VRNs (16.10.2011) – Hà Nội – Một trong những trương lực căng thẳng mà người Kitô hữu phải thường xuyên đối mặt là làm sao dung hòa và hoàn thành được trách nhiệm vừa làm công dân nước trời và vừa làm công dân của thế giới này. Chính Đức Giêsu cũng đã bị đặt trước trương lực này khi người ta cài bẫy để hỏi Ngài có phải nộp thuế cho Hoàng đế Xêda không.
Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu rõ đây là cái bẫy vô cùng nguy hiểm mà những kẻ thù ghét Ngài chủ mưu bày ra để buộc tội, kết án và tìm cách loại trừ Ngài. Họ biết chắc rằng Đức Giêsu không thể thoát ra được khỏi cái bẫy hai tròng này. Nếu Đức Giêsu trả lời không nộp thuế cho Xêda thì sẽ bị tố cáo, kết án chống lại Hoàng Đế La mã. Ngược lại, nếu bảo phải nộp thuế cho Hoàng đế thì Đức Giêsu sẽ bị kết án là kẻ phản lại dân tộc, thỏa hiệp với ngoại bang, bóc lột dân mình. Đường nào Ngài cũng chết.
Nhưng sự khôn ngoan của con người trước mặt Thiên Chúa chỉ là sự khờ dại. Đức Giêsu không chỉ không mắc bẫy do những kẻ chủ mưu bày ra, mà Ngài còn nhân cái bẫy này mà gởi đến cho những đối thủ của Ngài, cho chúng ta một sứ điệp, một chỉ dẫn vô cùng quan trọng, giúp người Kitô hữu sống và thực thi đúng vị trí và vai trò của mình đối với Thiên Chúa và đối với thế giới mà họ đang sống.
“Cái gì của Xê da hãy trả lại cho Xê da; và cái gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”. Câu trả lời này không chỉ khiến cho những đối thủ của Đức Giêsu phải chưng hửng, sững sờ, ngậm miệng như hến mà còn là một kim chỉ nam, một định hướng rõ ràng và vô cùng cần thiết cho mọi hoạt động của người Kitô hữu, trong tư cách vừa là công dân của Nước Trời vừa là công dân của thế giới này.
Người Kitô hữu là công dân của Nước Trời
Là công dân của Nước trời, người Kitô hữu tin nhận và đi theo Đức Giêsu Kitô. Họ là những đồ đệ của Đức Giêsu, là công dân của Ngài, thuộc về vương quốc Nước trời và có những bổn phận, trách nhiệm nhất định dành cho một công dân. Họ phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa. Họ được mời gọi cố gắng sống theo những gì Thầy mình chỉ dạy và nỗ lực thực thi vai trò rao giảng và làm chứng cho mọi người về Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ, đã đến trong thế giới, đã chết và sống lại, hiện đang sống, đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo hội, nơi những đồ đề của Ngài để cứu hết mọi người. Ai tin và đón nhận Đức Giêsu làm Chúa của họ thì Ngài cho họ được gia nhập vào trong vương quốc Nước trời và được hưởng sự sống đời đời của Thiên Chúa và được làm Con Thiên Chúa. Rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu là sứ mạng, là bổn phận hàng đầu của người Kitô hữu.
Cùng với việc rao giảng, làm chứng bằng đời sống, cách sống, lời nói người Kitô hữu còn thực thi vai trò thờ phượng Thiên Chúa của mình qua việc cầu nguyện, cử hành phụng tự, lãnh nhận các bí tích, thực hành các việc đạo đức khác. Nhờ thờ phượng Thiên Chúa, người Kitô hữu càng gắn chặt đời mình với Thiên Chúa và cắm rễ sâu hơn trong Ngài. Cái gì thuộc Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Việc thờ phượng không chỉ thuộc về Thiên Chúa mà còn chỉ dành riêng cho một mình Ngài và duy mình Ngài là đối tượng duy nhất người Kitô hữu phải thờ phượng mà thôi. Một người say mê và thán phục Gandhi, sau khi chiêm ngắm người bức chân dung của ông và của Đức Giêsu đã nói “Tôi nghiêng mình kính cẩn trước nhà cách mạng vĩ đại Gandhi, nhưng tôi chỉ quỳ gối trước Đức Giêsu mà thôi”. Đúng vậy, người Kitô hữu chỉ thờ phượng duy một mình Thiên Chúa mà thôi. Những gì là ngẫu tượng như tiền bạc, quyền lực hay danh dự đều phải loại bỏ.
Chính vì thế, ngày Chúa nhật- Ngày của Chúa, người Kitô hữu đến với nhà thờ, với thánh lễ để thực hiện chức năng trả lại cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa, qua hành vi thờ tự của mình. Lịch sử cho chúng ta thấy, biết bao nhiêu người Kitô hữu, vì tuân giữ luật Chúa, nghe theo hướng dẫn của Hội thánh và không nghe theo lệnh ngang ngược của các vua chúa, quan quyền mà đã phải chịu thua thiệt, và nhiều người đã phải lãnh án tử. Cụ thể như trường hợp của vua Henri thứ tám, đòi lấy vợ của anh trai mình. Đức Giáo hoàng không chấp nhận hành động vô luân này. Để trả thù, ông đã bắt những Kitô hữu phải thuần phục ông và ly khai khỏi giáo hội Công giáo. Nhiều Kitô hữu, vì vâng phục Thiên Chúa chứ không vâng phục quyền bính của con người mà đã phải chấp nhận bị giết chết cách oan khiên.
Những gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Bởi vậy, những gì được hiến thánh cho Thiên Chúa như nhà thờ, nhà nguyện, tu viện, tượng ảnh, những nơi thờ tự và những gì thuộc về thánh thiêng phải trả lại cho Thiên Chúa. Người Kitô hữu có trách nhiệm phải bảo vệ những gì là thánh thiêng, những gì thuộc về Thiên Chúa cho dù họ phải chết. Các thánh tử đạo Việt nam cũng vậy. Vì không chấp nhận bước qua Thánh giá, biểu tưởng linh thánh của Kitô giáo mà đã bị xử trảm, bị giết chết.
Trong những ngày qua, người ta đang có ý định biến tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, trong đó có nhà Nguyện, có Thánh giá đang nằm sừng sững trên nóc nhà, mà họ mượn làm bệnh viện Đống đa, thành sở hữu riêng của họ, với những thuật từ hoa mỹ như xây dựng nhà máy nước thải, nâng cấp bệnh viện… để mị dân, để xúc phạm đến Thiên Chúa. Là những công dân của Nước trời chúng ta không thể để cho những điều ngang trái phạm thánh đó xảy ra. Chúng ta tha thiết cầu nguyện xin Chúa trợ lực giúp chúng ta kiên quyết chống lại sự phạm thánh này.
Với Bí tích rửa tội, người Kitô hữu không chỉ lãnh nhận và thực thi sứ mạng Ngôn sứ, Tư tế mà còn cả sứ mạng Vương đế; nghĩa là chăn dắt những người mà Thiên Chúa ủy thác cho mình. Họ được giao nhiệm vụ chăm sóc, hướng dẫn những người thuộc mình quản lý về mọi phương diện, nhất là phương diện đức tin. Người làm bố hãy chăm sóc vợ, con mình cho nên; Người làm giám đốc hãy chăm lo những công nhân, nhân viên của mình, người làm ông trùm, ông câu hãy lo cho những ai thuộc thẩm quyền mình, người dạy giáo lý, người phụ trách hội đoàn, ca đoàn… đều phải chu toàn bổn phẩn chăn sóc như Chúa mong muốn và chờ đợi. Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Những con chiên của Thiên Chúa trao cho chúng ta chăn dắt, chúng ta có bổn phận giúp những con chiên này đi đúng đường lối của Thiên Chúa và đừng đi lạc, đi hoang mà lạc xa Thiên Chúa.
Người Kitô hữu là công dân của thế giới, của đất nước
Là công dân của thế giới này, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn, nhân ái, công bằng, văn minh và dân chủ tự do hơn. Chúng ta phải góp sức mình để bảo vệ môi sinh, bảo vệ và cứu trái đất, cứu xã hội thoát khỏi sự tàn phá, hủy diệt của những cơ cấu tội ác đang chi phối, thống trị và điều khiển thế giới này. Chúng ta không có quyền khoanh tay đứng nhìn và kết án những cơ cấu tội ác này. Chúng ta phải dấn thân hành động một cách thiết thực và cụ thể cho lợi ích chung của mọi người và của thế giới.
Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi điều Thiện hảo. Chúng ta có trách nhiệm hãy trả lại cho Ngài mọi điều thiện hảo bằng cách dấn thân phục vụ và làm cho những điều thiện hảo, tức là những giá trị của Tin Mừng như công bằng, tôn trọng, phục vụ, hy sinh, trung tín, quảng đại… được thành sự trong cuộc sống, trong gia đình, trong cơ quan, trong trường học, nơi công trường, xí nghiệp mà chúng ta được sai tới.
Những gì làm cho chúng ta thuộc về công dân của Nước trời không tách biệt chúng ta ra khỏi những gì làm cho chúng ta thuộc về thế giới này. Lòng tin chúng ta vào Thiên Chúa phải là một lòng tin năng động, có khả năng dẫn chúng ta hành động để trợ giúp cho người khác, như thánh Phaolô đã nói trong thơ thứ nhất, gởi cho các tín hữu Thessalonica “Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì anh em đã chỉ ra lòng tin của mình trong hành động và trong công việc vì lòng mến” (1 Thess 1;3). Vì chúng ta được mời gọi để thật sự trở nên công dân của Thế giới này và làm việc cho thế giới.
Là công dân của đất nước Việt nam, chúng ta có bổn phận phải chia sẻ những bận tâm, những khắc khoải chung của cả dân tộc hiện nay như việc Trung quốc ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải Hoàng sa, Trường sa, xâm phạm chủ quyền của đất nước, tấn công, bắt bớ những ngư dân của chúng ta một cách ngang ngược, phi lý. Chúng ta phải kiên quyết chống lại những hành vi ngạo mạn, bất chính của nhà cầm quyền Trung quốc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của dân tộc mà cha ông chúng ta đã phải tốn bao nhiêu hy sinh xương máu mới tạo lập được cho chúng ta. Chúng ta phải dấn thân trong mọi lãnh vực, với mọi khả năng để đẩy lùi những bất công đói nghèo, những kỳ thị phân biệt tôn giáo, những tham nhũng, giả dối đang diễn ra khắp nơi. Chúng ta phải góp sức mình để xây dựng một đất nước Việt nam độc lập, dân chủ, tự do và phồn vinh thịnh vượng thực sự. Chúng ta có bổn phận phải đi tiên phong trong những công việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.
Đồng tiền được tạo ra bởi Xêda thì thuộc về Xêda và hãy trả lại cho Xêda. Ngược lại, con người được tạo ra bởi Thiên Chúa thì thuộc về Thiên Chúa và hãy trả lại cho Thiên Chúa. Vì thế, mọi nỗ lực hoạt động của Kitô hữu phải nhắm tới việc thăng tiến phẩm giá và phục vụ con người. Những gì xúc phạm đến con người và quyền làm người căn bản như quyền tự do tôn giáo, quyền bình đẳng trước luật pháp, quyền được sống, quyền tự do ngôn luận… thì chúng ta có trách nhiệm phải lên tiếng phản đối và ra tay hành động. Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Ngài sẵn sàng trao ban cho chúng ta những năng quyền, ân sủng và bình an của Ngài để chúng ta có khả năng tái thiết và cứu thế giới, cứu con người khỏi thảm họa của sự diệt vong. Tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Ngài chúng ta được mời gọi cộng tác một cách đắc lực với Ngài trong việc xây dựng, mở mang Vương quốc của Thiên Chúa và chung sức để xây dựng một đất nước, một thế giới phù hợp với những gì mà Tin mừng đã rao giảng và đặt nền móng cho chúng ta.
Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Đấng đang nói với chúng ta sứ điệp vô cùng quan trọng này, ban cho chúng ta sức mạnh, lòng tin và sự khôn ngoan của Ngài để chúng ta biết suy nghĩ và hành động đúng như Ngài và nên giống Ngài. Nhờ đó, chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa một cách tích cực và hữu hiệu trong việc xây dựng Vương quốc Nước trời và góp phần mình trong việc cứu độ thế giới này. Amen.
Thái Hà, ngày 14.10.2011
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR