VRNs (05.10.2011) – Sài Gòn – Đọc kinh Mân Côi là cách người lớn giáo dục, truyền đức tin, làm gương sống cho con cái noi theo để thành nếp tốt cho gia đình.
Sáng ngày 02.10.2011, trong Thánh Lễ kính mừng Mẹ Mân Côi, Cha tuyên úy Giuse Lê Hoàng của thiếu nhi Thánh Thể xứ đoàn Fatima tại nhà thờ Thiên Ân (hạt Tân Sơn Nhì, giáo phận Sài Gòn) đã mời gọi thiếu nhi thánh thể và cộng đoàn dân Chúa cùng đọc Kinh Mân Côi sống trong tháng Đức Mẹ Mân Côi để hiệp thông cầu nguyện cho những đồng bào đang bị thiên tai lũ lụt, cho Giáo hội Việt Nam và cho từng gia đình bé nhỏ trong giáo xứ.
Năm 1917, Đức Mẹ Maria đã hiện ra trên cây sồi ngoài đồng với ba em bé chăn cừu tại Fatima nhỏ bé với thông điệp nhắn nhủ với mọi người hãy ăn năng tội lỗi và năng lần chuỗi Mân Côi sốt mến, tôn thờ thánh tâm Mẹ và Mẹ sẽ không bao giờ quên con cái nhất là trong giờ lâm chung. Từ đó, Fatima trở thành trung tâm hành hương cho dân Chúa khắp nơi trên thế giới đến với Mẹ Fatima, và cũng là khởi đầu cho việc lần hạt Mân Côi siêng năng và sốt mến hơn trước.
Ngày nay, việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi đã trở thành thói quen và không thể thiếu trong các gia đình Công giáo. Người Công giáo thường cùng nhau đọc trước khi đi ngủ, đọc trên xe trong các chuyến hành hương, đọc tại tượng đài Đức Mẹ Maria,…. Cách sốt mến và dâng hết tâm tình lên Mẹ, nguyện Mẹ chở che, cứu giúp. Bài kinh kể lại một phần đời của Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa trời ờ cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, con lòng bà gốm phúc lạ” và lời cầu xin của tất cả mọi người với Mẹ rằng: “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Con người chính là thụ tạo của Thiên Chúa, lúc ra đi chỉ có thể hoặc là nhờ Mẹ mà đến được với Chúa hoặc là sa vào địa ngục là điều không ai muốn.
Tuy nhiên, không phải gia đình Công giáo nào cũng đọc kinh tối và cũng không phải gia đình Công giáo nào cũng đọc kinh tối có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Giờ đây, quanh ta luôn có những thú vui hấp dẫn mà con người cứ mải mê với những thú vui trần tục nên quên mất đường về nhà Cha của mình, quên mất cuộc sống thật đời đời mà Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở. Con người cứ quây cuồng với bao lao nhọc vì tiền của, vật chất thế gian mà quên xây cho mình ngôi nhà trên thiên đàng. Con người có muôn ngàn lý do để từ chối Chúa nhưng lại luôn khát khao, mong muốn Chúa nhận lời.
Trong Thánh Lễ, Cha Hoàng đã mời gọi các bé Chiên Con, ấu Nhi, Thiếu Nhi giơ tay xung phong lần lượt đứng lên đọc kinh Mân Côi. Không khí trong nhà thờ ấm cúng và vui hẳn lên nhờ các bài kinh “Kính mừng Maria…” và những tràng vỗ tay cho các bé liên tục, liên tục. Mỗi bé đọc xong, Cha Hoàng thưởng cho một tấm hình Đức Mẹ Maria nho nhỏ xinh xắn nên bé nào cũng muốn có phần, các bé cứ đưa tay. Sau gần hai mươi bé có quà nhờ đọc kinh Mân Côi, số bé còn lại vẫn cứ đưa tay kêu lên: “Cha ơi, con. Con nè Cha”. Cha Hoàng vui vẻ nói: “Hình Đức Mẹ ở đây cha phát hết cho các con rồi. Con nào muốn có thì lên phòng cha, đọc Kinh Mân Côi cho cha nghe thì cha sẽ thưởng tiếp”. Trong bài giảng của mình, Cha Hoàng đã nêu một ví dụ:
“Một ngày kia, có một người phụ nữ dẫn con mình ra sân bay. Vì sợ lạc mất con nên bà mẹ đã dùng một sợi dây buộc vào tay con. Có sợi dây buộc nên bà mẹ an tâm là con luôn ở gần mình. Người ta thấy lạ nên hỏi tại sao bà buộc tay con bà thì bà nói là buộc con như vậy để con không đi lạc đường. Đối với chúng ta, chuỗi Mân Côi chính là sợi dây ràng buộc giữa Đức Mẹ Maria và chúng ta là con cái Ngài. Có chuỗi Mân Côi thì Mẹ an tâm con cái Mẹ đi đúng đường nẻo của Chúa định cho chúng ta. Cho nên, các con thiếu nhi và Cộng đoàn cùng nhau đọc kinh Mân Môi hàng ngày để trở thành một tràng kinh Mân Côi sống nối kết tất cả chúng ta thành chuỗi Mân Côi vô tận của Mẹ để Mẹ luôn thương yêu và nhận lời chúng ta.
Việc đọc kinh Mân Côi không cần thiết là chúng ta phải đọc thật nhiều về số lượng mà cái chính là ta phải đọc cách sốt mến và suy niện về Mẹ. Trong giờ kinh tối, các con cùng ba mẹ, anh chị em quây quần bên nhau trước bàn thờ Chúa đọc kinh Mân Côi là điều rất cần thiết và hữu ích. Bỡi vì Chúa nói là hễ ở đâu có hai ba người tụ lại cầu nguyện thì có Chúa ở đó. Chúng ta đọc kính Mân Côi của Mẹ thì chắc chắn Mẹ sẽ cầu bầu ước nguyện chủa chúng ta với Chúa, Mẹ nhận lời xin của chúng ta”.
Cha Hoàng thông báo là sau Thánh Lễ, đoàn thiếu nhi từ Chiên con, Ấu, Thiếu, Bao đồng, Nghĩa sĩ xếp hàng lên nhận tờ Kinh Mân Côi sống. Mỗi em thiếu nhi nhận một suy niệm mầu nhiệm khác nhau trong 20 mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Cha Hoàng mời gọi các em thiếu nhi đọc 10 kinh Mân Côi mỗi ngày để kết thành chuỗi Mân Côi sống cầu nguyện cho đồng bào đang bị thiên tai lũ lụt, cho Giáo hội Việt Nam và cho gia đình.
Sau Thánh Lễ, các anh chị huynh trưởng đã cùng đọc 10 kinh Mân Côi với đoàn thiếu nhi thánh thể và hướng dẫn hướng các em lên nhận tờ Kinh Mân Côi sống. Khi được hỏi các em có thích đọc kinh Mân Côi không và có hứa là đọc kinh trong tháng Mân Côi này không thì cả ngàn cánh tay các bé giơ lên. Các em hăm hở, vui sướng xếp hàng nghiêm trang tuần tự lên nhận tờ Kinh Mân Côi sống và cũng xếp hàng tuần tự ra về với hạnh phúc có Chúa.
Tôi hỏi bé Nguyễn Thị Ngọc Diệp – lớp Khai tâm 2B về việc đọc kinh tối ở nhà, bé cho biết: “Tối con đọc kinh với mẹ con và anh chị, ba con thì không đọc. Tại mẹ con biểu đọc thì con đọc thôi chứ con cũng không biết tại sao nữa”.
Còn bé Minh Quân – lớp Rước Lễ 1A cho biết: “Tối nào con cũng đọc kinh tối với gia đình. Con đọc kinh để dâng lên cho Chúa”.
Việc đọc kinh tối là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa theo lời mời gọi của Giáo hội. Đây cũng là cách người lớn giáo dục, truyền đức tin, làm gương sống cho con cái noi theo để thành nếp trong gia đình. Người lớn nên tập cho con trẻ có thói quen đọc kinh tối hằng ngày vì khi cùng nhau đọc kinh, suy niệm lời Chúa thì đức tin về Chúa sẽ càng vững vàng hơn trong chúng ta. Con người có thể cho con cái tiền của nhưng không thể cho con cái nước thiên đàng. Vì vậy, nhân tháng Mân Côi, nếu những ai đang đọc kinh Mân Côi thì hãy đọc cách sốt sắng hơn còn những ai chưa đọc thì từ nay hãy đọc kinh lần chuỗi Mân Côi vì đây là con đường duy nhất để vào nước trời.
Sau Lễ, tôi ra về với hình ảnh một con bé Chiên con khăn hồng khoảng bốn, năm tuổi, nhỏ con, gầy gầy, thắp bé với giọng đọc kinh dõng dạc nhưng hãy còn đớt đác. Hình ảnh con bé lúc la lúc lắc đứng không yên ấy vậy mà thuộc kinh đáo để. Đây chính là vốn quý của gia đình, của giáo hội mà người Công giáo cần trân trọng và phát huy.
Nguyễn Quân TT