của ông Phạm Đình Lợi, giám đốc Ban Quản Lý Dự Án: “Nguyên nhân sập cầu là do hàng rào Nhà Thờ La Vang kiên cố, khi có lũ về, nước không thoát được, xoáy sang cầu gây sập” !



Tên bài báo đã nói lên ý kết luận của tác giả, nhưng lời nói của ông giám đốc ban quản lý dự án mới đáng làm cho chúng ta… phì cười ! Lũ không đủ mạnh để xô ngả tường rào nhưng đã phá sập cầu vừa mới xây. Rồi trên đất nước này đã và sẽ còn bao nhiêu cái tiếu lâm “trẻ con” như vậy ? Những cái “trẻ con” gây bức xúc trong xã hội khiến Thường Vụ Quốc Hội trong những ngày qua đã không thể ngồi im “mũ ni che tai được nữa”. Tham nhũng trong mọi lãnh vực, quốc nạn tàn phá đất nước, dân tộc và con người Việt Nam.

“Hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những việc họ làm” (Mt 23, 1 – 12).

Vẫn là chuyện lũ lụt, nhìn Thái Lan chạy lũ thấy xót xa lòng mình, thương người ta một, thương mình mười. Người ta lũ nặng nề nhưng mọi người hợp tác chung sức chiến đấu, còn mình thì cứ mỗi mùa lũ về, y như rằng là cơ hội béo bở cho các quan tham, nhỏ tham nhỏ, lớn tham lớn. Thái người ta ra ngay những biện pháp tình thế và dài lâu, còn Việt mình thì bịt trên bịt dưới, bịt đến đâu vỡ đến đó, chẳng công trình chống lũ nào tồn tại được trước cơn lũ. Cũng cơ cực nhưng gương mặt người Thái rạng rỡ vì có niềm tin, còn dân Việt mình thì đau khổ vì màn đêm bủa vây tứ phía, cứ nhìn các tấm ảnh của các phóng viên trên các kênh thông tin thì thấy ngay điều ấy. Thái người ta cả nước vào cuộc, Việt mình dân lo lũ, quan lo nhậu. Cách đây một tháng tôi đọc được một bài báo ảnh, chụp hình quan chức của một huyện miền núi cao nguyên Bắc trung phần đi xuống cơ sở giúp chống lũ, chống đâu chưa thấy, địa phương phải mời các quan anh ra nhà hàng thịt rừng nhậu phủ phê, khi phát hiện ra có ống kính chụp hình bèn bảo nhau giải tán !

Chuyện lũ là chuyện hằng năm nhưng những biện pháp giúp người dân sống trong hoàn cảnh như vậy không hề được nghiên cứu, năm nào cũng vậy, khi lũ chưa về đã hoàn chỉnh báo cáo thiệt hại gởi ra trung ương để xin… cứu trợ ! Tôi tự hỏi mẫu ngôi nhà nổi trên phao tự chế do sáng kiến của người dân sao không được giúp đỡ để sản xuất và áp dụng rộng rãi ? Những vùng cao vượt lũ, những đỉnh đồi sao không xây dựng những công trình trốn lũ ? Tại sao không xây dựng và tích trữ lương thực trước mùa lũ ở những khu đất cao thoát lũ ? Tại sao năm nào cũng mì gói và chỉ có mì gói, nếu xây kho dự trữ ta hoàn toàn có thể chủ động lương thực và thuốc men cho dân chúng. Cứ những cái câu hỏi tại sao như thế càng làm cho ta thêm bức xúc.

“Hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những việc họ làm” ( Mt 23, 1 – 12 ).

Nhưng tại sao có lũ ? Câu trả lời đã có bằng kinh nghiệm thực tế: phá rừng, làm đường, làm thủy điện. Thái Lan nước lũ kéo về, người dân bơi trên nước, còn bên mình, không chỉ là lũ nước, nhưng còn là lũ bùn, vì làm đường, đào quặng, tàn phá kết cấu đất, không còn rừng, nước không có gì giữ lại, kéo tràn qua vùng đã đào phá, cuốn trôi bùn đất theo, lúc ấy có bơi trên bùn được không ? Thực tế đã như vậy, nhưng rừng vẫn cứ tiếp tục bị phá, đường xá vẫn cứ tiếp tục làm dở dang, thủy điện vẫn cứ tiếp tục ồ ạt khai thác thêm. Núi rừng bị tận diệt, con người sống với ai ?
Làm người Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm nặng nề với môi trường chúng ta đang sinh sống, chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ lấy môi trường này, không chỉ bảo vệ vùng đất của chúng ta, nhưng còn có trách nhiệm với cả những vùng rừng núi của các đất nước anh em bên cạnh chúng ta nữa. Tôi được biết, có những công ty của người việt, nhạy bén với chuyện làm ăn, hết rừng ở quê nhà, nhảy cả sang nước bạn phá rừng làm đồn điền cao su. Cả hai triền của Trường Sơn bây giờ trơ khốc đất, ai một lần bay trên những vùng đồi núi ấy mà lại không thấy xót xa cho núi rừng và cho con người hôm nay.

Vừa rồi tôi có dịp đến Đà Lạt, buổi tối dùng cơm nhà bà con, giữa tháng 10 dương lịch, chủ nhà phải bật… quạt cho khách vì nóng quá, các cơ quan Nhà Nước, các khách sạn ở Đà Lạt bây giờ đều gắn máy điều hòa không khí cả. Trong chuyến về, tôi có việc cần nên dùng đường hàng không, cùng chuyến bay với tôi có hai nhóm quan chức Nhà Nước đi công tác, họ vào phòng VIP nghỉ ngơi nhưng miệng oang oang, cử chỉ “bất thường”, thì ra họ đã có uống rượu, người mang trách nhiệm phục vụ dân mà như vậy, hỏi sao dân không thiệt thòi ?

Chợt nhớ mấy hôm nay có bài báo nhắc lại một Thông Điệp của Đức Gioan Phaolô II nhân ngày truyền giáo ( 23.10.2011 ), trong đó nhấn mạnh ý tưởng: Phương cách truyền giáo đầu tiên và hữu hiêu nhất là làm gương ( thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc – Missio Redemptio, 1990 ). Nhìn cuộc sống của các “quan chức Nhà Nước” mà chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống các “quan chức… Giáo Hội”, nếu mà lâu quá rồi tỷ lệ dân số Công Giáo ở Việt Nam không tăng, lòng đạo đức của người dân không tăng mà còn có phần thụt lùi, thì rõ ràng trách nhiệm lớn nhất rơi vào hàng Giáo Sĩ Công Giáo.

“Hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những việc họ làm” (Mt 23, 1 – 12).

Thánh Lễ nào cũng bắt đầu bằng việc sám hối, nhưng không biết có sám hối thật không ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT
Ephata, số 482 – 30.10.2011