Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Tâm tình của người giữ xe nhà thờ

VRNs (25.10.2011) – Sài Gòn – Thế giới vật chất khiến người ta coi ‘tiền là tiên là Phật, là sức bậc tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lộng che thân, là cán cân công lý’ quả không sai. Hễ ai có tiền thì ăn trên ngồi chốc, kẻ yếu hèn khốn khó thì không còn tiếng nói hoặc giả có nói sự thật thì cũng chẳng ma nào nghe. Đấy là ta bàn về góc cạnh sức mạnh vật chất giữa đời thường trong xã hội.



Ấy vậy mà có những người được Chúa Yêsu Kitô soi lòng dạy dỗ bằng lời của Người, bằng Mình máu Người hiện diện trong từng Thánh Lễ thì có cuộc sống khác cách nghĩ của thế gian: vật chất tuy cần nhưng không quan trọng. Những con người này là những người đang âm thầm sống lời Chúa phục vụ tha nhân qua việc làm của mình để giới thiệu Chúa của mình cho những người xung quanh, những người chưa biết Chúa.

Họ là những người âm thầm phục vụ Chúa của mình trong chính anh em, phục vụ vô điều kiện, không cần ai phải trả công. Những người đấy không ai xa lạ chính là các bác quét sân-lau dọn nhà thờ, các cô dâng hoa trên bàn thờ Chúa Mẹ, là anh phục vụ âm thanh ánh sáng, chú sửa điện hoa viên, các chị lắc giỏ, các anh giữ xe trong các Thánh Lễ,… để tất cả mọi người có được một Thánh Lễ ấm cúng, trang nghiêm, sốt mến nhưng cũng rộn tiếng cười hoan hỉ.

Để biết rõ hơn về một trong những người anh em phục vụ âm thầm cho Chúa, tôi đã gặp anh Gioan Phạm Quốc Tuấn tại giáo xứ Thiên Ân, giáo hạt Tân Sơn Nhì, Sài Gòn vào 9h30 sáng chủ nhật, ngày 23.10.2011.

PV: Anh vui lòng cho biết tại sao anh tham gia giữ xe tại nhà thờ, đặc biệt là các ngày chủ nhật?

Anh Tuấn: đúng ra là tới giáo họ nào thì giáo họ đó giữ từ 5 giờ sáng Lễ nhất, Lễ 7giờ tối hôm qua, rồi chiều nay Lễ 5 giờ dành cho người lớn làm. Cứ mỗi giáo họ giữ một tháng. Tháng này là Phêrô, tháng sau là Mông Triệu và tháng sau nữa là Vô Nhiễm, cứ vậy xoay tua nhau. Còn Thánh Lễ sáng chủ nhật là của các em thiếu nhi thì lẽ ra là thiếu nhi đảm trách việc giữ xe. Nhưng vì các em bận sinh hoạt và cũng vì cha sở nhờ nên một số anh em nào có sức khỏe và rỗi rảnh thì đến làm luôn cho các em để các em yên tâm sinh hoạt cho tốt. Riêng bản thân anh thì chủ nhật nào cũng giữ hết, ngày nào bận thì nhờ anh em khác đến phụ.

PV: Đội giữ xe của anh có khoảng mấy người ? Một tuần anh có mặt ở nhà thờ mấy ngày ?

Anh Tuấn: Đội có mười người nhưng không phải lúc nào cũng có đầy đủ tất cả mà khi thì có người này, người nọ. Nói chung là mười người đó thay phiên nhau trong đội giữ xe cho thiếu nhi. Bình quân là khoảng năm sáu người giữ xe cho một Thánh Lễ. Một Thánh Lễ thì có số xe không ổn định khi nhiều khi ít. Lúc thì năm trăm, bốn tram, lúc hơn ba trăm mấy. Như hôm nay là hơn 320 chưa kể xe người quen không lấy vé. Vì có một số người quen mình biết mặt, họ gửi xe chạy vô một chút thì chạy ra lấy xe, mình quen mặt nên cho họ lấy mà không cần phải xé vé.

