VRNs (22.10.2011) – Sài Gòn – Trang mạng xã hội Facebook thu hút nhiều người dùng (theo Facebook statistics thì có 800 triệu người trên khắp thế giới), vì những tiện ích của nó. Và ai dùng Facebook cũng cảm thấy hài lòng vì tính giao tiếp và tương tác rõ ràng.
Tuy nhiên, nhiều khi vào Facebook, ta thấy nặng lòng vì những lý do không đâu. Trước hết là tường lửa. Có lẽ vì thông tin trên Facebook đa dạng, đa chiều, lại đi nhanh và lan rộng, nên nó cần phải bị hạn chế trong một xã hội vốn không cần và không muốn để thông tin bay nhảy tự do như thế.
Điều thứ hai khiến người dùng Facebook ưu tư là thấy những người quen biết với mình chỉ đưa lên đó những chuyện nhảm nhí, nhiều khi dung tục và báng bổ.
Chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp những câu vô tình hay cố ý coi thường những thực tại linh thánh dưới hình thức này hay hình thức khác mà chủ nhân của nó có khi là người có Đạo.
Nhưng điều đáng canh chừng và cẩn trọng là có những cá nhân lập ra các trang riêng và dùng tên gọi chung dễ gây hiểu lầm. Chỉ là một cá nhân cùng với vài admin bạn bè mà đặt tên Giới Trẻ Công Giáo chẳng hạn, làm nhiều người tưởng trang đó của tổ chức trong Hội Thánh.
Điều ấy có lẽ cũng chưa cần phải lên tiếng nếu các cá nhân lập trang không hành xử có tính cá nhân, luôn bảo vệ quan điểm riêng của mình mà quên tiếng nói chung.
Có trang Facebook mệnh danh là Công giáo nhưng khi các bạn post bài trích từ một website Công giáo, trích lời Đức Tổng Giuse hay xin cầu nguyện cho các bạn trẻ đang gặp nạn thì lập tức bị xoá ngay. Không những vậy, người phụ trách trang Facebook ấy còn bảo những điều ấy là gây hấn, là làm chính trị, là thiếu yêu thương. Nhận định này vừa thiếu bác ái vừa đi ngược lại tinh thần Giáo huấn Xã Hội Công Giáo.
Bây giờ người ta lợi dụng hai từ yêu thương nhiều quá. Khi người ta tránh né sự thật, người ta không thể nói yêu thương, bởi vì liên đới là một trong bốn nguyên tắc trường tồn của Giáo huấn Xã Hội Công giáo. Không liên đới với anh chị em mình thì chuyện yêu thương chỉ là ảo tưởng.
Ngoài ra, nếu yêu kẻ có chức quyền, có tiền bạc thì dễ quá, và ai yêu cũng được. Những người cổ vũ cho khái niệm yêu thương ấy dĩ nhiên sẽ coi thường những anh chị em yếu thế, cô đơn và bị bỏ rơi. Admin của trang Facebook mệnh danh Công giáo ấy bảo rằng bài viết về Y đức Việt nam là gây hấn, không nên phổ biến.
Ý kiến chủ quan ấy có ít là hai cái sai: một là che giấu sự thật, hai là khi anh sợ mất lòng người gây “thất đức” là mặc nhiên anh chấp nhận cho người bệnh, người nghèo bị bóc lột và bị coi thường. Giáo lý nào, học thuyết nào dạy anh điều ấy?
Những người cố tình nhấn mạnh chữ “yêu thương” mà quên liên đới, sự thật, công lý hay biện minh rằng “tôi âm thầm cầu nguyện cho công lý” mà lại xoá bỏ lời mời gọi anh chị em cầu nguyện là áp dụng sai lạc Giáo huấn Xã Hội của Hội Thánh. Điều này đã được cảnh báo ở khoản mục 162 ở bản tóm tắt của Giáo huấn này: “Nếu có xét riêng rẽ từng nguyên tắc thì việc này không được dẫn đến việc dùng các nguyên tắc ấy từng phần riêng biệt hay dùng một cách sai lạc; đó là trường hợp khi chúng ta dẫn chứng các nguyên tắc ấy một cách rời rạc và không liên kết mạch lạc với những nguyên tắc khác.”
Cũng liên quan đến chuyện phổ biến ý riêng trên mạng xã hội, chúng ta cần qui chiếu mọi ý kiến về Tin Mừng và Giáo huấn của Hội Thánh, vì “chúng ta biết chúng ta tin vào ai” như Thánh Phaolô nói. Có người cắt nghĩa Tin Mừng theo ý riêng mình để bảo vệ cho cơ chế nào đó. Chẳng hạn khi chúng ta lên tiếng trước cái xấu thì có người bảo rằng Chúa dạy không được xét đoán người khác. Người ta quên điều căn bản này: chúng ta phải yêu thương con người nhưng không được ủng hộ cái ác và cái sai. Không xét đoán hoàn toàn không có nghĩa là đồng loã với tội ác người khác gây ra.
Facebook hay bất cứ trang mạng xã hội nào, kể cả blog, mang dấu ấn cá nhân nhưng đồng thời trình bày cá nhân trong cộng đồng xã hội. Về mối quan hệ này, chúng ta cần nhớ lời giáo huấn của Hội Thánh (khoản mục 82 GHXHCG): “Phẩm giá và quyền lợi của con người đang bị đưa ra đánh cược trong xã hội, và hoà bình trong các quan hệ giữa người với người và giữa các cộng đồng với nhau cũng đang lâm vào tình cảnh này. Đó chính là những điều thiện hảo mà cộng đồng xã hội phải theo đuổi và bảo đảm”.
Vì công ích, sự thật và công lý. Vì tình yêu cho người nghèo khổ bất hạnh. Vì một cộng đồng xã hội phát triển theo chiều hướng Tin Mừng. Đó phải là những tiêu chí mà người tín hữu giáo dân phải đạt tới khi đi vào cuộc đời này và khi hành xử dù là cá nhân hay nhân danh cộng đồng.
Mong rằng Facebook sẽ không còn chứng kiến những nỗi buồn thế này và những người nhỏ bé nhất cũng có chỗ đứng nào đó trong lòng các bạn dùng Facebook.
Xin Chúa cho chúng ta chọn con đường Giêsu mà không loại bỏ bất cứ giá trị nào của Tin Mừng, dù giá trị đó không phù hợp ý riêng chúng ta.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs