VRNs (28.20.2011) – Chúa Nhật 31 Thường niên – năm A
Mt 23,1-12
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 23,1-12) là phần bắt đầu của những lời khiển trách dài và mạnh mẽ của Đức Giêsu đối với các kinh sư và những người Pharisêu.
“Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ của Người” (c.1). Để bắt đầu, Đức Giêsu không ngỏ lời với các kinh sư và những người Pharisêu, mà là với đám đông dân chúng và với các môn đệ của Người. Điều này cho thấy mục đích của những gì được nói ở đây chính là để giúp đám đông và các môn đệ Đức Kitô nhận ra thực chất của những gì các kinh sư và người Pharisêu giảng dạy, và để giúp họ được giải thoát khỏi những cái ách nặng nề mà những người đó đã và đang áp đặt trên họ.
Trước hết, Đức Giêsu đưa ra một nhận xét về vị trí mà các kinh sư và người Pharisêu đang nắm giữ. Người nói: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (c.2). Trong truyền thống Do Thái, ông Môsê được coi là một vị thầy có tòa trên núi Sinai. “Ngồi trên tòa ông Môsê” có nghĩa là tiếp nối chức năng làm thầy của ông Môsê. Trong Đnl 18,15.18 những người kế nghiệp ông Môsê là các ngôn sứ. Nhưng rồi “ngồi trên tòa Môsê” trong thực tế lại là những kinh sư và những người Pharisêu. Từ trên tòa ông Môsê, các kinh sư và người Pharisêu phân biệt 613 điều khác nhau trong Luật và bảo rằng tất cả những điều đó đều bó buộc. Nếu các ngôn sứ quy hướng người ta về Thiên Chúa (và đây chính là nét điển hình của các ngài), thì các kinh sư và người Pharisêu lại thay thế vào đó bằng sự quy chiếu về một bộ luật được quy định và giải thích chi tiết, trình bày đến từng nố cụ thể đó. Như chính Đức Giêsu đã từng nhận định: “Giáo lý họ giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (15,9). Đọc trong cách nhìn chung của toàn bộ sách Mt, xem ra phía dưới lời nhận xét của Đức Giêsu rằng “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” ở c.2 này, như thế, là một nhận xét tiêu cực, và sự kiện các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê bị coi là một sự kiện “tiếm vị” trong thực chất.
Sau khi đã nhận xét về vị trí của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu bắt đầu lời phê bình. Người nói: “Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (c.3).
Nhiều người hiểu phần thứ nhất của c.3 là một lời khen ngợi của Đức Giêsu, và như thế, vấn đề của các kinh sư và người Pharisêu chỉ là họ nói mà không làm. Nhưng có lẽ cách hiểu đó không chính xác.
Thực ra, câu này mang tính châm biếm rất ý nhị. Phần thứ hai của câu có giá trị vô hiệu hóa “lời khen” ở phần thứ nhất. Vì chưng không ai có thể coi là có giá trị những lời giáo huấn và giải thích về thánh ý Thiên Chúa của những người mà mình biết rõ là hoàn toàn giả hình. Cách giải thích này được xác nhận bởi sự kiện là Đức Giêsu đã chê trách không chỉ cách sống mà ngay cả giáo thuyết và đạo lý của những người Pharisêu nữa. Người bảo: “Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (15,14). Người khẳng định rằng khi giảng dạy dân chúng, họ dựa vào truyền thống của họ mà hủy bỏ lời Thiên Chúa (x.15,6-9). Người dặn các môn đệ một cách rõ ràng là phải coi chừng giáo lý của những người Pharisêu và những người Xađốc (x.16,12). Người không ngần ngại nói rằng họ khóa cửa Nước Trời không cho người ta vào (x.23,13), làm cho người ta phải sa hỏa ngục (x.23,15), rằng họ chỉ là những kẻ dẫn đường mù quáng (x.23,16)… Vì thế, sẽ là sai lầm nếu chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đồng ý với những giáo huấn mà các kinh sư và người Pharisêu giảng dạy, và rằng Người muốn đám đông dân chúng và các môn đệ đang nghe Người hãy thực hành theo các giáo huấn đó.
Khi giảng dạy dân chúng, các kinh sư và người Pharisêu “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4). Đức Giêsu phê bình tính chất nặng nề trong lời giảng dạy của các kinh sư – Pharisêu và sự vô cảm của họ. Khác hẳn những gánh nặng mà các kinh sư chất lên vai người ta, Đức Giêsu sẽ mang đến cho người ta “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng” (11,30).