Thường thì tối thứ ba họp lên chương trình xem trong tuần nhà thờ có công việc gì không với ngày chủ nhật. Nếu tháng nào rơi vào Giáo họ của mình thì túc trực ở đây để làm vé xe, in vé, đóng vé, 4 giờ sáng có mặt ở đây để chuẩn bị cho Lễ nhất lúc 5 giờ, giữ Lễ Thiếu Nhi lúc 8 giờ. Còn chiều thì 4 giờ có mặt để giữ Lễ 5 giờ, rồi giữ luôn cho Lễ 7 giờ tối đến 9 giờ. Sau khi trả hết xe thì anh em ra làm một xị thì về ngủ. Thứ ba tuần sau thì tiếp tục như vậy.

Nhưng đôi khi Cha cần mình làm gì đột xuất mà nằm trong khả năng thì mình cũng làm. Ví dụ như đường dây điện này hư rồi thì cần thay dây điện mới chẳng hạn. Khi làm thì không phải một mình mình mà làm chung với các anh em khác. Nói chung là việc nào mình làm được thì mình kham. Hoặc công việc đó là của ông B nhưng ổng bận nhờ mình mình làm luôn, đến khi mình bận thì nhờ anh em khác thay mình vậy.

PV: Công việc của anh có gặp phiền hà, khó khăn gì không ? Có khi nào bị mất xe không ?

Anh Tuấn: Có chứ! Có những lúc có những người cứ để xe ngoài này cho gần cổng để thuận tiện lấy ra về. Những lúc đó mình nói nhỏ nhẹ với họ là ‘anh ơi/ chị ơi/ bác ơi để xe ở đây không được vì chút nữa xe nó dồn đầy ở đây mà trong kia trống không’ thì họ dẫn vô trong. Nhưng có lúc mình nói họ dắt vô kia nhưng họ không chịu cứ để ì ra đó buộc mình phải tự dắt vô thôi chứ để như vậy thì những người đến sau lấy đường đâu mà dẫn xe vô nhà thờ. Đến cuối giờ các em thiếu nhi sinh hoạt xong (sau Thánh Lễ khoảng 40 phút) mà có một số xe để rải rác thì tụi anh gom lại một chổ cho dễ quản lý.

Việc mất xe thì hiếm lắm. Giáo họ giữ thì có mất, riêng tụi anh giữ thì không bao giờ mất. Anh với anh Bình thì chuyên ghi số xe và nhìn mặt người gửi xe vì tụi anh có cách riêng của mình để nếu người lạ có nhặt được vé xe thì cũng không thể biết mà lấy xe, còn nếu người mất vé mà tụi anh biết đó là anh đó/ chị đó hay đi chiếc xe đó số đó màu đó thì tụi anh cũng giải quyết cho lấy xe về. Tuy nhiên, cũng có lần có người nhặt được vé ra lấy xe. Anh biểu đứng đợi một chút. Anh vô nhà thờ tìm người chủ thật sự của chiếc xe để ra nhận mặt. Khi thấy tụi anh cùng ra thì kẻ gian hoảng hồn bỏ chạy, còn em thiếu nhi mất vé xe thì mặt xanh méc vì sợ mất xe.

PV: Xuất phát từ đâu mà anh giữ xe cho nhà thờ ? Anh cảm thấy công việc này có vất vả lắm không ?

Anh Tuấn: Xuất phát từ cái tâm của mình, từ việc mình hào hứng, mình thích và đây cũng là việc làm phúc đức nên mình làm. Đồng ý là công việc này không công, không lương thiệt. Nhưng thay vì người ta có của người ta dâng của vô nhà thờ, còn mình không có của nên mình dâng ít công, phụ giúp nhà thờ được tới đâu hay tới đó. Cái nào mình cảm thấy mình làm được thì làm còn cái nào mình làm không được thì đông người cũng xong. Không có việc gì mà Chúa không cho làm được hết. Một người làm không được thì ba người, ba người không được thì năm người, năm người không được thì bảy người thì thế nào cũng được. Công việc nhà thờ lúc nào nhiều thì cũng vất vả, bình thường thì cũng không có gì.

PV: Lúc giữ xe thì làm sao anh tham dự Thánh Lễ ? Anh có khi nào cảm thấy thiệt thòi khi người ta ngồi trong mát ở nhà thờ tham dự Thánh Lễ, còn anh và các anh em khác đứng ngoài nắng ngoài mưa ?

Anh Tuấn: Lúc anh giữ xe đâu đó xong rồi thì đến lúc Cha dâng Mình Thánh thì anh đến góc đằng kia (anh chỉ tay về phía các cửa hông của nhà thờ) anh chú tâm tham dự Thánh Lễ. Anh tham dự ba phần quan trọng Thánh Lễ chủ yếu là mình hiểu được bài giảng hôm đó, bài giảng nói về cái gì, về ngày gì để mình không chia trí trong lúc cha dâng Mình Thánh. Ngoài ra, mình ở tại đây giữ xe để mọi người yên tâm tham dự Thánh Lễ. Hoặc là tối thứ bảy anh đi Lễ rồi, đi thay cho ngày chủ nhật thì sáng chủ nhật anh giữ xe để các anh em trong đội cũng yên tâm tham dự Thánh Lễ.

Không có gì là thiệt thòi cả vì khi mình đứng ở đó là mình đã được phước, được ơn rồi. Còn khi mình đi ở bên ngoài nhậu nhẹt, đi chơi thì mình mới không được phước được ơn gì cả. Cho nên việc mình giữ xe cho mọi người an tâm tham dự Thánh Lễ là mình cảm thấy vui rồi. Bỡi vì Chúa không cho mình cái này thì Chúa cũng cho mình cái khác. Mình giúp người ta mình không cần người ta phải trả ơn, tự động Chúa trả cho mình cách này cách khác.

PV: Anh làm công việc này được bao lâu rồi ? Vậy công việc làm ăn, việc nhà anh sắp xếp làm sao ?

Anh Tuấn: Tính ra cũng được gần mười năm. Từ hồi anh còn là cộng tác viên, rồi làm phó khu, lên trưởng khu, ủy viên phục vụ, lên trưởng khu ba, rồi làm thư ký ban điều hành Giáo họ. Vừa rồi có bầu lên làm phó nội vụ, nhưng anh không dám nhận vì thời gian mình không có nhiều còn phải lo cơm áo gạo tiền nên mình chỉ làm thư ký. Khi mình nhận là mình phải có thời gian để lúc nào cũng ở ngoài này, một tuần phải sáu bảy ngày ở đây. Không nhận thì thôi chứ nhận mà không làm tròn cũng kẹt lắm.

Nói về việc nhà thì bà xã anh là kế toán ở Ngân hàng Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu, thằng nhóc học đại học ở trong trường, còn anh thì chạy xe ôm. Mình làm chủ được mình, mình chạy xe ôm cho một số khách quen giống như là tài xế riêng của họ, hễ họ nhá máy là anh chạy tới đưa họ đi. Còn thu nhập thì cũng bèo bèo nhưng cũng đủ sống. Tiền học của thằng nhóc là do bà xã anh lo vì lương của bà xã anh thì ổn định chứ không mưa gió như mình. Thông thường thì những ngày phép năm của bà xã anh là những ngày gia đình anh gặp nhau, bà xã anh vô đây. Còn anh thì anh thường xuyên ra đó thăm bà xã vì anh cũng còn ông già anh sống ngoài đó nữa. Vì công việc của hai người là như vậy nên phải như vậy chứ làm sao được.

Anh làm một mình, sống một mình, một mình làm chủ thời gian nên mới làm ở nhà thờ này được. Phần đông những anh em giúp ở đây đều có công việc không ổn định, chứ công việc ổn định thì không thể nào làm được vì nhà thờ có thể cần mình làm bất cứ lúc nào.

******

Hình ảnh các anh giữ xe vui vẻ xé vé, kiểm vé, dẫn xe tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng cả tâm tình yêu mến Chúa bằng cách phục vụ chính anh em quanh mình.

Nguyễn Quân TT