VRNs (01.10.2011) - Sài Gòn - Người sống tốt, được hạnh phúc và bình an là người có mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Tìm – hiểu – sống trong Giêsu, cảm mến được tình yêu Chúa hoạt động và biến đổi cuộc đời mình thì mình mới có thể giới thiệu và kể về Chúa cho người khác được.
Khóa học “Kể chuyện tin mừng” do Lm Giuse Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, đảm trách, được diễn ra từ ngày 28.09 đến 14.10.2011 tại DCCT Sài Gòn. Khóa học bắt đầu vào lúc 19 giờ và kết thúc vào lúc 21 giờ của các ngày thứ 4 và thứ 6.
Ngày khai khoá, lúc 18 giờ 30 phút tại hội trường Thánh An Phong gần 400 bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ, nhiều giáo phận khác nhau, có cả các tu sĩ nam nữ, các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên. Các tham dự viên được chia ra thành 22 nhóm, sau đó mỗi nhóm gặp nhau làm quen với nhau. Dù chưa quen biết trước, nhưng gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ Giêsu mọi người dễ gần gũi và hòa đồng với nhau hơn.
“…rắc gieo Tin Mừng trong lòng nhân gian”, là một câu hát của bài Đường Vạn Lý, do Cha Uy sáng tác. Trong giờ cầu nguyện, Cha dùng câu hát này nhằm nhắc nhở mọi người rằng mỗi người có nhiệm vụ, có trách nhiệm mang Tin Mừng đến cho mọi người xung quanh.
Cha Uy cùng ban tổ chức chuẩn bị cho buổi học
Sau giờ thánh hóa, Cha phổ biến về phương pháp dạy, quá trình học gồm 6 buổi và người nào tham dự đủ 6 buổi này sẽ được cấp một chứng chỉ khóa học. Chi phí tối thiểu cho khóa học này là 20 ngàn một người. Cha ước tính tổng thu lên gần 9 triệu. Số tiền này dung cho tài liệu học và bồi dưỡng người lo âm thanh. Số tiền dư của học viên sẽ được sử dụng vào việc cứu trợ cho người nghèo miền Trung đang gặp thiên tai.
Tinh thần của khóa học là mỗi người bắt buộc phải có một cuốn sách Tân Ước trong tay. Học xong phải kể về Chúa cho bất cứ ai, bất cứ nơi đâu và bất kể đang làm gì.
Trong bài học đầu tiên: “CÂU HỎI CHO NGƯỜI KỂ CHUYỆN TIN MỪNG”. Cha đã xoay quanh trong 3 câu hỏi chính của bài học.
Câu hỏi thứ nhất: “Vậy Ai là người dạy giáo lý?”. Các anh chị giáo lý viên (GLV) chỉ được nghe về Chúa như thế nào thì truyền đạt lại như vậy. Không cảm nhận, hiểu biết về tính tình của Chúa Giêsu và không có niềm tin xác tín về Chúa Giêsu, thay vì dạy giáo lý, các anh chị vô tình đã trở thành những người tuyên truyền, quảng cáo về Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói: “Tôi sống không phải tôi sống, mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi” (Ga 2, 20). Tương tự như vậy, một câu châm ngôn cho suốt khóa học là: “Không phải tôi kể chuyện mà chính Chúa Giêsu kể chuyện trong tôi”. Chính Chúa Giêsu, chính Ngài là người dạy giáo lý.
Các tham dự viên đang chia nhóm
Câu hỏi thứ hai: “Dạy giáo lý về Ai?”. Chính là dạy về Chúa Giêsu. Không ai biết Chúa Cha ngoài Chúa Con, nhờ Cha mặc khải cho Chúa Con và Chúa Con đã kể lại những điều đã được nghe thấy từ Chúa Cha cho chúng ta.
Với câu hỏi thứ ba: “Dạy giáo lý theo cách của Ai?”. Phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu rất nhà quê, lấy ví dụ cụ thể gần gũi với đời thường. Nhờ vậy mà Ngài có một sức hút mãnh liệt đã thu hút được mấy chục ngàn người nghe Ngài giảng. Lời giảng của Ngài có sức lan tỏa đến tận sâu thẳm nội tâm con người. Sau này, chính các môn đệ đã giảng lại Lời của Chúa và dùng phương pháp Ngài đã dùng để loan báo Tin Mừng.
Khi ĐGH Gioan Phaolô II mới lên nhậm chức, Ngài đã ra tông huấn dạy giáo lý nhấn mạnh nội dung về chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là tâm điểm của giáo lý Kitô giáo. Nơi Ngài mọi người được hội tụ, bị thu hút và được lan tỏa ra mọi nơi để ca tụng về tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là tất cả cuộc đời của mỗi người, Cha Uy gọi là “Tính cách Giêsu – Tâm”.
Vào thập niên 80, đã hình thành và phát triển cả một khoa học về “Thần học kể chuyện”. Kể chuyện về Chúa Giêsu là để cầu nguyện và tạo mối tương quan với Ngài. Để được Ngài chữa trị những vết thương lòng và mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn.
Thiết lập mối tương quan với Chúa gồm 5 bước. Thứ nhất, gặp gỡ và làm quen với Chúa Giêsu trong Kinh Thánh và đối chiếu vào chính cuộc đời của mình. Thứ hai, nghe – kể – hiểu về Chúa Giêsu để hiểu về Lời của Ngài, hiểu việc Ngài làm. Từ đó, mình sẽ trò chuyện và tâm sự với Chúa như một người bạn đồng hành. Thứ ba, đi theo Chúa Giêsu hay đi theo bén gót Chúa Giêsu để lệ thuộc phó thác, tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài. Thứ tư, sống như Ngài sống. Thứ năm, hãy kể lại những gì mình đã được cảm nhận về con người của Chúa Giêsu cho người khác. Đó là truyền giáo và loan báo Tin Mừng.
Thảo luận theo nhóm
Phương pháp giảng dạy giáo lý cũ là dạy cho thiếu nhi học về Chúa như một con vẹt, trả bài là xong nhiệm vụ. Trẻ không cảm nhận được Chúa Giêsu đang hiện diện và đồng hành với các em mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời. Trong giờ cầu nguyện của các buổi giáo lý, các anh chị GLV hãy hướng dẫn các em tạo mối tương quan với Chúa, để Ngài kể chyện về Ngài cho các em nghe, Thần Khí Chúa sẽ tác động nơi mỗi em và các em sẽ trò chuyện với Ngài. Còn kiến thức về Chúa rồi từ từ Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng.
Cách giảng dí dỏm, sinh động, kể chuyện hài hước của cha đã thu hút được cả hội trường. Bao ánh mắt nhìn chằm chằm, há hốc cả miệng, không biết mệt mỏi, lắng nghe cha giảng suốt hai tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng cả hội trường cười rộ lên bởi những câu chuyện tếu lâm của cha.
Trước khi ra về, cha Uy cho bài tập về nhà. Mỗi người mở sách Tin Mừng đọc lướt và ghi chép lại tất cả những chuyện ngụ ngôn của bốn sách Tin Mừng. Và mỗi người chuẩn bị một câu chuyện về Chúa Giêsu để cho buổi học kế tiếp thực hành kể chuyện về Người.
“Xin ban cho chúng con hôm nay
trái tim yêu thương của Chúa.
Xin cho chúng con hôm nay
trái tim yêu thương của Ngài.”
Huyền Trang
Ảnh: Trần Hoa