Giáo lý của các kinh sư và người Pharisêu là những gánh nặng mà người ta không thể mang nổi. Trong những nỗ lực lớn lao nhưng sai lầm, các kinh sư Do Thái cố gắng bảo vệ sự tuân phục Torah bằng cách dùng cả một rừng những quy định chi tiết thuộc truyền thống của họ để giải thích Torah, và trớ trêu thay, những lời giải thích ấy lại làm tiêu tan luôn giá trị của những gì họ định giải thích. Kết quả sẽ chỉ là những gánh nặng không thể chịu nổi, và trong nhiều trường hợp, là sai lầm.
Cùng với sự sai lầm và nặng nề ấy, là thái độ vô cảm của những người đưa ra những giáo lý đó. Họ không giúp người ta mang gánh nặng mà họ đã chất lên vai người ta. Họ không giúp dân chúng tuân giữ những giáo huấn nặng nề của họ. Thậm chí họ cũng còn chẳng buồn đưa ngón tay lay thử. Rõ ràng họ không muốn giúp người khác sống thánh ý Thiên Chúa, một chỉ muốn thống trị người ta bằng giáo lý và những “giới luật phàm nhân” (15,9) của họ mà thôi.
Đó là trong chuyện giảng dạy. Còn trong thực tế cuộc sống, họ là những người ưa khoe mình, đam mê được người khác khen ngợi và ngưỡng mộ. “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (c.5a).
“Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (c.5b). “Hộp kinh” là những chiếc hộp nhỏ bằng da, màu đen, bên trong chứa bản chép bốn lời Kinh Thánh Đnl 11,13-22; 6,4-9; Xh 13,2-10; 13,11-16. Người Do Thái mang những hộp kinh này trên đầu và trên cánh tay trái trong những ngày làm việc. Đây là một cách thức thi hành lệnh truyền trong Xh 13,9.16; Đnl 6,8; 11,18. “Tua áo” là dải len hay lụa màu xanh được đeo vào bốn góc áo choàng (theo lệnh truyền trong Ds 15,37-39 và Đnl 22,12) như một lời nhắc nhở thường xuyên về các lệnh truyền của Thiên Chúa mà người ta phải thi hành. Chính Đức Giêsu cũng mang những tua áo như vậy (x. 9,20; 14,36). Vấn đề không ở chỗ những kinh sư và người Pharisêu mang hộp kinh và tua áo, mà là họ cố ý mang những hộp kinh thật lớn và những tua áo thật dài, để lôi kéo sự chú ý của mọi người đến lòng “đạo đức” của họ. Thật mỉa mai khi họ chất những gánh nặng của luật lệ lên vai người khác, còn chính họ thì lại chỉ lo nới rộng hộp kinh và may dài tua áo. Hộp kinh của họ càng lớn và tua áo của họ càng dài thì cái ách luật lệ mà họ áp đặt lên dân chúng càng nặng!
Không chỉ phê bình cách trang phục của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu còn chỉ rõ sự ham hố của họ trong việc tìm kiếm sự tôn kính của dân chúng:“Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta bái chào ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rabbi” (cc.6-7).
Có bốn sự ham hố được đề cập ở đây. Hai sự ham hố đầu liên quan đến chỗ ngồi trong đám tiệc và trong hội đường, nghĩa là vị trí của người ta trong những cuộc tập họp dân sự và những cuộc tập họp tôn giáo. Sự “bái chào ở những nơi cộng cộng” là các cách thức bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt dành cho những nhân vật tôn giáo nổi tiếng, chứ không phải là sự chào hỏi thông thường trong phép giao tiếp lịch sự hàng ngày. Vào thời Chúa Giêsu, “rabbi” là một tước hiệu danh dự dành cho các bậc thầy tôn giáo và các chuyên gia hàng đầu về Torah. “Ưa được người ta bái chào ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rabbi” ” là tâm tính của những con người hợm hĩnh, ưa thống trị. Những kinh sư và người Pharisêu cố ý tạo nên những sự khác biệt và nhấn mạnh trên những gì làm nổi bật thẩm quyền của họ trong cộng đồng xã hội và tôn giáo (từ chỗ ngồi cho đến những cách chào hỏi và xưng hô), nhằm gia tăng, tận hưởng và tận dụng quyền thống trị của họ trong cộng đồng. Họ cố ý tạo ra những sự khác biệt và bất bình đẳng để che giấu những tham vọng và sự rỗng tuếch của mình.
Sau khi chỉ trích những tham vọng, tâm tính và thói xấu đó của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ. Tuy bản văn không nói rõ, nhưng chắc chắn cc.8-12 là những lời dành riêng cho các môn đệ và cộng đoàn Hội Thánh.
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rabbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). Trong cộng đoàn của Đức Giêsu, không ai có quyền ở vào một thứ hạng hay ưu thế cao hơn người khác, cũng chẳng ai phải tùy thuộc người khác về đạo lý: chỉ có một Thầy duy nhất là chính Đức Giêsu, còn tất cả các Kitô hữu đều bình đẳng với nhau và là anh em của nhau. Quả thực, chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải về Chúa Cha cho con người : “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (11,27).
“Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (c.9). “Cha” ở đây không có nghĩa là người sinh ra mình, nhưng là một tước hiệu tôn kính được dành cho các bậc thầy và các thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái (Cv 7,2; 22,1). “Cha” nghĩa là người lưu chuyển truyền thống và khuôn mẫu hành xử. Đức Giêsu cấm các môn đệ không gọi ai dưới đất này là cha, tức là không được đặt mình tùy thuộc vào những người lưu chuyển truyền thống và khuôn mẫu hành xử thuộc về cõi trần gian này. Các môn đệ sẽ chẳng có khuôn mẫu hoàn thiện nào khác ngoài chính Cha trên trời: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (5,48). Chỉ một mình Ngài mới là Cha của họ (6,9).
“Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đức Kitô” (c.10). Đức Kitô dành riêng cho mình quyền lãnh đạo và hướng dẫn trên con đường cứu độ. Các môn đệ chỉ là những người phục vụ anh em mình, chứ không phải là người chỉ đạo, cho dù giữa họ vẫn có người “làm lớn”: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (c.11).
“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (c.12). Thay vì tâm tính và tham vọng thống trị và “tôn mình lên”, Đức Giêsu công bố nguyên tắc phải theo trong cộng đoàn các đồ đệ của Người: “hạ mình xuống”. Các động từ trong hai mệnh đề chính ở c.12 này được đặt ở dạng thụ động thần học thời tương lai, và do đó, có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ hạ những kẻ tự tôn xuống và sẽ tôn những kẻ tự hạ lên. Lời tuyên bố nguyên tắc này của Đức Giêsu cũng đồng thời là lời công bố phán quyết của Thiên Chúa về các thái độ sống của con người.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Đức Giêsu phê phán việc các kinh sư và người Pharisêu lợi dụng tòa ông Môsê để trục lợi cho riêng mình. Những vị trí công tác trong Hội Thánh ngày nay cũng có thể bị biến thành những “miếng mồi” ngon cho những tham vọng vật chất, tham vọng quyền lực, tham vọng danh tiếng…
2. Đức Giêsu phê bình tính chất nặng nề trong lời giảng dạy của các kinh sư – Pharisêu và sự vô cảm của họ trong việc thi hành nhiệm vụ phục vụ lời Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta, trong những vị trí khác nhau (giám mục, linh mục, bề trên, thày dạy, cha mẹ, anh chị, giáo lý viên…) đều tham dự cách này cách khác vào nhiệm vụ giảng dạy của Hội Thánh. Lời phê bình của Đức Giêsu đối với các kinh sư xưa có thể vẫn còn rất thời sự: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4).
3. Các kinh sư và người Pharisêu đã cố ý tạo nên những sự khác biệt và nhấn mạnh trên những gì làm nổi bật thẩm quyền của họ trong cộng đồng xã hội và tôn giáo (từ cách ăn mặc và chỗ ngồi cho đến những cách thức chào hỏi và xưng hô), nhằm gia tăng, tận hưởng và tận dụng quyền thống trị của họ trong cộng đồng. Họ cố ý tạo ra những sự bất bình đẳng để che giấu những tham vọng và sự rỗng tuếch của mình. Đức Giêsu mạnh mẽ chỉ trích cách sống đó. Nhưng có lẽ không chỉ các kinh sư và người Pharisêu Do Thái xưa mới đáng bị chỉ trích như vậy.
4. Đức Giêsu công bố nguyên tắc phải theo trong Hội Thánh, và cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa về cuộc sống của chúng ta: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (c.12). Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta trong việc sống theo nguyên tắc căn bản này: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo,Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,48-53).
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R