Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

NÓI và LÀM

VRNs (24.10.2011) - Sài Gòn - Càng về cuối năm Phụng vụ, Giáo hội càng dùng những đoạn Phúc âm mang màu sắc “tím” hơn và khiển trách “mạnh mẽ” hơn: Giả hình!



Khi đọc đoạn Phúc âm Mt 23:1-12, chắc hẳn nhiều người không chỉ không thích mà còn… “khó chịu” – nhất là những người có quyền “ăn trên, ngồi trước” (đạo cũng như đời): “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (Mt 23:2). Tại sao? Vì Lời Chúa nói thẳng quá, nói rõ quá, nói “toạc móng heo” quá. Đó là chuyện minh nhiên: Thuận ngôn, nghịch nhĩ! Có lẽ đây là một trong những đoạn Phúc âm người ta không thích đọc nhất, có đọc thì chắc sẽ tìm cách “nói lái” hoặc “né tránh” sao đó, khó tránh chút gì đó miễn cưỡng vì… lúng túng.

Nói dễ, làm khó. Người ta hay “xác định” như vậy. Nhưng người ta vẫn nói, dù biết là “nói trước, bước không qua”. Thế mới lạ. Có lẽ họ là những “siêu nhân”. Cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận có cách diễn tả rất hay: “Đạo nhãn hiệu”. Vâng, thời nay cái “mác” quan trọng lắm: Made inUSA hoặc Made in Japan khiến người ta tin tưởng hơn Made in Vietnam, dù chất lượng chưa chắc hơn, và hiện nay Made in China lại khiến người ta “rởn tóc gáy”.

Tiền nhân có câu: “Trăm voi không được bát nước xáo”. Ý nói người ta chỉ nói suông mà không làm. Quả thật, tới trời chỉ có vài cm. Có những người không chỉ nói suông mà còn “chỉ tay năm ngón”, đùn đẩy trách nhiệm, hạt muối cắn đôi nhưng hạt đường ăn cả: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4). Vậy đó, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Họ không muốn nhận trách nhiệm nhưng lại đòi nhiều quyền lợi. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6:2), còn Chúa Giêsu dạy: “Ai làm lớn phải phục vụ” (x. Mt 20:24-28; Mc 10:40-45), và “người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23:11), nhưng việc Chúa nói thì cứ nói, việc tôi làm thì cứ làm – dù Chúa nói rất rõ, không hề “bóng gió”. Đôi khi Chúa bị hàm oan, vì người ta lợi dụng lòng tốt của Chúa, cái gì cũng nói là “ý Chúa”, rất có thể người ta cả gan nhân danh Chúa mà đàn áp người khác. Cờ đến tay ai thì người đó phất!

Với những người có chức, có quyền, tỏ ra mình tốt lành, Chúa Giêsu “mách nước” cho chúng ta: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23:3). Rất nhiều khi chúng ta tỏ ra nghiêm túc, nói chuyện đạo đức, đi tới nơi này nơi nọ để làm việc từ thiện bằng vài bao quần áo cũ, vài thùng mì ăn liền, cho người ta ít tiền, dăm ba đồ lặt vặt,… và thế là tưởng mình “ngon ăn”, nhưng thực chất chưa chắc vì thấy chính Chúa nơi những con người nghèo khổ, những con người sa cơ lỡ vận kia, mà có thể là “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy” (Mt 23:4-7).

Đồ từ thiện đó có phải là đồ do chính mình hy sinh hay là đồ thừa, thay vì vứt đi thì cho họ? Cho đồ thừa vậy có phải là bác ái đúng nghĩa? Thiết nghĩ, may ra thì chỉ ở mức bố thí hoặc công bằng. Chân phước Mẹ Teresa Calcutta (28/8/1919 – 5/9/1997) sáng lập Dòng Truyền giáo Bác ái (Missionaries of Charity) với nguyên tắc sống: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau” (Love means giving until it hurts). Yêu vậy mới là bác ái đúng như Chúa dạy. Khó lắm, đừng ảo tưởng!

Thánh Phaolô cũng nói rõ: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11).

Có lẽ kinh nghiệm nhiều nên người Pháp đã nói thẳng: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối kẻ khác”. Giả hình vì trọng hình thức bề ngoài, vì ảo tưởng: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6:3). Quả thật, “con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (Lc 16:8).

Lại một điều “khó lọt tai” nữa: “Đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô” (Mt 23:8-10). Thế nhưng thực tế có vậy? Nhất là vì Việt ngữ rất phức tạp! Chúng ta chê chế độ phong kiến vì cứ phải “kính, bẩm, thưa, trình”, nhưng ai dám “nói thẳng, nói thật”, không luồn cúi, thì bị “ghét”, người ta không ưa. Ai bảo dám “săm soi” cái-ghế-toàn-năng làm gì? Đồng bạc đâm toạc tờ giấy. Chuyện đời xưa nay vẫn thế, và chuyện nhà đạo cũng chẳng khác!

Chúa luôn nói thẳng, nói thật, không “vòng vo tam quốc”, không rào trước đón sau, rất ghét những người giả hình: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay” (Lc 11:44). Chúa Giêsu đã bị người ta giết chết thảm thương vì “tội” nói thẳng, dám “ý kiến, ý cò”, dám “xây dựng” người khác, dám “chạm” vào chỗ “nhạy cảm” của “bề trên”. Khủng khiếp quá! Con người dù yếu đuối mà vẫn kiêu ngạo, gật gù ra chiều “thâm ý” lúc nghe và rồi “tai này qua tai kia” mà thôi: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52). Đó là điều chắc chắn: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12).

Theo ABC News, đại tá Muammar Gaddafi (sinh 1942) là một trong những người đàn ông tàn nhẫn nhất thế giới. Ông đã lãnh đạo Lybia nhỏ bé suốt 42 năm, luôn có các nữ vệ sĩ sử dụng súng thành thạo và giỏi võ nghệ, nhưng cuối cùng cũng bị bắt giữ và vừa bị bắn chết thảm thương. Đó là số phận nghiệt ngã của những người cậy quyền, dựa thế, ỷ mình, kiêu căng, ảo tưởng, không thèm nghe ai, tưởng mình là “đệ nhất thiên hạ”, là “cái rốn” của vũ trụ!

Lạy Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5), xin xót thương con là kẻ tội lỗi (Lc 18:13), xin giúp con can đảm thay đổi não trạng đúng Ý Chúa và thực hiện ngôn hành song song.

Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU